VnReview
Hà Nội

Khi thời trang số hóa: Chi tiền trưng diện trên mạng nhưng lại không thể mặc

Kể từ khi đại dịch bùng phát, hầu hết các mặt trong đời sống đều được số hóa. Nhưng có thể bạn chưa từng nghĩ đến trường hợp cả quần áo của mình cũng đã được số hóa.

Có thể nói thời trang số vẫn sẽ tiếp tục là một xu hướng táo bạo được hậu thuẫn bởi dịch Covid-19. Hầu hết các nhãn hàng thời trang đã tạm dừng các buổi tình diễn thời trang. Thay vào đó là ra mắt phim ngắn hoặc showroom kỹ thuật số để quảng bá bộ sưu tập thời trang theo mùa mới ra mắt. Balenciaga đã tạo ra một trò chơi điện tử có tên là Afterworld: The Age of Tomorrow để giới thiệu bộ sưu tập mùa thu năm 2021 của hãng. Hay với Gucci, hãng này đã chọn hợp tác với Pokémon để đưa các thiết kế mới lên nhân vật trong trò chơi.

Cơn sốt NFT (non-fungible tokens) cũng khiến người tiêu dùng để mắt đến các mặt hàng thời trang số hơn. Sự cường điệu xung quanh tính độc nhất với số lượng cực kỳ hạn chế của NFT và các bộ sưu tập số đã khiến những sản phẩm này càng đắt giá hơn so với một sản phẩm tương tự ngoài đời thật. Sự khan hiếm và sự độc quyền đó cực kỳ phù hợp với thế giới sneaker. Giờ đây, các sneakerhead, một cộng đồng những người đam mê giày sneaker và xem đó là một loại tài sản có thể trao đổi, đã có thể sở hữu những mẫu giày số độc đáo nhất, được nhiều người khao khát nhất.

Nhưng thậm chí trước cả khi đại dịch ập đến, một vài dấu hiệu xuất hiện đã cho thấy có một nền thời trang sẽ chỉ tồn tại trên màn hình điện tử. @lilmiquela, một tài khoản nổi tiếng về thời trang số trên Instagram, đã gây chấn động với một sàn diễn thời trang hoàn toàn trong không gian ảo. Đồng thời, sự phát triển của thương mại điện tử giúp khách hàng dễ dàng mua sắm hơn mà không cần phải tận mắt nhìn thấy hay chạm tay vào sản phẩm thật. Mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thời trang số, một nền thời trang không cần chạm, không cần nắm cũng không cần mặc lên người. Vậy, sự xuất hiện của thời trang số thật sự có thể thay thế những thiết kế thời trang hữu hình hay không?

Nhận thấy hành vi tiêu dùng này đang phát triển, các nhãn hàng thời trang số đã xuất hiện vào đúng thời điểm, điển hình là Tribute. Trong ngành công nghiệp mang lại xu hướng thời trang mới cho người dùng, dù hữu hình hay vô hình, Tribute tạo ra các thiết kế độc nhất và được "trưng diện"; trực tuyến. Các sản phẩm "thời trang mạng không tiếp xúc"  của Tribute dành cho bất kỳ giới tính hay kích thước nào. Và giống như một NFT hay giày sneaker ảo, số lượng sản phẩm cực kỳ hạn chế, chỉ từ 30 đến 100 sản phẩm cho mỗi thiết kế và không phát hành thêm.

Ra mắt từ tháng 4/2020, Tribute đã phát triển nhanh chóng nhờ vào đại dịch Covid-19. Tuy vậy, người sáng lập ra nhãn hàng này đã chú ý đến mảng thời trang số từ trước cả khi dịch bệnh xuất hiện. "Vào lúc đó, chúng tôi đã thử nghiệm thời trang số được một thời gian và nhận ra đó cũng là thời điểm thích hợp để giới thiệu thành quả của chúng tôi đến mọi người", Gala Marija Vrbanic, người sáng lập và là giám đốc sáng tạo của Tribute, cho biết. Cô là một trong bốn "nhân tố cốt lõi"  của thương hiệu này, và cùng nhau, họ có kiến thức về cả thời trang, IT, kỹ thuật và thiết kế kỹ thuật số.

Mặc dù Tribute có thiết kế mang màu sắc khá hoang dã và mang đậm chất khoa học viễn tưởng, Vrbanic cho rằng hãng thời trang của cô không có bất kỳ xu hướng cụ thể nào, "chúng tôi làm những điều chúng tôi thích, [tạo ra] thứ mà trước đây chúng tôi không thể mặc". Khác với các sản phẩm thời trang truyền thống, thiết kế của Tribute không tuân theo bất kỳ định luật vật lý nào như trọng lực, hay nguyên vật liệu có trên Trái Đất, và có thể tạo ra bất kỳ hiệu ứng nào. Khách hàng có thể chọn những chiếc quần bồng bềnh hay một chiếc váy đang bốc cháy nếu họ muốn.

