VnReview
Hà Nội

Thế giới điên rồ của giao dịch tiền mã hoá altcoin

Bitcoin vừa đạt mức giá trị cao nhất mọi thời đại, lên đến 48.000 USD. Quả là điên rồ. Nhưng thế giới của những đồng tiền mã hoá khác ngoài Bitcoin thậm chí còn hỗn loạn hơn nữa.

Đó là một buổi sáng thứ 7, và Adam đang cảm thấy một chút liều lĩnh.

Anh vừa kiếm được hàng ngàn đô trong một cuộc giao dịch vào đêm hôm trước, và tự thấy bản thân thật may mắn. Nhưng Adam không giao dịch trên sàn NASDAQ, mua cổ phiếu GameStop, hay đầu tư vào một startup nào. Anh hiện đang có dự định đổ 2.500 USD vào một đồng tiền mã hoá gọi là DeTrade.

Khoản đầu tư này có vẻ an toàn. Adam đã theo dõi quá trình phát triển của nó trên LinkedIn, và xem một video trong đó CEO công ty vạch ra lộ trình cho tương lai của đồng tiền này. Một mẩu tin đăng tải trên Yahoo cũng quảng cáo về công nghệ của DeTrade rằng nó rất tiên tiến, đủ để lũng đoạn cả thị trường tiền mã hoá.

Bitcoin hầu như đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Hôm thứ hai, nó đã cán mốc hơn 47.000 USD nhờ khoản đầu tư 1,5 tỷ USD từ Tesla, tức gấp 4 lần ngày này năm ngoái. Nhưng dù đối với số đông, Bitcoin đồng nghĩa với tiền mã hoá, nó không phải là thứ khiến những trader tiền mã hoá như Adam hứng thú. Bên dưới Bitcoin và Ethereum, đồng tiền mã hoá lớn thứ hai toàn cầu, là một thế giới ngầm kỳ lạ của những đồng tiền mã hoá khác.

Được gọi là altcoin, hay đôi lúc là "shitcoin", chúng về cơ bản là những đồng tiền mã hoá giá thấp. Và chúng cực kỳ điên rồ. Giá trị Bitcoin gần đây đã tăng gấp 3 lần, nhưng nhiều altcoin tăng giá gấp 30, 40, hay 50 lần chỉ trong vòng vài ngày. Nổi tiếng nhất có lẽ là Dogecoin, đồng tiền với biểu tượng chó Shiba vừa qua đã bay lên tận Mặt trăng nhờ Reddit và Elon Musk, nhưng vẫn còn hàng ngàn altcoin khác mà nhiều khả năng bạn chưa bao giờ nghe đến. Chúng có thể sẽ giúp bạn đổi đời, nhưng mọi con đường đều tồn tại cạm bẫy. Gia tài có thể được làm ra và đánh mất chỉ trong vài giây. Những mối hiểm hoạ lừa đảo ở khắp mọi nơi, khiến các trader luôn đứng trước khả năng bị lột sạch túi trước mỗi quyết định đầu tư.

Ví dụ điển hình là phi vụ DeTrade của Adam. Công nghệ được quảng cáo rầm rộ đằng sau nó chỉ là hư cấu. Toàn bộ dự án DeTrade cũng vậy. Đồng tiền này không hề tồn tại. Hồ sơ của nó trên LinkedIn là giả mạo, và video về CEO của nó là tác phẩm deepfake do AI tạo nên. DeTrade là một cú lừa. Những kẻ đứng sau nó, vốn hoạt động trong một thế giới tiền mã hoá ngầm không người quản lý, đã biến mất. Adam mất trắng 2.500 USD, nhưng anh dễ dàng vượt qua cú sốc. Tổng cộng, những kẻ lừa đảo đã đút túi khoảng 2 triệu USD.

Chỉ là chuyện thường ngày ở huyện trong thế giới altcoin mà thôi - Adam nói.

Trò đùa triệu đô

Adam bước vào cuộc chơi tiền mã hoá vào tháng 9 năm ngoái, nhưng cách nói chuyện của anh khiến người ta có cảm giác Adam đã mò mẫm hàng năm trời ở đó rồi. Anh bỏ ra 4.000 USD và mất sạch trong vài ngày. Sau đó anh bỏ tiếp 3.000 USD để thu về 90.000 USD. Sau khi rút 1/3 số đó và mất tiếp hơn 1/3 khác, anh hiện nắm trong tay số tiền mã hoá trị giá khoảng 20.000 USD.

