VnReview
Hà Nội

Trung Quốc khơi màn cuộc đua tiền điện tử ở châu Á

Lo ngại vấn đề dịch bệnh đã bao trùm không khí những ngày nghỉ Tết vừa qua ở Trung Quốc. Chính phủ không khuyến khích người dân ồ ạt về quê đoàn tụ với gia đình. Trong khi các doanh nghiệp lo sợ thất thu trước thềm năm mới.

Tuy nhiên, 50.000 nhân khẩu sống tại Bắc Kinh đã nhận được 200 nhân dân tệ (khoảng 700 nghìn đồng) dưới dạng đồng tiền ảo của chính phủ để dùng vào mục đích mua sắm. Các nhà chức trách xem đây như một bước đệm cho dự án lớn chuyển đổi tiền tệ trong năm 2021.

Đại dịch Covid-19 đã khiến mọi lĩnh vực dần trở nên số hóa, qua đó thúc đẩy mối quan tâm đến tiền điện tử của ngân hàng trung ương nhiều nước. Tiền điện tử ở đây không phải dạng mã hóa như Bitcoin dậy sóng thời gian qua, mà là đồng tiền số được dùng để giao dịch, chuyển khoản trực tuyến do cơ quan nhà nước định danh, phát hành.

Tháng 10 năm ngoái, Campuchia trở thành quốc gia châu Á đầu tiên sở hữu hệ thống tiền điện tử. Nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đang thực hiện nghiên cứu và thử nghiệm.

Trung Quốc là nhân tố quan trọng

Song, việc Trung Quốc thúc đẩy đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể là đòn bẩy tác động nền kinh tế toàn cầu, cho thấy tham vọng quốc tế hóa tiền tệ của chính phủ quốc gia Đông Á. Kết thúc phiên làm việc kéo dài một tuần của chính phủ Bắc Kinh hôm 10/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phát hành hơn 100 triệu nhân dân tệ ở dạng kỹ thuật số. Nhiều chương trình phổ biến tiền điện tử đã được chuẩn bị và lên kế hoạch cho Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022.

Tại Trung Quốc, người dân từ lâu đã quen với việc dùng tiền kỹ thuật số. Có hàng trăm triệu người tiêu dùng mỗi năm sử dụng các dịch vụ thanh toán như Alipay, WeChat Pay hay quét mã QR trên smartphone thay vì trả tiền mặt. Cho đến nay, đồng tiền ảo của Trung Quốc đã được vận hành rất tốt và hiệu quả.

"Nhưng chúng không giống nhau", Ngân hàng Thanh Toán Quốc tế (BIS) giải thích. Tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC) "có giá trị theo đơn vị tiền tệ quốc gia, nó đại diện cho trách nhiệm pháp lý của Ngân hàng Trung ương", BIS cho biết. Không giống nhiều loại tiền điện tử hiện có, CBDC được thiết lập theo quy định của Chính phủ, cơ quan tiền tệ hoặc luật pháp thay vì theo một tổ chức tài chính tư nhân.

Một cuộc khảo sát của BIS vào tháng 1 cho thấy 86% trong tổng 65 ngân hàng trung ương các nước đã đề cao tầm quan trọng và tập trung nghiên cứu CBDC. Gần 60% cho biết khả năng cao họ sẽ phát hành đồng tiền ảo để sử dụng trong lĩnh vực bán lẻ 6 năm tới.

Nếu Facebook kích thích sự quan tâm của các ngân hàng trung ương bằng việc đe dọa chủ quyền tài chính và tiền tệ truyền thống thông qua dự án đồng tiền số Libra, hiện được gọi là Diem, thì Covid-19 càng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hơn nữa. Trong cuộc khảo sát của BIS, gần 30% đại diện các ngân hàng cho biết đại dịch đã "thay đổi quan điểm và mức độ ưu tiên của họ" trong việc phát hành CBDC.

Những lý do được đưa ra bao gồm nâng cao khả năng tiếp cận tiền trong trường hợp khẩn cấp, bổ sung phương thức tài chính khi cần giãn cách xã hội và thiết lập hướng đi cho các quỹ tài trợ công.

Các nền kinh tế mới nổi với hệ thống tài chính mềm yếu thường có nhiều động lực riêng để theo đuổi CBDC. Nó giống như một công cụ để mở rộng ngân sách tài chính, nâng cao hiệu quả thanh toán hay tăng cường chính sách tiền tệ. Tất cả những yếu tố kể trên đều là những động lực mà các nước như Campuchia đang nhắm đến.

Ngân hàng Quốc gia Campuchia (NBC) đã công bố hệ thống thanh toán Bakong, được đồng phát triển bởi công ty khởi nghiệp blockchain Nhật Bản Soramitsu. Kazumasa Miyazawa, chủ tịch của Soramitsu, trả lời với Nikkei Asia rằng NBC muốn tăng cường sự hiện diện của đồng riel, đơn vị tiền tệ của Campuchia. Đa phần các giao dịch ở Campuchia được thực hiện bằng USD nên NBC muốn "mở rộng độ hiện diện của tiền tệ riêng nước nhà".

