VnReview
Hà Nội

Báo Hàn tố Nhật Bản "hai mặt" khi xả thải nước phóng xạ ra biển

Thông báo xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ra biển Thái Bình Dương, đã khiến nhiều người nhớ lại cách thức trước đây nước Nga từng sử dụng. Coi đại dương như một bãi rác chứa chất thải phóng xạ. Điều đó đã gây chấn động cộng đồng quốc tế khi được xác nhận chính thức vào năm 1993.

Người Hàn e ngại sản phẩm thủy sản Nhật Bản do kế hoạch đổ nước phóng xạ ra biển

Vụ xả nước nhà máy điện Fukushima ra biển: Tokyo bị

Các nhà hoạt động môi trường trên một con tàu của tổ chức Hoà bình Xanh (Greenpeace) đã ghi lại hình ảnh một tàu hải quân Nga đang bơm trực tiếp chất thải hạt nhân lỏng xuống vùng biển Nhật Bản

Điều đáng chú ý là vào thời điểm Nga xả thải, Nhật Bản là nước đi đầu trong phong trào phản đối. Kịch liệt yêu cầu quốc gia này dừng việc đổ chất thải phóng xạ ra biển.

Tuy nhiên, điều này đã bị đảo ngược vào năm 2021, khi Nhật Bản tuyên bố vào ngày 13/4 vừa qua, đang chuẩn bị xả nước nhiễm đồng vị phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi - nơi đã xảy ra sự cố với ba trong số các lò phản ứng vào tháng 3 năm 2011 - ra biển Thái Bình Dương bắt đầu từ năm 2023. Nga đang bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về kế hoạch này và đã kêu gọi Nhật Bản thể hiện sự minh bạch thích đáng trong vấn đề này.

Sự kiện này đang làm dấy lên những chỉ trích rằng Tokyo đã thể hiện thái độ hai mặt với việc đổ chất thải phóng xạ ra tự nhiên.

Năm 1993, Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đã vạch trần việc Nga đổ chất thải phóng xạ ra biển, khi một trong các tàu của tổ chức này ghi lại được cảnh tàu Hải quân Nga bơm chất thải lỏng phóng xạ trực tiếp ra vùng biển phía đông (biển Nhật Bản).

Sau sự kiện này, các thông tin được tiết lộ cho biết Nga đã thường xuyên, và bất hợp pháp, đổ các chất thải phóng xạ - cả dạng rắn và lỏng, và cả ở nồng độ cao và thấp - ra các đại dương trong những năm Liên Xô còn tồn tại. Số rác thải đó thậm chí còn bao gồm cả các lò phản ứng đã qua sử dụng trên các tàu ngầm hạt nhân.

Vào thời điểm đó, Nhật Bản đã chỉ trích mạnh mẽ Nga, kêu gọi nước này ngừng đổ chất thải và yêu cầu các quốc gia trên thế giới ủng hộ một hiệp định quốc tế nhằm cấm tất cả các hoạt động xử lý chất phóng xạ như vậy.

Shaun Burnie, chuyên gia hạt nhân cấp cao của Tổ chức Hòa bình xanh Đông Á, người tham gia chiến dịch chống lại việc Nga đổ chất thải phóng xạ ra biển vào năm 1993, cho biết quyết định thải dần hơn 1,2 triệu tấn nước bị ô nhiễm từ Nhà máy Fukushima ra Thái Bình Dương là việc làm mâu thuẫn với các cuộc biểu tình chống lại Moscow của nước này trong quá khứ.

Theo Burnie, vào thời điểm đó, Tổ chức Hòa bình Xanh đã thu được thông tin chi tiết về những cuộc liên lạc giữa chính phủ Nga và Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lúc đó là Hans Blix từ ngày 3 tháng 10 năm 1993, cho thấy Blix thực chất có nắm được thông tin về kế hoạch đổ chất thải hạt nhân lỏng ra vùng biển phía đông của Moscow.

