VnReview
Hà Nội

'Mọi người đều sợ hãi về năm 2021': Người châu Âu đang mất việc làm, sự nghiệp và cả hy vọng

Người dân ở châu Âu đang dần mất niềm tin vào năm 2021 khi đang có quá nhiều khó khăn vì Covid-19 bủa vây, thất nghiệp gia tăng và ngành du lịch bế tắc.

Chris Wiseheart là một người đàn ông sinh ra ở Detroit (Mỹ) nhưng lại xây dựng công việc kinh doanh trong ngành vận tải ở châu Âu trong gần 2 thập kỷ qua. Năm ngoái, khi đang chuẩn bị cho công việc của mình thì người đàn ông 65 tuổi nhận được hung tin: 'Ngày 13/3, tất cả phải tạm dừng. Các buổi hòa nhạc bị hủy và các chỗ đặt trước cũng vậy'. Thời điểm đó, anh đang chuẩn bị cho dịch vụ đưa đón sân bay của các tên tuổi lớn trong làng âm nhạc thế giới. Tuy nhiên, mọi thứ đã bị hoãn lại.

Italia bắt đầu đóng cửa biên giới từ giữa tháng 3 năm ngoái. Thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng áp dụng lệnh cấm đi lại từ châu Âu trong 30 ngày. Sau đó, lần lượt nhiều nước châu Âu cũng ra các lệnh cách ly nghiêm ngặt. Gần 1 năm sau, châu Âu vẫn bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch và hàng nghìn doanh nghiệp như của Wiseheart đang phải vật lộn tìm cách tồn tại. Mùa hè năm ngoái, người đàn ông này có cảm giác lạc quan khi các ca bệnh ở Cộng hòa Séc (nơi Wiseheart sống) giảm, việc cách ly được nới lỏng. Tuy nhiên, giờ đây tất cả đã nhường chỗ cho sự tuyệt vọng.

Quang cảnh đìu hiu trước một nhà hàng ở Berlin (Đức) vào tháng 1/2021

Người đàn ông 65 tuổi nói: 'Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ nhưng mọi thứ trở nên vô vọng vì đại dịch. Vợ tôi đã có kế hoạch du lịch và làm điều gì đó cho những năm tuổi già nhưng tất cả đều bị hoãn lại'. Chris Wiseheart đã sa thải tất cả 7 nhân viên của mình. Ông đang cố gắng tiếp tục thanh toán tiền thuê 2 chiếc xe tải với hy vọng rằng công việc kinh doanh sẽ khởi sắc hơn vào dịp Lễ phục sinh (đầu tháng 4/2021). 'Sẽ rất khó để chúng tôi thoát ra khỏi mớ hỗn độn này nhưng tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm được' - Chris Wiseheart; nói với CNN.

Các chính phủ trên khắp châu Âu đã yêu cầu phong tỏa, cách ly vào tháng 12 để đối phó với sự gia tăng đột biến các những trường hợp tử vong do Covid-19. Một năm qua, kinh tế châu Âu rơi vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ. Các lệnh phong tỏa ngày càng được thắt chặt ở một số nơi trong vài tháng qua và hậu quả nặng nề đè nặng lên vai người lao động cũng như doanh nghiệp.

Nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) đang suy thoái khi GDP quý 4/2020 tiếp tục giảm và các nước lớn như Đức hay Pháp vẫn khó khăn trong đầu năm 2021. Đồng thời, tình trạng thiếu vắc xin trầm trọng vẫn có nguy cơ kéo dài. GDP của Anh, một nước nằm ngoài EU có thể đã giảm trong quý 4 năm ngoái và tiếp tục giảm trong quý 1 năm nay.

Khi đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, các gói hỗ trợ do nhà nước tài trợ để giúp doanh nghiệp 'sống sót' cũng đã đi đến giới hạn. Bất chấp mọi nỗ lực, tỷ lệ thất nghiệp của EU đạt 7,5% trong tháng 12/2020. Điều đó có nghĩa là 16 triệu người thất nghiệp, tăng gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm 2019.

Thất nghiệp gia tăng

Christina Ditz, 31 tuổi, là kỹ thuật viên may mặc của thương hiệu thời trang nam Baumler (Đức). Cô phải giảm giờ làm khi đại dịch xảy ra vào tháng 3/2020 và nhận được 60% lương theo hệ thống việc làm ngắn hạn của Đức có tên 'Kurzarbeit'.

Cô dùng tiền tiết kiệm để trang trải chi phí sinh hoạt, bao gồm cả tiền thuê nhà với hy vọng tình hình được cải thiện. Sau đó, vào tháng 8, Christina được quay trở lại làm việc và đó là thời điểm cô gái có hy vọng rằng Đức sẽ vượt qua đại dịch một cách an toàn.

Christina Ditz

Christina đã ngừng công việc được trả lương cao tại Hugo Boss vào mùa hè năm 2019 để trở về quê ở Ingolstadt và gần gũi hơn với gia đình. Công việc ở Baumler vào đầu năm 2020 với cô như là giấc mơ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, đầu tháng 10, Baumler - thương hiệu 86 năm tuổi nộp đơn xin phá sản. Christina hiện giờ đã chuyển về ở với bố mẹ và đang dự tính làm gì đó khác, ngoài lĩnh vực thời trang. Cô nói: 'Ngành công nghiệp thời trang gần như đã chết vì Covid-19, đặc biệt là ở Ingolstadt - nơi tôi dự định làm việc cả cuộc đời mình'.

