VnReview
Hà Nội

Thiếu nữ ở Indonesia mắc 'Hội chứng người đẹp ngủ trong rừng', ngủ suốt hơn một tuần

Theo một bản tin của trang Kompas.com, Siti Raisa Miranda, 16 tuổi đến từ thành phố Banjarmasin, phía nam Kalimantan ở Indonesia đã ngủ quên từ ngày 1/4 và vẫn chưa thức dậy vào thời điểm được ghi hình (8/4), tức là hơn một tuần sau đó.

Siti Raisa - được gia đình gọi với cái tên trìu mến là Echa - từng được chẩn đoán mắc 'Hội chứng người đẹp ngủ trong rừng' khi cô 13 tuổi. Echa từng trải qua những lần ngủ sâu bất thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.

Cô bé người Indonesia mắc hội chứng "Người đẹp ngủ trong rừng"

Ông Mulyadi, cha của Echa cho biết: "Chúng tôi đoán rằng lần ngủ dài này là do 'hội chứng Người đẹp ngủ trong rừng. Mỗi lần ngủ, con bé thường ngủ rất lâu."

Lo lắng cho tình trạng của cô, cha mẹ của Echa đã đưa cô đi kiểm tra tại bệnh viện đa khoa địa phương để chữa trị dứt điểm chứng bệnh. Tuy nhiên, sau một thời gian được chăm sóc trong bệnh viện, cha mẹ cô quyết định đưa cô trở về nhà sau khi nhận thấy việc điều trị tại bệnh viện không mấy hiệu quả.

Cha cô cho biết: "Trong suốt thời gian cô ấy ở bệnh viện, con bé chỉ được truyền dịch. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu chúng tôi để con mình điều trị tại nhà."

Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng của Echa hầu như không thay đổi. Đôi lúc, cha mẹ cô thường phải ép cô thức để ăn uống hoặc tắm rửa. Nhưng cô bé vẫn gặp khó khăn khi thực hiện những nhiệm vụ như vậy do cơn buồn ngủ kéo đến.

Mặc dù vậy, cha mẹ của cô cho biết, những lúc tỉnh táo, cô bé vẫn sinh hoạt, đến trường và chơi đùa như bao bạn bè đồng trang lứa khác. Họ hy vọng rằng cuối cùng sẽ tìm ra cách chữa trị để cô bé có thể sống khỏe mạnh.

Ông Mulyadi chia sẻ: "Nếu không có hội chứng này, mọi thứ sẽ bình thường. Con gái tôi vẫn sẽ đến trường và chơi với bạn bè. Kể cả khi đại dịch xảy ra, con bé vẫn tham gia các buổi học trực tuyến và làm khá tốt bài tập trên lớp".

'Hội chứng Người đẹp ngủ trong rừng'

'Hội chứng Người đẹp ngủ trong rừng' (Sleeping Beauty syndrome) - được gọi chính xác hơn là hội chứng Kleine-Levin - được xếp vào loại rối loạn hiếm gặp, trong đó người mắc phải trải qua các giai đoạn ngủ sâu quá mức lặp đi lặp lại, còn được gọi là chứng ngủ nhiều (hypersomnia).

Khi mắc chứng ngủ nhiều, người bệnh có thể ngủ trong hơn 20 giờ một ngày, trong nhiều ngày, thậm chí vài tuần, và cũng có thể biểu hiện các triệu chứng bất thường như đói cồn cào, ảo giác, tăng cường ham muốn tình dục, cáu kỉnh hoặc mất nhận thức tạm thời.

Sau khi thức dậy sau giấc ngủ, bệnh nhân thường cảm thấy mơ hồ, mất phương hướng, không còn sức lực, có thể là do cơ thể thiếu thức ăn và nước uống trong thời gian dài.

Hội chứng Kleine-Levin phổ biến nhất ở các cậu bé tuổi vị thành niên

Khi không phát bệnh, những người mắc hội chứng Kleine-Levin sống cuộc sống bình thường và không xuất hiện triệu chứng. Nhưng khi cơn buồn ngủ kéo đến, người bệnh cần được trông nom và chăm sóc kỹ lưỡng - giống như trường hợp của Echa.

Theo nghiên cứu, hội chứng Kleine-Levin thường gặp ở những người trẻ tuổi, phổ biến nhất đến là ở nam giới vị thành niên. Các báo cáo đã chỉ ra rằng các cơn buồn ngủ kéo dài có xu hướng giảm khi bệnh nhân lớn lên.

Tuy nhiên, đã có một số trường hợp nghiêm trọng của hội chứng Kleine-Levin, khiến bệnh nhân ngủ trong nhiều tháng, thậm chí có tác dụng phụ đáng lo ngại hơn như chứng hay quên. Ví dụ, một cô gái trẻ ở Colombia được báo cáo là đã trải qua các giai đoạn ngủ có thể kéo dài hàng tháng, khiến cô hoàn toàn quên mất khuôn mặt của mẹ mình.

Hiện tại, nguyên nhân cơ bản và phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng này vẫn chưa được xác định. Bệnh nhân được điều trị hội chứng Kleine-Levin thường được kê đơn thuốc kích thích như amphetamine hoặc thuốc an thần như lithium, nhưng chưa có kết quả chắc chắn nào được ghi nhận.

Yen Kim (Theo Mashable SEA)

Chủ đề khác