VnReview
Hà Nội

18 người chết và hàng trăm người mất tích trong trận tuyết lở thảm khốc trên dãy Himalaya

Ít nhất 18 người đã chết và khoảng 200 người mất tích sau khi một đoạn sông băng ở Himalaya bị vỡ vào Chủ nhật (ngày 7 tháng 2), gây ra một trận tuyết lở và lũ quét xuyên qua một đập thủy điện gần đó. Một con đập khác, nằm xa hơn về phía hạ lưu, cũng bị lũ lụt làm hư hại.

Đoạn video do những người chứng kiến ​​ghi lại cho thấy dòng nước lũ dữ dội tràn qua một thung lũng đá ở Uttarakhand - một bang của Ấn Độ trên dãy Himalaya giáp Trung Quốc và Nepal - trước khi xé toạc con đập với một đống đá, bùn, băng và mảnh vỡ.

Hình ảnh ghi lại cảnh nước lũ tại bang Uttarakhand( Ấn Độ)

Nhiều người mất tích được cho là nhân viên làm việc tại hai con đập. Theo BBC, hơn một chục công nhân đã được giải cứu khỏi một đường hầm ngập nước hôm Chủ nhật, nhưng vẫn còn tới 40 người khác bị mắc kẹt trong đường hầm thứ hai.

Công tác cứu hộ đang được gấp rút tiến hành

Trận tuyết lở bắt đầu vào khoảng 10:45 sáng theo giờ địa phương (12:15 sáng EST) Chủ nhật, khi một phần của sông băng Nanda Devi bị vỡ và lao xuống dòng sông bên dưới. Sông băng Nanda Devi nằm trên đỉnh núi cùng tên, cao hơn 25.600 feet (7.800 mét), là ngọn núi cao thứ hai ở Ấn Độ. (Ở độ cao 8.580 m, đỉnh Kangchenjunga, nằm ở biên giới với Nepal, là đỉnh núi cao nhất ở Ấn Độ và cao thứ ba trên thế giới.)

Các nhà chức trách Ấn Độ vẫn đang điều tra nguyên nhân của trận tuyết lở. Tuy nhiên, các sông băng ở Himalaya của Uttarakhand được biết là cực kỳ mỏng manh và đang tan chảy nhanh hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Science Advances cho biết, tỷ lệ băng mất đi trung bình trên dãy Himalaya đã tăng gấp đôi từ năm 1975 đến năm 2016. Báo cáo ‘Đánh giá Hindu Kush Himalaya' dự đoán rằng một phần ba sông băng trong khu vực có thể biến mất vào cuối thế kỷ này, ngay cả khi các mục tiêu về khí hậu được đáp ứng.

Theo đài NPR của Mỹ, các nhà bảo vệ môi trường từ lâu đã cảnh báo về các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại khu vực có băng mỏng này. Thực tế, bang Uttarakhand (Ấn Độ) đã trải qua một thảm kịch thậm chí còn lớn hơn vào năm 2013, khi lượng mưa gió mùa kỷ lục gây ra lũ lụt khiến khoảng 6.000 người thiệt mạng. Thảm họa, được gọi là "sóng thần Himalaya," xóa sổ vô số làng mạc, cầu và đường xá.

Yen Kim Theo Live Science

Chủ đề khác