Khách hàng có thể truy cập vào cửa hàng của Tribute như bất kỳ cửa hàng trực tuyến nào khác. Các sản phẩm của Tribute có giá từ 29 - 699 USD (0,7 - 16 triệu đồng). Ngoài ra, khi mua một sản phẩm thời trang số, khách hàng có thể gửi một tấm hình của bản thân trong trang phục tối giản, ôm sát cơ thể, giống như một con búp bê trước khi được mặc đồ vậy. Và cửa hàng sẽ "mặc quần áo"  cho khách hàng và gửi trả trong vòng 5 ngày làm việc, tương đương khoảng thời gian vận chuyển trung bình khi mua sắm trực tuyến các sản phẩm hữu hình.

Khách hàng của Tribute thường là người nổi tiếng, nhưng câu chuyện đằng sau thương hiệu này lại hiếm khi được nhắc đến. Vrbanic cho biết quá trình chỉnh sửa thực tế "không thể công khai". Trên trang chủ của Tribute khẳng định chỉ những "nhân viên thiết kế"  được cho phép mới có thể làm việc với hình ảnh mà khách hàng cung cấp. Đồng thời, Tribute cũng nhấn mạnh rằng "khách hàng có quyền sửa đổi, bổ sung hoặc xóa thông tin cá nhân bất kỳ lúc nào".

Với chính sách mỗi sản phẩm chỉ giới hạn một tấm ảnh cho khách hàng, Tribute đã "hợp pháp hóa"  lối sống "mua hàng, đăng Instagram, trả hàng"  thường thấy ở những người thường xuyên "sống ảo"  trên mạng. Vrbanic cho rằng "[Khách hàng của chúng tôi] là những người có môi trường sống tự nhiên là thế giới mạng. Họ thể hiện con người thật của mình ở đó chứ không phải trên đường phố ở thế giới thật".

Nhưng thế giới mạng liên tục phổ cập xu hướng mới khiến các thương hiệu thời trang phải đẩy nhanh quá trình sản xuất (và loại bỏ) các mặt hàng mới liên tục. Đặc biệt là trong thời kỳ văn hóa "truyền cảm hứng" đang phát triển mạnh mẽ thông qua mạng xã hội. Thậm chí cả những bộ sưu tập "bền vững với thời gian"  cũng nhanh chóng đứng giữa khả năng phân phối sản phẩm và sự tiêu dùng quá mức của khách hàng, vì vốn dĩ nó không hoàn toàn "bền vững"  như lầm tưởng. Tribute đang bù đắp cho những tác động tiêu cực đến khí hậu từ chính nền văn hóa mà nó đang kiếm được lợi nhuận. Tribute tự nhận rằng sản phẩm của thương hiệu này là không-chất-thải nhờ việc hình thành sản phẩm từ các pixel thay vì sợi vải. Cuối cùng thì hình ảnh là kỹ thuật số, vậy cần gì phải mua sản phẩm thời trang hữu hình?

Vrbanic cho rằng sẽ có nhiều người tham gia vào cuộc cách mạng thời trang số hơn vì chúng ta đang dành ngày càng nhiều thời gian trên thế giới ảo. Và với tương lai còn mù mờ phía trước vì dịch bệnh, số người tham gia vào thế giới ảo trên Instagram, TikTok hay trò chơi điện tử sẽ tiếp tục tăng cao nhanh chóng. Dù vậy, Vrbanic cũng nhận định rằng "một đứa trẻ chơi trò chơi [điện tử] có thể không quan tâm đến các xu hướng trong thế giới thật, nhưng hãy nhìn xem ảnh đại diện của chúng trông như thế nào". Tương tự, Tribute đang sản xuất quần áo cho những ai xem nhân cách trên mạng của họ như một phần mở rộng của con người thật, như một sự tôn vinh dành cho bản thân họ.

Agus Panzoni, một nhà nghiên cứu xu hướng với hơn 176 ngàn lượt theo dõi trên TikTok, cho rằng các nhãn hàng như Tribute đã tạo ra một "thực tại mới trong ngành tiêu dùng". Khoảng 2 đến 3 năm trước, cô đã nhận thấy sự gia tăng rõ rệt của xu hướng thực tế ảo. Tuy vậy, cô nhấn mạnh rằng "tốc độ số hóa nhanh chóng của ngành thời trang là nhờ ảnh hưởng từ đại dịch". Trong khi các nhãn hiệu thời trang truyền thống thường lấy cảm hứng từ những thứ đã có, thì thời trang số không cần tuân theo bất kỳ định luật vật lý nào và cho phép khách hàng "khám phá những vùng đất mới". Tuy nhiên, sự mới mẻ đó cũng có giới hạn như ngành thời trang truyền thống.

