VnReview
Hà Nội

Trung Quốc 'từ chối cung cấp dữ liệu' về những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên cho WHO

Một thành viên trong nhóm nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết Trung Quốc đã từ chối bàn giao những dữ liệu quan trọng cho nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19.

Nhà vi sinh vật học Dominic Dwyer nói với Reuters, Wall St Journal và New York Times rằng nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO muốn dữ liệu từ các bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ông cho biết Trung Quốc chỉ cung cấp một bản tóm tắt về các trường hợp này.

Trung Quốc hiện chưa trả lời cáo buộc kể trên nhưng khẳng định họ minh bạch với WHO. Mỹ đã thúc giục Trung Quốc cung cấp các dữ liệu từ giai đoạn đầu tiên của đại dịch và nói rằng họ có 'mối quan ngại sâu sắc' về báo cáo của WHO.

Tuần trước, nhóm nghiên cứu của WHO đã kết luận rằng việc virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán là điều 'cực kỳ khó xảy ra' và bác bỏ giả thuyết gây tranh cãi xuất hiện năm ngoái.

Vũ Hán là nơi đầu tiên trên thế giới phát hiện ra virus SARS-CoV-2 vào cuối năm 2019. Kể từ đó đến nay, đã có hơn 109 triệu người nhiễm virus này và khiến khoảng 2,4 triệu người chết trên toàn thế giới.

Nhóm nghiên cứu của WHO muốn thấy gì?

'Các nhà nghiên cứu của WHO khi đến Trung Quốc đã yêu cầu cung cấp dữ liệu thô về 174 trường hợp nhiễm Covid-19 tại Vũ Hán vào tháng 12/2019' - Giáo sư Dwyer nói với Reuters. Chỉ một nửa trong số các trường hợp đầu tiên được phát hiện nhiễm virus SARS-CoV là có tiếp xúc với chợ thủy sản Hoa Nam - nơi được coi là ổ dịch đầu tiên.

Giáo sư Dwyer nói: 'Tại sao chúng tôi không được tiếp cận dữ liệu về những bệnh nhân đầu tiên. Dù là lý do về chính trị, thời gian hay khó khăn gì khác thì chúng tôi vẫn không được tiếp xúc với những thông tin đó'.

Trong khi đó, bà Kolsen Fischer - một nhà miễn dịch học người Đan Mạch và cũng là thành viên của WHO đến Trung Quốc trong thời gian vừa qua cho biết bà coi cuộc điều tra có 'tính địa chính trị cao'. Bà cho rằng: 'Mọi người đều biết có nhiều áp lực với Trung Quốc trong việc này'.

Giáo sư Dwyer cho biết những hạn chế về dữ liệu sẽ được đề cập trong báo cáo cuối cùng của nhóm nghiên cứu, có thể được công bố sớm nhất trong tuần tới. Nhóm nghiên cứu của WHO đến Trung Quốc vào đầu tháng 1/2021 và có 4 tuần ở đây, trong đó 2 tuần là quá trình cách ly tại khách sạn.

Phản ứng từ các bên

Trung Quốc khẳng định họ đã minh bạch với các điều tra viên WHO. Các chuyên gia của WHO được đến Trung Quốc sau nhiều tháng đàm phán và họ cũng bị giám sát chặt chẽ quá trình hoạt động của nước này.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc che giấu mức độ bùng phát dịch ban đầu và chỉ trích việc quốc gia đông dân nhất thế giới hạn chế quyền tự do đi lại của nhóm chuyên gia thuộc WHO. Các điều tra viên nói với New York Times rằng những bất đồng, bao gồm cả chuyện tiếp cận hồ sơ bệnh nhân căng thẳng đến mức họ và phía Trung Quốc đôi khi xảy ra cãi vã.

Vào tháng 1, một báo cáo tạm thời của WHO đã chỉ trích những phản ứng ban đầu của Trung Quốc với đại dịch và cho rằng 'các biện pháp y tế công cộng có thể được áp dụng mạnh mẽ hơn'. Nhóm nghiên cứu của WHO cũng kêu gọi điều tra nhiều hơn về khả năng virus lây lan qua vận chuyển và buôn bán thực phẩm đông lạnh.

Tiến sĩ Peter Daszak - một thành viên của nhóm nghiên cứu WHO cho biết trọng tâm tìm kiếm nguồn gốc Covid-19 có thể sẽ được chuyển sang khu vực Đông Nam Á.

Nguyễn Dương Theo BBC

Chủ đề khác