VnReview
Hà Nội

Hàng trăm bài hát K-pop bị gỡ khỏi Spotify vì hết hạn cấp phép bản quyền

Mâu thuẫn giá cả giữa Spotify và Kakao M đã dẫn tới một cuộc thanh trừng trên nền tảng streaming nhạc lớn nhất thế giới.

Có một sự thật mà người dùng các dịch vụ streaming nhạc không để ý, bên cung cấp dịch vụ như Spotify, Apple, Amazon,... thực ra không hề sở hữu bài hát. Họ chỉ đóng vai trò là điểm kết nối bài hát tới người nghe, thông qua những bản hợp đồng cấp phép bản quyền ký với bên chủ sở hữu catalog bài hát. Mới đây, cộng đồng hâm mộ K-pop đã cảm nhận được rõ mối quan hệ này ảnh hưởng tới họ như thế nào.

Tờ báo chuyên về ngành giải trí NME của Anh báo cáo, hàng trăm bài hát K-pop đã "bốc hơi" khỏi hệ thống của Spotify, ảnh hưởng tới khoảng 200 nghệ sĩ bao gồm cả những tên tuổi lớn như SEVENTEEN, GFRIEND, MONSTA X, IU,... Ước tính 37,5% trong danh sách 400 bài hát hàng đầu bảng xếp hạng Gaon đã biến mất. Tất cả đều thuộc sở hữu của công ty Kakao M, một hãng xuất bản và thu âm Hàn Quốc.

Bình luận về sự việc, Kakao M nói rằng đây chỉ là sự cố tạm thời do hợp đồng cấp phép bản quyền giữa họ và Spotify đã hết. Hợp đồng phân chia ra hai khu vực phân phối là Hàn Quốc và thị trường quốc tế. Việc xóa bỏ là do chính sách của Spotify, phải thực hiện đồng thời cả hai bản hợp đồng phân phối nhạc. Hãng cho biết vẫn "đang tiếp tục đàm phán" với Spotify nhằm đưa catalog hàng trăm bài hát trở lại.

Spotify mất quyền truy cập hàng trăm bài hát K-pop vì hết hạn hợp đồng (ảnh: Shutterstock)

Spotify cho biết sự gián đoạn này gây ảnh hưởng tới nhiều bên, từ nghệ sĩ cho tới cộng đồng người hâm mộ, người nghe nhạc toàn cầu. Họ đang phục vụ hơn 345 triệu người nghe nhạc ở gần 170 thị trường. Cách đây một tháng, Spotify mới chính thức đặt chân đến Hàn Quốc, nơi mà thị trường streaming bị thống trị bởi các công ty địa phương.

Theo Korea Times, ba nền tảng streaming nhạc lớn nhất ở đây là Melon của Kakao Corp (8,8 triệu người dùng tích cực hàng tháng), Genie Music của tập viễn thông KT Corp (4,47 triệu), Flo của tập đoàn SK Telecom (2,86 triệu). Trùng hợp ở chỗ, Kakao M và dịch vụ Melon đều chung chủ sở hữu là tập đoàn Kakao. Điều này khiến nhiều fan cho rằng mâu thuẫn trong cấp phép là do vấn đề cạnh tranh ở thị trường Hàn Quốc.

Đáp lại hoài nghi này, Kakao M tuyên bố họ vẫn tiếp tục đàm phán với Spotify chứ không phải để gây khó dễ. Công ty Hàn Quốc nói rằng hợp đồng phân phối tại thị trường Hàn Quốc độc lập với hợp đồng khu vực quốc tế, do vậy công ty đang muốn đạt được thỏa thuận mới để gia hạn hợp đồng. Dù thế nào, việc mất quyền truy cập vào catalog bài hát của Kakao M cũng ảnh hưởng nặng nề tới Spotify.

Ngay sau khi nhảy vào thị trường Hàn Quốc, họ lập tức gặp rắc rối trong việc duy trì thể loại nhạc K-pop (ảnh: Spotify)

Họ đang sở hữu hơn 70 track nhạc, 4 tỷ playlist, tuy nhiên thiếu hụt danh mục bài hát đến từ IU hay các nghệ sĩ K-pop có thể khiến người hâm mộ thể loại này từ bỏ dịch vụ. Korea Times nhận xét đây là một thách thức với công ty Thụy Điển. Bài học nhãn tiền chính là Apple Music khi không thể xin cấp phép quyền truy cập vào kho nhạc địa phương, dẫn tới khó khăn trong việc thu hút người dùng có sở thích nghe nhạc K-pop.

Suy cho cùng, dù có là dịch vụ streaming nhạc lớn nhất toàn cầu với hơn 155 triệu thuê bao, Spotify phần nào vẫn phải lệ thuộc vào các đơn vị thu âm để duy trì kho nội dung. Bất kỳ dịch vụ nào cũng cần các hợp đồng cấp phép để đảm bảo khả năng cạnh tranh, dù là Spotify hay Apple Music, Tidal, YouTube Music,... đều không ngoại lệ.;

Ambitious Man

Chủ đề khác