VnReview
Hà Nội

Tổng thống Joe Biden chật vật giải quyết trình trạng thiếu chip

Trong phiên họp ngày 24/2, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ xoay sở 37 tỷ USD để trợ cấp cho kế hoạch tăng cường sản xuất chip ở Mỹ trong bối cảnh thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu buộc các nhà sản xuất Mỹ phải cắt giảm năng suất.

Đồng thời, ông Biden cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết tình trạng đáng báo động hiện nay, các quan chức cấp cao cho biết với Reuters. Sự khan hiếm chip ngày một trầm trọng do đại dịch đã trở thành chủ đề trong buổi thảo luận giữa Tổng thống Mỹ và một nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng tại Nhà Trắng.

Ông cho biết mình đang yêu cầu các quan chức cấp cao trong chính phủ làm việc với nhiều nhà lãnh đạo công nghiệp để xác định và tìm ra giải pháp cho vấn đề thiếu hụt bán dẫn. "Quốc hội đã thông qua một dự luật nhưng cần đến 37 tỷ USD để đảm bảo khả năng thực hiện. Tôi sẽ đứng ra thúc đẩy xoay nguồn vốn", Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố.

Nhà Trắng cho biết nhận xét của ông liên quan đến các biện pháp tăng năng lực sản xuất chip đã được đưa vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm nay nhưng cần có một quy trình riêng biệt để thu hút tài trợ.

Ngành công nghiệp chip đã thúc ép chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ đưa ra những động thái tài trợ cho các quy định pháp luật. "Chúng tôi kêu gọi tổng thống và Quốc hội đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu chip trong nước", Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) cho biết trước đó.

Sắc lệnh hành pháp của Biden đưa ra đánh giá 100 ngày đối với chuỗi cung ứng cho 4 sản phẩm quan trọng: chip bán dẫn, pin xe điện, tài nguyên đất hiếm, dược phẩm.

Lệnh cũng chỉ đạo đánh giá 6 ngành công nghiệp, được mô hình hóa theo quá trình được Bộ Quốc phòng sử dụng để tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng. Nó sẽ tập trung vào các lĩnh vực quốc phòng, y tế công cộng, công nghệ truyền thông, giao thông vận tải, năng lượng và sản xuất lương thực.

Mỹ đã và đang bị bủa vây bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung sản xuất kể từ khi đại dịch bùng phát, vốn đã làm kiệt quệ các vật tư y tế như khẩu trang, găng tay và thiết bị bảo vệ cá nhân khác. Từ đó làm tổn hại đến các nhân viên tuyến đầu chống dịch.

Trong một số trường hợp, tình trạng thiếu hụt chip đang buộc các nhà sản xuất ô tô phải sa thải nhân viên ra khỏi dây chuyền sản xuất. Đây là ví dụ mới nhất về tắc nghẽn nguồn cung.

"Đừng nhầm lẫn, chúng tôi không chỉ đơn giản là lên kế hoạch đặt hàng báo cáo mà đang lên kế hoạch thực hiện các hành động thực tế để thu hẹp khoảng cách nguồn cung và tiêu thụ sản xuất" một quan chức chính quyền đã xem qua sắc lệnh mới cho biết.

Cắt giảm sản xuất ở Mỹ

Hãng xe Ford (Mỹ) cho biết việc thiếu hụt chất bán dẫn có thể làm giảm tới 20% sản lượng của công ty trong quý đầu tiên. General Motors chia sẻ họ buộc phải cắt giảm sản lượng sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ, Canada, Mexico và sẽ đánh giá lại kế hoạch sản xuất vào giữa tháng 3.

Ford hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ và nói trong một tuyên bố rằng "điều này cực kỳ quan trọng đối với lực lượng lao động, khách hàng và doanh nghiệp của chúng tôi" và có niềm tin vào chính phủ đang nỗ lực hoạt động để chấm dứt tình trạng thiếu hụt càng sớm càng tốt.

Các công ty bán dẫn của Mỹ chiếm 47% doanh số chip toàn cầu, nhưng chỉ cung cấp ra thị trường 12% sản lượng sản xuất, theo SIA.

Biden đã chịu áp lực từ các nhà lập pháp đảng Cộng hòa vì yêu cầu hành động nhiều hơn để bảo vệ chuỗi cung ứng của Mỹ khỏi Trung Quốc bằng cách đầu tư vào sản xuất chip bán dẫn thế hệ tiếp theo trong nước.

"Tôi đặc biệt kêu gọi chính quyền Biden ưu tiên bảo vệ các công nghệ mới nổi và quan trọng, như chất bán dẫn khỏi sự trổi dậy của Trung Quốc", Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Michael McCaul cho biết trong một bức thư.

Theo sắc lệnh được đưa ra, Nhà Trắng sẽ tìm cách đa dạng hóa sự phụ thuộc chuỗi cung ứng của đất nước đối với một số sản phẩm nhất định, bằng cách phát triển sản xuất trong nước và hợp tác với các quốc gia khác ở châu Á và Mỹ Latinh khi họ không thể tự lực sản xuất. Đánh giá cũng sẽ xem xét đến việc hạn chế nhập khẩu một số nguyên vật liệu nhất định và đào tạo công nhân Mỹ.

Ngọc Diệp theo Reuters

Chủ đề khác