VnReview
Hà Nội

Nhìn lại một năm qua: COVID-19 đã thay đổi chúng ta… mãi mãi

"Covid-19" - đại dịch năm 2020. Cho đến ngày hôm nay, số ca nhiễm và số người tử vong trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu sụt giảm dù cho mọi nỗ lực và cố gắng từ đội ngũ y tế, chính phủ và cả những người dân từ các quốc gia.

Suốt hơn 12 tháng qua, Covid – 19 đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên khắp hành tinh. Từ những ảnh hưởng nhỏ nhất đến toàn bộ khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Tính đến đầu tháng 3/2021, gần một năm sau ngày bùng phát virus corona ở Mỹ và các quốc gia khác, đã có hơn 115 triệu ca nhiễm được báo cáo trên toàn thế giới và hơn 2,5 triệu người đã tử vong.;

COVID-19 đã mang lại sự hủy diệt khôn lường cho tất cả chúng ta từ các cá nhân, gia đình, từ các thị trấn nhỏ đến những thành phố lớn đông đúc. Đây là những thời điểm lịch sử mà tất cả chúng ta không bao giờ có thể được quên. Nó đã làm thay đổi mọi thứ, Covid-19 là nhất thời nhưng những thay đổi mà chúng gây ra sẽ là mãi mãi:

1. Thay đổi cách làm việc

Zoom và các ứng dụng làm việc/họp hành trực tuyến trên internet đã giúp giải tỏa một lượng lớn nhân viên đang làm việc tại các tòa nhà văn phòng. Công việc và họp hành giờ đây được thay đổi từ trực tiếp chuyển qua gián tiếp dựa vào các nền tảng trên internet, đồng thời làm việc tại nhà (work from home) là xu thế mới thay thế cho việc lên văn phòng. Mặc dù vậy, vẫn có một số ngành nghề, lĩnh vực bắt buộc phải làm việc trực tiếp như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ thực phẩm, cửa hàng tạp hóa và thuốc, cơ sở thực thi pháp luật, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác… buộc người lao động phải chia ca làm việc.

Trước tình cảnh suy thoái kinh tế như hiện tại, hàng triệu việc làm và thu nhập đã bị cắt giảm đã khiến người ta rơi vào tình cảnh đói nghèo và túng thiếu. Điều này buộc chúng ta phải chuyển đổi qua những ngành nghề khác để tạo ra nguồn thu nhập. Qua đó cho thấy Covid-19 đã làm thay đổi rất nhiều trong cách chúng ta làm việc, nơi chúng ta làm việc và cả những việc chúng ta làm cũng như mức thu nhập mà chúng ta nhận được.

2. Nhịp sống xã hội bị thay đổi

Trước sự nguy hiểm của virus và những biện pháp an toàn để phòng chống bệnh (giữ khoảng cách an toàn, rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế đám đông…) đã làm cho cuộc sống của chúng ta bị thu hẹp, những kết nối xã hội bị tụt giảm và ngày càng lỏng lẻo hơn. Còn đâu những hoạt động giải trí như quán bar, nhà hát, rạp chiếu phim, sự kiện thể thao, tiệc tùng, hòa nhạc… khi chúng không thể diễn ra như trước? Không một đơn vị nào dám đứng ra tổ chức và cũng chẳng một ai dám can đảm đến tham dự. Những chuyến du lịch gia đình cũng không còn được thoải mái như trước, ai cũng mang trong mình tâm lý "sợ bị nhiễm bệnh" và luôn đề cao cảnh giác. Thay vì đi du lịch, giờ đây chúng ta chọn cách đầu tư vào một mạng internet tốc độ cao hoặc 1 gói Netflix hay Disney+ cho những ngày nhàn rỗi mà không biết phải đi đâu. Tất cả đều bị xáo trộn và buộc phải vận hành theo những quy ước xã hội mới.

3. Cuộc sống thu bé lại chỉ bằng… nhà của chúng ta

Đối với nhiều người, ngôi nhà sẽ trở thành văn phòng làm việc, lớp học hoặc thập chí là cả sân chơi cho lũ trẻ... Có nhiều dự án cải tạo nhà ở như chuyển đổi tầng hầm thành phòng tập thể dục, phòng chơi thành rạp chiếu phim và sân sau thành hồ bơi. Trong thời điểm dịch bệnh bùng nổ, thị trường nhà ở sụt giảm với mức lãi suất thấp kỷ lục. Tất yếu, mức giá mới này vẫn chưa thể đáp ứng mong muốn của bạn nhưng nó thật sự là cơ hội tốt những người khao khát một căn nhà mới vào năm 2021. Chưa bao giờ chúng ta giành nhiều thời gian để trải nghiệm ngôi nhà của mình như hiện tại. Rất nhiều khẩu hiệu "Stay home - ở nhà" được mọi người truyền nhau nhằm lan tỏa cách chống dịch mới.

