VnReview
Hà Nội

Cuộc sống không Google: Người dân Úc đang đối diện với những điều không tưởng

Hãy thử tưởng tượng sẽ ra sao nếu một ngày thế giới không có Google, công cụ tìm kiếm có sức ảnh hưởng lớn đến mức nó luôn là nơi khởi đầu cho hơn năm tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày.

Tuy nhiên tại Úc, viễn cảnh này đang thành hiện thực khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ có khả năng rút mọi hoạt động tìm kiếm trước bối cảnh không tìm ra tiếng nói chung với chính phủ Úc.

Google cùng với Facebook đã phản đối một đạo luật buộc các công ty phải trả phí sử dụng tin tức cho các nhà xuất bản địa phương. Hãng cũng đe dọa sẽ ngừng hoạt động tại Úc khi đang chiếm đến 95% lượng người dùng Internet.

Hậu quả tiềm ẩn từ mâu thuẫn với Úc có thể vượt xa sang các quốc gia khác khi Google từ lâu đã trở thành mối quan tâm của nhiều cơ quan giám sát toàn cầu.

Nếu công ty rút lui khỏi Úc, Bộ quy tắc trả tiền cho các bên truyền thông địa phương có thể trở thành khuôn mẫu và được áp dụng tại các nước Canada hay Liên minh châu Âu (EU). Đây đồng thời còn là những khu vực đang theo đuổi tranh chấp pháp lý với Google với mục đích giảm tầm ảnh hưởng mà công ty này có được.

Nhưng việc vô hiệu hóa trang web tìm kiếm nổi tiếng nhất thế giới sẽ khiến thị trường Úc rơi vào tay các đối thủ khác, bao gồm Bing và DuckDuckGo. Nhờ sự ra đi đột ngột đó, các đối thủ cạnh tranh sẽ có một sân chơi để phát triển và có chỗ đứng để tiến xa trên thị trường toàn cầu.

Patrick Smith, sinh viên kỹ thuật phần mềm tại Úc là ví dụ điển hình cho sự phụ thuộc vào Google. Chàng trai 24 tuổi đến từ Canberra cho biết trung bình anh có đến 400 lượt tìm kiếm trên Google mỗi ngày để phục vụ cho việc học, cập nhật tin tức và tra cứu công thức nấu ăn. Smith cho biết trình duyệt của anh hiển thị 150 lượt tìm kiếm chỉ trong vòng 5 giờ đồng hồ.

"Viễn cảnh mất đi Google thật đáng sợ. Tôi không biết phải làm gì nếu không thể sử dụng công cụ tìm kiếm này", Smith cho biết.

Thử gõ từ khóa "bãi biển đẹp nhất Sydney" trên nhiều công cụ tìm kiếm, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt về hiệu suất và tốc độ hiển thị. Kết quả đầu tiên mà DuckDuckGo cho ra là một quảng cáo khách sạn cách đó hơn 1.000 km tại Queensland. Search Encrypt, công ty dịch vụ tìm kiếm luôn đề cao khả năng bảo vệ dữ liệu của mình, trả về dòng chữ"Có vẻ không tìm thấy bất kỳ kết quả phù hợp nào". Bing gợi ý văn phòng Bondi Beach Post Office. Riêng chỉ có Google là cho ra kết quả bãi biển Bondi ở ngay dòng đầu tiên.

Úc là quốc gia đi đầu trong đạo luật trả tiền bản quyền tin tức

Đến nay, đạo luật này vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ quốc hội Úc. Chính phủ cho biết các công ty truyền thông địa phương, bao gồm tập đoàn tin tức News Corp của ông trùm Rupert Murdoch đã phải công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự và đình bản hơn 100 tờ báo in tại nhiều khu vực và địa phương ở Úc. Nhiều năm qua, ông Murdoch đã liên tục đấu tranh cho vấn đề buộc Facebook và Google phải trả tiền tin tức báo chí xuất hiện trên nền tảng của họ.

Phía Google lập luận rằng bộ luật này sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng truy cập các trang web và việc buộc phải trả tiền để hiển thị tin tức sẽ làm phá vỡ nguyên tắc của không gian mạng mở. Đồng thời, hãng dịch vụ tìm kiếm cũng phản đối việc chi trả tiền cho nhà xuất bản.

Facebook cho biết có khả năng họ sẽ phải chặn người dùng Úc chia sẻ tin tức trên nền tảng của mình nếu luật được ban hành. Đây được xem là bước đi cứng rắn chưa từng có tiền lệ tại một quốc gia.; 

So với mức giá trị vốn hóa 1,4 nghìn tỷ USD của Alphabet, công ty mẹ Google, quy mô nền kinh tế Úc nhỏ hơn nhiều. Tuy vậy, thị trường nhỏ bé và xa xôi này lại rất quan trọng đối với Google vì đây có thể là quốc gia tiên phong trong việc đưa ra các luật lệ áp chế những gã khổng lồ Internet.

