VnReview
Hà Nội

Nhật Bản có hệ thống y tế tốt nhất thế giới nhưng tại sao vẫn 'khốn đốn' vì Covid-19?

Hệ thống chăm sóc y tế của Nhật Bản được coi thuộc loại tốt nhất thế giới nhưng trong đại dịch Covid-19 nước này vẫn rơi vào tình trạng thiếu giường bệnh một cách nghiêm trọng.

Hệ thống y tế 'khốn đốn' vì Covid-19

Vào cuối tháng 12 năm ngoái, Su nhiễm Covid-19. Bà mẹ 2 con bị sốt dai dẳng và ho. Cô biết rằng với bệnh nền viêm phế quản mãn tính và hen suyễn khiến bản thân rất dễ bị bệnh nặng khi đã nhiễm virus SARS-CoV-2. 'Khi đi ngủ, tôi tự hỏi mình rằng liệu sớm mai có còn được thức dậy hay không' - Su (tên đã được thay đổi) kể với CNN.

Khi tình trạng bệnh trở nặng, người phụ nữ 32 tuổi gọi đến trung tâm y tế công cộng ở tỉnh Hyogo để được hỗ trợ nhưng không ai nghe máy. Thay vào đó, cô cách ly trong căn phòng ngủ nhỏ xíu của mình. Các con của Su mới 3 và 6 tuổi ngủ một mình trong phòng khách gần 2 tuần. Su cho biết cô nói chuyện với các con bằng máy tính bảng và thường xuyên nghe thấy tiếng chúng đánh nhau.

Phòng khách nơi các con của Su tự sinh hoạt với nhau

Cô nói tiếp: 'Các con tôi bị mắc kẹt trong phòng khách nhỏ và không được ra ngoài trong suốt; hơn 10 ngày. Tôi cảm thấy mình bị bệnh và tình trạng thật khủng khiếp nhưng cảm giác để con một mình còn khủng khiếp hơn'.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản - quốc gia có số giường bệnh tính trên đầu người cao nhất thế giới, trước đây được ca ngợi về chất lượng dịch vụ rất cao. Nước này còn được coi là nơi có tuổi thọ bình quân đầu người cao hàng đầu thế giới, cơ sở vật chất hoàn thiện và giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải chăng.

Các con của Su

Nhưng đại dịch Covid-19 đến và kéo hệ thống y tế tiên tiến này đến bờ vực thẳm. Nhật Bản đang phải đối mặt với một làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất từ khi dịch bệnh bắt đầu. Số người nhiễm Covid-19 ở nước này tăng chóng mặt trong suốt 2 tháng qua.

Dù số ca nhiễm bệnh đã giảm từ khoảng 7.000 xuống 3.000 người mỗi ngày trong thời gian gần đây nhưng hệ thống y tế của Nhật Bản vẫn rất căng thẳng. Tính đến ngày 4/2, hơn 8.700 người ở 10 quận, huyện tại đất nước này có kết quả dương tính với Covid-19 đang phải chờ giường bệnh tại các trung tâm y tế. Trước đó 1 tuần, hơn 18.000 người tại 11 quận phải chờ đợi điều tương tự.

Điều đó có nghĩa sẽ có những người đã chết ở nhà vì Covid-19 hoặc phải một mình chống chọi với bệnh tật khi tình trạng ngày càng xấu đi và rồi lây lan virus SARS-CoV-2 cho các thành viên trong gia đình.

Dù rằng Nhật Bản có số ca nhiễm Covid-19 vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ nhưng các chuyên gia cho rằng kỳ vọng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản là rất khác. Kể từ những năm 1960, hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân đã được cung cấp cho tất cả công dân Nhật Bản, bất kể thu nhập hay tình trạng bản thân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết việc quá dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc khiến nhiều bệnh nhân tìm kiếm sự chăm sóc nhiều hơn mức cần thiết.

Tiến sĩ Kentaro Iwata, giáo sư và bác sĩ tại bệnh viện Đại học Kobe cho biết: 'Chúng tôi coi việc được chăm sóc sức khỏe như nước máy, là điều hiển nhiên và rất quan trọng. Nhưng bây giờ có hàng chục nghìn người bị Covid-19, phải ở nhà và không thể tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Họ không thể nhập viện và thậm chí không được gặp bác sĩ. Đó là thực tế rất khắc nghiệt và là điều khó chấp nhận được đối với nhiều người Nhật Bản'.

Naoiki Ikegami, giáo sư danh sự tại Đại học Keio cho biết không có gì lạ ở các nước phương Tây nếu một bệnh nhân Covid-19 phải ở nhà và chờ để được đến bệnh viện. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, hầu hết mọi người đều tự động nhật viện. Tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 ở Nhật Bản vẫn cao hơn nhiều nước khác.

Các lỗi trong hệ thống y tế

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), vào năm 2019, trung bình cứ 1.000 người Nhật Bản thì có 13 giường bệnh. Con số này cao hơn nhiều so với Anh và Mỹ (3 giường bệnh/1.000 dân) và mức trung bình của OECD chỉ là 4,7.

