VnReview
Hà Nội

7 'vũ khí công nghệ' Trung Quốc dùng để đối chọi với Mỹ

Đề ra mục tiêu cạnh tranh với Mỹ nhằm giành lấy vị thế dẫn đầu, Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy nghiên cứu 7 "công nghệ mũi nhọn", bao gồm cả điện toán lượng tử và công nghệ bán dẫn.

Theo CNBC, 2021 là năm đầu Trung Quốc triển khai kế hoạch 5 năm lần thứ 14, kéo dài cho đến 2025. Chính quyền Bắc Kinh cho biết họ sẽ biến "khả năng tự lực và tự phát triển của ngành khoa học công nghệ thành trụ cột chiến lược cho sự phát triển của quốc gia".

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 5/3 cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ thêm 7% mỗi năm cho giai đoạn từ 2021-2025, với mục tiêu theo đuổi "những đột phá lớn" về công nghệ.

Một số gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei hay SMIC đã bị Mỹ "nắm thóp" khi chịu ảnh hưởng xấu từ các lệnh trừng phạt do căng thẳng 2 nước leo thang nhiều năm gần đây.

Vì vậy, Trung Quốc đã tập trung vào việc nâng cao khả năng chuyên môn trong nước vào các lĩnh vực được xem là trọng yếu về mặt chiến lược, chẳng hạn như chất bán dẫn. Sau đây là 7 "công nghệ mũi nhọn" mà Trung Quốc không chỉ ưu tiên trong 5 năm tới mà còn xa hơn thế.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Theo kế hoạch được đề ra, Trung Quốc sẽ tập trung phát triển chất bán dẫn riêng biệt đảm nhận các tác vụ xử lý AI và thuật toán mã nguồn mở. Công nghệ mã nguồn mở thường được phát triển độc lập bởi một tổ chức và cấp phép sử dụng cho các công ty bên thứ 3.

Công nghệ học máy cũng được chú trọng phát triển, cụ thể là trong các lĩnh vực như ra quyết định. Máy học là sự phát triển của các chương trình về AI, được đào tạo dựa trên kho dữ liệu khổng lồ. Dữ liệu càng nhiều, quá trình học máy sẽ trở nên hiệu quả và chính xác hơn.

Đối với các công ty Trung Quốc, trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực vô cùng quan trọng và được chính phủ nước này đề cao trong nhiều năm qua. Một số tên tuổi như Alibaba hay Baidu đã và đang đầu tư vào AI.

Trên thị trường quốc tế, Trung Quốc và Mỹ đang đua nhau giành lấy quyền thống trị của AI. Một nhóm chuyên gia do cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt dẫn đầu cho biết Trung Quốc có thể sớm thay thế Mỹ trở thành "siêu cường quốc về AI" của thế giới.

Điện toán lượng tử

Cụ thể hơn, Trung Quốc đang nhắm đến lĩnh vực thông tin lượng tử, một nhánh nhỏ thuộc điện toán lượng tử. Đây là khái niệm hoàn toàn mới và khác so với công nghệ máy tính ngày nay với tiềm năng hỗ trợ cho các lĩnh vực đầy tham vọng. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh, khả năng thông tin lượng tử có thể mang đến một bước tiến y học mới là rất hứa hẹn.

Bo mạch xử lý - chất bán dẫn

Chất bán dẫn là lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc. Nhiều năm qua, quốc gia Đông Á đã đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Song, Trung Quốc vẫn phải vật lộn với nhiều khó khăn để bắt kịp Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc.

Nguyên nhân của vấn đề là chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Tập đoàn TSMC của Đài Loan và Samsung từ Hàn Quốc là 2 nhà sản xuất chip hiện đại nhất thế giới. Tuy nhiên, các công cụ sản xuất mà họ sử dụng phần lớn đều từ Mỹ và Châu Âu chế tác.

