VnReview
Hà Nội

Những câu chuyện chưa kể về nhóm phát triển kính chữa cận thị của Nhật Bản

Mắt kính chữa cận thị có tên Kubota của Kubota Pharmaceutical Holdings dự kiến ra mắt vào cuối năm nay. Đằng sau đội ngũ phát triển nên chiếc kính này là hàng tá những câu chuyện thú vị.

Chiếc kính đeo chữa cận thị này có thể hỗ trợ điều trị tật cận thị bằng cách chiếu hình ảnh lên võng mạc bằng đèn LED. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một nửa dân số toàn cầu sẽ bị cận thị vào năm 2050. Chính vì vậy công ty đặt mục tiêu giới thiệu sản phẩm ra bên ngoài thị trường Nhật Bản, bắt đầu tại Châu Á.

Tật cận thị xảy ra khi khoảng cách giữa giác mạc và võng mạc (độ dài trục nhãn cầu) tăng lên và tiêu điểm hình ảnh nằm ở phía trước võng mạc khiến tầm nhìn bị mờ. Nhưng với kính Kubota Glasses, đèn LED được bố trí ở vành kính sẽ chiếu hình ảnh qua lăng kính và gương trên thấu kính. Bằng cách chiếu hình ảnh lên phía trước giác mạc, hệ thống sẽ giúp độ dài trục nhãn cầu thu hẹp dần và cải thiện độ cận thị nhờ mắt tự động điều chỉnh.

Công nghệ ứng dụng trên kính Kubota Glasses do chủ tịch Ryo Kubota, 54 tuổi, một bác sĩ nhãn khoa sáng tạo ra. Công ty của ông Kubota Pharmaceutical Holdings ra đời với mục đích phát triển thuốc và thiết bị y tế và đã niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo vào năm 2016.

Tham gia Kubota từ năm 2018 đến năm 2019, Amitava Gupta, một kỹ sư 74 tuổi người Mỹ, đến từ Ấn Độ và Masakazu Watanabe, 66 tuổi hiện đang phụ trách quản lý phát triển sản phẩm. Kubota chia sẻ: "Ông Gupta có nhiều kiến ​​thức về quang học và kỹ thuật. Ông ấy rất cần thiết cho sự phát triển của Kubota Glasses".

Trong khi đó Gupta cho biêt: "Tôi gặp Tiến sĩ Ryo Kubota lần đầu tiên vào năm 2018. Trong cuộc gặp đầu tiên của tôi với Kubota, tôi đã có ấn tượng rất mạnh với ông ấy bởi những ý tưởng sáng tạo trong điều trị bệnh võng mạc".

;Ryo Kubota (đang ngồi) cùng team phát triển tại Kubota Pharmaceutical Holdings

Công ty gặp khá nhiều khó khăn trong trong quá trình biến kính Kubota Glasses trở thành một sản phẩm thương mại, từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm tới xin giấy phép.

Khó khăn ban đầu là chọn loại hình ảnh chiếu lên võng mạc. Họ đã thử nghiệm với những hình ảnh đầy màu sắc, hình ảnh đơn sắc và hình dạng hình học phức tạp hoặc đơn giản. Theo Kubota, Gupta là "mẫu người thích chìm đắm trong nghiên cứu từ sáng đến tối". Cuối cùng công ty đã chọn những hình ảnh tương đối đơn giản, mặc dù chưa tiết lộ chi tiết.

Bước tiếp theo là phát triển sản phẩm dựa trên các kết quả nghiên cứu cơ bản. Ý tưởng mới nhất về mẫu kính Kubota Glasses là nó có thể đeo được trong hai giờ và dùng được cho cả trẻ nhỏ. Nguyên mẫu ban đầu của kính có thiết kế khá cồng kềnh, không phù hợp cho trẻ nhỏ vì rất khó để bắt trẻ ngồi yên và nhìn lâu. Nguyên mẫu sau này được thu gọn giống kiểu mũ bảo hiểm và sau này là một chiếc kính đeo.

Các nhà phát triển đã phải đối mặt với những trở ngại lớn trong thiết kế, lớn nhất là làm sao để chứa pin và hệ thống dây điện trong kính nhưng vẫn phải đảm bảo đủ thoải mái để trẻ đeo trong nhiều giờ không phải điều đơn giản. Hiện tại Gupta đang tiếp tục sửa đổi, tối ưu đèn LED và tinh chỉnh các chi tiết thiết kế.

Rào cản cuối cùng là xin giấy phép sản xuất và bán sản phẩm. Vì kính Kubota Glasses ảnh hưởng đến hoạt động của mắt nên sản phẩm phải được cấp phép là thiết bị y tế. Chuyên môn của Watanabe lúc này đã phát huy rất hiệu quả. Nhưng điều phức tạp chưa hết khi quy trình cấp phép ở Nhật Bản rất khác nước ngoài nên công ty cần soạn thảo đầy đủ tài liệu cho các thị trường.

Watanabe từng phụ trách quản lý phát triển tại Alcon, một công ty sản xuất dụng cụ nhãn khoa lớn của Thụy Sĩ và có kinh nghiệm làm việc với các cơ quan ở nhiều quốc gia khác nhau. Tại Kubota Pharmaceutical Holdings, ông giám sát nghiên cứu thuốc và phát triển thiết bị y tế. Ông kiểm tra yêu cầu cấp phép ở các quốc gia khác nhau và tư vấn để chủ tịch Kubota và Gupta biết và kịp thời điều chỉnh các thông số kỹ thuật.

Kubota cho biết: "Ông Watanabe rất chính xác. Ông ấy giúp tôi và Gupta biết cách chế tạo ra một chiếc kính Kubota Glasses có thể thương mại hóa được".

Có sự phân chia vai trò rõ ràng giữa ba người trong số họ. Kubota nghĩ ra hết ý tưởng này đến ý tưởng khác, Gupta tập trung thiết kế sản phẩm còn Watanabe thì quản lý quy trình cấp phép. Họ đã tận dụng rất hiệu quả những thế mạnh của bản thân và cuối cùng đã xin được thành công giấy phép cho kính Kubota Glasses.

Kubota nhấn mạnh: "Sức mạnh của tinh thần đồng đội đã được phản ánh qua tốc độ phát triển nhanh chóng. Chúng tôi đã có thể đạt đến giai đoạn ứng dụng thực tế chỉ sau vài năm bắt đầu phát triển".

Dự kiến hồ sơ của công ty nộp tại Đài Loan sẽ sớm được công bố. Nếu sản phẩm được chấp thuận ở đó, Đài Loan sẽ trở thành thị trường thương mại đầu tiên của cản phẩm. Công ty có kế hoạch bán nó với giá vài ngàn đô.

Tiến Thanh (Theo Nikkei)

Chủ đề khác