VnReview
Hà Nội

Chloé Zhao - người phụ nữ Bắc Kinh giành Oscar với câu chuyện nước Mỹ

Nhà làm phim 39 tuổi người Bắc Kinh, Trung Quốc làm nên lịch sử khi giành giải Phim truyện và Đạo diễn xuất sắc với "Nomadland" tại Oscar lần thứ 93.

Tại lễ trao giải Oscar 2021, bộ phim Nomadland (tạm dịch: Miền du mục) đã đem về cho Chloé Zhao (Triệu Đình) chiến thắng lịch sử tại hạng mục Đạo diễn xuất sắc.

Zhao là nữ đạo diễn thứ hai, và là nữ đạo diễn gốc Á đầu tiên trong lịch sử, giành được giải thưởng cao quý này.

Bộ phim đồng thời lên ngôi ở hạng mục Phim truyện xuất sắc và Zhao tiếp tục nhận tượng vàng trên tư cách nhà sản xuất của bộ phim.

Nomadland theo chân một phụ nữ trung niên tên Fern (Frances McDormand) trên hành trình lang thang sống du mục khắp nước Mỹ.

Bộ phim được Zhao thực hiện dựa trên cuốn sách cùng tên của Jessica Bruder. Thành công thêm một lần nữa cho thấy tài nghệ của "người ngoài cuộc" - một phụ nữ Trung Quốc tại Mỹ - khi kể những câu chuyện của xứ sở cờ hoa.

Chỉ trong vòng 5 năm, Chloé Zhao từ một nữ đạo diễn vô danh nay trở thành cái tên đình đám không chỉ ở lĩnh vực phim độc lập, mà còn lấn sân sang cả mảng bom tấn.

Dân "du mục" đi khắp bốn phương tìm đam mê

Chloé Zhao là một đứa trẻ nổi loạn, sinh ra trong nghèo khó. Người cha sau này đã gặp vận đổi đời khi trở thành giám đốc điều hành tại tập đoàn Shougang - một trong những "ông lớn" ngành thép Trung Quốc. Khi Zhao vào trung học, cha mẹ cô ly dị, và người bố cũng sớm tái hôn với một nữ diễn viên.

Lớn lên không chịu sự kiềm tỏa của phụ huynh, Chloé Zhao tìm thấy niềm vui trong manga (truyện tranh Nhật Bản) và các phim của Vương Gia Vệ. Đến giờ, cô thỉnh thoảng vẫn xem lại Xuân quang xạ tiết (1997). Ở tuổi 14, Zhao tìm đường sang Anh dù không biết ngoại ngữ. Quyết định đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô gái trẻ táo bạo.

Chloé Zhao sống ở nước ngoài hơn 20 năm qua, nhưng vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc

Năm 2000, Zhao chuyển tới sống ở Los Angeles (Mỹ) một mình. Mất 4 năm theo đuổi chính trị, cô nhận ra mối quan tâm của bản thân không phải là học thuật, mà là con người. Vậy là cô chuyển sang học làm phim tại Đại học New York, lắng nghe Spike Lee giảng dạy.

Cũng tại đây, Zhao gặp Joshua James Richards - một anh chàng sinh viên từ Anh với niềm đam mê bất tận với công việc quay phim. Họ đã trở thành bạn thân, rồi là bạn đời, cùng nhau làm nên những thước phim đáng nhớ về sau.

Rồi Chloé Zhao tiếp tục cảm thấy New York không phải là nơi cô có thể làm ra những bộ phim ưng ý. Năm thứ hai tại trường phim, Zhao bay về cố hương Trung Quốc với ý định làm một bộ phim tương tự Đèn lồng đỏ treo cao của Trương Nghệ Mưu. Bản thân bộ phim ngắn không làm cô vừa ý, nhưng trải nghiệm khiến Zhao nhận ra rằng: "Tôi không phải loại biên kịch kiêm đạo diễn có thể tự làm mọi thứ".