Các công ty thời trang ở châu Âu bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi đại dịch. Doanh số bán lẻ hàng dệt, quần áo, giày dép trong tháng 11/2020 ở đây thấp hơn 25% so với tháng 2 cùng năm. Tại Vương quốc Anh, trung tâm nghiên cứu bán lẻ dự báo sẽ có thêm 200.000 người mất việc làm trong lĩnh vực này. Họ cũng dự báo nửa đầu năm 2021 tình hình còn tồi tệ hơn năm 2020.

Ngành du lịch gặp khủng hoảng

Ngành du lịch tại châu Âu đối mặt với triển vọng thậm chí còn ảm đạm hơn ngành dệt may. Trước đây, du lịch rất quan trọng với nền kinh tế một số nước châu Âu như Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp với vô số doanh nghiệp hoạt động. Theo Ủy ban châu Âu, có tới 11,7 triệu việc làm trong các doanh nghiệp phụ thuộc vào du lịch đang gặp rủi ro.

Ian Smulders làm hướng dẫn viên du lịch ở Crete - một hòn đảo nổi tiếng ở Hy Lạp từ năm 2004. Năm 2020, công việc của anh gặp muôn vàn khó khăn vì đại dịch Covid-19. Nhiều đồng nghiệp của Ian đã rời đảo hoặc nếu ở lại như anh thì phải vật lộn để vẫn còn nhìn thấy thức ăn đặt trên bàn.

Ian Smulders

Giờ đây Ian - người nói được 6 thứ tiếng cho rằng chẳng có gì chắc chắn về Covid-19 nữa. Khách hàng của anh chỉ đơn giản là quá sợ đi du lịch. Ian cho rằng năm 2021 sẽ còn tồn tệ hơn nhiều những gì mà năm 2020 đã mang lại.

Theo tổ chức du lịch thế giới của Liên hợp quốc, khách du lịch đến châu Âu trong năm 2020 giảm 70% so với 2019. Tức là nơi đây đã mất đi khoảng 500 triệu lượt khách du lịch quốc tế - mức giảm lớn nhất trên toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng triển vọng tổng thể cho sự phục hồi du lịch của châu Âu trong năm 2021 dường như là rất ít. Có thể mất tới 2,5 - 4 năm nữa thì du lịch quốc tế mới trở lại mức của năm 2019.

Không thấy ánh sáng cuối đường hầm

Tại thị trấn Crowborough của Anh, cách London 45km về phía nam có công ty Suits to Suit chuyên về tổ chức đám cưới, cho thuê vest đám cưới đang tìm cách phục hồi. Andrea Woods - chủ sở hữu doanh nghiệp này nói với CNN: 'Có vẻ như sự tồi tệ sẽ không kết thúc vào thời điểm này. Các chú rể được cho là sẽ tổ chức đám cưới năm 2020 đã rời lịch sang năm 2022. Mọi người đều sợ hãi về năm 2021'.

Woods đang cân nhắc tìm việc tại một cửa hàng tạp hóa để trả tiền thuê mặt bằng mới. Hiện tại, các bộ vest cưới đang dồn ứ và chất đầy từng ngóc ngách trong ngôi nhà của cô. Đám cưới cuối cùng Woods có việc để làm là từ năm 2019.

Sự hoang tàn bên trong một cửa hàng thời trang đã đóng cửa ở London

Nếu không có sự hỗ trợ thêm của chính phủ, Liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ của Anh ước tính rằng 250.000 công ty ở nước này sẽ phá sản trong 12 tháng tới. Theo một báo cáo vào tháng 11/2020 của Văn phòng thống kê quốc gia Anh, 1/3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống và lưu trú không tự tin rằng họ có thể tồn tại trong 3 tháng tiếp theo.

Đối với Robin Thuillez, 27 tuổi, chủ sở hữu của một quán bar tại Paris thì mọi thứ đang thật tồi tệ. Quầy cocktail của anh đã đóng từ tháng 3 năm ngoái. Nó không thể mở lại vào mùa hè năm ngoái vì các yêu cầu vệ sinh và xã hội. Thuillez cho biết: 'Trong 10 tháng qua, tôi đã tìm người mua lại quán bar này. Nhưng trong thời gian chờ đợi, tôi vẫn phải trả tiền thuê nó'.

Thuillez may mắn có khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 1.800 USD từ chính phủ Pháp để trang trải cho chi phí kể trên. Anh cũng có khoản trợ cấp thất nghiệp tạm thời vì công việc chính tại một nhà hàng Pháp bị đình trệ do nơi đó bị đóng cửa từ tháng 10 năm ngoái.

Tuy nhiên, Thuillez không nghĩ rằng mình có thể cân đối ngân sách lâu hơn nữa. 'Nếu điều này tiếp diễn, tôi sẽ không thể tiếp tục trả tiền thuê nhà ở Paris và phải về ở với bố mẹ. Tôi không biết phải làm gì nữa. Chúng tôi đang không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm' - Thuillez chia sẻ.

Nguyễn Dương Theo CNN

Chủ đề khác