VnReview
Hà Nội

Áp lực học tập của các học sinh Trung Quốc bắt nguồn từ đâu?

Sự thiếu cân đối của các nguồn tài nguyên giáo dục chất lượng gây nên sự lo lắng nơi các bậc phụ huynh và thúc đẩy nhu cầu gia sư cho con cái của họ.

Một ông bố tại thành phố Bắc Kinh nói rằng cậu con trai học lớp hai của mình thường phải thức đến 11 giờ tối để vật lộn với những bài tập toán về nhà, độ khó dành cho nhóm học sinh lớp bốn. Để giữ cho con trai không bị tụt lại phía sau, ông đã đăng ký cho con nhiều lớp học thêm như bố mẹ của hầu hết học sinh khác trong lớp.

Một cuộc khảo sát gần đây của tờ báo China Education Paper với 4.000 phụ huynh Trung Quốc cho thấy, 92% các bậc cha mẹ đăng ký cho con tham gia những lớp học ngoại khóa, một nửa trong số đó đã chi hơn 10.000 nhân dân tệ (1.500 USD) mỗi năm cho các lớp như vậy.

Trong nền giáo dục Trung Quốc, thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả tình trạng này là "neijuan", một quá trình cạnh tranh không ngừng nghỉ mà không bên nào có lợi. Các bậc cha mẹ Trung Quốc cảm thấy áp lực rất lớn trong việc cung cấp những nguồn lực tốt nhất cho con cái họ, còn những đứa trẻ buộc phải học tập chăm chỉ hơn để theo kịp cuộc chạy đua giáo dục.

Vấn đề này đã được đưa vào chương trình nghị sự của các cuộc họp chính trị và lập pháp hàng năm của Trung Quốc, đầu tháng này. Nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại rằng các lớp học ngoại khóa bảy ngày một tuần như hiện tại sẽ làm tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Một số đại biểu thậm chí còn đề nghị cấm các cơ sở dạy thêm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi tình trạng rối loạn dạy thêm hiện tại là "một căn bệnh cứng đầu" và tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề này trong cuộc họp ngày 6/3 với các thành viên Ủy ban y tế và giáo dục sức khỏe tham dự kỳ họp.

Trong vòng vài tuần, chính quyền ở Thượng Hải và Bắc Kinh, nơi tình trạng xảy ra nghiêm trọng nhất, đã khởi xướng bãi bỏ ngành công nghiệp dạy thêm. Cổ phiếu của tập đoàn dạy thêm New Oriental Education & Technology Group Inc. đã giảm 30% trong tháng Ba. Trong khi đó, cổ phiếu của đối thủ TAL Education Group, công ty mẹ của Xueersi, cái tên tiên phong trong ngành đã giảm 24%.

Vào năm 2019, thị trường chung của ngành dạy thêm 12 cấp học tại Trung Quốc trị giá khoảng 122 tỷ USD. Ngành công nghiệp này dự kiến ​​sẽ tăng trưởng nhanh chóng sau những đình trệ vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch và tăng lên 1,4 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2024, theo một báo cáo của công ty tư vấn Oliver Wyman.

Nhưng liệu việc tập trung giải quyết ngành công nghiệp dạy thêm có giải quyết được vấn đề rắc rối? Nhu cầu từ các bậc phụ huynh vốn đã tồn tại từ trước khi ngành công nghiệp này "thức giấc", Yuan Ying, Giám đốc điều hành của một công ty dạy kèm ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc cho biết.

Yuan nói: "Nếu cung và cầu của thị trường không thể thay đổi, nhu cầu bị kìm hãm của các bậc cha mẹ rồi sẽ tìm đến những kênh giải pháp khác dù sớm hay muộn".

Vấn đề này diễn ra tồi tệ nhất ở Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi tập trung nhiều nguồn lực giáo dục chất lượng cao nhất và cũng là nơi mà các hoạt động kinh doanh dạy thêm đang bùng nổ. Đằng sau những rắc rối này là sự thiếu hụt không gian trường học, giáo viên và sự không cân đối giữa các nguồn lực giáo dục chất lượng cao và nhu cầu thị trường.

