VnReview
Hà Nội

Xu hướng "ly hôn xám": Tại sao nhiều cặp đôi về già lại chọn cách chia xa?

Sau 27 năm chung sống, Bill Gates và Melinda Gates đã thông báo về quyết định ly hôn của họ. Tại sao hai nửa của một cuộc hôn nhân lâu dài, một cuộc hôn nhân đã kiếm được hàng tỷ USD và xây dựng nên một trong những tổ chức lớn nhất thế giới, lại phải đi đến kết cục đường ai nấy đi?

Bài viết này là ý kiến cá nhân của Nhà tâm lý học John Duffy tại trang CNN. VNReview lược dịch gửi tới bạn đọc:

Trong hầu hết các cuộc hôn nhân, sau nhiều thập kỷ bên nhau, chúng ta dần quen thuộc với thói quen của mỗi người, đặc điểm riêng của gốc gác gia đình, nhịp độ làm việc trong ngày và ngay cả cách mỗi người thưởng thức một tách cà phê. Sau nhiều năm chung sống, chúng ta hiểu rõ những điểm tốt nhất nơi người bạn đời của mình, và dĩ nhiên cả những điều tệ nhất.

Nhiều cặp vợ chồng sẽ cùng nhau nuôi dạy con cái vào thời điểm này và khám phá ra những điều mà họ ngưỡng mộ về nhau, cũng như những quan điểm mà họ hoàn toàn bất đồng chính kiến. Người ta có thể nghĩ rằng, nếu bất kỳ vấn đề nào trong số này cho thấy không cùng tiếng nói, thì một cuộc hôn nhân sẽ kết thúc rất sớm trước khi cặp đôi đó kịp tiến đến độ tuổi 50 hoặc 60.

Công việc hiện tại của tôi với các cặp đôi đã giúp nhận ra sự khác biệt rõ ràng nơi các cặp vợ chồng lớn tuổi trong một cuộc hôn nhân lâu dài. Nhiều năm trước, phần lớn các cặp vợ chồng khách hàng của tôi, những người không hạnh phúc trong mối quan hệ của họ lựa chọn kết hôn chỉ vì ý đồ cá nhân hoặc thông lệ, hay thậm chí chỉ vì cảm giác quen thuộc. Trong vài năm qua, nhiều người trong số đó đang dần chọn cách chia tay. Cơ sở khách hàng phản ánh tỷ lệ ly hôn ở người Mỹ từ 50 tuổi trở lên, đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990.

Tại sao những người đã lớn tuổi vẫn chọn ly hôn? Một người phụ nữ sắp ly hôn nói với tôi rằng cô ấy nhìn thấy cuộc đời mình như từng chương sách. Và mặc dù cô ấy nghĩ rằng người chồng hiện tại sẽ là một phần cuộc sống của cô ấy trong tất cả chương sách đó, nhưng giờ đây cô ấy muốn tự viết nên cuộc đời mình, và có thể một ngày nào đó, sẽ là với một ai đó khác. Cô ấy không muốn gây nên những căng thẳng với chồng, chỉ đơn giản là muốn giải thoát để anh ấy đi tìm hạnh phúc thực sự trong những chương tiếp theo còn lại.

Các cặp đôi không chỉ đơn giản là "phai nhạt dần" theo thời gian nữa. Một hoặc cả hai người trong một cuộc hôn nhân đang đưa ra lựa chọn công khai để thay đối cho quãng thời gian mà họ đã phung phí. Và nhận ra rằng cuộc sống là ngắn ngủi và quý giá, một hoặc cả hai người sẽ chọn những gì họ cảm thấy là con đường viên mãn nhất.;Họ có xu hướng tin rằng, nếu một cuộc hôn nhân không hiệu quả với họ, thì nó cũng thực sự không hiệu quả với một nửa còn lại. Vì vậy, họ dành cho mình khoảng không gian để có được hoặc lấy lại niềm hạnh phúc và viên mãn của bản thân.

Điều gì đã thay đổi ở nội tại những cuộc hôn nhân lâu dài để dẫn đến ly hôn

Có một số lý do dẫn đến sự tan rã đã định trước này. Tôi thấy rằng các mô hình hôn nhân truyền thống không diễn ra đồng nhất ở tất cả các cặp vợ chồng, đặc biệt là ở độ tuổi trung niên. Những người này không còn cho rằng hôn nhân của họ nhất thiết phải là một cam kết trọn đời nếu nó không còn quan trọng với một hoặc cả hai.

