VnReview
Hà Nội

“Starbucks của nhà vệ sinh” gây chú ý tại Thái Lan trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Khi mà Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chuỗi nhà vệ sinh trả phí của Mister Loo nổi lên như một "ngôi sao sáng".

Những người đồng sáng lập Mister Loo, Andreas Wanner (trái) và Dominik Schuler tại cơ sở nhà vệ sinh của công ty ở Bangkok. Ảnh: Marimi Kishimoto.

Chuỗi nhà vệ sinh công cộng trả phí đã nổi lên như một hiện tượng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ở Thái Lan. Các cơ sở này được vận hành bởi Mister Loo, một công ty start-up của Thụy Sỹ với mục tiêu trở thành "Starbucks của nhà vệ sinh". Khi mà nhận thức của cộng đồng về vấn đề vệ sinh ngày càng tăng cao trong tình trạng nạn dịch Covid-19 vẫn đang hành hoành, chuỗi nhà vệ sinh công cộng này đang dần trở nên phổ biến tại quốc gia Đông Nam Á bằng cách quảng bá cho sự sạch sẽ của mình.

"Nó rất sạch sẽ và không hề có mùi hôi. Thật đáng giá với 10 baht (khoảng hơn 7 nghìn đồng) bỏ ra", Chanyarot, 48 tuổi, cho biết, sau khi sử dụng nhà vệ sinh do Mister Loo điều hành tại một trung tâm mua sắm ở khu phố Tàu ở Bangkok. Các phòng được ốp gỗ, trang bị máy lạnh với nền nhạc Thái nổi tiếng, một mùi thơm thoang thoảng tỏa khắp phòng.

Mức phí đối với nhà vệ sinh công cộng ở Thái Lan tốn trung bình khoảng 3 baht, bao gồm cả trong các khu du lịch cho mỗi lần sử dụng. Mister Loo tính phí 10 baht cho nhà vệ sinh "cao cấp" có máy lạnh và 5 baht cho nhà vệ sinh thông thường. Ở khu phố Tàu, vẫn có nhà vệ sinh miễn phí ở tầng khác, nhưng nhiều người chọn Mister Loo.

Mục tiêu nhắm đến ban đầu của Mister Loo là khách du lịch nước ngoài, nhưng số lượng du khách nước ngoài đã giảm do các hạn chế nhập cảnh liên quan đến đại dịch.;Tuy nhiên, khả năng tiếp cận tốt đối với người dùng địa phương đã bù đắp cho sự thiếu hụt này và doanh số của công ty trong năm 2020 đã dẫn đầu so với các năm trước.

Điểm "ăn tiền" chính của nhà vệ sinh Mister Loo là mức độ sạch sẽ của chúng. Sử dụng chất tẩy rửa đặc biệt, nhân viên khử trùng sau mỗi lần sử dụng. Trong các buồng vệ sinh cao cấp, hầu hết các đồ đạc và thiết bị - từ nút xả nước đến thùng vệ sinh hay hộp đựng xà phòng - đều được điều khiển bằng cảm biến, vì vậy người dùng có thể giải tỏa "phiền muộn" của mình mà không cần chạm vào bất cứ thiết bị nào.

Mọi nhân viên đều được đào tạo về vệ sinh, đồng thời công ty cũng theo dõi chặt chẽ các phản hồi của khách hàng thông qua mã QR được hiển thị tại mỗi cơ sở.

Mister Loo được thành lập bởi Dominik Schuler và Andreas Wanner, cựu giám đốc ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp UBS có trụ sở tại Thụy Sĩ. Công ty đã huy động được khoảng 2,8 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2015 và hiện đang hoạt động tại 40 địa điểm ở Thái Lan và 2 địa điểm ở Việt Nam. Họ đang xúc tiến kế hoạch thiết lập các cơ sở tương tự tại Indonesia và Philippines.

"Dựa trên tiềm năng thị trường chưa được khai thác và thông qua hợp tác với các đối tác kinh doanh, Mister Loo đặt mục tiêu mở rộng danh mục đầu tư hiện tại từ 42 địa điểm lên 1.400 địa điểm vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, Mister Loo đang trong quá trình huy động 10 triệu USD", Schuler nói.

Ở Thái Lan, khoảng 12.000 người sử dụng nhà vệ sinh Mister Loo mỗi ngày. Những người sáng lập công ty khẳng định những nhà vệ sinh không sạch sẽ đã không còn được chấp nhận bởi khách hàng và công ty đang là "kẻ chiến thắng" thật sự trong bối cảnh đại dịch.

"Điều quan trọng là phải xây dựng thương hiệu nổi bật để khách hàng nhận thức được dịch vụ cao cấp và sự xuất sắc được mang đến tại mỗi cơ sở. Vì thế, Mister Loo muốn trở thành Starbucks trong ngành công nghiệp toilet", Wanner nói.

Mister Loo mang đến không gian thư giãn tại một số địa điểm cao cấp, nơi người dùng cũng có thể kiểm tra các chỉ số sức khỏe như huyết áp, lượng mỡ trong cơ thể. Schuler nói: "Những phòng chờ cung cấp thêm các dịch vụ ngoài vệ sinh đơn thuần và sẽ được phát triển thành các trung tâm y tế điện tử góp phần vào xây dựng sức khỏe cộng đồng"

Biến nhà vệ sinh trở thành một nơi thật sự "hợp vệ sinh" vẫn luôn là một thách thức toàn cầu. Theo UNICEF, tỷ lệ dân số thế giới được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ đã tăng từ 28% năm 2000 lên 45% vào năm 2017, nhưng vẫn còn 4,2 tỷ người chưa được tiếp cận.

Khi nhu cầu về các cơ sở vật chất như vậy tăng lên nhằm ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, cơ hội kinh doanh cũng đang mở ra cho các doanh nghiệp, chẳng hạn như Mister Loo.

Giang Vu theo Nikkei

Chủ đề khác