VnReview
Hà Nội

Chuyện lạ: Bảo tàng Nga vẫn đang dùng máy tính Apple tuổi đời 35 năm

Chiếc máy tính Apple II tại bảo tàng vẫn cần mẫn phục vụ sau gần 35 năm.

Bảo tàng Lenin tại Nga. Ảnh: Yuri Litvinenko.

Chúng ta có thể bắt gặp những chiếc máy tính của Apple ở khắp nơi trên thế giới, thậm chí còn ở những nơi khá bất ngờ. Nhưng có lẽ một trong những địa điểm kỳ lạ nhất trong số đó phải là chiếc Apple II được sử dụng để phục vụ triển lãm tại Bảo tàng Lenin, Nga.

Bảo tàng được mở cửa lần đầu tiên vào năm 1987 trong những năm tháng cuối cùng trước khi tan rã của Liên bang Xô viết và vẫn còn mở cửa đến tận ngày nay, kể tiếp những câu chuyện về nhà lãnh đạo đầu tiên của đất nước lịch sử, Vladimir Lenin. Xen giữa các kỷ vật trưng bày là một loạt các bài thuyết trình ba chiều, mỗi tác phẩm mô tả một giai đoạn trong cuộc đời của nhà lãnh đạo Lenin.

Quay trở lại năm 1987, các nhân viên bảo tàng Liên Xô cần tìm ra cách để kiểm soát những bài thuyết trình này, nó đòi hỏi đồng bộ hóa ánh sáng, máy chiếu và động cơ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Vào thời điểm đó, một công ty của Anh có tên là Electrosonic đã phát triển một hệ thống có tên là ES4000 giúp các kỹ thuật viên thực hiện điều đó.;Và máy tính sẽ cấp nguồn cho hệ thống ES4000 chính là Apple II.

Tuy nhiên, có một vấn đề xảy ra: Luật pháp của Liên Xô cấm bảo tàng giao dịch với các công ty nước ngoài, có nghĩa là họ không thể nhập về trực tiếp ES4000 và Apple II. Thời điểm đó, Liên Xô cũng có phiên bản Apple II của riêng họ, Agat-7, nhưng nó lại yêu cầu cổng cắm thẻ riêng để chạy phần mềm của phương Tây. ES4000 sử dụng các thẻ 50 chân không phù hợp với các khe 60 chân trong Agat-7, vì vậy sự việc rơi vào tình trạng bế tắc.

Cuối cùng, một sự sắp xếp phức tạp đã được tính toán thực hiện để phù hợp với các quy định của đất nước. Một tổ chức kinh tế của Liên Xô, Technointorg, đã ký thỏa thuận và thực hiện nó thông qua Beach Compix, đơn vị của Anh thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên Xô. Các kỹ thuật viên nước ngoài sẽ đến Liên Xô để thiết lập hệ thống nhưng một công ty của Liên Xô, Cascade, sẽ được ghi nhận thành quả này. Và như vậy, cách giải quyết đã hoàn tất.

Máy tính Apple II. Ảnh: Rama/Creative Commons.

Thật ngạc nhiên, những chiếc máy tính Apple II vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ cho đến ngày nay. Theo phó giám đốc nghiên cứu của bảo tàng, Boris Vlasov, các nhân viên trước đây sẽ nghỉ hưu và vẫn sửa chữa máy móc khi có yêu cầu. Vlasov khẳng định các máy tính Apple II sẽ không bị thay mới nhằm giữ nguyên thiết lập ban đầu của các bài thuyết trình, chính xác như những gì chúng được phác thảo lần đầu tiên.

Và mặc dù điều này có vẻ hiếm khi xảy ra, nhưng đây không phải là lần duy nhất công nghệ của Apple xuất hiện ở Liên Xô. Bản thân Steve Jobs thậm chí đã đến thăm Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô vào năm 1985 để trang bị Macintosh cho các trường học ở Liên Xô (vào thời điểm đó, có vẻ như một nhận xét bất cẩn mà ông đưa ra về nhà tư tưởng cách mạng Leon Trotsky, là một chủ đề nhạy cảm ở Liên Xô lúc bấy giờ, đã làm kế hoạch đổ vỡ). Máy Mac tiếp tục xuất hiện ở một vài nơi, chẳng hạn như văn phòng thuế khu vực của Bashkortostan, một nước cộng hòa thuộc Nga, nhưng không thể xâm nhập mạnh mẽ hơn nữa.

Điều đó càng làm nổi bật việc máy tính Apple được chọn để phục vụ cho bảo tàng dành riêng cho nhà lãnh đạo đầu tiên của đất nước Liên Xô, và chúng vẫn đang hoạt động mạnh mẽ cho đến tận ngày nay, gần 35 năm sau.

Giang Vu theo Digitaltrends

Chủ đề khác