VnReview
Hà Nội

TikToker Mỹ phát tán thuyết âm mưu tuyết ở Texas là hàng... fake do chính phủ và Bill Gates tạo nên

Nhiều video trên TikTok khẳng định tuyết lẽ ra phải tan chảy khi bị đốt nóng, nhưng thay vào đó, chúng lại biến thành khí gas.

Khi mà điện đã trở lại với người dân Texas sau một trận bão tuyết hiếm có, mạng xã hội TikTok cũng bắt đầu rộn ràng với hàng loạt những video nhảm nhí phát tán thuyết âm mưu rằng đợt tuyết vừa qua chỉ là hàng giả và là sản phẩm do chính phủ tạo nên (!?)

Điều buồn cười là, trong khi nhiều video nói trên được thực hiện tại Texas, một số lại đến từ... Vương quốc Anh.

Thời tiết kinh hoàng thời gian qua tại Texas, vốn được cho là liên quan đến biến đổi khí hậu, đã đe doạ đến hạ tầng lưới điện của bang và buộc cơ quan chức năng phải cắt điện để đảm bảo an toàn, khiến hàng triệu người phải sống trong điều kiện lạnh giá trong nhiều ngày trời.

Đó cũng là lúc vô số thông tin sai lệch xuất hiện. "Fake snow" (Tuyết giả) là từ khoá liên quan đến "Texas snow" (Tuyết ở Texas) được tìm kiếm nhiều nhất hôm thứ tư tuần qua, trong khi một thông tin nhảm nhí khác cáo buộc tỷ phú Bill Gates đóng vai trò lớn trong đợt "tuyết giả" này cũng leo lên vị trí khá cao trong số những tìm kiếm Google liên quan đến tuyết ở Texas.

Nguyên nhân của thông tin này có lẽ xuất phát từ việc Bill Gates từng quyên góp cho một dự án khí hậu của Harvard gọi là Scopex nhằm thử nghiệm nhiều cách để giảm độ sáng của Mặt trời, qua đó làm chậm đi những tác động của biến đổi khí hậu. Các "chuyên gia" thuyết âm mưu phủ nhận tình trạng biến đổi khí hậu thường xuyên lấy hành động hào phóng này của Bill Gates để tấn công ông, mặc cho thử nghiệm chắn sáng Mặt trời nói trên thậm chí còn chưa được thực hiện.

Những thuyết âm mưu tương tự đang được phát tán rộng rãi trên Facebook và Telegram nói rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden bằng cách nào đó cũng có dính dáng đến bão tuyết ở Texas.

Trong;video của mình, một người dùng TikTok sử dụng một chiếc máy sấy tóc thổi vào một quả cầu tuyết và nói rằng "Nó chẳng tan ra". Đoạn video từ người dùng này, vốn đã chia sẻ hàng loạt video khác trong đó cho thấy chính cô đã thử nghiệm với tuyết trong vài ngày trước, đạt đến 285.000 lượt xem.

Nhiều người dùng Twitter cũng chia sẻ một số video TikTok về "tuyết giả" và thể hiện quan điểm rằng những thuyết âm mưu này đang ngày càng trở nên hết sức ngớ ngẩn.

Trong một video được chia sẻ rộng rãi trên Twitter nhưng đã bị xoá khỏi TikTok, một người phụ nữ đốt một quả cầu tuyết bằng bật lửa. "Cảm ơn ông, Bill Gates, vì đã tìm cách lừa chúng tôi rằng đây là tuyết thật" - người này nói. "Các bạn sẽ thấy rằng nó không tan ra, và nó sẽ bốc cháy". Người đã đăng video TikTok nói trên lên Twitter sau đó nói rằng họ không hề tin vào những khẳng định trong video.

Hashtag #governmentsnow (#tuyết-chính-phủ) trên TikTok đã có 1 triệu lượt xem tính đến sáng thứ hai vừa qua. Một video với hashtag này khẳng định nếu Tổng thống Donald Trump còn tại vị thì sẽ chẳng có mùa đông như thế này, mà vẫn sẽ là mùa xuân tươi đẹp.

Trong bối cảnh TikTok đang nhanh chóng trở nên phổ biến trong vài năm qua, nền tảng này dường như không đủ khả năng kiểm soát tình trạng tin giả lan tràn khắp nơi. Chính sách cộng đồng của TikTok đã nêu rõ rằng nền tảng này không cho phép "các nội dung sai sự thật liên quan đến các tình huống khẩn cấp có thể gây hoảng loạn".

Yotam Ophir, một phó giáo sư tại Đại học Buffalo, người chuyên nghiên cứu về tính thuyết phục của truyền thông, cho biết trong những thời điểm khủng hoảng như trận bão tuyết ở Texas, người ta thường có xu hướng "nghe theo mọi loại thông tin mang tính thành kiến và nhanh gọn nhằm giúp họ giải thích tình huống một cách hợp lý"

Lẽ tự nhiên, những thông tin mang tính thành kiến và nhanh gọn kia đều "có bản chất chính trị" - Ophir nói. Khi một người như Gates, vốn thường là chủ đề của các thuyết âm mưu cực hữu, trở thành một mục tiêu bị đổ oan phổ biến, thì họ sẽ có sức hút cực lớn đối với những người đang tìm kiếm những câu trả lời.

Giống như hầu hết các thuyết âm mưu, vốn có bản chất lặp đi lặp lại, thuyết âm mưu "tuyết giả" lần này cũng không hề mới mẻ. Thuyết này đã từng xuất hiện vào tháng 1/2014, khi miền nam nước Mỹ hứng chịu một trận bão tuyết hiếm có, và nay nó đã bị các trang tin vạch trần - bạn có thể xem đoạn video YouTube giải thích về hiện tượng thăng hoa của tuyết với hơn 100.000 lượt xem trên YouTube. Nhiều bình luận hàng đầu được ghi nhận hôm thứ 2 được thực hiện vào năm 2021, và một số người dùng vẫn nghi ngờ tính khoa học của nó, gọi đoạn video này là "bs" (nhảm nhí).

Minh.T.T (theo Insider)

Chủ đề khác