Sau những phát biểu của ông Tập, các nhà chức trách giáo dục tại Bắc Kinh đã ra lệnh cho tất cả các lớp đào tạo, vốn đã bị gián đoạn vào đầu tháng Hai trong bối cảnh đại dịch COVID-19, phải hoãn mở cửa trở lại và tiến hành quá trình kiểm tra và chấn chỉnh.

Chính quyền thành phố Thượng Hải đã tiến hành một số bước để giải quyết vấn đề từ một góc độ khác, yêu cầu một số trường trung học tốt nhất phân bổ ít nhất một nửa chỉ tiêu nhập học cho học sinh sống ngoài địa giới khu trường học đó. Các biện pháp này nhằm mục đích ngăn chặn đầu cơ vào cái gọi là "nhà ở thuộc phân khu trường học".

Ở Trung Quốc, sống gần trường học thường là điều kiện tiên quyết để trẻ nhập học. Nó đã dẫn đến giá nhà đất tăng chóng mặt ở những khu vực lân cận xung quanh những trường học tốt nhất. Tại Bắc Kinh, một căn hộ cũ gần các trường học tốt nhất có thể được bán với giá 26.000 USD mỗi m2, so với giá nhà trung bình chung của thành phố là khoảng 60.000 nhân dân tệ, theo trang tin tức bất động sản Anjuke.com.

Bắc Kinh đã thực hiện kiểm soát giá đối với các ngôi nhà trong khu trường học vào ngày 1/1/2019. Những ngôi nhà được mua sau ngày đó sẽ không còn được đảm bảo một suất học cho con cái của chủ sở hữu tại một số trường nhất định. Các cơ quan quản lý nhà đất Bắc Kinh gần đây đã đình chỉ và phạt hai công ty môi giới bất động sản trong khuôn khổ cuộc thanh tra toàn diện hơn 100 công ty môi giới để xác định các hoạt động quảng cáo nhà ở khu trường học đánh lừa người mua.

Nhu cầu gia sư rất lớn

Việc dạy kèm theo định hướng thi cử ở Trung Quốc nổi lên vào những năm 1990 với các sinh viên đại học tự đi làm gia sư. Do nguồn cung gia sư phân tán cao và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn chất lượng cao, các cơ sở cung cấp dịch vụ dạy kèm một thầy một trò đã xuất hiện. Năm 2003, Xueersi được thành lập như một trường đào tạo học sinh tham dự Olympic Toán học Quốc tế, một cuộc thi hàng năm dành cho những học sinh phổ thông giỏi toán trên thế giới.

Trong vòng bảy năm, Xueersi đã vươn mình trở thành một trong những đơn vị cung cấp lớp học thêm lớn nhất Trung Quốc cho các học sinh thuộc bậc phổ thông trải dài các môn học khác nhau và trở thành công ty dạy kèm tiếng Trung đầu tiên được niêm yết tại Hoa Kỳ. Nhận thấy nhu cầu bùng nổ, New Oriental cũng tham gia vào cuộc đua sau khi chuyên môn hóa trong việc giúp học sinh chuẩn bị cho bài thi TOEFL và bài thi bắt buộc cho những sinh viên học chương trình Cao học (GRE).

Kể từ năm 2010, Bộ Giáo dục Trung Quốc thực hiện chính sách giảm bớt gánh nặng bài vở cho học sinh.;Điều đó cũng góp phần thúc đẩy ngành giáo dục ngoại khóa khi các bậc phụ huynh chọn cách thúc ép con em mình học các lớp bên ngoài trường học.

Động thái gần đây của Bắc Kinh có thể làm lu mờ triển vọng tăng trưởng khả quan của ngành công nghiệp này. Theo một danh sách kiểm tra được đăng tải trên mạng, chính quyền Bắc Kinh đang tiến hành thanh tra trực tiếp tất cả các cơ sở giáo dục sau giờ học, xem xét trình độ của giáo viên, học phí, quảng cáo, các hình thức hợp đồng và các biện pháp kiểm soát đại dịch. Chu Feng, giám đốc điều hành của một công ty đào tạo cho biết bất cứ trung tâm nào cũng phải trải qua hai vòng kiểm tra và đáp ứng tất cả các yêu cầu trong danh sách trước khi được phép mở cửa trở lại.

