VnReview
Hà Nội

NFT đã phát triển trên thế giới từ lâu nhưng giờ mới nở rộ ở Trung Quốc

Cách đây chưa lâu, tại Trung Quốc đã diễn ra một cuộc triển lãm nghệ thuật mang tên 'Virtual Niche' trưng bày rất nhiều tác phẩm NFT nổi tiếng trên thế giới.

Sự kiện kéo dài từ 26/3 - 4/4 này được coi là lần đầu tiên các tác phẩm về tiền điện tử được trưng bày với quy mô lớn trong một không gian nghệ thuật. Điều đáng ngạc nhiên là nó diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) chứ không phải là New York hay London.

Trong năm 2020, cả thế giới đã sôi sục với NFT (Non-fungible token hay token không thể thay thế). Nói một cách đơn giản thì đây là các tác phẩm kỹ thuật số được lưu trữ trên blockchain dưới dạng mã thông báo không thể thay thế (NFT).

Trước đây, các tác phẩm kỹ thuật số rất khó để bán vì thật khó để xác lập quyền sở hữu đối với các mặt hàng có thể dễ dàng tái tạo. Tuy nhiên, bằng cách tạo ra một NFT thì người sáng tạo có thể khiến tác phẩm của mình dễ dàng truy xuất được nguồn gốc. Điều này nhanh chóng biến tất cả các loại tài sản kỹ thuật số thành đồ sưu tầm.

Một góc triển lãm;Virtual Niche mới tổ chức tháng trước ở Trung Quốc

Đến đầu năm 2021, có vẻ như Trung Quốc đã bắt đầu gia nhập cuộc đua NFT. Quốc gia này chậm chân hơn nhiều nước phương Tây trong việc đón nhận NFT do một số lệnh hạn chế với Bitcoin - loại tiền điện tử vốn thường được sử dụng để mua token. Tuy nhiên, thị trường tác phẩm kỹ thuật số của Trung Quốc thời gian gần đây đang bắt đầu sôi sục và phát triển.

Sự sụp đổ và trỗi dậy của tiền điện tử Trung Quốc

Khái niệm NFT lần đầu tiên lan truyền ở Trung Quốc vào năm 2018. CryptoKitties - một trò chơi về nuôi và buôn bán động vật ảo cực kỳ phổ biến trên thế giới và rất được yêu thích tại Trung Quốc đã cho phép tạo ra những con mèo dựa trên blockchain.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cộng đồng tiền điện tử Trung Quốc vẫn đang quay cuồng bởi các lệnh cấm của chính phủ nước này từ năm 2017. Trung Quốc đã đóng cửa các sàn giao dịch tiền điện tử, cấm gây quỹ và bắt đầu một số hạn chế với các dự án khai thác tiền điện tử.

Các lệnh cấm khiến phong trào tiền điện tử ở nước này gặp khó khăn. Tỷ lệ giao dịch Bitcoin ở Trung Quốc vốn rất cao thì về sau này đã giảm mạnh. Điều này khiến việc giao dịch đình trệ và các nhà đầu tư hoảng sợ. Ngay cả đến hiện nay, việc dùng Bitcoin để đầu tư vào NFT dường như vẫn là một điều khá rủi ro với nhiều người ở Trung Quốc.

Celyn Bricker - một nghệ sĩ tiền điện tử tham gia 'Virtual Niche', cho biết: 'Các quy định về tiền điện tử khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn tại Trung Quốc'.

Tuy nhiên, cái hay ở Trung Quốc là ngay cả một thị trường ngách ở quốc gia này cũng đã là một thứ gì đó rất khổng lồ với thế giới. Các sàn giao dịch Bitcoin ở Trung Quốc bị cấm thì các nhà đầu tư nước này vẫn đóng vai trò quan trọng trong thị trường toàn cầu bằng cách sử dụng sàn giao dịch của nước khác. Và họ ngày càng hào hứng với tiềm năng của NFT.

Tác phẩm 'After the Rain' của Celyn Bricker và quá trình nghệ sĩ này giới thiệu tác phẩm ở triển lãm Virtual Niche

Bricker nói: 'Những người có kiến thức về công nghệ, tài chính và nghệ thuật ở Trung Quốc đều hào hứng tìm cách tham gia thị trường NFT. Tuy nhiên, thật khó để đưa ra con số về sự phát triển của lĩnh vực này tại Trung Quốc vì mọi thứ còn tương đối mới'.

Thị trường NFT Trung Quốc

Thị trường NFT Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển đột phá vào năm 2021. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đầu năm nay, thương hiệu RTFKT đã gây chú ý bằng cách bán một đôi giày thể thao ảo với giá 28.000 USD trên thị trường kỹ thuật số Trung Quốc có tên Treasureland.

Một tháng sau, công ty nghệ thuật tiền điện tử Block Create Art (BCA) đã huy động được 2 triệu USD tiền đầu tư. Vào tháng 4, một quan chức ngành ngân hàng Trung Quốc đã bất ngờ mô tả Bitcoin là một 'giải pháp thay thế trong đầu tư'. Điều này báo hiệu thái độ của ngân hàng trung ương Trung Quốc với tài sản tiền điện tử đang có chuyển biến tích cực.

Sau đó, với sự xuất hiện của 'Virtual Niche' thì có vẻ thị trường NFT tại Trung Quốc đã có những chuyển biến thực sự tích cực. Bằng cách tổ chức sự kiện trong một không gian trưng bày tuyền thống, các nhà tổ chức muốn xây dựng cầu nối giữa cộng đồng nghệ thuật và blockchain, đồng thời thúc đẩy các nhà sưu tập mỹ thuật Trung Quốc chú ý hơn đến NFT.

Quang cảnh tại triển lãm Virtual Niche

Sun Bohan, giám đốc điều hành BCA cho biết: 'Sự xuất hiện của nghệ thuật kỹ thuật số sẽ thay đổi sâu sắc nghệ thuật đương đại'. Đối với Sun, thị trường nghệ thuật kỹ thuật số Trung Quốc là rất tiềm năng.

Trung Quốc chiếm 20% thị trường nghệ thuật toàn cầu vào năm 2020 với tổng doanh thu 10 tỷ USD. Một lượng lớn những người mua tác phẩm nghệ thuật ở Trung Quốc là thuộc giới trẻ, giàu có - những người có xu hướng cởi mở với tiền điện tử. Đây chính là những người sẽ mua các tác phẩm NFT trong tương lai.

Tại Trung Quốc hiện tại cũng đang xuất hiện khá nhiều nghệ sĩ tiền điện tử mới nổi như Dabeiyuzhou, Ellwood, Fang Xianchen và Sun Yitian. Sun nói thêm: 'Khi ngày càng có nhiều tác phẩm kỹ thuật số nổi bật, doanh số bán NFT sẽ cao lên một cách tự nhiên'.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sự phát triển của NFT nói chung ở Trung Quốc mới chỉ là bước đầu. Nhiều người ở quốc gia này muốn tham gia nhưng không biết bắt đầu từ đâu và cũng gặp hạn chế vì chính sách hạn chế Bitcoin của nước này.

Nguyễn Dương Theo Sixthtone

Chủ đề khác