VnReview
Hà Nội

Facebook quảng cáo “chợ tình online” là phạm luật

Không chỉ nhận tiền quảng cáo, mạng xã hội này còn thúc đẩy sự phổ biến của các nhóm nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật tiếp cận người dùng.

Đầu tháng 3, một số người dùng phát hiện các nội dung có dấu hiệu môi giới mại dâm, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy được Facebook nhận tiền quảng cáo.

"Admin ơi mình sinh năm 1999 sống ở TP.HCM, cao 1m60 muốn tìm một bạn nam sạch sẽ gọn gàng, có kinh nghiệm, cao càng tốt. FWB hoặc thỉnh thoảng có thể xem phim tâm sự...", là nội dung một mẩu quảng cáo chạy trên Facebook những ngày gần đây.

Khi truy cập vào đường link trên bài đăng, một trang web mở ra, với phần lớn nội dung truyền bá văn hóa phẩm khiêu dâm và đồi trụy.

Bên cạnh việc nhận tiền quảng cáo, Facebook còn dung dưỡng nhiều hội nhóm có chủ đề về "sugar baby", "sugar daddy". Nếu tra cứu từ khóa "sugar baby", Facebook sẽ trả cho người dùng trên dưới 60 kết quả là các fanpage, hội nhóm có nội dung liên quan, phần lớn là nhóm kín.

Facebook nhận tiền quảng cáo những nội dung như thế này đến hàng nghìn người dùng Việt Nam.

Facebook vi phạm pháp luật khi nhận tiền quảng cáo 'chợ tình online'

Sự phát triển của những nội dung nói trên có sự góp sức không nhỏ từ Facebook. Ngoài việc dung dưỡng, nhận tiền quảng cáo, mạng xã hội này còn phổ biến nội dung độc hại tiếp cận đến người dùng khi cho phép chúng xuất hiện ở phần "nhóm đề xuất".

Dựa trên những trang người dùng thích hoặc có tương tác liên quan, Facebook sẽ đưa ra danh sách nhóm đề xuất đến người dùng mà không hề thông qua kiểm duyệt. "Sau một lần gia nhập nhóm các bà mẹ đơn thân, tôi được Facebook gợi ý tham gia tiếp các nhóm trao tình đổi tiền dù không hề có nhu cầu", chị Phượng Oanh, ngụ Bình Thạnh, TP.HCM cho hay.

Theo Luật sư Phan Vũ Tuấn, đại diện công ty luật Phan Law, hành vi hoặc dịch vụ môi giới "sugar baby", "sugar daddy", các nội dung đồi trụy, khiêu dâm là các hành vi, dịch vụ trái pháp luật và bị cấm kinh doanh.

Ông Tuấn cho rằng khi có một trang mạng xã hội thực hiện dịch vụ quảng cáo các nội dung bị cấm, cần phân biệt rõ hai mối quan hệ xã hội bao gồm trách nhiệm đơn vị thực hiện dịch vụ quảng cáo và tổ chức quản lý mạng xã hội.

"Với trường hợp của Facebook, đây là hình thức cung cấp dịch vụ mạng xã hội đến cộng đồng", ông nói.

Pháp luật Việt nam cũng quy định rất rõ về nghĩa vụ của các tổ chức thiết lập mạng xã hội tại nghị định số 72/2013/NĐ-CP quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng.

"Theo đó, cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng nhằm mục đích 'Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc' và 'Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm'", Luật sư Tuấn nhận định.

Nhiều nhóm nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam xuất hiện lan tràn trên Facebook.

Nếu các tổ chức thiết lập mạng xã hội vi phạm nghĩa vụ nói trên, cụ thể là chủ động quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm theo quy định pháp luật, có thể bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng và phải gỡ bỏ thông tin trái pháp luật hoặc bị thu hồi tên miền.

"Mức phạt này được quy định tại điểm h, điểm i khoản 3 điều 100 nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử", đại diện công ty luật Phan Law cho biết.

Như vậy, chưa xét đến những khía cạnh đạo đức, việc đồng ý nhận tiền để quảng cáo nội dung độc hại nêu trên, Facebook có khả năng vi phạm pháp luật Việt Nam.

Mảnh đất phát triển của nội dung xấu

Ngoài nhận tiền quảng cáo cho website "chợ tình online", Facebook còn đang là mảnh đất màu mỡ cho các nội dung xấu phát triển. Sau nhiều vụ bê bối nội dung riêng tư và can thiệp kết quả bầu cử Mỹ, Facebook tập trung phát triển tính năng hội nhóm trên nền tảng. Những nội dung độc hại, không phù hợp với pháp luật và văn hóa Việt Nam không hề biến mất mà chỉ ẩn mình trong tính năng được Facebook phát triển.