Adam đã chứng kiến một vài cuộc giao dịch khốc liệt trong vài tuần trở lại đây. Có một người may mắn thu về 40.000 USD từ 2.000 USD ban đầu trong hai lần giao dịch khác nhau, nhưng rồi cả hai lần đều rơi vào bẫy lừa đảo. Một người khác đầu tư 150 USD và thu về gấp đôi trong 15 phút. Một kết quả khá, nhưng nếu anh ta đợi thêm một ngày nữa thôi, số tiền đó sẽ tăng lên thành... 28.000 USD.

Nhưng mặc cho sự hào hứng của cộng đồng tiền mã hoá, có một vấn đề nhỏ: ở thời điểm hiện tại, tiền mã hoá không thực sự làm được gì cả.

Giá Bitcoin tăng gần gấp 3, từ 15.000 USD lên 40.000 USD trong hai tháng. Nếu bạn đầu tư 1.000 USD vào tháng 11 năm ngoái, đến tháng 2 năm nay bạn sẽ thu lời được 2.600 USD

Đầu tư vào một cổ phiếu có nghĩa bạn xác định được giá trị của nó - dựa trên các yếu tố như cạnh tranh, nguy cơ, và trên tất cả, khả năng sinh lời - và sau đó là đặt tiền vào những cổ phiếu đang được đánh giá thấp. Nếu các nhà đầu tư khác đi theo bạn, giá cổ phiếu sẽ tăng lên, mang lại cho bạn cơ hội thu về lợi nhuận.

Một phần tự nhiên của quá trình đầu tư cổ phiếu là đầu cơ: bong bóng Dot-com xảy ra khi người ta vung tiền vào những công ty chưa sinh lời với hi vọng chúng sẽ tạo ra tiền một ngày nào đó. Tuy nhiên, tiền mã hoá đưa đầu cơ lên một tầm cao mới. Trên thực tế, tiền mã hoá đơn thuần là sự đầu cơ. Người ta đầu tư vào một công nghệ chẳng sản xuất ra gì cả, và không có bất kỳ ứng dụng thực tiễn nào. Ở thời điểm bài viết này đang được thực hiện, một đồng tiền mã hoá (gọi tắt là coin) tên Meme có giá 517 USD, tức gấp hơn 4 lần giá cổ phiếu của Apple. Doge, đồng coin mà tên gọi bắt nguồn từ tiếng lóng cộng đồng mạng gọi loài chó (dog), đã tăng giá gấp đôi hồi đầu tháng này sau khi một ngôi sao phim khiêu dâm đăng tweet về nó. Sau khi giá đã bình ổn, nó lại tăng cao một lần nữa khi cộng đồng Reddit muốn biến Doge thành GameStop của thế giới tiền mã hoá.

Sự ngăn cách giữa giá cả và mục đích này là lý do nhiều chuyên gia nghi ngờ về tiền mã hoá.

David Geard là một trong những người đó. Ông bắt đầu hứng thú với Bitcoin vào năm 2013, khi nó lần đầu chạm mốc 1.000 USD, và đã viết được hai cuốn sách về tiền mã hoá. Cuốn sách gần đây nhất của ông tập trung vào Libra, nỗ lực yểu mệnh của Facebook nhằm lấn sân sang lĩnh vực tiền kỹ thuật số.

"Động lực của Bitcoin và tiền mã hoá nói chung không dính dáng gì đến công nghệ cả" -;ông nói. "Mọi thứ đều xoay quanh cơ hội để ai đó trở nên giàu có mà không phải làm lụng gì. Tất cả đều đánh vào tâm lý muốn giàu nhanh của con người"

Trong những năm làm quản trị viên hệ thống IT, công việc của Gerard là nghiên cứu những công nghệ mới và đánh giá thứ gì hữu dụng, thứ gì không. Theo ông, tiền mã hoá thuộc vào loại thứ hai.

"Bitcoin đốt một lượng điện đủ dùng cho cả một quốc gia với lý do phục vụ cho mạng lưới thanh toán kém hiệu quả nhất trong lịch sử loài người" - ông nói.

Sau khi xuất hiện với giá 8 USD hồi tháng 8 năm ngoái, đồng Meme đạt 1.750 USD vào tháng 9. Nếu bạn cực kỳ may mắn và đầu tư 1.000 USD khi Meme có giá 8 USD, bạn sẽ thu về 217.000 USD khi nó đạt 1.750 USD. Đó là sức hút của shitcoin.