Biểu đồ số ca nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản trong 1 năm qua

Tuy nhiên, theo Iwata thì con số này không có ý nghĩa gì nếu xảy ra đại dịch lớn. Nhật Bản có hơn 1 triệu giường bệnh với dân số khoảng 126 triệu người nhưng phần lớn dành cho người ốm nhẹ. Đất nước này chỉ có khoảng 5 giường chăm sóc đặc biệt trên 100.000 dân, trong khi ở Đức là 34 giường chăm sóc đặc biệt trên 100.000 dân và con số này ở Mỹ là 26.

Ngoài ra, nhân sự cũng là vấn đề then chốt trong hệ thống y tế của Nhật Bản. Theo Bộ y tế nước này, Nhật Bản chỉ có 1.631 chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trên tổng số 8.300 bệnh viện. Có nghĩa là phần lớn bệnh viện không có chuyên gia về bệnh truyền nhiễm.

Khác với một số nước châu Á xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan..., Nhật Bản đã tránh được các đợt bùng phát dịch bệnh liên quan đến virus Corona trước đây như SARS hay MERS. Iwata nói: 'Nhiều bệnh truyền nhiễm không đến Nhật Bản và vì vậy chúng tôi đã không chuẩn bị kỹ cho đại dịch Covid-19'. Ông nói thêm: 'Chúng tôi không đào tạo nhiều bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm và chúng tôi không chuẩn bị hệ thống chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhiễm trùng. Giờ Nhật Bản đang phải hứng chịu hậu quả cho việc đó'.

Trên khắp Nhật Bản, hàng trăm trung tâm y tế hàng ngày tiếp nhận các cuộc gọi từ bệnh nhân và hướng dẫn họ cách chăm sóc bản thân, theo dõi sức khỏe và sắp xếp họ xét nghiệm... Tiến sĩ Hideo Maeda, người đứng đầu một trung tâm y tế công cộng ở Kita, Tokyo cho biết từ khi đại dịch bắt đầu, số nhân viên của ông đã tăng lên gấp 4 lần nhưng vẫn chưa đủ. Riêng tại phường của ông, mỗi ngày có hàng chục lượt bệnh nhân nằm chờ để được vào viện.

Maeda cho biết: 'Nhiều nhân viên làm việc từ sáng cho đến nửa đêm, kể cả vào ngày lễ và cuối tuần. Chúng tôi kiệt sức, quá tải về cả sức lực lẫn tâm lý'. Trong một cuộc khảo sát của Kyodo News vào tháng 12 năm ngoái, khoảng một nửa số bệnh viện được hỏi cho biết họ phải đối mặt với tình trạng thiếu y bác sĩ trong đại dịch Covid-19.

Phản ứng quá chậm với đại dịch

Vào tháng 1/2021, Thủ tướng Nhật Bản đưa ra một lời xin lỗi: 'Là người có trách nhiệm, tôi cảm thấy rất tiếc. Chúng tôi không thể cung cấp đủ sự chăm sóc y tế cần thiết đến người dân'. Cơ quan chức năng Nhật Bản bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp với đại dịch, bác bỏ yêu cầu về tình trạng khẩn cấp cuối tháng 12 năm ngoái.

Kenji Shibuya, Giám đốc viện sức khỏe dân số tại Đại học King's College London cho biết: 'Nhật Bản phản ứng quá chậm và khó hiểu trong đại dịch Covid-19'. Hầu hết các bệnh nhân Covid-19 ở Nhật Bản đang được điều trị tại các bệnh viện công lớn. Tuy nhiên, điều này đến từ việc đa số các bệnh viện tư nhân ở đây không có nhân viên và trang thiết bị để điều trị cho người nhiễm Covid-19. Theo số liệu từ Bộ y tế Nhật Bản thì chỉ 30% bệnh viện tư ở nước này có thể tiếp nhân bệnh nhân Covid-19. Con số này với bệnh viện công là 84%.

Ảnh minh họa

Nhật Bản cũng đi sau nhiều nước phát triển trong việc triển khai vắc xin Covid-19. Theo nhiều nguồn tin, phải đến cuối tháng này các nhân viên y tế ở đây mới được tiêm vắc xin và người cao tuổi thì sớm nhất là ngày 1/4. Mốc thời gian này chậm hơn các nước ở châu Âu khá nhiều.

Theo một nghiên cứu gần đây của Lancet, Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ tin tưởng vắc xin Covid-19 thấp nhất thế giới. Chỉ khoảng dưới 30% người dân nước này cho rằng vắc xin an toàn, hiệu quả. Con số này ở Mỹ là trên 50%.

Su hiện đã hồi phục sau cơn bạo bệnh và cô cũng đã tận mắt chứng kiến những giới hạn của hệ thống y tế công cộng trong đại dịch. Cô nói rằng cơ thể mình vẫn còn một số triệu chứng kéo dài nhưng phải cảm ơn cuộc đời vì vẫn có thể được ôm con. Khi qua giai đoạn cách ly, điều đầu tiên những đứa trẻ này nói với Su là 'Mẹ ơi, hãy ôm con đi'.

Nguyễn Dương Theo CNN

Chủ đề khác