Mọi người dần đánh giá lại các mối quan hệ của họ theo thời gian thực. Điều này, theo kinh nghiệm của tôi, là tương đối mới. Từ trước đến nay, chúng ta luôn kín tiếng về bất kỳ sự không hài lòng nào trong hôn nhân, thường theo kiểu phàn nàn với bạn bè đồng giới về những vấn đề trong mối quan hệ: đời sống tình dục không suôn sẻ hay thiếu đi tính kết nối giữa hai người, chán nản với đời sống hàng ngày, những thói quen khó chịu, tính tình hà tiện hay phung phí.

Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trò chuyện với nhau hoặc với tôi, bác sĩ trị liệu của họ một cách cởi mở về những bất mãn trong mối quan hệ giữa cả hai. Các cặp đôi bây giờ có khả năng nói chuyện thông qua bản chất các mối quan hệ của họ và xác định xem liệu họ còn muốn duy trì cuộc hôn nhân này hay lựa chọn chia tay.

Những điều cấm kỵ trở nên "dễ thở" hơn

Tôi cũng nhận thấy rằng những cấm đoán xung quanh việc đánh giá lại như vậy, thậm chí cả những quan niệm về ly thân và ly hôn sau một cuộc hôn nhân lâu dài, không còn bị quá dèm pha. Khi chúng ta sống lâu hơn, nhiều người, ví dụ như phụ nữ sắp ly hôn, đang nhìn cuộc đời của họ thành từng chương. Và cuộc hôn nhân đưa họ từ tuổi 20 đến tuổi 50 hoặc 60 là chương quan trọng nhất, một chương mà họ đối mặt với khó khăn về tài chính, lập nghiệp và nuôi dạy con cái.

Nhiều người chọn đây là câu chuyện cả đời của họ, tuân theo truyền thống. Nhưng ngày càng nhiều, những người khác sẵn sàng cân nhắc lại khả năng đó, ngay cả khi đã tìm được "mảnh ghép" phù hợp của nhau tại một thời điểm, hoặc trong một chuỗi thời gian nào đó, nhưng sẽ không phải mãi mãi là của nhau.

Một chương mới trong một đời dài hơn

Sau khi nuôi dạy con cái hoặc nhìn thấy sự nghiệp nơi người bạn đời, nhiều người đã kết hôn ở độ tuổi trung niên mà tôi từng làm việc muốn "làm mới" lại bản thân. Họ muốn bắt đầu một sự nghiệp mới hoặc dấn thân vào những cuộc phiêu lưu mới, thường là một mình, đôi khi với một người bạn, hoặc đôi khi với một tình yêu mới. Có thể họ cảm thấy cuộc hôn nhân của mình đã trống vắng niềm vui hoặc giữa hai người đã mất kết nối với nhau.   

Giờ đây, tuổi thọ trung bình của chúng ta đang cao hơn rất nhiều so với thế hệ trước, tôi đã làm việc với nhiều khách hàng trung niên, những người cảm thấy như bây giờ là thời điểm cần thiết, và vẫn còn đủ thời gian để theo đuổi chương tiếp theo đó.

Tôi đã làm việc với một số người ở độ tuổi 70 và thậm chí 80, những người hối hận vì đã không dành cơ hội đó cho chính mình, họ vẫn trói mình trong một cuộc hôn nhân vô hồn, nhạt nhẽo hoặc đầy rẫy những mâu thuẫn.

Tại sao các cặp đôi ly hôn

Tôi thấy rằng đàn ông dễ kết thúc hôn nhân ở tuổi trung niên hơn để theo đuổi một mối quan hệ khác hoặc tham gia trọn vẹn hơn vào mối quan hệ mà họ đã có, hơn là phụ nữ. Điều này đập tan định kiến ​​của khuôn mẫu khủng hoảng tuổi trung niên: đàn ông theo đuổi tuổi trẻ bằng cảm giác ham muốn, thường là những phụ nữ trẻ hơn. Một số người đàn ông mà tôi từng làm việc nói rằng họ đã không còn yêu một nửa của mình nữa, và họ muốn dành cho mình cơ hội để tìm lại tình yêu trước khi cạn kiệt thời gian.

Mặt khác, những phụ nữ bắt đầu chia tay thường tìm cách thay đổi cuộc sống của họ. Nhiều người đã mô tả với tôi rằng họ cảm thấy mình vẫn còn khá trẻ ở độ tuổi 50 và 60, nhưng chồng của họ có vẻ già hơn và kém năng lượng hơn. Họ có xu hướng tìm kiếm sự nghiệp mới, cuộc phiêu lưu mới và cơ hội mới. Họ có thể bắt đầu kinh doanh hoặc lấy lại tinh thần, hoặc chuyển đến một đất nước khác.

