VnReview
Hà Nội

Instagram cho trẻ em là một ý tưởng tồi!

Nền tảng mạng xã hội này kích thích cảm xúc ghen tỵ và tự ti, những cảm xúc này không có lợi đối với những tâm hồn còn trẻ dại. Đây là một chiến trường khốc liệt ngay cả đối với người lớn, nó không nên dành cho trẻ em.

Một bài báo vào tuần trước cho biết Instagram đang lên kế hoạch tạo ra một nền tảng dành cho trẻ em dưới 13 tuổi và họ "nhận định rằng trẻ em là một ưu tiên" trên ứng dụng chia sẻ hình ảnh này. Ngay lập tức, những người bảo vệ trẻ em đã lên tiếng cảnh báo, họ cho rằng Facebook "sẽ thu thập dữ liệu của những đứa trẻ và tạo ra lợi nhuận từ thông tin cá nhân của chúng".

Và ý kiến của những cá nhân này hoàn toàn có lý do của nó.

Ảnh: Gettyimages

Là một thanh niên 27 tuổi, tôi thuộc thế hệ cuối cùng kịp lớn lên trước khi mạng xã hội xâm nhập vào đời sống của mình. Tuổi thơ của tôi hoàn toàn không có Facebook, Instagram hay Twitter, cũng như không có áp lực lúc nào cũng phải "trực tuyến" để bắt kịp bạn bè. Tôi không khuyến khích việc ép những đứa trẻ lao vào vòng xoáy đó.

Tôi bắt đầu sử dụng Instagram vào năm 2 đại học và bị thu hút bởi những hình ảnh đầy tính nghệ thuật được đăng tải trên nền tảng này. Mỗi hình ảnh, từ trang phục thường ngày cho đến trang phục đi biển, đều trông thật đẹp đẽ và tinh tế. Tôi dần dần bị cuốn vào và trở nên thích thú với những lời khen mình nhận được dưới mỗi tấm ảnh của bản thân đang tạo dáng trong một quán cà phê nào đó.

May mắn thay, thời điểm tôi tham gia Instagram là vào năm 2013, là lúc tôi đã đủ trưởng thành để hiểu rõ tôi đang chia sẻ cái gì và nhận lại những gì. Tôi biết những bộ lọc màu hay Photoshop đều góp mặt trong hầu hết bài đăng và vì vậy tôi không nên tự so sánh mình với những tài khoản khác. Cũng với quan điểm đó, tôi đã đấu tranh tư tưởng với những khiếm khuyết cá nhân và sống thoải mái với ngoại hình của bản thân. Những thứ tôi chia sẻ là những thứ tôi có, tôi không cần nghe theo các KOL khuyên rằng phải ăn mặc thế này, nên trang điểm thế kia hay phải tránh những "lỗi thời trang" thường gặp…

Khoảng thời gian riêng tư để "hiểu rõ" bản thân đã bị thay thế bằng văn hóa chia sẻ quá đà trên mạng. Những trải nghiệm, dù bình thường hay đáng nhớ, cũng đều được chụp lại và chia sẻ công khai để được biết đến và được công nhận. Việc tìm kiếm mục đích sống và cái chất riêng của những người trẻ tuổi đã khó nay càng khó hơn với áp lực từ sự nổi tiếng trên mạng. Sự ganh tỵ đã vượt ra ngoài thế giới thực và lây lan vào thế giới mạng khiến nó trở thành thứ cảm xúc không thể tránh khỏi.

Đây là những thách thức mà cả người lớn và thanh thiếu niên, những người đã trải qua thời kỳ thịnh hành của Instagram từ những năm trung học, đều đang phải đối mặt. Nhưng với phiên bản dành cho trẻ em của Instagram, những thách thức đó sẽ sớm mở rộng tầm ảnh hưởng đến cả lứa tuổi nhỏ hơn. Đại diện của Facebook trả lời trang CNET rằng mạng xã hội này "đang xây dựng thêm một sản phẩm… phù hợp với trẻ em và được quản lý bởi phụ huynh".