Khẳng định đó chẳng phải một lời nói quá. Tiền mã hoá được khai thác bằng những máy tính siêu mạnh, và nhiều loại máy tính công nghiệp kết hợp với nhau tạo ra những trang trại máy tính với mục đích duy nhất là đào Bitcoin. Kết quả, Bitcoin tiêu tốn lượng điện còn hơn cả lượng điện tiêu dùng của Thuỵ Sỹ.

Gerard nói điều duy nhất bạn có thể làm với Bitcoin là mua và bán nó. Ông thậm chí còn gay gắt hơn khi nói về altcoin.

"Chúng là những thứ hoàn toàn vô dụng. Thậm chí khi xét theo những tiêu chuẩn của Bitcoin, altcoin cũng vô dụng" - ông nói.

Đó lại là điều khiến altcoin trở nên thú vị. Tất cả những gì chúng có thể làm là dụ dỗ những kẻ đánh cược trên internet đặt cược vào thành công của chúng. Nhưng điều này lại giúp một số người tầm thường trở nên giàu có. Bạn có nhớ đồng Meme đã nói ở trên không? Nó có giá khởi điểm 2,72 USD, và chỉ một tháng sau đã cán móc cao nhất mọi thời đại, hơn 2.000 USD.

Hãy hình dung bạn bỗng nhiên trở thành một triệu phú nhờ đi theo một đồng coin như một trò đùa trên internet mà xem!

Nguy cơ và phần thưởng

Crypto Spider đã kiếm được hàng triệu đô nhờ altcoin. Crypto Spider không phải là tên thật của gã. Giống như hầu hết mọi người trong cộng đồng tiền mã hoá, gã sử dụng mật hiệu.

Gã trở nên nổi tiếng trong một số nhóm Telegram trong vài tháng qua nhờ thử thách "2K thành 1M", nơi gã gắng sức để xem bản thân có thể biến con số đầu tiên (2.000 USD) thành con số thứ hai (1 triệu USD) nhanh đến mức nào, và số lần giao dịch ít nhất là bao nhiêu. Trong thế giới tiền mã hoá, bạn có thể theo dõi tài sản của ai đó nếu có được số ví của họ, do đó cộng đồng có thể xem thử thách này sẽ diễn ra thế nào trong đời thực.

Trong vòng 2 tháng, khoản tiền 2.000 USD kia đã tăng đến hơn 2 triệu USD. Phần lớn được thu về chỉ sau một lần giao dịch: gã ném 50.000 USD vào một dự án mà trong một tuần giá trị đã tăng gấp 35 lần, giúp gã thu về 1,75 triệu USD. Sau khi vượt mốc 2 triệu USD, gã rút hết tiền về tài khoản.

"Bạn sẽ không bao giờ thấy sự bùng nổ như vậy nếu không giao dịch altcoin" - gã nói, dù gã cũng nói thêm rằng "95% những đồng coin này sẽ không còn tồn tại trong tương lai".

Giống Adam, Crypto Spider không xuất thân từ ngành tài chính hay giao dịch. Gã từng tham gia các khoá học về lý thuyết trò chơi, thuật toán cơ bản, và một số môn kinh tế hữu ích cho công cuộc mua bán tiền mã hoá của gã - nhưng nhìn chung, gã là một trader nghiệp dư tự học. Gã từ chối tiết lộ tuổi cụ thể, chỉ nói rằng mình trong độ tuổi 20 khi lần đầu bước chân vào thế giới tiền mã hoá năm 2017.

Gã thừa nhận mình bị thu hút bởi "những con số đẹp" khi nhìn thấy các đồng tiền mã hoá tăng giá trị gấp 30- 40 và 50 lần chỉ trong một thời gian ngắn. Gã đủ say mê để bắt đầu một câu lạc bộ về tiền mã hoá ở trường đại học và làm sao để sử dụng chúng trong tương lai.

Crypto Spider nói rằng tiền mã hoá sẽ đóng "một vai trò lớn trong tương lai của ngành tài chính", và lời nói của gã chẳng khác gì một kẻ ngoan đạo với đam mê cháy bỏng. Gã tiếp tục chuyển sang nói về tiền mã hoá như một phần của quy trình tiến hoá của internet, cho đến những trường hợp có thể sử dụng blockchain, công nghệ đằng sau Bitcoin, trong 10 năm tới. Nhưng mặc cho sự hứng khởi, chỉ một phần rất nhỏ những thứ Crypto Spider nói trùng khớp với nhận định của Gerard.

