VnReview
Hà Nội

Vì sao người trẻ Trung Quốc ngày càng ngại chuyện hôn nhân?

Người trẻ Trung Quốc thời gian gần đây ngày càng lười kết hôn do kinh tế nước này phát triển nhanh hơn, nữ giới có nhiều lựa chọn hơn và tỷ lệ chênh lệch nam - nữ ngày càng lớn.

Hôn nhân là nền tảng của gia đình tại Trung Quốc. Đối với một cá nhân nào đó, kết hôn đồng nghĩa với sự kết nối tình cảm và cảm xúc ràng buộc nhiều hơn. Hơn thế nữa, một cuộc hôn nhân hòa thuận về lâu dài sẽ góp phần vào sự ổn định xã hội. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc ngày càng cao còn tỷ lệ kết hôn ngày càng giảm.

Ít kết hôn hơn

Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, tỷ lệ kết hôn của nước này ngày càng giảm trong khi tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng. Đồng thời, tuổi kết hôn trung bình ở nước này cũng ngày càng tăng lên. Số cặp đôi đăng ký kết hôn ở Trung Quốc đã giảm liên tục kể từ năm 2013 - thời điểm con số này đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Cùng với đó, người Trung Quốc cũng ngày càng kết hôn muộn hơn. Nhóm tuổi kết hôn nhiều nhất ở nước ngày hiện nay là từ 25 - 29, so với 20 - 24 của trước đây. Trong khi đó, số người trên 40 tuổi kết hôn trong những năm gần đây có xu hướng tăng mạnh.

Tỷ lệ ly hôn của Trung Quốc gần đây cũng tăng cao. Từ năm 1987 đến 2020, số lượng đăng ký ly hôn tăng từ 580.000 lên 3,73 triệu cặp, tỷ lệ ly hôn tăng từ 0,5% năm 1987 lên 3,4% vào năm 2019.

Tăng trưởng càng cao, càng ít người kết hôn

Kể từ năm 2013 đến nay, hầu hết các khu vực tại Trung Quốc đã và đang chứng kiến tỷ lệ kết hôn giảm rõ rệt. Nhìn chung, việc tăng trưởng tổng sản phẩm quốc hội và tỷ lệ kết hôn ở các khu vực ở nước này đang tỷ lệ nghịch với nhau.

Đồng thời, các vùng phát triển của Trung Quốc (như các tỉnh ven biển phía đông) có tỷ lệ kết hôn thấp hơn so với phần còn lại của đất nước này. Năm 2019, Thượng Hải, Thiên Tân, Chiết Giang, Sơn Đông, Quảng Đông, Phúc Kiến có tỷ lệ kết hôn thấp nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ kết hôn ở các vùng phía tây và những nơi kém phát triển ở đất nước này vẫn khá cao.

Nhiều lựa chọn hơn cho phụ nữ

Trình độ học vấn ngày càng cao của người dân Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc trì hoãn kết hôn ở nước này. Theo Cục thống kê Trung Quốc, từ năm 2015 - 2019, số lượng sinh viên sau đại học ở nước này đã tăng từ 1,59 triệu lên 2,4 triệu. Khi số người dành thời gian cho việc học nhiều hơn, độ tuổi kết hôn trung bình tăng lên.

Vào năm 1982, trung bình một người Trung Quốc dành 5,3 năm để đi học. Đến năm 2017, con số này tăng lên 9,6. Từ năm 1990 đến năm 2016, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới Trung Quốc tăng từ 24,1 lên 27,2 và nữ giới tăng từ 22 lên 25,4.

Phụ nữ Trung Quốc bắt đầu học đại học nhiều hơn trước đây. Năm 2017, tỷ lệ nữ giới có trình độ đại học ở nước này là 52,2%, tăng mạnh so với 38,3% của năm 1998.

Trong cùng khoảng thời gian đó, số lượng phụ nữ độc thân ở Trung Quốc tăng lên nhanh chóng. Từ năm 2000 - 2015, phụ nữ trên 29 tuổi chưa kết hôn đã tăng từ 1,54 triệu lên 5,9 triệu. Năm 2015, tỷ lệ phụ nữ trên 29 tuổi chưa kết hôn có bằng thạc sĩ là 11%.

Khi phụ nữ Trung Quốc đã có được sự độc lập về kinh tế, họ có khả năng tự chủ cuộc sống tốt hơn sau khi ly hôn. Theo các số liệu ở nước này, năm 2017, các tòa án ở Trung Quốc đã xét xử hơn 1,4 triệu vụ ly hôn. Trong số đó, 73% quyết định ly hôn đến từ phụ nữ.

Chi phí hôn nhân

Theo truyền thống của Trung Quốc, hôn nhân sẽ đi kèm với một loạt các sự kiện tốn kém. Hiện nay, giá bất động sản tăng chóng mặt, chi phí học hành của con cái tăng cao khiến những người trẻ ngại kết hôn, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Giá nhà ở Trung Quốc đã tăng mạnh từ năm 1998, gây căng thẳng cho các cặp vợ chồng mới cưới và cha mẹ của họ. Từ năm 2014 - 2018, giá trị dư nợ các khoản vay mua nhà đã tăng gấp 16 lần, từ 1,6 nghìn tỷ Nhân dân tệ lên 25,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Trong thời gian này, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập ở Trung Quốc cũng tăng.

Giảm tỷ lệ sinh, quá nhiều trẻ em trai

Chính sách một con được áp dụng vào cuối những năm 1970 tại Trung Quốc đã tạo ra 2 vấn đề ảnh hưởng đến tỷ lệ kết hôn của nước này: tỷ lệ sinh giảm và tình trạng mất cân bằng giới tính căng cao.

Tỷ lệ sinh thấp có tác động lâu dài đến số người trong độ tuổi kết hôn. Theo số liệu điều tra dân số năm 2010, Trung Quốc có 219 triệu người sinh ở những năm 1980, 188 triệu người sinh vào những năm 1990 và 147 triệu người trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Kể từ khi chính sách một con được áp dụng tại Trung Quốc, đất nước này ngày càng chịu cảnh mất cân bằng giới tính, trong đó nam nhiều hơn nữ. Năm 1982, cứ 100 bé gái thì có 107,6 bé trai được sinh ra. Con số này tăng lên 110 vào năm 1990 và 118 vào năm 2000. Kể từ đó, con số này luôn ở mức trên 120.

Tác động tiêu cực

Cũng giống như việc trì hoãn kết hôn, nhiều người Trung Quốc cũng đang trì hoãn việc sinh con. Từ năm 1990 đến 2015, tuổi trung bình của những bà mẹ sinh con lần đầu tăng từ 24,1 lên 26,3.

Việc ngày càng nhiều người dân kết hôn và sinh con muộn hơn sẽ tạo ra gánh nặng cho việc chăm sóc người già ngày càng tăng và có thể trở thành lực cản nghiêm trọng với kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc đang và sẽ nổi lên như một trong những quốc gia có gánh nặng tài chính cho chăm sóc người cao tuổi. Lấy ví dụ về lương hưu. Năm 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng thu ngân quỹ hưu trí bình quân của Trung Quốc là 14,5% nhưng con số tương tự với chi là 17,2%. Năm 2019, 16 quỹ hưu trí ở các tỉnh, đơn vị hành chính của nước này thu không đủ bù chi. Tại tỉnh Hắc Long Giang, năm 2019, mức thiếu hụt lương hưu là 43,37 tỷ Nhân dân tệ.

Nguyễn Dương (Theo Nikkei)

Chủ đề khác