Cô hiểu rằng với tư cách một nhà làm phim, bản thân cần phải thuê những người giỏi trong lĩnh vực của họ để tạo nên câu chuyện mà mình muốn kể. Được Richards mô tả là một người "kỳ quặc và quyết liệt", Chloé Zhao bèn đi khắp thế giới để tìm câu trả lời cho mục đích cống hiến của mình.

"Người ngoài cuộc" kể những câu chuyện nước Mỹ

Năm cuối tại trường phim, Zhao muốn kể một câu chuyện về miền Tây nước Mỹ. Vùng đất với lịch sử chồng chéo, khắc nghiệt và trải dài như vô tận cuốn hút không ít các nhà làm phim trước đây.

Còn cô là ai? Một nữ sinh viên gốc Á với gia tài vỏn vẹn là một cuốn sổ tay trước khi tiếp cận biệt khu Oglala Lakota, Pine Ridge ở South Dakota. Chloé Zhao biết đó là một cái bẫy đối với mọi đạo diễn, với đề tài tưởng như quá phổ biến.

Zhao và Richards cùng nhóm làm phim đã ở lại khu này. Người bản địa, vốn quen với việc trả lời phỏng vấn báo chí, truyền thông, nhận ra có điều gì đó khác biệt ở những người mới đến. Họ không tới để hỏi, mà đến để lắng nghe. Càng tiếp xúc sâu với cư dân Oglala Dakota, Zhao nhận ra họ có nhiều thứ để nói hơn là về sự đói nghèo, thô lỗ, lạnh lùng.

Miền Tây nước Mỹ trở thành nguồn cảm hứng bất tận dành cho Zhao

Thế rồi, khi nguồn kinh phí tài trợ dần cạn kiệt, Chloé Zhao và Richards phát hiện ra căn hộ của mình bị trộm. Toàn bộ laptop, ổ cứng chứa những đoạn phim đã quay bị lấy mất. Như bị dồn đến đường cùng, cả hai rút hết tiền tiết kiệm, vận động thêm được tài trợ để làm lại bộ phim khác với quy mô eo hẹp.

Songs My Brothers Taught Me (2015) đã ra đời như thế. Phim là chuyến hành trình của một thiếu niên khi đứng trước lựa chọn theo bạn gái tới Los Angeles, bỏ lại em gái nhỏ với người mẹ nghiện rượu ở biệt khu da đỏ. Phim ra mắt tại Liên hoan phim Sundance và Cannes, giúp Zhao có động lực để làm bộ phim tiếp theo cũng lấy bối cảnh Pine Ridge.

The Rider (2017) tiếp tục chứng minh tài năng của Chloé Zhao trong việc phát hiện và ghép nối những diễn viên "tay ngang" kể câu chuyện đời của chính họ. Ngôi sao của bộ phim - Brady Jandreau - là một tay nài ngựa Lakota được Zhao mô tả là "có nét bình thản và mạnh mẽ như Heath Ledger".

Cô muốn kể câu chuyện về anh, nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu. Năm 2016, Jandreau bị chấn thương sọ não hôn mê suốt 5 ngày. Các bác sĩ chẩn đoán anh không thể cưỡi ngựa được nữa. Vài tháng sau, người ta đã thấy anh trở lại trên lưng ngựa. Chloé Zhao đã chứng kiến toàn bộ quá trình ấy, và The Rider đã ra đời. Bộ phim cho thấy hình tượng cao bồi phức tạp đến thế nào.

"Cảm giác như số mệnh an bài"

The Rider nhận được sự quan tâm nhiệt liệt từ công chúng. Sau quá nhiều dự án nam tính, ồn ào về miền Tây, thì một tác phẩm mang đậm tính nữ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến con người như của Zhao đã chạm đến trái tim khán giả.

Bộ phim tìm đường đến hàng loạt liên hoan phim danh giá, từ Telluride, Toronto đến New York, có những "fan" đặc biệt bao gồm đạo diễn Bong Joon-ho hay cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhà làm phim người Hàn Quốc thậm chí nhận xét Zhao sẽ góp phần định hình điện ảnh hiện đại trong 20 năm tiếp theo.

