VnReview
Hà Nội

Các dịch vụ phim “lậu” đã định hình nên một thế hệ thanh niên tại Trung Quốc

Đối với rất nhiều người ở bên ngoài Trung Quốc, quả là khó hiểu khi những đợt triệt phá các dịch vụ xem phim "lậu" lại gây nên những phản ứng vô cùng gay gắt trong cộng đồng.

Ý nghĩ phải bỏ tiền ra để xem các bộ phim là một khái niệm lạ lẫm đối với nhiều thanh niên sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ 21. Trong một quãng thời gian dài, họ và bạn bè đã luôn xem những bộ phim bom tấn Hollywood, phim Hàn Quốc và thậm chí là những tác phẩm phim điện ảnh đến từ Pháp trên những website không rõ nguồn gốc của Trung Quốc, vốn cung cấp video chất lượng cao có thể tải về kèm phụ đề được dịch bởi các fan phim ảnh Trung Quốc.

Nhưng mọi chuyện sẽ khác đi nhiều một khi họ chuyển đến sống tại Hồng Công, nơi những trải nghiệm lâu nay của họ đối với phim ảnh bị xem là "ăn cắp bản quyền" (piracy) trong văn hoá phương Tây. Và hiện nay, chính quyền Trung Quốc cũng đã bắt đầu có cái nhìn tương tự, dù đi sau cả thập kỷ.

Hồi tháng 2 vừa qua, cảnh sát Thượng Hải đã bắt giữ 14 nhân viên của Renren Yingshi, một website phổ biến chuyên cung cấp các bộ phim và chương trình truyền hình nước ngoài chưa được kiểm duyệt, vì nghi vấn xâm phạm bản quyền.

Hoạt động này của phía cảnh sát, khá kỳ lạ, đã làm dấy lên phản ứng trái chiều từ người xem Trung Quốc: họ ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với Renren và các biên dịch viên của website này trên mạng xã hội. Một số nói rằng website đã "mở một cánh cửa ra thế giới".;Một người thậm chí còn cố gắng gây quỹ để nộp phí tại ngoại cho những người bị bắt.

Đối với rất nhiều người ở bên ngoài Trung Quốc, quả là khó hiểu khi những đợt triệt phá các dịch vụ xem phim "lậu" lại gây nên những phản ứng vô cùng gay gắt trong cộng đồng như vậy. Nhưng họ đâu biết rằng, đối với một thế hệ sinh ra và lớn lên đằng sau Đại Tường Lửa của Trung Quốc - những người bị hạn chế hoặc không thể tiếp cận nhiều sản phẩm truyền thông chất lượng cao của thế giới - sự tồn tại của những website phim "lậu" kia chẳng khác gì một sự cứu rỗi trong cuộc sống.

Dù xem phim tại rạp đã luôn là một phần trong cuộc sống của trẻ em phương Tây, đó là một điều xa xỉ với hầu hết người Trung Quốc trong thập niên 1990 và 2000. Nhiều địa phương ở nước này chỉ có một rạp phim duy nhất, thuộc sở hữu của nhà nước, và chỉ mở cửa hoạt động vài lẫn mỗi năm. Các chương trình truyền hình được sản xuất trong nước, hiển nhiên, khó thu hút được một bộ phận người xem tuổi teen vốn luôn tìm kiếm những điều mạo hiểm.

Chính những bộ phim và show truyền hình nước ngoài trên Renren và các nền tảng chia sẻ video khác là thứ mang lại cho họ một cái nhìn về thế giới bên ngoài Trung Quốc. Giới trẻ ở quốc gia đông dân nhất thế giới bị lôi cuốn bởi những giá trị tự do và tinh thần nổi loạn thường thấy trong phim ảnh Hollywood, trái ngược với những nội dung mà chính quyền Trung Quốc đề cao trong bài vở trường học và truyền thông dòng chính. Cuộc sống được miêu tả trong những bộ phim đó đã tạo cảm hứng cho họ theo đuổi ước mơ du học.

Kể cả sau khi Trung Quốc bắt đầu nhập về nhiều phim ảnh nước ngoài hơn, vẫn rất ít người sẵn sàng bỏ tiền bởi nội dung phim thường bị kiểm duyệt bởi các cơ quan truyền thông nhà nước.

Một ví dụ là series "Trò chơi vương quyền". Đến 6 phút trong tập mở đầu của Mùa 8, ra mắt năm 2019, đã bị cắt khỏi phiên bản công chiếu chính thức trên nền tảng stream video của Tencent, một gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Những cảnh phim bị cắt này có chứa nội dung khoả thân và bạo lực, vốn được nhiều người hâm mộ xem là quan trọng trong quá trình phát triển của cốt truyện. Một phiên bản không kiểm duyệt của tập phim đã xuất hiện trên mạng chỉ vài giờ sau khi công chiếu trên toàn cầu, với phụ đề được dịch rất chính xác bởi một nhóm tình nguyện viên tận tâm và tài năng người Trung Quốc.

Bên cạnh việc mang đến sự thích thú, những bộ phim và show truyền hình nước ngoài chưa qua kiểm duyệt còn thu hẹp khoảng cách giữa một thế hệ người Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Mặc cho những khác biệt về văn hoá và nền tảng giáo dục so với bạn bè phương Tây, những người trẻ Trung Quốc không hề kém cạnh khi nhắc đến sự hâm mộ đối với các nhân vật như Harry Potter, Sherlock Holmes, và các siêu anh hùng Marvel nhưu Iron Man và nhóm Avengers.

