VnReview
Hà Nội

Tết Nguyên đán không cứu nổi ngành công nghiệp ăn uống Trung Quốc khỏi lao đao vì Covid-19

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất với người Trung Quốc và đây cũng là thời điểm các gia đình, công ty tổ chức gặp mặt ăn uống. Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19 nên có vẻ như ngành công nghiệp thực phẩm ở đất nước này vào Tết năm nay vẫn không thoát khỏi tình trạng lao đao.

Tại một căn nhà chật chội liền kề gác xép chim bồ câu của mình, Zhong Shengliang điên cuồng đếm một đống trứng để trong dãy hộp nhựa. Bên ngoài, một chiếc xe tải với động cơ gầm gừ đợi ở sân. Zhong nói với Sixth Tone: 'Tôi cần giao trứng cho người mua trước khi họ đổi ý'.

Với người nông dân 56 tuổi, Tết Nguyên đán luôn là thời kỳ trọng yếu và kỳ nghỉ năm nay có thể quyết định số phận kinh doanh của ông. Là người chuyên sản xuất trứng chim bồ câu - một món ăn ngon được đánh giá cao ở các vùng phía đông và nam Trung Quốc - Zhong kiếm được tiền từ các sự kiện công ty, đám cưới, tiệc gia đình thường diễn ra trong mùa lễ hội.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Trung Quốc có thể là một đòn chí mạng vào trang trại của Zhong. Mặc dù các đợt bùng phát dịch gần đây đã được kiềm chế nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn lo ngại về khả năng gia tăng dịch bệnh vào dịp Tết Nguyên đán, khi hàng triệu người về quê thăm người thân.

Điều đó khiến Zhong lo lắng. Ông bị hủy các đơn hàng trị giá khoảng 1 triệu Nhân dân tệ do lệnh cấm của địa phương với các công ty tổ chức tiệc năm mới. Bây giờ, Zhong lo lắng khi các nhà hàng sẽ cắt giảm đơn đặt hàng vì họ cho rằng sẽ có ít gia đình đi ăn vào năm mới hơn. Ông cho biết: 'Doanh số bán hàng của tôi trong nửa đầu kỳ nghỉ lễ gần như bị xóa sổ do các bữa tiệc công ty bị hủy rất nhiều'.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ ăn uống của Trung Quốc cũng đối mặt với tình trạng khó khăn tương tự. Ngành công nghiệp này vốn vẫn đang quay cuồng với dịch Covid-19 ở Trung Quốc hiện tiếp tục chìm trong khủng hoảng.

Với các nhà hàng tại Trung Quốc, Tết Nguyên đán là thời điểm quan trọng nhất năm. Vào năm 2019, ngành công nghiệp ăn uống tạo ra 15% doanh thu hàng năm trong kỳ nghỉ lễ. Khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt ngay trước Tết Nguyên đán 2020, các nhà hàng đã mất số tiền khoảng 500 tỷ Nhân dân tệ chỉ trong vòng 1 tuần đầu tiên. Doanh thu dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc đã giảm gần 30% trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 7 năm ngoái, theo báo cáo của Cục thống kê Trung Quốc.

Zhong cho biết doanh trại của ông lỗ khoảng 2 triệu Nhân dân tệ vào mùa xuân năm ngoái do nhu cầu các nhà hàng giảm. Giá trứng chim bồ câu, thường lên tới 270 Nhân dân tệ mỗi kg, gấp 30 lần giá trứng gà thì đến trước Tết Nguyên đán đã giảm một nửa.

Người nông dân này nói rằng trong khi bồ câu vẫn ăn uống hàng ngày thì chẳng còn ai ăn những quả trứng mà chúng đẻ ra. Trang trại của Zhong sẽ không thể trụ nổi nếu việc bán hàng vào Tết năm nay vẫn chậm như năm ngoái. Các chủ nhà hàng cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự, đặc biệt là những nơi nấu đồ ăn truyền thống Trung Quốc. So với những nơi chuyên giao đồ ăn nhanh thì các nhà hàng truyền thống gặp khó khăn hơn nhiều.

Xu Weimin, thành viên hội đồng quản trị của một tập đoàn sở hữu hơn 20 nhà hàng tiệc tại Thượng Hải và Triết Giang cho biết 50% doanh thu của công ty ông đến từ những ngày trước và sau Tết Nguyên đán do số lượng lớn các sự kiện được tổ chức trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, năm nay, các nhà hàng không chỉ mất tất cả đơn đặt hàng từ các công ty tổ chức tiệc cuối năm/đầu năm mà còn bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm số lượng tiệc cưới.

Zhong giải thích: 'Đám cưới thường diễn ra quanh năm nhưng bây giờ nó thường được lên kế hoạch trước và sau Tét Nguyên đán, đặc biệt là ở các vùng nông thôn'. Khoảng 10 đám cưới tại các nhà hàng của Xu vào tháng 2 bị hoãn hoặc giảm quy mô do việc tuân thủ các biện pháp cách ly ở địa phương. Tính tổng lại, Xu dự đoán công ty ông sẽ thiệt hại 100 triệu Nhân dân tệ trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Theo Liang Ridong, chủ tịch Hiệp hội ẩm thực Quảng Đông, nhiều ngành công nghiệp đang phải vật lộn để đối phó với sự sụt giảm các sự kiện vào Tết năm nay, bao gồm cả các nhà sản xuất nguyên liệu đắt tiền như bào ngư, vi cá mập và tổ yến. Ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong nhiều năm tới.

Trong năm qua, Zhong đã ký thỏa thuận cung cấp trứng bồ câu cho một chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc và các nhà bán lẻ khác. Ông cũng mở cửa hàng trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử của nước này là JD và Taobao. Tuy nhiên, ông không thích sự cạnh tranh gay gắt trên các web này. Zhong nói: 'Người mua hàng trực tuyến không biết làm thế nào để phân biệt được trứng bồ câu chất lượng cao hay thấp. Họ chỉ đơn giản là mua những thứ rẻ hơn'.

Khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, các nhà hàng chỉ đơn giản là tập trung vào việc thu hút khách hàng bằng mọi cách có thể. Hu Zhibin, chủ một nhà hàng hải sản ở Hàng Châu cho biết anh đang miễn tiền đặt cọc đặt chỗ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Sau khi mất 800.000 Nhân dân tệ vì các công ty hủy đặt chỗ, Hu nói anh đang hy vọng các gia đình sẽ muốn đi ăn vào Giao thừa và năm mới nhằm cứu vãn tình thế.

Tuy nhiên, dữ liệu ban đầu cho thấy các gia đình cũng không chú trọng vào việc ăn uống trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán năm nay. Một lượng lớn lao động nhập cư ở các thành phố đã hưởng ứng lời kêu gọi 'ăn Tết tại chỗ'. Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc ước tính chỉ có 1,15 tỷ chuyến đi được thực hiện trong kỳ nghỉ lễ năm 2021, con số thấp kỷ lục từ khi việc thống kê được bắt đầu.

Theo Liang, đại dịch Covid-19 đã dạy cho các công ty phải trở nên biết thích nghi hơn và Tết năm nay kỹ năng đó cần thiết hơn bao giờ hết. Ông nói: 'Sau Tết năm ngoái, tất cả chúng tôi đều đã chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể và chúng tôi biết cách ứng phó với những tình huống phát sinh. Chúng tôi sẽ không mất cảnh giác như năm ngoái'.

Nguyễn Dương Theo Sixth Tone

Chủ đề khác