VnReview
Hà Nội

Giãn cách xã hội hai năm một lần để đạt được mục tiêu chống biến đổi khí hậu, nên hay không?

Năm 2020 vừa qua, thế giới đã ghi nhận ​​lượng khí thải CO2 ;giảm tới 7% - tương đương khoảng 2,6 tỷ tấn so với năm trước đó. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm kỷ lục này là do đại dịch toàn cầu COVID-19, buộc các cơ quan chính phủ trên toàn thế giới phải thực thi các biện cách ly xã hội ở hầu hết mọi thành phố bùng phát đại dịch.

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng cần phải duy trì sự sụt giảm lượng khí thải carbon kể trên hai năm một lần trong vòng 10 năm tới để đạt được các mục tiêu của "Thỏa thuận chung Paris". Điều này có nghĩa là những đợt giãn cách tương tự năm 2020 sẽ phải tái diễn hai năm một lần trong suốt phần còn lại của thập kỷ. Giải pháp này có thực sự khả thi và hiệu quả?

Thỏa thuận chung Paris

"Thỏa thuận chung Paris" được hình thành vào tháng 11/2016, với sự tham gia của 195 quốc gia, là một thỏa thuận quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý về vấn đề biến đổi khí hậu. Mục tiêu cơ bản của thỏa thuận là giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ chính là mỗi quốc gia cần đạt đỉnh phát thải khí càng sớm càng tốt, từ đó đạt được mục tiêu trung hòa lượng khí thải carbon vào giữa thế kỷ 21. Các nước tham gia cũng phải đệ trình các kế hoạch riêng nhằm đạt được mục tiêu mà mình đã đề ra trong thỏa thuận. Tuy nhiên cho đến nay, có vẻ như việc thực hiện kế hoạch vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Điều này được cho là do các mục tiêu của từng quốc gia không đủ tham vọng và hiệu quả, hoặc một số chính phủ tỏ ra bất hợp tác, chẳng hạn như việc tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận trong nhiệm kỳ tổng thống của mình (Mỹ đã tái gia nhập hiệp định dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Joe Biden).

Cách ly xã hội sẽ không có tác dụng lâu dài

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới, việc giảm lượng khí thải carbon do các đợt giãn cách xã hội năm 2020 trên toàn thế giới tuy khá quan trọng, nhưng sẽ không có bất kỳ tác dụng lâu dài nào đối với việc ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Các nhà nghiên cứu cho biết, để đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris, các đợt giãn cách có quy mô tương tự năm 2020 phải được lặp lại hai năm một lần trong vòng 10 năm tới. Rõ ràng, điều này hoàn toàn không khả thi do những ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và đời sống.

Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu cho biết các chính phủ cần nỗ lực để giảm lượng khí thải phát sinh từ các ngành công nghiệp dựa trên nhiên liệu hóa thạch thay vì dựa vào giãn cách xã hội để đạt được kết quả. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng vừa công bố dữ liệu cho thấy mức phát thải carbon trên thế giới đã trở lại mức quan sát được trước khi xảy ra đại dịch, điều này một lần nữa chứng minh rằng việc giãn cách xã hội không hề mang lại kết quả lâu dài.

Bà Corrine Le Quéré – một trong những tác giả của nghiên cứu nhận định: "Thật đáng tiếc khi trước đây chúng ta đã không nhận ra rằng không thể coi biến đổi khí hậu như một vấn đề thứ yếu. Chống biến đổi khí hậu phải được đặt ở trọng tâm của tất cả các chính sách, mọi chiến lược và mọi kế hoạch của các nước đều phải phù hợp với việc giải quyết vấn đề này".

Yen Kim  (Theo Mashable SEA)

Chủ đề khác