Tiền mã hoá được đào bởi những siêu máy tính mạnh mẽ. Những thợ đào Bitcoin trên toàn cầu đã thải ra lượng khí thải carbon nhiều hơn tổng lượng khí thải của Thuỵ Sỹ

Đầu tiên, khi nhìn lại những dự án mà mình từng hào hứng vào năm 2017, Crypto Spider nhận ra hầu hết đều là vaporware, loại công nghệ được quảng cáo rầm rộ nhưng không bao giờ thành hiện thực.

Gerard gọi cộng đồng tiền mã hoá là thánh địa của những kẻ lừa đảo. Spider nói rằng người ta thường đầu tư vào những altcoin họ biết không có chức năng nào cả, bởi rất nhiều người phấn khích về những dự án có thể tạo ra tiền từ chúng. "Đó là một cái bong bóng, chúng tôi đang tráo tiền từ tay nhau. Tôi bằng cách nào đó đã dụ dỗ được toàn bộ những người khác" -gã nói.

Spider nói rằng hiệu suất của gã là 60% may mắn. Lần đầu thử giao dịch tiền mã hoá, trong đầu gã có suy nghĩ rằng "mình còn trẻ, mình ngu ngốc, mình có thể mất toàn bộ số tiền và rồi vẫn ổn thôi".

Một lần nữa, điều đó giống như những gì Gerard đã nói: "Nếu bạn đủ giàu để biết tiền của bạn là vấn đề của riêng bạn, thì ổn thôi. Nếu bạn biết số không là con số mà khoản đầu tư của bạn có thể trở thành, thì ổn thôi".

"Nhưng rất nhiều người đang bị lừa đảo trắng trợn, và điều đó thực sự rất tệ hại"

Cạm bẫy

Mọi người thực sự đang bị lừa. Khó kiểm soát và tồn tại dựa vào sự cường điệu hoá, tiền mã hoá cực kỳ dễ trở thành công cụ lừa đảo.

Lấy OneCoin làm ví dụ. Đây là một công ty, thông qua một đợt presale cho một đồng tiền mã hoá không hề tồn tại, đã cuỗm 4 tỷ USD từ mọi người trên toàn thế giới trước khi nhà sáng lập của nó biến mất. Tiếp theo là BitConnect, một đồng coin từng đạt ngưỡng giá trị 2,6 tỷ USD khi hứa hẹn mỗi ngày sẽ hoàn trả 1% tiền đầu tư, nhưng cuối cùng bị nhiều chính phủ trên toàn cầu xem là một mô hình Ponzi, khiến giá trị của nó bị sụt giảm đến 96% trước khi sụp đổ vài tháng sau đó.

Đó là hai trong số những ví dụ lớn nhất của lừa đảo tiền mã hoá. Nhưng hàng triệu USD vẫn đang bị lừa trên thị trường tiền mã hoá mỗi ngày theo những cách ít kịch tính hơn nhiều. Nhiều đồng coin đột nhiên biến mất, chủ nhân của chúng chiếm trọn số tiền và "cao chạy xa bay" - cộng đồng mạng gọi đây là "rug pulls" (giật thảm). Một số có hợp đồng đầu tư, những thứ bạn thường bỏ qua như các bản thoả thuận điều khoản dịch vụ, cấm bạn rút tiền khỏi một dự án. Trong nhiều tình huống khác, toàn bộ một sàn giao dịch tiền mã hoá - nơi bán coin như một sàn giao dịch chứng khoán bán cổ phiếu - bốc hơi không dấu vết.

Nhà sáng lập OneCoin, Ruja Ignatova, tại một sự kiện của OneCoin. Ignatova đã biến mất khi sự thật về OneCoin bị phanh phui: đồng tiền mã hoá nó bán ra không hề tồn tại. OneCoin đã lừa được 4 tỷ USD từ nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu, và Ignatova đến nay vẫn bặt vô âm tín.