Nhóm phản đối và các nhà làm luật từ lâu đã chỉ trích Instagram và công ty mẹ là Facebook dung túng cho những nội dung gây hại, góp phần hình thành chứng rối loạn lo âu và trầm cảm, đặc biệt là đối với những người dùng trẻ. Năm 2017, một nghiên cứu từ Hiệp hội Y tế cộng đồng Hoàng gia Anh cho thấy Instagram là nền tảng mạng xã hội tồi tệ nhất đối với sức khỏe tâm thần của người trẻ tuổi. Một số nghiên cứu cũng cho thấy các nền tảng mạng xã hội gián tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng do sự gia tăng tình trạng bắt nạt qua mạng và giảm làm thời gian ngủ cũng như thời gian vận động.

Nghiên cứu từ Hiệp hội Y tế cộng đồng Hoàng gia Anh vào năm 2017 cho thấy Instagram là nền tảng mạng xã hội có tác động tiêu cực nhất đến sức khỏe tâm thần của người dùng trẻ (Ảnh: James Martin/CNET)

Hãy thử tưởng tượng mức độ độc hại của nền tảng này sẽ còn đến đâu khi trẻ em được tiếp xúc với một nền-tảng-tương-tự-Instagram sớm hơn cả thế hệ thanh thiếu niêm hiện tại, trước cả khi chúng được dạy rằng những tấm ảnh ăn chơi đầy kích thích hay những kỳ nghỉ thơ mộng chỉ phản ảnh một khía cạnh về cuộc sống của ai đó. Trẻ em rất dễ tin vào những gì mắt thấy, tai nghe và sẽ rất khó để chúng có thể phân biệt đâu là sự thật đằng sau những tấm ảnh đã được chính sửa. Gần như chúng sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị bản thân, một câu hỏi phổ biến với mọi người dùng mạng xã hội, nhưng lại ở độ tuổi quá nhỏ, quá nguy hiểm.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội hôm 8/4 của CEO Facebook, Google và Twitter, những nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại về tác động của mạng xã hội đối với trẻ em. "Về bản chất, những gã khổng lồ công nghệ đang đưa cho con em chúng ta một điếu thuốc đang cháy và hy vọng chúng sẽ nghiện suốt đời", Hạ nghị sĩ Bill Johnson thuộc Đảng Cộng hòa, phát biểu. Trong suốt phiên điều trân, CEO Facebook Mark Zuckerberg đã bác bỏ tuyên bố cho rằng sản phẩm của công ty gây hại cho trẻ em, tuy nhiên bản thân Zuckerberg cũng thừa nhận rằng có những vấn đề cần phải giải quyết, ví dụ như "làm thế nào để có thể kiểm soát trải nghiệm cho trẻ em".

Ngoài ra, nguy cơ tin giả cũng hiện diện khi đây vẫn còn là "thứ tệ nạn";tràn lan trên Instagram và Facebook. Đã nhiều lần, Facebook thể hiện sự thiếu sót của mình trong việc xử lý tin sai sự thật về bầu cử, tin giả về sức khỏe và cả những nội dung độc hại khác.

Mặc dù có thể phiên bản Instagram dành cho trẻ em sẽ lọc ra một số nội dung nhất định. Tuy vậy, thực tế cho thấy dù có chính sách kiểm duyệt nội dung nhưng các nền tảng mạng xã hội hiện tại vẫn để nhiều nội dung độc hại lọt qua kẽ hở. Năm 2019, giới lập pháp tại Mỹ đã đặt dấu hỏi đối với ứng dụng Messenger Kids của Facebook, ứng dụng này cho phép người dùng từ 6 đến 12 tuổi liên lạc với những tài khoản được phụ huynh phê duyệt. Theo đó, Facebook cho rằng có một "lỗi kỹ thuật" khiến hàng nghìn trẻ em tham gia nhóm chat với những tài khoản chưa được phê duyệt. Và năm 2017, Youtube cũng đã bị chỉ trích khi cho phép các video có nội dung không phù hợp vượt qua bộ lọc và xuất hiện trên Youtube Kids.

Minh Bảo theo CNET

Chủ đề khác