Chloé Zhao và Frances McDormand trên trường quay Nomadland

Đặc biệt hơn, The Rider đã kết nối Chloé Zhao với Frances McDormand. McDormand đã trốn khỏi những buổi họp báo của Three Billboards Outside Ebbing, Missouri (2017) để đi xem The Rider. Rồi bà quyết định tìm gặp Zhao dù chưa biết sẽ phải bàn bạc về vấn đề gì.

Trùng hợp thay, Frances McDormand khi đó vừa mua bản quyền chuyển thể cuốn sách Nomadland: Surviving America in the Twenty-First Century về những người già du mục trên khắp nước Mỹ. Trong khi đó, Zhao cũng đang phát triển một kịch bản về những người trẻ sống trên xe tải (van life).

Lựa chọn chuyển sang kể câu chuyện về thế hệ lớn tuổi sống lang bạt, Zhao tin rằng đó là định mệnh. "Tôi không cảm thấy mình đang chuyển sang dự án khác, mà như đang đào sâu vào thứ tôi vẫn muốn thực hiện", cô nói.

Những người phụ nữ đã cùng nhau làm nên Nomadland, với Frances McDormand vào vai một phụ nữ góa chồng phải "ra đường mà ở" do thị trấn chị sống nửa đời người đã đóng cửa. Trừ McDormand và David Strathairn, hầu hết diễn viên còn lại là người đóng vai chính họ: những cư dân trong cộng đồng du mục, sống nay đây mai đó trên chuyến xe đời người.

Nomadland không chỉ kể về những kiếp người lang bạt, mà một số là do lựa chọn, số khác bị ép phải sống bờ sống bụi. Đó còn là hình dung về nước Mỹ rộng lớn đủ chứa chấp những người tưởng như không tìm thấy chỗ đứng của bản thân trong xã hội.

Kết hợp giữa chất trữ tình và chủ nghĩa hiện thực, bộ phim đem tới dư vị của tự do, chủ nghĩa sản xuất tiêu dùng, của tuổi già và ký ức hòa quyện trong cảnh quan bao la trải dài từ Arizona, California, Nebraska, Nevada, đến South Dakota.

Hình mẫu cho đạo diễn Hollywood đương đại

Chuyện các đạo diễn phim hàn lâm đảm trách dự án bom tấn đắt tiền dường như không còn xa lạ tại kinh đô điện ảnh ngày nay. Barry Jenkins đang làm hậu truyện cho The Lion King (2019). Captain Marvel được đạo diễn bởi Anna Boden và Ryan Fleck.

Những dự án phim tầm trung là thứ nay không còn hiện diện nhiều tại Hollywood. Các đạo diễn phim độc lập với rất ít thành tích trong tay hoàn toàn có thể được nhà sản xuất lớn để ý đến, miễn sao họ đủ sức đảm đương.

Chloé Zhao tới đây sẽ mang tới bom tấn siêu anh hùng Eternals

Sắp tới, Chloé Zhao sẽ trình làng Eternals - bộ phim thứ 26 thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU). Thành công của Zhao, đúng như Bong Joon Ho từng nói, sẽ định hình điện ảnh của hai thập niên sắp tới, tạo ra hình mẫu nhà làm phim đương đại.

Đó sẽ là những người vừa có khả năng thực hiện các dự án nghệ thuật kinh phí eo hẹp, vừa đảm trách những bom tấn có giá trị hàng trăm triệu USD cho các studio lớn. Cùng với xu hướng đa dạng hóa ở cả trước lẫn sau máy quay, những nhà sản xuất tại Marvel Studios tin rằng cách tiếp cận của Zhao sẽ đem tới luồng gió mới cho loạt phim siêu anh hùng đã hơn 10 năm tuổi.

Theo Zing

Chủ đề khác