VnReview
Hà Nội

Áp lực tài chính và rạn nứt tình cảm khiến nhiều người trẻ Nhật Bản bỏ rơi bố mẹ

"Có thể nó khiến tôi cảm thấy không thoải mái. Nhưng tôi vẫn có cuộc sống riêng phải sống".

Một đứa trẻ nợ cha mẹ bao nhiêu khi đã nuôi dưỡng chúng? Nếu hỏi một vị phụ huynh về việc chăm sóc đứa trẻ, câu trả lời hiển nhiên sẽ là: tất cả những gì chúng cần. Nhưng trong chiều ngược lại, tự nhiên lại không lập trình cho chúng ta khả năng phụng dưỡng bố mẹ khi đau yếu bệnh tật.

Spa! đã thực hiện một cuộc khảo sát và phát hiện ra, ngày càng nhiều người con từ bỏ công việc phụng dưỡng cha mẹ trong tuyệt vọng, hoặc đơn giản là họ biến mất. Để cho bố mẹ mình phải tự chăm lo cho bản thân mà không có thêm sự giúp đỡ nào. Tại một cơ sở dưỡng lão ở Tohoku, tuy chi phí thấp nhưng lại xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân viên, có đầy những ông bố bà mẹ bị chính con mình bỏ rơi.

"Khi nào con trai tôi tới?" - người phụ nữ cứ tự lẩm bẩm một mình. Không có ai ở bên, cũng chẳng có ai lắng nghe. Con trai bà khoảng 40 tuổi, sống ở Tokyo, lần cuối tới thăm mẹ mình là từ tận… 5 năm trước. Khoảng thời gian đầu, cứ ba tháng anh tới thăm mẹ một lần. Sau đó quãng thời gian kéo dài ra 6 tháng, rồi một năm. Bây giờ, chẳng ai biết khi nào thì người đàn ông đó tới lần nữa.

;(ảnh: Tokyo Times)

Theo khảo sát với 300 người đàn ông trong độ tuổi từ 30 tới 59, hỏi về mối quan hệ của họ với bố mẹ. Chỉ có 74 người thực sự chăm lo, 19 người thừa nhận đã bỏ mặc. Số lượng nhiều nhất gồm 143 trường hợp, ngoài việc thanh toán các hóa đơn thì không làm thêm điều gì khác. Một thế giới khắc nghiệt cho người già!

Một người nhận phỏng vấn với đề nghị che giấu danh tính thật chia sẻ, anh đã bỏ rơi bố mình để theo đuổi cuộc sống bản thân. Anh thừa nhận việc đó rất khó và nó khiến anh cảm thấy đau khổ. Liệu đó có phải quyết định đúng? Hay câu hỏi chính xác hơn phải là - 'Điều đúng đắn' ở đây phải làm là gì?

Bố mẹ anh li dị từ khi anh học mẫu giáo. Sau đó, người cha chuyển ra ngoài và anh ít thấy ông hơn. Ông tham gia ngành bất động sản và thành công, dẫn anh đi chơi và cho tiền. Anh từng bị thu hút bởi việc ông cố gắng làm một người cha tốt. Càng gần gũi với mẹ, anh càng hiểu mẹ mình đã phải tự tay nuôi con vất vả như thế nào và cố làm cho mọi chuyện dễ dàng hơn. Anh cố gắng làm một đứa con ngoan, học hành chăm chỉ, tốt nghiệp rồi vào làm ngành ngân hàng.

Năm 2008, khủng hoảng tài chính ập đến sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers, công việc của cha anh rơi vào ngõ cụt. Trong khi Yoshiyuki (tên giả) phải tự mình giữ lấy công việc, anh chứng kiến bố mình dần dần trở thành một kẻ chìm ngập trong men rượu. Co rúm và khò khè khi đã suy sụp. Ông quỳ xuống để xin tiền. "Bố chẳng còn đủ tiền để thanh toán hóa đơn điện thoại. Làm ơn cho mượn 10.000 yên… hay 20.000 yên đi..." - Yoshiyuki nói với Spa!. Mọi chuyện cứ thế leo thang.

Họ sống một mình mà không có con cái ở bên (ảnh: NPR)

Bản thân anh cũng phải vất vả mới kiếm được hơn 200.000 yên mỗi tháng. Anh cố giúp cha mình tới nỗi bị nợ ngập đầu. Cuối cùng, anh phát hiện ra mình đã có khoản nợ lên tới 5 triệu yên trong khi đang lên kế hoạch cưới vợ. "Tôi không thể là cái máy ATM của ông ý mãi mãi". Anh buộc phải đưa tối hậu thư cho bố mình: "Con sẽ đưa bố tiền nhưng sau đó, chúng ta coi như chấm dứt. Con sẽ xem như không còn người bố này nữa. Hoặc là, bố hãy làm lại cuộc đời mình và chúng ta sẽ tiếp tục là cha con".

Người cha đã chọn lấy tiền. Vậy là Yoshiyuki chuyển cho ông số tiền cuối cùng 150.000 yên. Sau đó, cả hai không còn can hệ gì nữa. Anh bước ra khỏi cuộc đời của bố anh để tiếp tục theo đuổi cuộc sống của bản thân. Mọi chuyện chấm dứt.

Sau đó, Yoshiyuki lấy vợ còn mẹ anh cũng tái hôn. Anh hiện không còn liên lạc với bố mình nữa, không rõ ông đang ở đâu và làm gì. "Tôi hình dung ông đang chết dần trong cô độc vì virus hoặc bất cứ thứ gì. Có thể chẳng còn ai ở bên bia mộ ông nữa. Cứ để mọi chuyện diễn ra tự nhiên như vậy đi".

Ambitious Man (Theo Japan Today)

Chủ đề khác