VnReview
Hà Nội

Bão cát ở Bắc Kinh, Trung Quốc thực sự tồi tệ hơn nhiều người tưởng tượng

Những trận bão cát xảy ra gần đây ở Bắc Kinh không chỉ là những trận bão cát thông thường mà nó còn nguy hiểm hơn thế khi chúng đem theo các hạt bụi nhỏ li ti.

Bầu trời ở Bắc Kinh gần đây đã chuyển sang màu cam và nguyên nhân chủ yếu là do bão cát. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà hơn hết, nó là một cơn bão bụi cực kỳ nguy hiểm. Bắc Kinh và các khu vực khác ở miền bắc Trung Quốc trong tuần qua đã phải hứng chịu trận bão cát lớn nhất trong 10 năm qua, khiến ít nhất 6 người chết và khoảng 81 người mất tích ở Mông Cổ.

Hiện tượng này nghe có vẻ như là ảnh hưởng của hoạt động địa chất nhưng mọi chuyện có thể không như nhiều người tưởng nếu nó không phải chỉ là hạt cát. Hạt cát là những hạt khoáng chất có đường kính lớn hơn 0,06 mm. Nhưng bão bụi còn nghiêm trọng hơn nhiều so với bão cát.

Các hạt bụi là những hạt nhỏ hơn cát và khi chạm vào sẽ có cảm giác mềm mượt và không làm xước da. Điều quan trọng là những hạt nhỏ hơn, nhẹ hơn này có thể đi xa hơn rất nhiều. Kích thước hạt bụi cũng quan trọng vì các hạt bụi nhỏ hơn 10 micromet (pm10) và đặc biệt là nhỏ hơn 2,5 micromet (pm2.5) là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, vì chúng đủ nhỏ để đi sâu vào bên trong phổi.

Bão bụi ở Trung Quốc đã xảy ra từ rất lâu trước khi con người có các tác động tới cảnh quan. Trong thời kỳ kỷ băng hà lặp đi lặp lại suốt 2,6 triệu năm qua, khối lượng bụi khổng lồ được tạo ra do sự di chuyển của các tảng băng, lắng xuống tạo thành các mỏ được gọi là hoàng thổ.

Qua nhiều thiên niên kỷ, chúng tích tụ với độ dày lên tới 350 mét và tạo thành Cao nguyên Hoàng thổ ở Trung Quốc có diện tích lớn hơn cả nước Pháp hiện nay. Hoàng thổ rất giàu chất dinh dưỡng và thích hợp làm đất sản xuất nông nghiệp. Nhưng phần lớn đất canh tác này hiện đang bị gió làm xói mòn và đưa bụi đi khắp mọi nơi.

Hướng di chuyển của bão bụi

Nếu chúng ta đã thấy những thay đổi mạnh mẽ như vậy trong quá khứ, vậy liệu tần suất của các cơn bão bụi có thay đổi? Câu trả lời là không và cũng không nên ngoại suy từ một khu vực đơn lẻ như Trung Quốc ra toàn cầu vì mô hình này rất phức tạp và có nhiều biến động ngay cả trong khu vực.

Trên thực tế, có một số bằng chứng xác đáng cho thấy tần suất bão bụi đã giảm ở Trung Quốc trong vài thập kỷ qua. Các nghiên cứu khác lại phát hiện thấy sự gia tăng các cơn bão bụi ở một số vùng của Trung Quốc trong vài thế kỷ qua.

Ở quy mô toàn cầu, bức tranh phức tạp như nhau. Các nghiên cứu ở Israel tiết lộ đã có sự gia tăng các cơn bão bụi trong 30 năm qua, trong khi các nghiên cứu khác lại nhận thấy tần suất các cơn bão bụi đang giảm dần ở các khu vực khác.

Cả con người và thiên nhiên đều là nguyên nhân chính

Vậy điều gì gây ra những cơn bão bụi hiện nay? Đây có phải là một quá trình hoàn toàn tự nhiên hay là một chức năng của biến đổi khí hậu hoặc do quản lý đất đai yếu kém. Câu trả lời phức tạp hơn chúng ta tưởng và có thể bao gồm những yếu tố đã kể trên.

Một nghiên cứu gần đây đã xem xét vai trò của các chế độ, triều đại khác nhau và biến đổi khí hậu đã gây ra đối với tần suất bão bụi ở Trung Quốc trong suốt 2.000 năm qua. Kết quả chỉ ra, sự gia tăng các cơn bão bụi trùng hợp với tình trạng gia tăng dân số và sự gia tăng hoạt động của hoàn lưu gió mùa ở Châu Á.

Nghịch lý thay, hoạt động gia tăng của bão bụi lại xảy ra vào thời điểm lượng mưa gia tăng. Nó cũng cho phép các triều đại phát triển mạnh mẽ và gia tăng dân số, làm tăng nhu cầu giải phóng mặt bằng nông nghiệp.

Ở các địa điểm khác, quá trình này chủ yếu diễn ra tự nhiên. Ví dụ vùng Bodélé Depression ở Chad, thuộc sa mạc Sahara là một trong những nguồn phát tán bụi vào khí quyển lớn nhất trên thế giới dù kích thước khá khiêm tốn của nó. Nguyên nhân cũng đến từ điều kiện sa mạc siêu khô cằn, bề mặt được tạo thành từ trầm tích, dễ ăn mòn và những ngọn núi gần đó đưa gió cuốn bụi ở bề mặt đi khắp mọi nơi.

Nhìn qua có vẻ như đây là một bức tranh ảm đạm về tình trạng xói mòn cảnh quan, mất đất sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm khí quyển và ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng vẫn còn một khía cạnh khác liên quan đến bão bụi.

Bão bụi góp phần vận chuyển các chất dinh dưỡng và khoáng chất quan trọng, đặc biệt là sắt, đến các đại dương và vì vậy, bão bụi đôi khi được coi là nguồn "phân bón" cho thực vật phù du dưới đại dương. Nó cũng là cơ sở cho hầu hết các chuỗi thức ăn trong đại dương.

Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy, hơn 3/4 lượng sắt hòa tan ở phía bắc Đại Tây Dương có nguồn gốc từ bụi Sahara do gió thổi đem đến. Một số nghiên cứu khác cũng tiết lộ, bụi Sahara đóng một vai trò quan trọng trong việc đem tới chất dinh dưỡng cho rừng nhiệt đới Amazon.

Do đó, câu chuyện bụi sa mạc bị gió thổi đã và đang đe dọa không khí tại Bắc Kinh mới đây vẫn còn nhiều khía cạnh để phân tích và nó mang phạm vi toàn cầu nhiều hơn chỉ là cục bộ.

Tiến Thanh

Chủ đề khác