Chu cho biết đợt thanh tra này đặc biệt tập trung vào giấy phép kinh doanh và bằng cấp. Ngay cả khi một công ty mẹ sở hữu giấy phép kinh doanh dịch vụ giáo dục, thì mỗi chi nhánh và cơ sở của công ty đó vẫn phải vượt qua danh sách kiểm tra riêng. Đối với các công ty lớn với hàng trăm cơ sở, có thể mất nhiều thời gian để hoàn thành đầy đủ. Theo Chu, đến hiện tại vẫn chưa có cơ sở nào của New Oriental mở cửa trở lại.

Chen Fang, Giám đốc điều hành của một trung tâm giáo dục ở Thiên Tân, Trung Quốc cho biết: "Sau động thái của Bắc Kinh, những địa phương khác chắc chắn sẽ thực hiện theo ở nhiều cấp độ khác nhau".

Sau khi bị đình chỉ trong gần sáu tháng, nhiều công ty dạy kèm đã bị ảnh hưởng đến giới hạn tài chính. Nhiều đơn vị giáo dục nhỏ đã bắt đầu thoát khỏi cuộc đua, Chu nói. Người đứng đầu một trung tâm đào tạo tiếng Anh cho trẻ em ở Bắc Kinh cho biết một số phụ huynh đã yêu cầu hoàn lại tiền ngay cả khi công ty vẫn phải trả tiền thuê nhà và lương cho giáo viên của mình. Giá thuê một năm cho một phòng học rộng 300m2 là khoảng 1 triệu nhân dân tệ. Giám đốc điều hành cho biết, trường có thể lỗ ròng 2 triệu nhân dân tệ nếu đóng cửa trong một năm.

Thiếu và mất cân đối trường học

Đằng sau nhu cầu và sự lo lắng của phụ huynh là sự mất cân đối nghiêm trọng của các nguồn lực giáo dục. Một phụ huynh của một học sinh lớp 4 ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, nơi có các trường công lập tốt nhất của thành phố, cho biết con cô đã tham gia các lớp ngoại khóa về toán Olympic và tiếng Anh trung học, nhằm thi đỗ vào một trong sáu trường trung học tốt nhất tại đây. Năm 2020, 479 sinh viên từ quận Hải Điến đã được nhận vào Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, hai trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc. Trong số đó, 90% là học sinh tốt nghiệp từ sáu trường trung học hàng đầu.

Có 180.000 học sinh chuẩn bị tốt nghiệp trung học cơ sở ở quận Hải Điến vào mùa hè này, nhưng các trường trung học công lập chỉ có chỗ trống cho 120.000 học sinh. Một phụ huynh cho biết để được vào một trong sáu trường hàng đầu, học sinh cần phải xếp hạng trong danh sách 2.000 học sinh hàng đầu toàn thành phố.

Bắc Kinh đang thúc đẩy cải cách tuyển sinh trung học phổ thông, yêu cầu các trường trung học tốt nhất phân bổ một số chỉ tiêu tuyển sinh cho học sinh từ các trường trung học cơ sở xếp hạng thấp. Nhưng nhiều bậc cha mẹ không lạc quan về kế hoạch này.

"Khoảng cách về chất lượng của các trường trung học cơ sở ở Bắc Kinh quá lớn. Ngay cả khi một số trẻ em được nhận vào các trường tốt thông qua hạn ngạch, chúng cũng không thể theo kịp chương trình nếu không học thêm", một phụ huynh nói.

Một yếu tố đằng sau sự mất cân đối trong nguồn cung giáo dục là tình trạng thiếu giáo viên. Từ năm 2016 đến 2019, số giáo viên ở các bậc phổ thông ở Bắc Kinh chỉ tăng 2.000, trong khi vào năm 2019 các trường thiếu hụt 28.000 giáo viên, dựa theo kế hoạch 5 năm 2016-2020 của thành phố.

Một giải pháp mà các nhà chức trách đang thúc đẩy là khuyến khích các trường hàng đầu mở thêm các chi nhánh. Nhưng một số phụ huynh phàn nàn rằng các trường chi nhánh này chỉ đơn thuần mang tên của trường mẹ chưa đi kèm theo chất lượng. Cheng Fangping, giáo sư Trường Giáo dục thuộc Đại học Renmin, cho biết nếu không có sự đầu tư đáng kể để nâng cao chất lượng của các trường yếu kém, vấn đề mất cân bằng sẽ khó loại bỏ.

Giang Vu (theo Nikkei)

Chủ đề khác