VnReview
Hà Nội

Vì sao các nhà máy tồi tàn ở Trung Quốc được sản xuất hàng cao cấp?

Hối lộ và giả mạo sổ sách là những mánh khóe được "các chuyên gia tư vấn" sử dụng để giúp hàng loạt nhà máy tại Trung Quốc vượt qua khâu kiểm tra chất lượng.

Điều tra của;South China Morning Post cho thấy hàng loạt nhà máy tại Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng nhiều quy định về lao động và sản xuất, nhưng vẫn dễ dàng vượt qua các đợt kiểm tra của thanh tra nhà nước, và giành được hợp đồng sản xuất hàng hóa cho các thương hiệu phương Tây.

Các ông chủ Trung Quốc thuê "chuyên gia tư vấn" để giúp nhà máy "sống sót" sau các cuộc kiểm tra chất lượng. Phóng viên South China Morning Post đóng giả chủ một nhà máy sản xuất hàng bán sang châu Âu và đến gặp chuyên viên tư vấn ở Thượng Hải.

"Chỉ cần bên ông hợp tác, đảm bảo không kẻ nào gây rối hôm thanh tra đến, hướng dẫn công nhân trả lời suôn sẻ thì chúng tôi đảm bảo nhà máy sẽ vượt qua vòng kiểm tra", chuyên viên tư vấn ở Thượng Hải nói với phóng viên South China Morning Post.

Các công ty tư vấn cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, từ hướng dẫn công nhân trả lời câu hỏi của thanh tra cho đến chỉnh sửa sổ sách, ví dụ mọi công nhân đều được trả lương đầy đủ, được nhận lương làm việc ngoài giờ... dù sự thật hoàn toàn trái ngược. Một số chuyên viên tư vấn có quan hệ tốt với thanh tra và dùng quan hệ đó để đảm bảo nhà máy vượt qua vòng kiểm tra.

Nhiều nhà máy Trung Quốc không đảm bảo chất lượng sản xuất và lao động, nhưng vẫn dễ dàng vượt vòng kiểm tra của thanh tra nhà nước. Ảnh: CNBC.

Phong bì là điều quan trọng nhất

Các công ty tư vấn có sẵn phần mềm để tạo ra sổ sách "đẹp như mơ" chỉ trong 90 giây. Thậm chí, có trường hợp một nhà máy không đạt chuẩn bị kiểm tra, nhưng chuyên viên tư vấn dùng chiêu "trộm long tráo phụng", đưa thanh tra đến một nhà máy khác đạt chuẩn để kiểm tra.

Tuy nhiên, chiêu thức phổ biến nhất được các chuyên viên tư vấn "mách nước" cho chủ nhà máy vẫn là hối lộ. Phóng viên South China Morning Post phỏng vấn 5 công ty tư vấn tại Trung Quốc, tất cả đều cho biết chủ nhà máy phải hối lộ thanh tra nhà nước để trót lọt vượt qua vòng kiểm tra.

Ngoài thanh tra nhà nước Trung Quốc, thanh tra của các tập đoàn quốc tế cũng sẵn sàng nhận phong bì để "tô hồng" kết quả kiểm tra nhà máy. Nhờ đó, hàng loạt nhà máy chất lượng thấp, thường xuyên vi phạm các quy định lao động ở Trung Quốc vẫn nhận được hợp đồng sản xuất cho các thương hiệu nổi tiếng của phương Tây.

"Một số thanh tra sẵn sàng nhận phong bì tại nhà máy trong ngày kiểm tra. Với những người ngại nhận phong bì trực tiếp, chúng tôi sẽ chuyển tiền vào tài khoản của họ một tuần trước đó", đại diện của một công ty tư vấn tại Thượng Hải tiết lộ. Người này nhắc đến hai công ty kiểm toán nổi tiếng của ngành sản xuất toàn cầu.

Các chủ nhà máy Trung Quốc thường xuyên hối lộ thanh tra. Ảnh: ABC.

"Một số trường hợp nhận hối lộ còn tinh vi hơn. Thanh tra có thể nói: 'Tôi để quên chiếc đồng hồ Rolex ở nhà máy của ông. Nếu ông trả lại nó, tôi sẽ đảm bảo nhà máy vượt qua vòng kiểm tra'. Những chuyện như vậy xảy ra như cơm bữa ở Trung Quốc", ông Renaud Anjoran, một chuyên gia tư vấn chuỗi cung ứng tại Hong Kong, kể.

"Nếu doanh nghiệp không thuê công ty tư vấn, sẽ có nhiều vấn đề xảy ra với nhà máy mà thanh tra sẽ không bao giờ chấp nhận. Điều đó có nghĩa là thanh tra cũng sẽ không được nhận phong bì. Mà với thanh tra, phong bì là điều quan trọng nhất", một chuyên viên tư vấn khác ở Thượng Hải nhấn mạnh.

Một chuyên viên tư vấn kể đã làm giả toàn bộ sổ sách của một nhà máy giấy ở Đông Hoản. Khi thanh tra đại diện một hãng bán lẻ Canada đến kiểm tra một nhà máy da ở Quảng Châu, chuyên viên này "phù phép" che giấu mọi bằng chứng cho thấy nhà máy sử dụng lao động trẻ em.