Có ba dạng nhóm gồm công khai, kín và bí mật. Trong đó, nhóm kín và bí mật đang là nơi tiềm ẩn nguy hiểm cho người dùng Facebook khi chứa chấp nhiều nội dung trái pháp luật, kích thích người dùng tranh luận, chửi bới, đăng tải nội dung xấu độc. Nhiều group với quy mô hàng triệu thành viên vẫn ngày đêm đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, đồi trụy, tấn công cá nhân…

Bảng giá dịch vụ của một trang môi giới "sugar daddy", "sugar baby".

Để lách luật, admin một số nhóm yêu cầu thành viên phải đăng ảnh chính chủ, rõ nguồn gốc. "Không dùng hoặc viết tắt những từ ngữ nhạy cảm, không đăng tuyển những bài đăng có ngôn từ liên quan đến T.D (tình dục) và hình ảnh khoả thân. Vui lòng không kèm bài đăng có ký tự tiền, chỉ cần ghi con số là được", nguyên văn nội dung bài đăng của một admin cho biết.

Thậm chí, các chủ nhóm còn đưa ra hướng dẫn cho các "sugar" cách để giao dịch. "Các daddy nên chia nhỏ số tiền chu cấp cho bb (baby) thành nhiều đợt. Ví dụ, với mức chu cấp 10 triệu/tháng nên phân thành 4 lần chuyển, mỗi đợt 2-3 triệu đồng. Điều này vừa giúp mối quan hệ "an toàn", vừa để các bb có hứng thú cho lần gặp sau", nội dung bài đăng của một admin cho hay.

Một vài chủ nhóm ghi rõ ở phần nội quy, yêu cầu người tham gia phải "tìm hiểu cặn kẽ, quan hệ trong sáng nếu không sẽ bị tính là mại dâm". Những nội quy thoạt nhìn có vẻ "trách nhiệm" không thể che giấu việc rất khó để kiểm chứng các giao dịch tình-tiền trong những nhóm này không vi phạm pháp luật Việt Nam.

Vì tiền, Facebook tự làm trái quy tắc tự đề ra

Nhận tiền để quảng cáo cho trang web chợ tình online, Facebook cũng đang tự đạp lên chính sách do chính mạng xã hội này đề ra.

Theo mục 2, thuộc "Những nội dung bị cấm" trong Chính sách quảng cáo của Facebook ghi rõ: "Quảng cáo không được cấu thành, tạo điều kiện hoặc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ hay hoạt động bất hợp pháp".

Bên cạnh đó, mục 8 "Sản phẩm hoặc dịch vụ người lớn" và mục 9 "Nội dung người lớn" của mạng xã hội này cũng cho biết các hoạt động quảng bá việc mua bán, sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ dành cho người lớn là điều cấm kỵ. Cụ thể:

"Quảng cáo quảng bá các sản phẩm hoặc dịch vụ dành cho sức khỏe sinh sản và tình dục. Quảng cáo không được chứa nội dung người lớn. Nội dung bao gồm ảnh khỏa thân, hình vẽ mô tả con người ở tư thế khêu dâm, gợi dục hoặc các hoạt động khêu gợi hay kích thích quá mức. Quảng cáo khẳng định hoặc ngụ ý khả năng gặp gỡ ai đó, kết nối hoặc xem nội dung họ tạo, không được phép sắp đặt theo cách khêu dâm hoặc có mục đích định giới tính cho người xuất hiện trong quảng cáo".

Zing;đã liên hệ Facebook về việc mạng xã hội này nhận tiền để quảng cáo website "chợ tình online" nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Trong thời gian qua, các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam như Facebook, YouTube nhiều lần để lọt các quảng cáo vi phạm.

Tháng 8/2020, Zing phản ánh hàng loạt trang mạo danh Bộ Công an quảng cáo mặt hàng quân trang quân phục trên Facebook.

Trong mục Cửa hàng, các trang này rao bán ngang nhiên các sản phẩm từ thắt lưng công an, quần áo, bảng tên cho đến gậy gộc, còng số 8... theo từng cấp sĩ quan. Những món đồ này được người bán giới thiệu là chính hãng từ công ty 19/5 và được kiểm tra kỹ chất lượng.

Đến tháng 10/2020, Facebook tiếp tục bán quảng cáo cho một số trang chứa mã độc tiếp cận người dùng. Nội dung mẩu quảng cáo kêu gọi người dùng tải xuống một tập tin có tên Adobe Photoshop CC 2020 "hoàn toàn miễn phí". Tuy vậy, tập tin này có chứa mã độc.

Không chỉ Facebook, YouTube cũng khiến nhiều quảng cáo xấu độc tiếp cận người xem ở Việt Nam. Đầu 2021, YouTube tràn lan quảng cáo thuốc được giới thiệu là chữa được các bệnh như tiểu đường, ung thư… do các "nhà thuốc", "thầy thuốc" dỏm thực hiện.

Theo Zing

Chủ đề khác