"Tôi nghĩ mình đã bị lừa hơn 100 lần" - Crypto Spider nói, tiết lộ rằng từng bị lừa mất 250.000 USD hồi tháng 12. "Ai mà biết kẻ nào đã tạo ra những dự án kia. Rất nhiều người dùng mật danh, bởi chúng chỉ nhắm đến tiền mà thôi"

Nhưng dùng deepfake để lừa 2 triệu USD thì quả là một điều vô tiền khoáng hậu. Được sử dụng rộng rãi hơn trong vài năm qua, deepfake chủ yếu phục vụ mục đích làm phim khiêu dâm, nhưng xét những gì đã xảy ra trong vụ lừa đảo DeTrade, deepfake hoàn toàn có thể bị lợi dụng để lừa đảo tài chính.

Gerard nói rằng ông chưa bao giờ thấy deepfake được dùng để lừa đảo trước đây. Crypto Spider nói gã mới chỉ thấy một lần.

"Vấn đề này chưa xuất hiện vào năm 2017, người ta không sử dụng deepfake và rug pull như thế này" - gã nói. "Internet đang tiến hoá, bọn lừa đảo cũng vậy"

Công nghệ deepfake "đang được dân chủ hoá, và đó có lẽ không phải là điều tốt" - theo lời Julie Inman-Grant. Hiện là uỷ viên của Uỷ ban an toàn số eSafety thuộc chính phủ Úc, Inman-Grant từng lãnh đạo các nhóm chính sách công tại Microsoft, Adobe và Twitter.

"Điều này giống như lấy đi tính nghệ thuật của social engineering" - bà giải thích. Social Engineering là những kỹ thuật mà bọn lừa đảo sử dụng để dụ dỗ bạn bấm vào một đường link độc hại, hay trao thông tin thẻ tín dụng. "Nếu chúng phát đi một video của ai đó mà bạn tôn trọng và bạn thực sự không biết cách nào để nhìn hoặc nghe ra đó là thật hay giả, khả năng deepfake bị lợi dụng cho mục đích sai trái là rất lớn".

Mỉa mai thay, blockchain, công nghệ đằng sau tiền mã hoá, lại là giải pháp được đặt ra để chấm dứt vấn nạn deepfake đang nóng hổi hiện nay. Trong thế giới tiền mã hoá, blockchain là một sổ cái không thể thay đổi được có chức năng theo dõi mọi giao dịch. Một khi đã được ghi vào sổ cái, giao dịch không thể được chỉnh sửa. Công nghệ này có thể được dùng để theo dõi mọi thứ - như quá trình tạo ra và phân phối một video, từ studio đến màn hình iPhone của bạn. Đã có một số startup được thành lập và nghiên cứu về vấn đề này, như Truepic chẳng hạn.

Khi được hỏi về khả năng xoá sổ deepfake của blockchain, Inman-Grant tỏ ra không lạc quan cho lắm.

"Đó chắc chắn là một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng không phải là một cuộc chạy đua vũ trang mà chúng ta đang giành chiến thắng"

Được kiểm soát sẽ tốt hơn

Khi Bitcoin chạm mốc 40.000 USD hồi tháng 12, trước khi đạt đỉnh nhờ Tesla, nó như một lời xác nhận đối với cộng đồng những người say mê tiền mã hoá rằng loại tiền này chính là tương lai. Với những người hoài nghi, đỉnh càng cao, ngã càng đau.

"Tôi nghĩ chúng sẽ ngày càng được kiểm soát và ít hấp dẫn dần" - Gerard nói về tiền mã hoá như vậy. Có nghĩa là tương lai sẽ bớt đi "những con số đẹp" khiến Crypto Spider bị thu hút, nhưng cũng nhờ đó mà ít lừa đảo hơn.

Đối với Adam, DeTrade là một cái kết đẹp. Một nạn nhân đau khổ vì bị lừa đã phân tích siêu dữ liệu của đoạn video deepfake và dùng chúng để lần ra thủ phạm. Sau một vài lần điểm mặt chỉ tên trên Telegram, tiền đã được hoàn trả.

Khoản tiền 2.500 USD trở về như một giấc mơ, tương đương vài tuần làm việc của người bình thường. Thời điểm tiền được hoàn trả cũng khá hoàn hảo: khi Adam nhận lại tiền cũng là lúc anh sẩy chân trên sàn giao dịch và khối tài sản 10.000 USD chỉ còn 2.000 USD.

Chỉ là chuyện thường ngày ở huyện trong thế giới altcoin mà thôi, Adam lại tặc lưỡi.

Minh.T.T (theo CNET)

Chủ đề khác