4. Trường học và toàn ngành giáo dục bị ảnh hưởng

Thật sự rất khó để trả lời các câu hỏi xoay quanh vấn đề dịch bệnh và giáo dục như: Khi nào thì đóng cửa trường học? Hay khi nào thì mở trường học hoạt động an toàn trở lại? Làm cách nào để phát huy hiệu quả của hình thức đào tạo từ xa? Làm thế nào để hạn chế các ảnh hưởng của dịch bệnh đến học sinh?... Tất cả những câu hỏi này vẫn đang bị bỏ ngỏ, theo Randall Picker, giáo sư tại Đại học Luật Chicago cho biết: cần phải mất 5 năm nữa thì chúng ta mới có thể vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế… và trong thời gian này tất cả các công nghệ giáo dục mới [học trực tuyến] sẽ được thử nghiệm trước khi chính thức vận hành một cách bài bản".

5. Gia đình của chúng ta

Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau xa cách người thân dù họ ở gần nhưng chúng ta vẫn không thể tiếp cận được. Bị giới hạn bởi các biện pháp phòng chống dịch nên các gia đình rất khó/không thể đến thăm người thân của họ vì sợ lan truyền virus; các đám tang ảo được tiến hành ngày một phổ biến khi không có người đưa tang, chia buồn; trẻ em không được đi học, gặp gỡ bạn bè; các thành viên trong nhà phải chia sẻ không gian làm việc với các thành viên khác;... Đại dịch đã gây khó khăn cho các thành viên trong gia đình bất kể việc cài đặt Zoom, Skype và những công cụ tương tự để duy trì các mối quan hệ lâu dài với mọi người. Tuy vậy, thật khó có thể quay lại những khoảnh khắc đã qua hay bù đắp được sự vắng mặt trong những ngày lễ, đám cưới, lễ tốt nghiệp hay đám tang… Điều đó thật sự để lại hậu quả đau lòng mà không bao giờ giải quyết được.

6. Sức khỏe tinh thần của chúng ta

Một nghiên cứu thực hiện vào tháng 4/2020 với sự tham gia của hơn 19.000 người Mỹ đã cho thấy họ bị suy nhược tinh thần và các vấn đề liên quan đến stress cao gấp 8 lần so với một nhóm tương tự (so sánh với kết quả nghiên cứu năm 2018). Một nghiên cứu khác trên 59 quốc gia vào mùa xuân năm 2020 đã cảnh báo về mức độ trầm cảm và lo lắng nghiêm trọng. Đại dịch để lại vô số hậu quả và gây khó khăn cho rất nhiều gia đình khi phải thanh toán hóa đơn, mua sắm/dự trữ lương thực, thực phẩm, xung đột gia đình và sự xa vắng những người thân yêu đã làm sức khỏe tinh thần của các cá nhân bị sa sút rất nhiều so với trước.

Ngoài ra, theo báo cáo đặc biệt về các nhân viên tuyến đầu - đặc biệt là các bác sĩ và y tá, họ là những người có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất, việc phải cách xa gia đình, người thân và luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi khi đối diện với áp lực từ xã hội đã cướp đi rất nhiều bác sĩ, y tá trên toàn thế giới… Ngay cả khi câu chuyện buồn này kết thúc, tất cả chúng ta sẽ cần một thời gian rất dài để chữa lành những nỗi đau này.

7. Cộng đồng của chúng ta

Các doanh nghiệp lớn và nhỏ đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, các công ty/xí nghiệp rơi vào tình trạng phá sản/ngừng hoạt động… khi buộc phải tiến hành các biện pháp phòng dịch an toàn. Theo thống kê không chính thức đã có hơn 110.000 cơ sở kinh doanh ăn uống trên toàn quốc phải đóng cửa. Một số nhà hàng buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh sang bán online hoặc "take a way – mang đi" thay cho cách truyền thống. Sự giới hạn về ăn uống vẫn là một thử thách cực lớn với các ngành dịch vụ. Các chuỗi cửa hàng bán lẻ vẫn đang chiến đấu không ngừng nghỉ như Amazon, Walmart… Tuy nhiên, dù có cố gắng cách mấy vẫn không thể tránh khỏi việc đóng bớt cửa hàng.