Hồi đầu năm nay, đại diện hãng Amfori BSCI đến nhà máy da này kiểm tra. Mọi sổ sách của nhà máy đều không đạt chuẩn, nhưng nó vẫn vượt qua vòng kiểm tra vì chủ nhà máy chi đậm cho thanh tra.

Các chuyên gia ngành sản xuất Trung Quốc mô tả hiện tượng này là "bí mật công khai". Kiểm tra nhanh trên Baidu cho thấy hàng chục hãng tư vấn công khai đảm bảo rằng bất kỳ nhà máy nào cũng có thể vượt qua các vòng kiểm tra nếu trả phí.

"Đây là một nghề bẩn thỉu", ông Anjoran nói về dịch vụ tư vấn cho ngành công nghiệp sản xuất Trung Quốc. "Ai cũng biết về các chuyên viên tư vấn này. Họ thường là cựu thanh tra và hiểu rất rõ về các luật chơi". Giáo sư Sarosh Kuruvilla thuộc Đại học Cornell University cũng nói: "Ai cũng phải tuân thủ luật chơi".

Công nhân chịu thiệt

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, mức lương trung bình trong ngành sản xuất nước này tăng dần hàng năm, từ 6.569 USD/năm hồi 2013 lên 10.792 USD/năm hồi 2019 (tăng đến 64,3%). Người lao động Trung Quốc làm việc hơn 40 giờ/tuần được hưởng lương tăng ca cố định tối đa 3 giờ/ngày, bên cạnh các phúc lợi khác như bảo hiểm xã hội, lương hưu và bảo hiểm y tế.

Việc tuân thủ các quy định của Luật lao động Trung Quốc là thách thức đối với các nhà máy chất lượng thấp, sản xuất hàng giá rẻ. Với một số nhà máy, vượt qua được cuộc kiểm tra thường niên đồng nghĩa với việc sẽ nhận được hợp đồng cung cấp hàng trong nhiều năm.

Ông Ian Spaulding, CEO Elevate Ltd, cho rằng đây là mô hình thanh tra của Trung Quốc là một vấn đề. Theo ông, các cuộc kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên, thay vì chỉ mỗi năm một lần. Khi đó, các sai phạm dễ được phát hiện hơn, việc gian lận cũng trở nên khó thực hiện hơn.

Thay vì kiểm tra trực tiếp, các công ty phương Tây thường thuê một nền tảng kiểm toán, ví dụ như Amfori BSCI, làm điều đó. Trên thực tế, các nền tảng này không tự tổ chức cuộc kiểm tra, mà sử dụng bên thứ ba. South China Morning Post khảo sát kết quả hơn 5.000 cuộc kiểm tra tại Trung Quốc vào năm ngoái và phát hiện hơn 90% nhà máy được kiểm tra bởi các bên thứ ba không minh bạch trong hồ sơ.

Biếm họa mô tả tình trạng gian lận kết quả thanh tra của các nhà máy tại Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post.

Các nhà máy này làm giả hồ sơ về tiền lương, giờ làm việc và thời gian làm thêm của công nhân. Kiểm tra trực tiếp tại các nhà máy sản xuất hàng cho Aldi, Costco Wholesale, Lidl Stiftung & Co và Walmart cho thấy công nhân phải làm thêm giờ nhưng không được trả lương đầy đủ, không có ngày nghỉ và không được bảo hiểm.

Một nhà máy ở Chiết Giang được TUV Rheinland kiểm tra và cho điểm C, nhưng bị phát hiện sử dụng lao động cưỡng bức, chủ chậm trả lương cho công nhân. Sau đó nhà máy này bị phạt 3.000 USD vì không hướng dẫn an toàn cho công nhân, và chủ nhà máy bị xử tù treo 3 năm vì làm giả hóa đơn thuế.

Một loạt nhà máy sản xuất đèn cây thông Noel cho chuỗi siêu thị Lidl (Đức) bị phát hiện buộc công nhân làm việc tới 87,5 giờ/tuần, đồng thời sử dụng lao động trẻ em. Tuy nhiên, các cuộc kiểm tra không hề cho thấy hành vi này.

Nghiên cứu của Đại học Cornell cho thấy hơn 60% các cuộc kiểm toán trong ngành đồ chơi Trung Quốc từ năm 2011-2017 đều "không đáng tin cậy". Theo các báo cáo "dỏm", công nhân ngành này làm việc 53 giờ/tuần và được trả lương đủ 96%. Tuy nhiên, điều tra cho thấy công nhân làm việc 60 giờ/tuần và chỉ được trả lương 79%.

Ông Seal Ansett, Chủ tịch hãng tư vấn At Stake Advisors, nhận định các công ty tư vấn đã tạo ra "một ngành công nghiệp hàng tỷ USD", nhưng biến các cuộc kiểm tra thành "một công cụ vô dụng". Cuối cùng thì các nhà máy sẽ dễ dàng vượt qua mọi cuộc kiểm tra nếu chịu chung chi.

"Nếu nhà máy không hoàn hảo, phong bì là cách tốt nhất. Nếu không có phong bì, chủ nhà máy sẽ phải cung cấp rất nhiều giấy tờ sổ sách cần thiết và điều đó gây tốn kém hàng trăm nghìn NDT. Do đó, phần lớn các nhà máy đưa phong bì", một chuyên viên tư vấn ở Thượng Hải kết luận.

Theo Zing

Chủ đề khác