Nhiều khả năng sau khi tìm ra triển vọng về cách phổ biến đồng nhân dân tệ của chính phủ Trung Quốc, Campuchia đã học theo và cho ra hệ thống tiền điện tử. Nhiều người tự hỏi là làm thế nào để Bắc Kinh có thể hợp thức hóa tiền điện tử của mình trong các chiến lược toàn cầu, bao gồm cả nỗ lực tác động đến một số quốc gia mới nổi thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.;

Một cửa hàng cà phê chấp nhận hình thức thanh toán bằng tiền điện tử của chính phủ Trung Quốc

Bất chấp vị thế là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, giá trị đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn thua xa các loại đồng tiền quốc tế khác, chỉ chiếm 2,13% dự trữ ngoại hối toàn cầu trong quý III/2020, theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trong tháng 12 vừa qua, thị phần của đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế chỉ rơi vào khoảng 1,88%, nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn tài chính an toàn SWIFT cho biết.

Song, Miyazawa cho rằng đồng tiền ảo của Trung Quốc có thể dễ dàng luồn lách vào nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi và khu vực Trung Đông. Ông cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang khuyến khích nhiều ngân hàng trong và ngoài nước sử dụng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới, giúp làm tăng tần suất góp mặt của đồng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế.

Trong báo cáo gần đây, những chuyên gia phân tích tại Ngân hàng DBS (Singapore) đã đề cao tiềm năng của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số ở thị trường châu Phi, chỉ ra rằng smartphone mới của Huawei có tích hợp sẵn ví thanh toán điện tử.

"Thông qua bước đi này, đồng tiền số của Trung Quốc có thể xuất ra nước ngoài hiệu quả hơn. Đơn cử như Châu Phi, nơi đây có vị trí thuận lợi cho việc áp dụng nhanh chóng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số", nhất là với sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong mảng kinh doanh thiết bị tiêu dùng ở thị trường châu lục này.

"Với sự ổn định vốn có, đồng nhân tệ có thể được áp dụng vào các hệ sinh thái thanh toán đang ngày càng bị chi phối bởi những công ty Trung Quốc", giới phân tích của DBS nhận định về châu Phi.

Phát biểu trong cuộc họp xoay quanh chương trình nghị sự ở Davos (Thụy Sĩ) đầu tháng 1 vừa qua, Zhu Min, Giám đốc Viện nghiên cứu Tài chính Quốc gia Trung Quốc đã hạ thấp tầm quan trọng của đồng nhân dân tệ số trên thị trường toàn cầu, cũng như khả năng tích hợp vào các dự án Vành đai và Con đường.

Song, ông nhấn mạnh đồng tiền ảo nói chung đã và đang biến động không ngừng, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường và các thỏa thuận song phương của chính phủ nhiều nước. "Đồng tiền kỹ thuật số sẽ lan rộng và phổ biến ở đa dạng mọi lĩnh vực", Zhu cho biết.

Ngay cả khi những hạn chế trước mắt từ tác động toàn cầu như dịch bệnh, tác động trong nước lên tiền ảo vẫn ảnh hưởng đáng kể.  Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đặt ra mối đe dọa tiềm tàng đối với các phương thức thanh toán tiền điện tử phổ biến của Trung Quốc, đặc biệt là khi Bắc Kinh thắt chặt các quy định đối với nhóm người chơi fintech – công nghệ tài chính, đang phát triển ngày một nhanh.

Ngân hàng Trung ương Campuchia hy vọng hệ thống tiền điện tử có thể thúc đẩy người dân sử dụng đồng riel trong nước

"Rất có thể trong tương lai, mọi khoản thanh toán trực tuyến chỉ cho phép sử dụng đồng tiền ảo mới. Điều này làm ảnh hưởng đến vai trò của các ứng dụng thanh toán trong việc giải quyết các giao dịch", Zennon Kapron, Giám đốc nghiên cứu tài chính tại Kapronasia (Singapore) trả lời với Nikkei.

"Với cấu trúc thanh toán mới này, phần trăm phí cho bất kỳ giao dịch thương mại nào sẽ được giảm đi đáng kể. Đây là một vấn đề lớn, nhất là với Ant Group, công ty đang phải tái cấu trúc, đưa mảng kinh doanh thanh toán của mình vào một tổ chức riêng biệt", ông nói.

Đồng tiền ảo luôn có ưu-nhược điểm song hành

Về sau, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng với CBDC, quyền lực của chính quyền các nước sẽ mạnh hơn ra sao, không chỉ riêng Trung Quốc. Tuy vậy, đây cũng là cách tốt để ngăn chặn hành vi rửa tiền và nhiều hoạt động phạm tội khác. Tất nhiên, điều này có nghĩa các chức trách cần có trách nhiệm quản lý chặt chẽ hơn.

"Rõ ràng một trong những lợi ích CBDC mang lại đối với các chính phủ là quyền kiểm soát cách mà các cá nhân và doanh nghiệp sử dụng tài chính ra sao. Thêm vào đó, nhiều CBDC có thể được lập trình sao cho phía tổ chức phát hành có thể quản lý cách tiền được vận hành hoặc sử dụng", Kapron nhận xét.

