VnReview
Hà Nội

Châu Âu xem xét ban hành đạo luật kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Các công ty có thể đối mặt với mức phạt lên đến 20 triệu Euro hoặc 4% doanh thu nếu vi phạm các quy định này. Rất may là không có HAL 9000s hay Ultrons trên lục địa này.

Ảnh: iStock

Liên minh Châu Âu (EU) muốn ngăn ngừa những hậu quả tồi tệ nhất mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra, bạn hãy nghĩ về những thứ mà công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể làm, hay những thứ công nghệ rùng rợn trong rất nhiều tập phim Black Mirror. Trong khi đó, EU vẫn muốn thúc đẩy phát triển lĩnh vực này phục vụ lợi ích kinh tế.

Theo dự thảo luật mới về vấn đề này, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo có "rủi ro cao" và hạn chế những hệ thống khác tham gia vào khối này nếu nó không đạt những tiêu chuẩn đề ra. Các công ty vi phạm quy định này có thể bị phạt lên đến 20 triệu Euro hoặc 4% doanh thu công ty. EC sẽ công bố quyết định cuối cùng vào ngày 21/4/2021.

Đạo luật này là động thái đầu tiên của EU trong việc kiểm soát trí tuệ nhân tạo và EU cũng khiến nó nổi bật hơn với cách tiếp cận độc đáo. Đạo luật của EU không trao toàn quyền sử dụng thiết bị cho những gã khổng lồ công nghệ như Mỹ, cũng không muốn đi theo con đường của Trung Quốc biến công nghệ thành công cụ giám sát. Thay vào đó, EU cho biết họ muốn một cách tiếp cận "lấy con người làm trung tâm", vừa có thể thúc đẩy phát triển công nghệ, vừa kiểm soát nó không vi phạm các luật về quyền riêng tư.

Như vậy, những hệ thống trí tuệ nhân tạo có chức năng hợp lý hóa quy trình sản xuất, mô hình hóa biến đổi khí hậu hoặc nâng cao hiệu suất mạng lưới truyền tải năng lượng sẽ được chào đón ở EU. Trong khi đó, nhiều công nghệ hiện đang được sử dụng ở Châu Âu hiện nay như thuật toán dùng để quét CV, bảng đánh giá mức độ tín nhiệm, đơn xin phúc lợi an sinh xã hội hoặc đơn xin tị nạn, cấp thị thực; hoặc giúp thẩm phán đưa ra phán quyết sẽ bị gắn nhãn là "nguy cơ cao" và bị giám sát chặt chẽ hơn.

Kiểm soát và cân bằng

Hệ thống chấm điểm xã hội được áp dụng tại Trung Quốc nhằm theo dõi mức độ tín nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp được phân loại là "đi ngược lại giá trị của Liên minh" và sẽ bị cấm theo dự thảo luật mới.

Đạo luật mới cũng đề xuất cấm các hệ thống trí tuệ nhân tạo gây hại cho người dân bằng cách nhân bản hành vi, suy nghĩ hay quyết định của họ; khai thác hoặc tấn công vào điểm yếu của người dân; và cả những hệ thống giám sát quy mô lớn.

Tuy vậy, dự thảo luật mới cũng đưa ra một ngoại lệ cho phép chính quyền sử dụng những công nghệ này trong trường hợp đối phó với tội phạm nghiêm trọng. Ví dụ như công nghệ nhận diện khuôn mặt tại nơi công cộng sẽ được cho phép sử dụng với giới hạn về thời gian và địa điểm. Ngoài ra, EC cũng cho biết sẽ cho phép các lực lượng hành pháp sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt từ camera CCTV để phát hiện đối tượng khủng bố.

Những ngoại lệ này có thể được đặt ra để xoa dịu các quốc gia như Pháp vì đã tích hợp trí tuệ nhân tạo vào hệ thống an ninh của mình. Tuy nhiên, những người ủng hộ quyền riêng tư và các nhà hoạt động về quyền kỹ thuật số đã tích cực vận động để phản đối và loại bỏ hoàn toàn việc này.

"Việc trao quyền cho các nhà chức trách được tự do quyết định trường hợp nào được hoặc không được phép đơn giản là tiếp tục tạo ra lỗ hổng cũng như vùng xám trong pháp luật mà luật pháp hiện hành của chúng tôi cũng đang tồn tại và dẫn đến sự lạm quyền", Ella Jakubowska, thuộc nhóm vận động vì quyền kỹ thật số EDRi, cho biết.

EU cũng muốn tránh các thành kiến về chủng tộc và giới tính, vấn đề này đã cản trở sự phát triển của công nghệ ngay từ những ngày đầu hình thành. Một trong những yêu cầu trong dự thảo luật mới của EC là bộ dữ liệu không được "chứa bất kỳ thành kiến có hoặc không có chủ đích" có thể dẫn đến phân biệt đối xử.

Dự thảo luật cũng bao gồm việc thành lập Hội đồng Trí tuệ nhân tạo Châu Âu (European Artificial Intelligence Board), các thành viên dự kiến bao gồm một đại diện của mỗi nước, đại diện cơ quan bảo vệ dữ liệu EU và một đại diện của EC. Hội đồng sẽ giám sát việc thực hiện đạo luật mới và chia sẻ các phương pháp thực thi tốt nhất.

Căng thẳng xuyên Đại Tây Dương

Ngành công nghiệp công nghệ cao dường như sẽ bị ảnh hưởng bởi đạo luật nghiêm khắc của EU. Đạo luật mới này sẽ khiến thị trường EU kém hấp dẫn hơn và khuyến khích các nhà sáng tạo của Châu Âu ra mắt sản phẩm ở thị trường khác.

Đạo luật mới cũng sẽ đặt EU vào thế tiến thoái lưỡng nan với đồng minh của mình. Các công ty Mỹ, vốn lo ngại việc đối phó với Trung Quốc nhiều hơn, nay cũng có nguy cơ phải tuân thủ theo đạo luật nghiêm khắc này. Khi nói đến quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU, công nghệ giám sát vẫn là một trong những điểm mấu chốt của quan hệ này.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politico hồi tháng 3, Eric Schmidt, cựu giám đốc Google và chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo Mỹ (NSCAI), cho biết chiến lược của EU sẽ không thành công vì "đơn giản là nó không đủ mạnh" để cạnh tranh.

Đề cập đến những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ đang thống trị sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, Schmidt cho biết "Châu Âu sẽ cần hợp tác với Mỹ dựa trên những nền tảng mấu chốt này".

Minh Bảo theo Politico

Chủ đề khác