Qua nghiên cứu của mình, Panzoni nhận thấy thời trang số chỉ mới được ưa chuộng ở các nước như Mỹ, Trung Quốc và các nước phương Tây. Trong khi đó, cả văn hóa truyền cảm hứng và mạng internet đều đã phát triển rộng khắp toàn cầu. Như vậy, thời trang số không dễ tiếp cận như cách người trong cuộc nhìn nhận. Panzoni cho biết dù bất kỳ ai cũng có thể mặc vừa các thiết kế số, bất kể kích thước, giới tính… thì yếu tố kinh tế xã hội vẫn đóng một vai trò quan trọng.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng đối với các mặt hàng kỹ thuật số, Gucci đã cho ra mắt một loạt giày thể thao thực tế ảo với 25 mẫu và có giá thấp nhất là 9 USD. Đây là dòng sản phẩm rẻ nhất từng tồn tại trên cửa hàng của Gucci, "nhưng giá trị mà những sản phẩm số này mang lại cho bạn là bao nhiêu so với những sản phẩm hữu hình?" Panzoni đặt câu hỏi.

Mặt dù sẽ rất nổi bật trên Instagram, nhưng không phải ai cũng bỏ tiền ra mua quần áo chỉ để chụp ảnh. Thậm chí là một đôi giày ảo với giá 9 USD cũng là quá đắt, nhất là khi số tiền bạn bỏ ra chỉ đổi lại được một tấm ảnh của một sản phẩm không có giá trị sử dụng. Dù đại dịch đang thúc đẩy thời trang số, nhưng nó cũng tạo ra sự phân chia rõ rệt hơn về kinh tế, Panzoni cho biết. "Chỉ những người có tiền mới có thể mua những sản phẩm thời trang số thay cho đồ thật".

Và trong khi các nhãn hàng tương tự Tribute tạo ra một thực tại mới trong ngành tiêu dùng, họ vẫn không thể giải quyết vấn đề tiêu xài quá mức của người tiêu dùng. "Đó cũng chỉ là một dạng khác của tiêu dùng", Panzoni nhấn mạnh và cô cũng cho biết thêm rằng thời trang số chỉ tồn tại trực tuyến nên nó thật sự không cần thiết phải "bền vững" hơn. Nếu các thương hiệu thời trang chọn tham gia vào thế giới NTF và khiến các thiết kế của mình trở thành độc quyền trên thị trường thứ cấp kỹ thuật số, thì cuối cùng thời trang số cũng sẽ gây ô nhiễm cho hành tinh chẳng kém thời trang truyền thống là bao.

Thị trường buôn bán các sản phẩm NFT lớn nhất là Ethereum, cũng là nơi lưu trữ các bản ghi bảo mật tiền mã hóa và giao dịch NFT thông qua một quá trình được gọi là "đào". Tương tự với hệ thống xác thực bitcoin, quá trình đào này cần một mạng máy tính có khả năng xử lý mã hóa cao để xác thực giao dịch. Và để làm được điều đó, hệ thống máy tính này cần nguồn năng lượng tương đượng một quốc gia nhỏ, góp phần không nhỏ vào lượng khí thải nhà kính. Panzoni cho rằng "cách vận hành hiện nay [của các nhãn hàng như Tribute] là bền vững. Nhưng tôi nghĩ quá trình số hóa vẫn sẽ tiếp tục".

Đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 đang buộc chúng ta phải ở nhà, các thế hệ, nhất là Gen Z, sẽ có phần con người ảo và con người thật ngày càng tách biệt hơn. "Việc mua vật phẩm trong trò chơi điện tử và mua một bộ quần áo dành cho con người ảo của bạn hoàn toàn khác nhau", Panzoni nói. Nhưng dù thế giới ảo mà bạn chọn là trò chơi điện tử hay mạng xã hội, thì phần con người ảo đó vẫn do chính bạn tạo ra.

Mặc dù các ứng dụng mạng xã hội đã phân thành nhiều mục đích khác nhau, như Linkedln cho công việc, Facebook dành cho bạn bè và gia đình, còn Instagram để sống ảo…, các thương hiệu thời trang số đang dần xóa mờ ranh giới giữa thực tế và ảo tưởng, tạo ra một thế giới ảo riêng cho những khách hàng giàu có. Sớm đến một ngày, tất cả chúng ta sẽ bị cuốn theo những xu hướng do các KOL tạo ra nếu có đủ khả năng chi trả.

Minh Bảo theo Input

Chủ đề khác