VnReview
Hà Nội

Mặt tối của công việc kiểm duyệt nội dung tại Facebook

Theo Vice, những kiểm duyệt viên Facebook bị phân biệt đối xử, bóc lột sức lao động và không được hưởng đầy đủ phúc lợi xã hội dù phải làm một công việc dễ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần.;

Hôm 29/1, những người kiểm duyệt nội dung của Facebook ở Ireland và các thành viên của Foxglove - một nhóm hoạt động công nghệ giúp tìm kiếm nhân lực kiểm duyệt nội dung đã cùng nhau tổ chức một cuộc họp báo trên Youtube. Các nội dung được đề cập trong buổi họp này chủ yếu xoay quanh điều kiện làm việc nghèo nàn tại Facebook và yêu cầu cải thiện chúng. Trước đó, họ đã có một cuộc gặp mặt thảo luận trực tiếp về vấn đề này với Phó Thủ tướng Ireland Leo Varadkar. 

Trong nhiều năm, những người kiểm duyệt nội dung trên toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số, điển hình trong đó là tại Facebook, đã phải thực hiện những công việc tác động tiêu cực lên tinh thần. Facebook xem việc kiểm và sàng lọc nội dung có hại là điều thiết yếu cho sự tồn tại của nền tảng, nhưng những nhân viên kiểm duyệt nội dung lại bị phân biệt đối xử khác rõ rệt so với nhân viên thuộc các mảng khác trong công ty. 

Không chỉ vậy, nhân viên kiểm duyệt nội dung Facebook vào công ty thông qua hình thức ký hợp đồng chứ không được tuyển dụng chính thức. Song họ chỉ được mức lương thấp, phải ký các thỏa thuận không tiết lộ nội dung công việc cũng như không được hỗ trợ đầy đủ các phúc lợi xã hội như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm lao động. 

Ibrahim Halawa là một cựu tù nhân chính trị và hiện là trong những nhân viên kiểm duyệt nội dung có mặt trong cuộc họp báo. Ông đã làm việc kiểm duyệt nội dung tại Facebook kể từ khi ra từ ở Ai Cập năm 2017. Hawla tiết lộ rằng mỗi ngày những nhân viên kiểm duyệt như ông phải xem nhiều video, nội dung tiêu cực có tính bạo lực, máu me, khủng bố, cưỡng hiếp… nhưng họ phải xem đi xem lại để phân tích kỹ và loại bỏ chúng khỏi nền tảng.

"Tôi có thể cam đoan nỗ lực hết sức để làm công việc này vì nó không chỉ liên quan đến sự an toàn của một nền tảng mạng xã hội khổng lồ mà còn cả an ninh của một quốc gia, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng tôi phải từ bỏ mạng sống của mình. Tôi sẽ đấu tranh đến cùng", Halawa nêu cao quan điểm.

Tại Ireland, các công nhân đã "khẩn cầu" công ty Covalen – đơn vị chủ yếu mà Facebook thông qua để thuê công nhân ngoài, cho họ được làm việc tại nhà trong suốt mùa dịch. Ban đầu, Facebook đã cho phép tất cả nhân viên trong công ty làm việc online. Tuy nhiên, các nhân viên kiểm duyệt nội dung bị buộc trở lại văn phòng làm việc vào mùa thu năm ngoái. Điều này khiến nhóm kiểm duyệt viên này đã tức giận và chỉ trích rằng công ty đối xử không công bằng vì nhân viên các bộ phận khác vẫn đang ở nhà trong khi họ phải tới văn phòng. 

Facebook cũng đã có những động thái tương tự ở Ấn Độ. Cụ thể, công ty này đã yêu cầu 35.000 nhân viên kiểm duyệt nội dung tại nước này trở lại văn phòng làm việc trong khi các nhân viên mảng khác được phép tiếp tục làm việc từ xa. 

"Chúng tôi đang mạo hiểm với công việc của mình. Chúng tôi đã thử mọi cách để đòi lại công bằng cho bản thân và thậm chí là góp ý ngay tại chính tại trụ sở làm việc. Rất nhiều nhân viên cảm thấy lo lắng, rất nhiều người đã đăng bài ẩn danh lên các phương tiện truyền thông. Làm việc ở một đất nước có tình hình chính trị căng thẳng như Ireland khiến chúng tôi rất lo sợ, nếu được, chúng tôi chỉ cần Facebook đáp ứng ít nhất là các nhu cầu làm việc cơ bản", Hawla chia sẻ. 

Paria Mosfeghi, một nhân viên kiểm duyệt nội dung khác của Facebook từng làm việc tại Ireland trong nhiều năm, cũng bày tỏ lo ngại tương tự trong cuộc họp báo và trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Leo Varadkar. 

"Điều khiến tôi trăn trở nhất trong những năm làm nghề này là bị đối xử như một công dân hạng hai. Những người giám sát, đảm bảo công việc của tôi được xem là nhân viên chính thức. Họ được hỗ trợ sức khỏe tâm lý và được trả lương một cách xứng đáng còn chúng tôi thì không", Mosfenghi nói. 

"Facebook coi trọng công việc của họ nhưng tại sao không đánh giá cao công việc nhưng tại sao lại không đánh giá cao công việc của chúng tôi? Chúng tôi đều muốn được hưởng đầy đủ quyền lợi và sự bảo vệ giống như các nhóm nhân viên khác của Facebook. Cách mà Facebook hành xử khiến chúng tôi cảm thấy bị phân biệt đối xử và không công bằng. Facebook là một trong những công ty công nghệ giàu nhất thế giới nhưng lại ép chúng tôi phải mạo hiểm cuộc sống của mình để làm việc và đem lại sự an toàn cũng như lợi nhuận cho họ. Họ không đủ tư cách để thuê chúng tôi", Mosfenghi bày tỏ sự bức xúc.

Tại cuộc họp, các kiểm duyệt viên của Facebook tại Ireland đã nộp đơn kiến nghị Varadkar và yêu cầu ông có những hành động quyết liệt với mục đích buộc Facebook phải đối xử bình đẳng, cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt hơn, chấm dứt văn hóa trả thù và giữ bí mật. 

Cori Crider, giám đốc Foxglove, người cũng tham dự cuộc họp khẳng định: "Bằng cách lên tiếng trước hàng nghìn kiểm duyệt viên trên khắp thế giới, Ibrahim và Paria đã làm được một điều thực sự vĩ đại, họ xứng đáng được gọi là anh hùng. Facebook đã áp dụng một văn hóa đe dọa và giữ bí mật tại nơi làm việc trong nhiều năm. Mọi người đều có quyền được hưởng các điều kiện làm việc công bằng và an toàn ở mọi nơi".

Chí Tôn

Chủ đề khác