VnReview
Hà Nội

Người già Trung Quốc bị bỏ lại như thế nào trên hành trình số hóa của quốc gia tỷ dân?

Dân số Trung Quốc trên 60 tuổi tiếp tục tăng, chiếm gần 20% tổng dân số vào năm 2020. Tuy nhiên hầu hết người cao tuổi đều thiếu kiến ​​thức số cần thiết để tiếp cận các dịch vụ cơ bản tại ngân hàng, bệnh viện và phương tiện giao thông công cộng.

Mãi cho đến khi trải qua kỳ nghỉ đầu tiên sau đại dịch, Guo Zhichao, 65 tuổi mới thực sự nghĩ rằng mình đã già.

Guo chia sẻ: "Tôi từng đi du lịch khi còn trẻ nhưng sau chuyến đi đó, đây lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy như thể bị đe dọa khi đi du lịch". Ông kể lại sự bối rối mà vợ chồng ông phải chịu đựng khi phải nhờ người lạ giúp gọi xe trên điện thoại, đặt đồ ăn tại nhà hàng bằng mã QR hoặc đặt vé đến một điểm du lịch thông qua chương trình WeChat mini.

Guo chỉ là một trong số rất nhiều các ví dụ về sự khó khăn của người cao tuổi Trung Quốc trong việc tiếp cận các công nghệ mới, đặc biệt khi nước này đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chưa từng thấy.

Tuần trước, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đã công bố những phát hiện mới từ cuộc điều tra dân số kéo dài một thập kỷ của nước này. Theo đó những người trong độ tuổi từ 15-59 tuổi đã giảm xuống chỉ còn 63,35% trong tổng dân số 1,41 tỷ người của Trung Quốc vào năm 2020. Trong khi những người trong độ tuổi 60 trở lên chiếm 18,70%.

Ning Jizhe, một thành viên thuộc NBS cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực cân bằng dân số và phát triển đồng đều.

Tuy nhiên khi tỷ lệ người cao tuổi của Trung Quốc tăng lên, những người như Guo đang cảm thấy bị bỏ lại phía sau vì xu hướng áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào đời sống tại quốc gia tỷ dân đang ngày càng nhanh và với quy mô chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo một báo cáo từ Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc (CNNIC), dân số sử dụng Internet của Trung Quốc đã tăng lên 989 triệu người, tăng gần 10% vào năm ngoái so với tháng 3/2020. Ngoài ra người dân cũng đã dần quen với các dịch vụ gọi xe, giao thực phẩm tươi sống, và "mã sức khỏe" dùng QR code.

Người 60 tuổi chiếm 11,2% tổng dân số sử dụng Internet, một mức tăng khá nhanh so với con số 6,3% vào tháng 3/2020.

Tuy nhiên khi xu hướng áp dụng công nghệ vào đời sống ngày càng nhanh, người già của thế hệ trước khó có thể tiếp cận với chúng ngay cả khi đó là các dịch vụ cơ bản tại ngân hàng, bệnh viện, giao thông công cộng. Nguyên nhân vì họ tạm thời không thể quen với các thao tác trên smartphone. Chính vì vậy các nhà hoạch định chính sách đã bắt đầu nghiên cứu cách thu hẹp khoảng cách tiếp cận số cho người già.

Chính phủ và nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đang nỗ lực "đồng hành" cùng người cao tuổi

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) hồi tháng trước đã công bố hướng dẫn yêu cầu các trang web và ứng dụng di động phải sửa đổi để trở nên "thân thiện" hơn với người cao tuổi trước cuối tháng 9. Các thay đổi bao gồm tăng kích thước văn bản, điều chỉnh tùy ý, chuyển văn bản thành giọng nói và cấm các liên kết quảng cáo dạng plug-in hoặc quảng cáo nổi.

Đáp lại lời kêu gọi của chính phủ và nhận ra tiềm năng to lớn từ người cao tuổi, một số công ty công nghệ lớn đã bắt đầu xây dựng chiến lược hướng tới người tiêu dùng cao tuổi. Theo ước tính của Ủy ban Quốc gia Trung Quốc về tình trạng già hóa năm 2019, thị trường người cao tuổi sẽ có giá trị lên tới 588 tỷ USD vào năm 2020.

Taobao, một nền tảng mua sắm của tập đoàn công nghệ Alibaba đã ra mắt tính năng "tài khoản gia đình" vào năm 2018. Tính năng này phép người dùng trẻ tuổi giúp cha mẹ thanh toán các mặt hàng trong giỏ hàng của họ. Alibaba cũng giới thiệu dịch vụ giáo dục trực tuyến và ngoại tuyến, các khóa học livestream và các dịch vụ khách hàng dạy người dùng cao tuổi cách mua sắm trực tuyến.

Didi Chuxing, nền tảng dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc cũng đã ra mắt các chức năng thân thiện với người cao tuổi vào đầu năm 2016, cho phép người dùng cao tuổi đặt hàng chỉ với một cú nhấp chuột và tối đa năm địa chỉ đặt trước hay được sử dụng thường xuyên. Ngoài ra còn có các tùy chọn hiển thị phông chữ phóng to và quy trình thanh toán đơn giản hóa.

Các thương hiệu smartphone như Huawei, Xiaomi và Oppo đều có "chế độ đơn giản" với các biểu tượng lớn hơn, kích thước văn bản lớn hơn và công cụ đọc màn hình giúp người cao tuổi sử dụng điện thoại dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, những nỗ lực hiện tại của những gã khổng lồ internet vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề xã hội rộng lớn hơn.

Huang Zhaoqi, một nhà phân tích từ công ty nghiên cứu đầu tư EqualOcean cho biết: "Hầu hết người dùng cao cấp không quen với các bước cơ bản của việc sử dụng thiết bị thông minh ngay từ đầu do thiếu hướng dẫn và hạn chế khả năng học hỏi, tìm hiểu công nghệ và sản phẩm mới".

Ngoài ra, thị trường hiện tại thiếu các thiết bị thông minh được thiết kế cho người dùng cao tuổi và đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày của họ. Huang cho biết thêm: "Người già cần có sự đồng hành và các chương trình giải trí, dịch vụ y tế, mua sắm trực tuyến và công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói".

Nhưng thay vì dạy người cao tuổi sử dụng các công nghệ thông minh để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng nên để ngỏ lựa chọn cho những người không muốn và không có khả năng hội nhập vào thế giới kỹ thuật số.

Chiếc điện thoại di động mà con trai bà Li Hongwen, 85 tuổi mua cho bà không có camera để quét mã QR. Chính vì vậy, những người bán hàng rong như bà thường gặp khó khăn khi cố gắng mua nhiều thứ bằng tiền mặt. Bà Li chia sẻ: "Tôi không biết mình còn bao nhiêu năm nữa. Tại sao lại lãng phí số tiền đó vào việc mua một chiếc điện thoại mới?".

Tiến Thanh (Theo SCMP)

Chủ đề khác