VnReview
Hà Nội

Phải chăng Brazil cần vắc-xin từ Trung Quốc và cũng cần cả Huawei?

Giới truyền thông nghi ngờ, câu chuyện Brazil bất ngờ cho phép Huawei tham gia cung cấp thiết bị mạng 5G trở lại và việc Brazil đạt được thỏa thuận mua lô vắc-xin CoronaVac của Trung Quốc dường như có mối liên kết với nhau.

Những lo ngại của phương Tây về ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ngay càng rõ ràng khi Brazil mới đây đã "đột ngột" chấp thuận các hồ sơ dự thầu xây dựng mạng 5G của Huawei tại nước này.

Tuần trước, tờ New York Times đăng tải bài viết cáo buộc Trung Quốc đã thay đổi quan điểm của chính phủ Brazil đối với Huawei bằng cách "treo" lời hứa về vắc-xin.

Bài báo nêu chi tiết cách tổng thống Mỹ Donald Trump từng tác động ra sao khiến tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ra lệnh cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G. Nhưng rồi đại dịch ập đến. Khi số người chết tăng vọt và hiện quốc gia Nam Mỹ rất cần vắc xin CoronaVac của Trung Quốc, chính phủ Brazil bất ngờ thay đổi quan điểm về Huawei. Vào ngày 11/2, Brazil đã cử bộ trưởng truyền thông đến Bắc Kinh và hai tuần sau, cơ quan quản lý Brazil Anatel thông báo Huawei sẽ được phép cung cấp thiết bị phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G.

Hai nhà báo Ernesto Londoño và Letícia Casado đến từ The Times cho biết: "Mối liên hệ chính xác giữa lời thỉnh cầu vắc-xin và việc Huawei được phép tham gia đấu giá 5G trở lại hiện chưa rõ ràng nhưng có vẻ nó xảy ra rất đúng thời điểm. Đó là một phần trong sự thay đổi lập trường của Brazil đối với Trung Quốc".

Trong trường hợp của Brazil, xung đột chủ yếu tồn tại ở cấp độ trong nước. Cụ thể cuộc chiến chính không phải là giữa một quốc gia lo sợ bảo vệ chủ quyền an ninh mạng và các siêu cường. Thay vào đó, xung đột nổ ra giữa một bên là các quan chức cứng rắn của chính quyền Bolsonaro và một bên là những người thực dụng trong cùng một chính phủ, bên cạnh đó là các tác nhân từ khu vực tư nhân.

Arivaldo Lopes, một nhà phân tích viễn thông Mỹ Latinh cho rằng, cuộc tranh đấu trong nội bộ chính phủ Brazil nhằm cấm Huawei ở nước này thực chất là cuộc tranh giành đảng phái. Tuy nhiên nó chỉ càng làm tăng thêm khoảng cách ở đất nước có tới 20 triệu dân không có cơ hội tiếp cận Internet.

Không có lý do để "trù dập" Huawei ở Brazil?

Huawei đã hoạt động ở Brazil hơn 20 năm qua. Hầu hết các công ty viễn thông của nước này đều phụ thuộc vào các thiết bị mạng 3G và 4G của công ty Trung Quốc. Hiện tại hãng smartphone lớn nhất ở Brazil là Vivo đang sử dụng thiết bị của Huawei cho 65% mạng lưới điều hành. Nguyên nhân không hẳn vì ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở khu vực Mỹ La Tinh mà là vì có quá ít các nhà cung cấp thiết bị viễn thông ở đây. Chỉ có một số hãng như Huawei, Nokia và Ericsson.

Sau khi Tổng thống Trump thuyết phục đồng minh Bolsonaro cấm Huawei vì mối đe dọa an ninh quốc gia, Brazil đã bắt đầu xem xét các lựa chọn pháp lý nhằm cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G. Hồi tháng 12/2020, cố vấn an ninh quốc gia của Bolsonaro và Bộ truyền thông Brazil đang soạn thảo các điều khoản bảo mật để áp đặt lên các nhà cung cấp viễn thông, bao gồm Huawei. Đây giống như một lộ trình để tiến tới cấm hoàn toàn Huawei.

Tất nhiên các hãng viễn thông Brazil đều bày tỏ lo lắng khi biết thông tin này. Bởi lẽ họ sẽ tốn thêm các chi phí không cần thiết để thay thế toàn bộ cơ sở hạ tầng. Chi phí ước tính thậm chí có thể lên tới 18 tỷ USD. Ngoài ra, nó cũng sẽ tạo thế độc quyền khi chỉ còn Nokia Ericsson cung cấp thiết bị, dẫn tới gia tăng chi phí đầu tư.

Ngay từ tháng 6/2019, phó tổng thống Brazil đã cảnh báo rằng, chính phủ không thể cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G vì gánh nặng tài chính. Bất chấp lời cảnh báo đó, đồng minh chủ chốt của Jair Bolsonaro, bao gồm cả con trai ông là Eduardo tiếp tục chỉ trích Huawei.

