VnReview
Hà Nội

Để đăng ký tiêm vaccine COVID-19 ở Ấn Độ, bạn phải là một... hacker!

Khi Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng Covid-19 cho nhóm người dân ở độ tuổi 18 - 45 vào tháng trước, một nhà phát triển phần mềm 30 tuổi đã phải sử dụng "kỹ năng nghề nghiệp" mới có thể đặt chỗ cho mình.

Giữa làn sóng số ca nhiễm COVID-19 lần thứ hai gây chết người tăng cao và tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng, ông là một trong số hàng trăm triệu người đang tranh giành suất tiêm vắc-xin.

Và cuối cùng ông đã đặt được một suất tiêm vắc-xin COVID-19 tại một bệnh viện chính phủ thông qua cổng tiêm chủng mới ra mắt của đất nước, CoWIN. Nhưng rủi ro là khi đến lịch tiêm, bệnh viện lại hết vắc xin. Nhà phát triển phần mềm đã quay lại đặt chỗ lần nữa, lần này là tại một bệnh viện tư nhân, nhưng lúc đó, các suất tiêm chủng được mọi người đặt luôn trong vài phút, đôi khi vài giây, trong khi ông đang tải trang web.

Vì vậy, nhà phát triển này đã chia sẻ với điều kiện phải giấu tên vì lo sợ những phản ứng dữ dội, rằng ông đã xây dựng một bot để hack mã của trang web tiêm chủng chính phủ.

9h sáng hôm đó, ông bắt đầu viết mã. Đến 11h sáng, ông hoàn thành và đặt lịch hẹn tiêm chủng thành công vào buổi trưa. Đến 2 giờ chiều, ông đã nhận được liều vắc xin AstraZeneca Covid-19 đầu tiên.

Đối với những người Ấn Độ trong độ tuổi 18 - 45, họ chỉ có thể tiếp cận với vắc-xin thông qua cổng thông tin trực tuyến do chính phủ điều hành. Nhà phát triển phần mềm và hàng chục kỹ sư phần mềm trên khắp Ấn Độ đang xây dựng mã nhằm điều khiển được trang web tiêm chủng vốn lúc nào cũng đông người truy cập tại Ấn Độ. Trang web có giao diện lập trình ứng dụng mở, hay API, giúp các lập trình viên dễ dàng thao tác trên hệ thống cuộc hẹn do chính phủ điều hành.

Nhưng vì số ca tử vong hàng ngày do COVID-19 của Ấn Độ lên tới 4.000 ca, nên hầu hết những người Ấn Độ đều phải vật lộn để truy cập mạng và đặt lịch hẹn tiêm chủng - không kể đến các "chuyên gia hack" - nhưng vắc xin vẫn nằm ngoài tầm với. Điều này cho thấy khoảng cách kỹ thuật số tại Ấn Độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những đối tượng nghèo nhất đất nước trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này.

Trong ba tuần qua, các bang trên khắp đất nước Ấn Độ đều báo cáo tình trạng thiếu vắc xin. Các bang đông dân như Tây Bengal, Andhra Pradesh, Madhya Pradesh và Telangana thông báo rằng họ sẽ không tiêm chủng cho những người trưởng thành dưới 45 tuổi, đơn giản vì họ không có đủ vắc xin. Một thông tin trên Reuters cho thấy số người dân Ấn Độ được tiêm chủng đang ít hơn mỗi ngày, từ 4,5 triệu người mỗi ngày vào ngày 5/4 xuống còn 2,5 triệu người mỗi ngày vào ngày 23/4.