Họ tin rằng quá trình "trao đổi văn hoá" ngầm diễn ra thông qua những bộ phim "lậu" kia đã giúp Trung Quốc gắn kết hơn với thế giới. Và tác động của nó đang ngày một lớn hơn. Thế hệ sinh ra vào thập niên 1980 và 1990 bị ảnh hưởng lớn bởi những sản phẩm từ nước ngoài, và hiện đóng vai trò quan trọng trong việc lèo lái tương lai của đất nước.

Nhưng sự ảnh hưởng đó đối với giới trẻ Trung Quốc ngày nay đã phần nào phai nhạt. Thế hệ người trẻ Trung Quốc hiện không còn thèm khát phim Hollywood như trước, một phần bởi sự phát triển mạnh mẽ của tinh thần dân tộc. Các sản phẩm nội địa với chất lượng ngày càng được cải thiện cũng trở nên lôi cuốn hơn. Top 5 bộ phim đang nổi đình nổi đám ở Trung Quốc đều được sản xuất trong nước, trong khi top 5 một thập kỷ trước vẫn bị thống trị bởi những bom tấn Hollywood.

"Trò chơi vương quyền", một series bị kiểm duyệt khá gay gắt tại Trung Quốc vì có nhiều cảnh khoả thân và bạo lực

Nhật Bản cũng đang đánh mất sự thống trị trên lĩnh vực hoạt hình trong mắt người hâm mộ Trung Quốc. Theo Bilibili, một nền tảng chia sẻ video Trung Quốc vốn nổi tiếng với các nội dung truyện tranh và hoạt hoạ, trong năm 2019, người xem dành nhiều thời gian để xem hoạt hình Trung Quốc hơn bất kỳ sản phẩm nước ngoài nào - lần đầu tiên trong lịch sử, Nhật Bản bị đá văng khỏi vị trí số 1.

Thị trường giải trí Trung Quốc, không nằm ngoài xu hướng, đang dần lệ thuộc hơn vào nội dung trong nước, trong khi các sản phẩm nước ngoài được nhập về đều bị kiểm soát sao cho phù hợp với định hướng của nhà nước. Với hoạt động triệt phá các dịch vụ xem phim "lậu" ngày càng được triển khai mạnh mẽ hơn, thế hệ trẻ Trung Quốc ngày nay đang được định hình bởi các giá trị văn hoá truyền thống Trung Quốc theo đúng ý định của chính quyền. Và kết quả là, người xem tại Trung Quốc dần có cái nhìn tiêu cực hơn với các sản phẩm nước ngoài.

Tất cả những điều này, không sớm thì muộn, cũng sẽ khiến người Trung Quốc và người phương Tây rời xa nhau hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giao lưu văn hoá giữa các cộng đồng. Dẫu vậy, chúng ta đều biết rằng lệ thuộc vào các sản phẩm xâm phạm bản quyền chắc chắn không phải là con đường bền vững để gắn kết các nền văn hoá. Các nhà sản xuất cần được tôn trọng và đền đáp, từ đó ngành công nghiệp truyền thông giải trí mới có thể tiếp tục tăng trưởng. Nhưng làm sao có thể giải quyết được vấn đề nan giải: chẳng mấy ai muốn bỏ tiền cho các nội dung nước ngoài đã được nhập về nước một cách "đường đường chính chính", nhưng lại bị kiểm duyệt?

Hệ quả hiển nhiên nhất là các show truyền hình, phim ảnh, và TV series được sản xuất trong nước sẽ chiếm nhiều thời lượng xem của mọi người hơn. Nhiều sản phẩm như vậy được sản xuất và phân phối bởi những công ty công nghệ lớn như Tencent và Alibaba, vốn cực kỳ giỏi trong việc thu hút sự chú ý của người xem.

Thời kỳ của những tình nguyện viên vô danh ngày đem biên dịch các bộ phim và show truyền hình nước ngoài vì đam mê có lẽ đã chấm hết. Dù vai trò của họ trong việc mang thế giới bên ngoài đến gần với người xem Trung Quốc hơn là không thể chối bỏ, số tình nguyện viên này hiện trở thành "kỳ đà cản mũi" trên con đường phát triển thương mại của ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc cũng như hoạt động kiểm duyệt của chính quyền.

Là những người đã được hưởng lợi từ những nỗ lực hết mình kia, những người trẻ Trung Quốc trước đây luôn thể hiện thái độ biết ơn đối với các dịch vụ phim "lậu", bởi nhờ đó họ mới có thể trải nghiệm những nền văn hoá khác nhau. Ở những nơi như Hồng Công, người xem vẫn có thể tiếp cận các nội dung nước ngoài thông qua các kênh như Netflix và Apple TV, và họ sẵn sàng bỏ tiền ra để ủng hộ các nhà sản xuất sau nhiều năm tận hưởng miễn phí tại Trung Quốc. Nhưng ở Trung Hoa đại lục, tương lai của những bộ phim phương Tây dường như không được sáng sủa cho lắm.

Minh.T.T (Tham khảo NikkeiAsia)

Chủ đề khác