8. Nền chính trị bị khủng hoảng

Hiện tại, tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta đều bị chính trị hóa, từ việc xác định nguồn gốc của virus đến các khoản phí mà nó gây ra cho đến hiệu quả của việc đeo khẩu trang, mở lại trường học, đóng cửa doanh nghiệp, tiêm vắc-xin, các khoản cứu trợ đến cách chúng ta bỏ phiếu... không có một điều gì có thể chắc chắn là chúng sẽ được giải quyết sớm. Tình trạng bất ổn chính trị này sẽ còn tiếp diễn lâu dài ở các quốc gia, đặc biệt là những nước có tình trạng dịch bệnh phức tạp như Brazil, Ấn Độ…

9. Khoảng cách giàu chưa bao giờ lớn đến vậy

Đại dịch bộc phát làm gia tăng mức độ bất bình đẳng trong cấu trúc xã hội, từ chăm sóc sức khỏe, giáo dục đến khả năng tiếp cận công nghệ... Trong đó, thể hiện rõ nhất khoảng cách về mặt kinh tế. Cuối năm ngoái, người da trắng đã tìm lại được hơn một nửa số việc làm mà họ bị buộc phải tạm ngưng trong đại dịch; Người da đen đã hồi phục khoảng 1/3. Trên hết vẫn còn rất đông người không có việc làm, hết tiền và không có khả năng thanh toán hóa đơn. Ước tính có hơn 50 triệu người Mỹ, trong đó có 17 triệu trẻ em bị rơi vào tình trạng thiếu lương thực thực phẩm trong năm 2020. Lần đầu tiên, khoảng 40% người Mỹ phải cắt giảm số lượng thực phẩm trong bữa ăn của mình. Do vậy, nếu tình trạng này còn kéo dài thì khoảng cách giàu nghèo khó có thể thu hẹp như trước.

10. Cách chúng ta giao tiếp

Những cụm từ quen thuộc luôn xuất hiện trong những cuộc hội thoại của mỗi chúng ta hay những điều mà tất cả chúng ta buộc phải nằm lòng trong giai đoạn này chính là: Giản cách/Hạn chế tiếp xúc xã hội, COVID – 19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Sự kiện siêu lây nhiễm, Kiểm dịch, Cách ly, Khẩu trang N-95, Trang phục bảo hộ PPE... Hãy tuân thủ triệt để để nhanh chóng bước ra khỏi đại dịch này.

11. Hành tinh của chúng ta

Đại dịch góp phần cải tạo tốt cho thiên nhiên. Các hoạt động kinh tế chậm lại giúp giảm lượng khí thải nhà kính làm cho không khí sạch hơn, nước sạch hơn và ít ô nhiễm tiếng ồn hơn. Việc giảm lượng khách du lịch cũng làm cho một số điểm du lịch có cơ hội phục hồi. Tuy nhiên, lượng rác thải y tế ngày càng nhiều hơn, quá nhiều khẩu trang bị vứt bỏ... Nhưng chính những bi kịch này sẽ dạy chúng ta biết trân trọng "quả bóng xanh", nơi mà chúng ta đang sống hơn.

12. Cách chúng ta giúp đỡ lẫn nhau

Đại dịch là một cuộc thử thách của lòng tốt khi tất cả chúng ta cùng đồng lòng, tương trợ lẫn nhau về nhân lực, tài lực và trí lực. Asha Curran - Giám đốc điều hành, nhà sáng lập của GivingTuesday, cho biết: "Chúng tôi đã thấy mọi người thúc đẩy những nỗ lực phi thường bắt nguồn từ việc theo đuổi sự công bằng, cộng đồng và nhân loại". Chỉ trong một ngày của tháng 12, GivingTuesday đã thu về hơn 2,4 tỷ đô la cho các nạn nhân Covid. Đại dịch đã đóng cửa một số nhà gây quỹ trực tiếp, điều này cũng gây ra không ít tổn hại. Nhiều tình nguyện viên đã quay lưng hoặc tránh xa vì sợ lây lan virus. Tuy nhiên, những hoạt động từ thiện vẫn tăng 7,6% trong ba quý đầu năm. Số lượng các nhà tài trợ đã tăng gần 12%. Dù vậy, vẫn còn đâu đó rất nhiều tấm lòng ấm áp dành cho con người, cho nhân loại, trong đó có tôi và cả các bạn, phải không?

Thanh Mai

Chủ đề khác