Song, tiền điện tử vẫn có nhược điểm riêng bên cạnh ưu điểm. "Ví dụ nhà nước sẽ dành một lượng CBDC nhất định để các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay mượn. Điều này có thể hữu ích ở một số thị trường nhất định, nơi các doanh nghiệp có quy mô không lớn được trợ cấp của ngân hàng và góp phần phát triển nền kinh tế chung", ông nói. Cùng với đó, mặt trái của tiền điện tử chỉ xuất hiện khi chính phủ không đứng về các cá nhân hoặc khi họ đang phải đối mặt với một cuộc khủng khoảng.

Các quốc gia châu Á chạy đua nghiên cứu CBDC

Sơ đồ các nước châu Á đang nghiên cứu hệ thống tiền điện tử

Dù vậy, các dự án phát triển CBDC vẫn đang tiếp tục ở các nước châu Á khác. Năm ngoái, Ngân hàng Thái Lan đã thử nghiệm hệ thống thanh toán dựa trên CBDC nguyên mẫu cho các doanh nghiệp, cho phép tích hợp và thử nghiệm cùng hệ thống mua sắm, quản lý tài chính của Tập đoàn Xi măng Siam và các nhà cung cấp của nó.

Ngân hàng cho biết mục tiêu là để mang lại hiệu quả thanh toán cao hơn cho các doanh nghiệp, chẳng hạn như tăng tính linh hoạt cho việc chuyển tiền hoặc phân phối các khoản thanh toán nhanh hơn và linh hoạt hơn giữa các bên cung ứng. Một báo cáo kết quả dự án sẽ có trong tháng 2 này.

Ngân hàng Hàn Quốc sẽ thử nghiệm thí điểm hệ thống CBDC ảo trong năm nay. "Chúng tôi đang nghiên cứu CBDC một cách nghiêm túc trong trường hợp cần phát hành", Thống đốc Lee Ju-yeol trả lời với giới phóng viên vào tháng trước. Ông phủ nhận việc đi sau các quốc gia khác trong lĩnh vực này và khẳng định Hàn Quốc đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.

Mặt khác, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào tháng 10/2020 đã công bố kế hoạch thử nghiệm CBDC, dự kiến ​sẽ thực hiện ​vào tháng 4 – đầu năm tài chính 2021.

Tuy nhiên, không có ngân hàng trung ương nào xác nhận khi nào họ sẽ phát hành tiền tệ kỹ thuật số của riêng mình. Nếu thực hiện, họ có thể nhìn sang Trung Quốc và Campuchia để học hỏi về những thách thức nâng cao nhận thức mà các quốc gia kia gặp phải.

Trong một thử nghiệm trước đó ở Tô Châu, Trung Quốc vào tháng 12, một cửa hàng may mặc trong trung tâm thương mại lớn cho biết với Nikkei rằng chỉ có một hoặc hai khách hàng thanh toán bằng nhân dân tệ kỹ thuật số mỗi ngày. Người tiêu dùng có thể không vội từ bỏ Alipay và WeChat Pay, những dịch vụ có tích hợp các tiện ích bổ sung như giao hàng và gọi xe.

Tại chợ Orussey ở Phnom Penh, trung tâm mua sắm chật chội nhưng đầy màu sắc với đầy đủ mọi thứ, từ thực phẩm đến vải vóc, nhiều thương gia bán hàng thậm chí còn chưa nghe đến hệ thống Bakong của ngân hàng trung ương.

Một thương gia tham dự sự kiện ra mắt năm 2019 cho biết công nghệ này hoạt động tốt nhưng không phổ biến. "Đến nay lượng người thanh toán bằng Bakong không nhiều. Nó cần một cú hit để tạo tiếng vang và thu hút người dùng".

Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ phải cạnh tranh với các nền tảng thanh toán hiện có tại Trung Quốc

Ngân hàng Quốc gia Campuchia cho biết từ tháng 7/2019 đến cuối năm 2020, giao dịch trung bình hàng tháng bằng đồng riel đã tăng gấp đôi, lên khoảng 16.000. Các giao dịch bằng USD tăng gấp bốn lần lên khoảng 80.000. Tổng giá trị tương ứng trong giai đoạn này là 55 tỷ riel (13,5 triệu USD) và 48 triệu USD.

"Vì Bakong được xây dựng trên công nghệ mới và hiện đại, các chương trình nâng cao nhận thức khách hàng là cần thiết để tăng cường hiểu biết về những lợi ích mà mọi người có thể thu được khi sử dụng hệ thống này", Chea Serey, Tổng giám đốc ngân hàng trung ương, nói với Nikkei. Bà cho biết NBC sẽ phải đối diện với những thách thức khác bao gồm kết nối mạng và nỗ lực của từng ngân hàng để đảm bảo khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận.

"Chúng tôi có lẽ cần thêm thời gian để quan sát Bakong đang phát triển như thế nào và xem có thể làm gì khác để thúc đẩy sự phổ biến đến người dùng hay không", Serey chia sẻ.

Ngọc Diệp (Theo Nikkei Asia)

Chủ đề khác