Burnie cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email với The Korea Times, rằng: "Chỉ trong vòng vài ngày sau khi Greenpeace phát hiện ra việc làm của phía Nga, Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ sự phản đối và sau đó đồng ý áp dụng nghiêm ngặt Công ước của Tổ chức Hàng hải Quốc tế London, sau đó đã trở thành lệnh cấm vĩnh viễn hành vi xả chất thải hạt nhân ra biển vào năm 1996. Các kế hoạch của chính phủ Nhật Bản đối với việc xả chất thải phóng xạ ở Fukushima, hoàn toàn trái ngược với sự phản đối của chính phủ nước này với việc làm tương tự của phía Nga và các nước khác gần 30 năm trước."

Công ước London đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế về xử lý chất thải phóng xạ và chất thải công nghiệp cũng như chất thải từ tàu thuyền và máy bay trên biển.

Vụ xả nước nhà máy điện Fukushima ra biển: Tokyo bị

Sinh viên đại học biểu tình cạo trọc đầu bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul, ngày 20 tháng 4, để phản đối quyết định của Nhật Bản (ảnh: Shim Hyun-chul/Korea Times);

Khi Tokyo công bố kế hoạch giải phóng lượng nước bị ô nhiễm ra biển, họ cho rằng các hệ thống lọc mạnh mẽ sẽ có khả năng loại bỏ tất cả các đồng vị phóng xạ ngoại trừ triti, loại chất mà họ cho là vô hại đối với con người ở liều lượng nhỏ.

Một số nhà khoa học đã ủng hộ điều này, nói rằng kế hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng và sẽ chỉ gây ra tác động môi trường tối thiểu.

Tuy nhiên, các nước láng giềng bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga đang bày tỏ lo ngại, vì ngay cả một lượng nhỏ chất phóng xạ cũng có thể gây hại cho con người nếu tích tụ trong cơ thể về lâu dài.

Burnie cho biết cách duy nhất để Nhật Bản khôi phục sự tin tưởng của quốc tế về sự việc lần này là đảo ngược lập trường của họ và cam kết cung cấp diện tích đất để lưu trữ và xử lý lượng nước thải này trong thời gian dài.

Ông cho biết: "Hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong những năm tới để chuẩn bị kế hoạch xả thải sẽ không thể ngăn chặn được sự ô nhiễm phóng xạ lan ra đại dương, và giống như thất bại của IAEA năm 1993, sự kiện lần này sẽ một lần nữa sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm phóng xạ trong môi trường biển".

Rick Steiner, nhà sinh vật học chuyên về bảo tồn biển ở Anchorage và là cựu giáo sư tại Đại học Alaska (Mỹ), tuyên bố rằng rủi ro sinh thái và những lo ngại về sức khỏe con người đến từ việc xả nước theo kế hoạch ở Fukushima là "rất đáng nghi ngờ", như Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), công ty chịu trách nhiệm cho việc dọn dẹp các hậu quả sau sự cố, cho đến gần đây đã thừa nhận rằng trong nước thải có chứa một lượng đáng kể đồng vị phóng xạ carbon-14.

"Vì C-14 có chu kỳ bán rã 5.730 năm, và được biết là chất có khả năng tích tụ sinh học trong các hệ sinh thái biển và gây suy giảm tế bào và di truyền, đây là một mối quan ngại rất nghiêm trọng", ông viết trong bài viết đăng trên báo Anchorage Daily News.

Ông cũng cho rằng giải pháp tốt nhất cho TEPCO cho đến thời điểm hiện tại là "tiếp tục xây dựng nhiều bể chứa hơn và tiếp tục trữ tất cả lượng nước thải bị ô nhiễm trong 15 năm nữa hoặc lâu hơn", đồng thời lưu ý rằng nồng độ phóng xạ tritium sẽ phân hủy còn một nửa trong thời gian này và từ nay cho đến lúc đó, công nghệ để loại bỏ tất cả hạt nhân phóng xạ có thể sẽ được phát triển.

Ông kết luận, "Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải thúc giục Nhật Bản từ bỏ kế hoạch không cần thiết và nguy hiểm này".

Quang Huy (theo The Korea Times)

Chủ đề khác