Như đã biết, tập đoàn bán dẫn hàng đầu Trung Quốc SMIC đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen xuất khẩu. Công ty không được phép sử dụng các công nghệ do Mỹ làm chủ. Bên cạnh các biện pháp ngăn chặn trực tiếp, Mỹ còn không cho các công ty vận chuyển linh kiện liên quan đến công nghệ của mình cho SMIC nhằm giúp tập đoàn Trung Quốc bắt kịp các đối thủ.

;Vì bản thân Trung Quốc không có các công ty thiết kế và sản xuất công cụ chế tạo bán dẫn, họ buộc phải phụ thuộc vào các công ty từ quốc gia khác. Điều này đã trở thành điểm yếu và Trung Quốc giờ đây đang muốn thay đổi.

Trong kế hoạch phát triển 5 năm tới, Trung Quốc cho biết sẽ tập trung vào nghiên cứu và phát triển các công cụ thiết kế mạch tích hợp, thiết bị sản xuất và vật liệu quan trọng. Không chỉ được dùng trên các thiết bị di động, chip xử lý hiện diện ở khắp mọi nơi và trong mọi lĩnh vực. Đây là lý do vì sao Trung Quốc phải tìm cách thay đổi nếu muốn theo đuổi mục tiêu trở thành "siêu cường quốc công nghệ".

Nghiên cứu não bộ

Ngoài lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc còn quan tâm đến lĩnh vực y tế, như làm thế nào để ngăn chặn các bệnh về não. Các quan chức nước này cho rằng trong tương lai họ sẽ xem xét kế hoạch chế tạo "máy tính lấy cảm hứng từ não bộ", cũng như công nghệ kết hợp giữa não người và máy tính. Cụ thể chi tiết những quan điểm trên không được đề cập trong bản kế hoạch 5 năm nên sẽ khiến nhiều người khó hình dụng vấn đề ra sao.

Tuy nhiên trước Trung Quốc, một số dự án tương tự đã được tiến hành tại Mỹ. Điển hình là công ty Neuralink của tỷ phú Elon Musk. Với mục tiêu kết nối con người và máy tính, Neuralink đang nghiên cứu các giao diện chip não để cấy ghép vào não bộ.

Công nghệ sinh học

Trước sự bùng phát của virus Covid-19 vào năm ngoái, công nghệ sinh học đã trở thành lĩnh vực cần được quan tâm. Trung Quốc cho biết họ sẽ tập trung vào việc nghiên cứu vắc xin và đề cao các vấn đề an toàn sinh học.

Y học lâm sàng và sức khỏe

Cũng trong kế hoạch dài hạn của mình, Trung Quốc sẽ tập trung vào nghiên cứu các căn bệnh quái ác như  ung thư, tim mạch, hô hấp và chuyển hóa. Chính phủ cũng tuyên bố rằng sẽ phát minh một số công nghệ điều trị "tiên tiến" như y học tái tạo. Điều này liên quan đến khả năng tái tạo hoặc sửa chữa các tế bào, mô và cơ quan bị tổn thương của thuốc.

Trung Quốc cho biết họ cũng sẽ xem xét các công nghệ quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh lây truyền ở quy mô lớn.

Nghiên cứu khoa học vũ trụ, toàn bộ những điều chưa biết về Trái Đất và hệ Mặt Trời

Khám phá không gian là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Bắc Kinh dự kiến tập trung vào nghiên cứu "nguồn gốc và sự tiến hóa của vũ trụ", khám phá khả năng sinh sống của con người trên sao Hỏa, hay nghiên cứu các vùng biển sâu và vùng cực.

Tháng 12 năm ngoái, một tàu vũ trụ của Trung Quốc đã quay về Trái Đất và mang theo đá Mặt Trăng . Đây là lần đầu tiên Trung Quốc phóng tàu vũ trụ từ một thiên thể ngoài Trái đất và cũng là lần đầu tiên nước này thu thập được các mẫu vật từ Mặt Trăng.

Ngọc Diệp

Chủ đề khác