Đối với những phụ nữ trung niên ly hôn mà tôi từng làm việc, lý do dường như dựa vào chủ nghĩa kinh nghiệm hơn. Nhiều người trong số họ thậm chí không hình dung được các mối quan hệ trong tương lai. Mặt khác, đối với nam giới, những lý do được đưa ra có xu hướng dựa trên những gì họ cảm thấy còn thiếu trong cuộc hôn nhân của mình, điều mà họ cảm thấy có thể khám phá trong một mối quan hệ khác.

Những xu hướng này tích cực hay tiêu cực?

Một số cặp vợ chồng đã chọn ở bên nhau trong nhiều thập kỷ, cho đến khi họ 50 hoặc 60 tuổi, để tạo ra một môi trường ổn định, nhất quán và yêu thương cho bản thân và đặc biệt là con cái của họ. Một số người đã phải chịu đựng trong nhiều năm với sự cô đơn và cô lập, những cuộc hôn nhân không tình yêu, và đôi khi kèm theo cả sự khinh bỉ và oán hận dành cho vợ chồng của họ.

Đây có thể là một "bài tập" kéo dài nhiều năm, rất đau đớn và cuối cùng, có thể không mang lại lợi ích gì cho con trẻ. Những người trẻ tuổi mà tôi được làm việc thường nói với tôi rằng họ thật sự muốn cha mẹ họ hạnh phúc. Nếu ở bên nhau không mang lại điều đó, họ vẫn sẽ thấu hiểu. Và sự đổ vỡ đáng trân trọng của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc hoặc không viên mãn lại đem đến mối quan hệ lành mạnh cho con cái của chúng ta.

Những thay đổi này trong cách chúng ta nhìn nhận về hôn nhân ở độ tuổi 50 và 60 cũng có thể được coi là khá lành mạnh và sảng khoái. Bởi vì chúng ta cởi mở hơn trong việc trò chuyện với nhau về những gì có tác dụng và những gì không trong cuộc hôn nhân của mình, các cặp vợ chồng dường như đang phát triển các mối quan hệ lành mạnh hơn để có cơ hội thực sự phát triển và sâu sắc hơn theo thời gian.

Nếu bạn không hạnh phúc trong mối quan hệ của mình

Những cặp vợ chồng đã bên nhau nửa đời người trở lên có những lựa chọn dành cho họ mà cha mẹ của họ ở độ tuổi trung niên không có. Nếu bạn không hài lòng với mối quan hệ của mình, đừng cho rằng đã quá muộn để giải quyết vấn đề. Nói chuyện cởi mở với một nửa của mình về bản chất của cảm xúc của bạn và những gì nửa kia hoặc của cả hai có thể làm để cải thiện mọi thứ hoặc kích thích một cuộc sống mới trong mối quan hệ của bạn.

Thay đổi cách làm việc để có thể dành nhiều thời gian hơn cho nhau. Giữ lấy khoảng thời gian hẹn hò, để bạn có thể làm quen lại đôi lứa ở mức độ lãng mạn và tình dục nếu thiếu những yếu tố đó.

Về bản chất, nếu bạn cảm thấy mối quan hệ của mình vẫn còn khả thi nhưng cần vun đắp thêm, hãy cố gắng viết những chương tiếp theo đó cùng nhau. Và nếu cần, hãy tìm đến một nhà trị liệu để hướng dẫn cả hai trong suốt quá trình đó.

Cuối cùng, bạn có thể cảm thấy như thể sự lặp lại này của mối quan hệ của bạn đã đi đúng hướng. Tôi thực sự khuyên bạn nên dành thời gian bình tĩnh giải thích với người bạn đời của mình nếu cảm thấy thoải mái và an toàn khi làm như vậy, và mức độ giao tiếp của bạn cho phép một cuộc nói chuyện như vậy.

Hãy cho nhau sự trọng đãi để suy ngẫm về những điều tốt đẹp có được từ những năm tháng đã cùng trải qua: con cái, công việc, những trận chiến thắng thua, sự hài hước và tình yêu. Sau đó, bạn có thể giải phóng cho nhau để hoàn thành các chương tiếp theo của cuộc đời mình.

Giang Vu (theo CNN)

Chủ đề khác