Tại Bangalore, thành phố có các công ty công nghệ lớn nhất cả nước, cạnh tranh để được tiêm ngừa ngày càng trở nên khó khăn hơn khi các lập trình viên đua nhau tấn công mạng để đặt hẹn. Praveen Gopal Krishnan, giám đốc điều hành ấn phẩm kinh doanh trực tuyến The Ken, đã mô tả đợt tiêm vắc-xin như một "cuộc thi hackathon". Ông viết trên Twitter rằng: "Nếu bạn từ 18 tuổi trở lên và sống ở Bangalore, cách duy nhất để có được lịch hẹn tiêm vắc-xin là sử dụng tập lệnh python để ping API công khai của CoWIN và thiết lập cảnh báo thông báo qua Telegram, Twitter hoặc SMS".

Trong vòng hai tuần kể từ khi CoWIN ra mắt, thông tin về việc các lập trình viên hack vào hệ thống và chiếm suất tiêm bắt đầu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ. Ram Sewak Sharma, Giám đốc điều hành của Cơ quan Y tế Quốc gia Ấn Độ, đã chia sẻ trang thảo luận về API công khai của CoWIN trên Twitter vào tuần trước. Sau tweet đó, nhiều người đã trả lời, chỉ trích các bot tự động bắt đầu làm cho quá trình đăng ký tiếp theo không thể diễn ra. "Thật không công bằng, các suất tiêm bị chiếm trong chỉ 10 giây ở Bangalore", một người dùng đã tweet.

Chia sẻ API cho các trang web của chính phủ từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn ở Ấn Độ, từ năm 2015 như một phần của chiến dịch Digital India của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm mục đích đưa hầu như tất cả các dịch vụ của chính phủ nước này trực tuyến. Điều đó cho phép bất kỳ ai cũng có thể xây dựng mã trên hàng trăm bộ dữ liệu công khai của chính phủ. Vào tháng 11 năm ngoái, Modi tuyên bố rằng Digital India đã trở thành "một cách sống".

"Sử dụng công nghệ ở quy mô lớn như vậy đã mang lại một số thay đổi trong cuộc sống cho công dân của chúng tôi", ông nói tại hội nghị thượng đỉnh công nghệ ở Bangalore. "Tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy lợi ích".

Nhưng khi đất nước phải vượt qua một đại dịch chết chóc - các cơ sở hỏa táng buộc phải xây dựng lò thiêu tạm thời trước tốc độ và số lượng người tử vong quá nhiều - các nguồn lực y tế công cộng trở nên khó tiếp cận, ngay cả đối với những người đang điên cuồng tổ chức viện trợ trực tuyến.

Trong khi đó, với những người nghèo nhất Ấn Độ, ngay cả kiến ​​thức cơ bản về vắc xin cũng hạn chế. Arajit Das, một thợ điện bị mất việc và phải nhận công việc lái xe giao hàng trong thời gian đại dịch cho biết: "Chúng tôi chưa nghe nói về trang web CoWIN". Nithya S, một người giúp việc vẫn đạp xe đi làm ở Bangalore hàng ngày bất chấp số ca mắc bệnh tăng cao trong thành phố, nói rằng:;"Tôi không biết mình có thể tiêm vắc xin không nếu tôi muốn tiêm".

Nhà phát triển phần mềm ở Bangalore cho biết anh bắt đầu xây dựng mã cuộc hẹn tiêm vắc xin một phần vì anh đang có việc làm và muốn giúp đỡ người khác. "Tôi mở mã nguồn ngay sau khi viết. Tôi cũng gỡ nó xuống ngay sau đó, vì sợ những phản ứng dữ dội", anh giải thích. "Tôi đã giúp bạn bè đặt chỗ. Tôi muốn nói rằng tôi đã giúp được hơn 40 người".

Srinivas Kodali, một nhà hoạt động kỹ thuật số và nhà nghiên cứu, nói với trang Rest of World rằng: "Đây là một cuộc đua thị trường tự do. Những người có thể điều hướng nền kinh tế thông tin này đang tạo ra cuộc đua đó. Tất cả chúng ta đang cố gắng sống sót trong cái hệ thống mà chúng ta tạo ra".

Hoàng Lan

Chủ đề khác