Lopes cho biết, việc ngăn chặn một nhà cung cấp viễn thông lớn tham gia vào thị trường là chưa từng có ở Brazil. Huawei tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật tương tự như Nokia và Ericsson. Ngay cả khi chính phủ ngăn chặn Huawei, một cuộc chiến pháp lý kéo dài có thể nổ ra với chính các tập đoàn viễn thông của quốc gia này.

Nhà phân tích Lopes cũng đồng ý rằng, vắc-xin chính là điểm mấu chốt. Nó không chỉ có lợi cho Trung Quốc mà còn có lợi cho khu vực tư nhân của Brazil. Đây cũng là một chiến thắng lớn đối với các đối thủ chính trị của Bolsonaro, những người đã cố gắng bảo đảm nguồn cung vắc-xin từ Trung Quốc trong nhiều tháng qua.

Áp lực trong nước và câu chuyện ngoại giao vắc-xin

João Doria là thống đốc của bang đông dân nhất của Brazil, São Paulo. Chính Doria cũng là người đi đầu xây dựng mối quan hệ đối tác với công ty Trung Quốc sản xuất vắc-xin CoronaVac. Trước đó, chính tổng thống Bolsonaro đã từng chê bai vắc-xin của Trung Quốc. Thay vào đó ông đặt mục tiêu ký hợp đồng với các ứng viên vắc-xin khác như AstraZeneca. Mặc dù vậy sau khi CoronaVac được chấp thuận lưu hành, câu chuyện đã trở nên rất khác, nhất là sau thành công của lô vắc-xin đầu tiên được tiêm chủng ở Brazil. Lúc này tổng thống Brazil, Bolsonaro nhận ra rằng ông phải nhân cơ hội tiêm chủng này để lấy lại uy tín.

Bốn tuần sau vào đầu tháng Hai, Bolsonaro cử bộ trưởng truyền thông Fábio Faria đến Bắc Kinh. Như tờ New York Times đã đưa tin, Faria đã đến thăm Huawei và trực tiếp yêu cầu công ty cung cấp vắc xin trong chuyến thăm này. Ngoài ra, Faria cũng đã đến thăm Phần Lan và Thụy Điển. Đây là; một phần trong chuyến công du tới các công ty sẽ cung cấp thiết bị mạng 5G cho Brazil. Tại Thụy Điển, Faria đã gặp Marcus Wallenberg, một thành viên trong hội đồng quản trị của cả Ericsson và AstraZeneca.

Sẽ không bất ngờ nếu Bolsonaro cử Faria đi đàm phán với các giám đốc của Huawei nhằm tận dụng mối quan hệ để mua vắc xin. Mặc dù vậy, động thái trên của ông Bolsonaro cũng gây ra tranh cãi trong nội bộ chính phủ.

Tất nhiên chuyến công du đó không đem tới sự nhượng bộ hoàn toàn cho Huawei. Hai tuần sau, Anatel thông báo Huawei trên thực tế sẽ được phép cung cấp thiết bị cho các công ty viễn thông của Brazil. Sau đó Faria đã tổ chức một buổi điều trần công khai về 5G trước phòng họp của các đại biểu quốc hội. Faria cho biết, các nhà khai thác viễn thông Brazil sẽ phải tạo ra một mạng 5G riêng cho chính phủ, tách biệt với mạng 5G của người tiêu dùng. Mạng dùng nội bộ cho chính phủ sẽ cấm dùng thiết bị của Huawei.

Theo Andre Gildin, chuyên gia viễn thông tại RKKG Consulting, sự khác biệt mới này không có ý nghĩa gì từ góc độ thị trường. Tuy nhiên, xét từ khía cạnh chính trị, điều đó có nghĩa là phe Bolsonaro vẫn có thể giành chiến thắng trên chính trường. Anatel ước tính, mạng 5G riêng của chính phủ Brazil sẽ chỉ tốn khoảng 180 triệu USD nên đây cũng không hẳn là mối bận tâm với Huawei.

Khi đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành, "ngoại giao vắc xin" là một động lực rõ ràng làm nổi bật sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các quốc gia giàu có và đang phát triển. Mới tuần trước, chính quyền Biden đã đồng ý gửi lượng vắc-xin AstraZeneca dư thừa đến Mexico. Động thái này tới rất đúng lúc khi Mexico ra quyết định thắt chặt an ninh dọc theo biên giới Trung Mỹ.

Có vẻ sự khác biệt lớn nhất giữa Trung Quốc và Mỹ là vắc-xin của Trung Quốc được săn đón ở nhiều quốc gia hơn. Vào đầu tháng 3, hãng thông tấn AP ước tính rằng, vắc-xin Trung Quốc đã được cấp phép tại hơn 25 quốc gia và được chuyển giao cho 11 quốc gia khác và lời cam kết cung cấp khoảng nửa tỷ liều.

Đối với Brazil, CoronaVac không chỉ đại diện cho chiến lược ngoại giao với Trung Quốc mà còn là cách giúp chính phủ hiện tại thoát khỏi vũng lầy về bất đồng và dịch bệnh trong nước.

Mai Huyền (Theo restofworld)

Chủ đề khác