Ngay cả Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai và Mark Zuckerberg từ Facebook đã liên lạc với Thủ tướng Úc Scott Morrison và Bộ trưởng các ban ngành để đàm phán về vấn đề trên.

Microsoft chen chân vào mâu thuẫn giữa chính phủ Úc và Google

Đánh hơi được cơ hội, Chủ tịch Microsoft Brad Smith và Giám đốc điều hành Satya Nadella cũng đã tìm đến. Smith chia sẻ với Morrison rằng Microsoft sẽ đầu tư vào Úc để đảm bảo Bing có thể sánh ngang với các đối thủ cạnh tranh.

Trong một bài đăng trên blog của mình hôm 11/2, Smith cho biết Mỹ nên học theo Úc lập bộ luật tương tự. DuckDuckGo, một công cụ tìm kiếm luôn đề cao tính riêng tư và tuyên bố không theo dõi người dùng, cũng đang cố gắng chớp lấy thời cơ kiếm tiền. "Nhu cầu về quyền riêng tư trực tuyến ngày càng tăng và người Úc không cần chờ đợi động thái của chính phủ" về các vấn đề liên quan đến Google, DuckDuckGo cho biết thông qua email.

Ngoài ra, các giải pháp tìm kiếm phi lợi nhuận thay thế Google cũng được đề xuất. Đảng Xanh ở Úc đã yêu cầu chính phủ xem xét thiết lập một công cụ tìm kiếm công thay vì để Microsoft tham gia quản lý. "Chúng ta không nên lấp đầy khoảng trống bằng một gã khổng lồ nước ngoài khác", Thượng nghị sĩ Sarah Hanson-Young cho biết.

Úc sẽ là "Trung Quốc thứ 2"

Úc không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới không có Google. Năm 2010, công cụ tìm kiếm của Google bị cấm hoàn toàn ở Trung Quốc và thay bằng Baidu. Song, Úc sẽ nổi bật như một nền dân chủ phương Tây không có quyền truy cập vào công cụ tìm kiếm Google. Sự ra đi của Google cũng sẽ khiến quốc gia này thụt lùi vài năm về khả năng tiếp cận thông tin nhanh chóng.

Với hai thập kỷ lưu trữ dữ liệu và xử lý ước tính khoảng 5,5 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày, Google được xem là bất bại trong việc cá nhân hóa kết quả theo từng người và phong cách riêng của họ.

Daniel Angus, Phó giáo sư về truyền thông kỹ thuật số tại Đại học Công nghệ Queensland, cho biết: "Bing sẽ không thể cạnh tranh với Google về chất lượng. Người Úc có thể phải học lại cách sử dụng trình duyệt tìm kiếm".

Google chính là lựa chọn tốt nhất trong các trình duyệt tìm kiếm. Khi gõ từ khóa "lãnh đạo nước Úc", Google sẽ hiển thị ông Morrison và đảng Tự do ở đầu trang - lấy nguồn từ trang web chính thức của chính phủ. Bing đưa ra kết quả tương tự nhưng lại lấy nguồn từ Wikipedia. DuckDuckGo cung cấp quảng cáo cho những công việc trưởng nhóm ở Tây Úc. Cuối cùng là Search Encrypt, trình duyệt tệ hại nhất khi không thể cho kết quả.

Hai phía cần bình tĩnh hơn

Về phía Google, công ty có những dấu hiệu mềm mỏng hơn. Morrison đã có cuộc gặp gỡ với đại diện Google và cho biết đây là động thái mang tính xây dựng và mang lại sự khích lệ lớn lao.

Google từ chối đề cập đến nội dung cuộc họp, mặc dù trong một tuyên bố họ đề xuất bồi thường cho các nhà xuất bản tin tức thông qua sản phẩm News Showcase. Qua đó, Google sẽ trả tiền cho các phương tiện truyền thông để hiển thị nội dung có chọn lọc.

Một số người Úc lớn tuổi từng sống trong thời kỳ trước khi có Google tỏ ra ít quan tâm về vấn đề này. Gino Porro, 58 tuổi và là chủ sở hữu tổ hợp quán bar, nhà hàng Li'l Darlin ở khu nội thành Darlinghurst (Úc), sử dụng Google và chưa biết về bất kỳ công cụ tìm kiếm nào khác.

Nhưng ông nhận thấy một điều rằng các vị khách quay lại quán nhờ vào danh tiếng truyền miệng thay vì các bài đánh giá trực tuyến. "Không phải Google, dịch vụ khách hàng mới là quan trọng", Porro cho biết.

Tuy vậy với Smith, anh thực sự không thoải mái nếu Google ngừng hoạt động tại Úc và lựa chọn thay thế không thể hoạt động tốt tương tự.

Ngọc Diệp theo Bloomberg

Chủ đề khác