VnReview
Hà Nội

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của người đào Bitcoin tại Trung Quốc

Mỏ Bitcoin của Patrick Li từng vô cùng ồn ảo bởi rất nhiều máy tính hoạt động suốt ngày đêm để khai thác Bitcoin. Li, 39 tuổi đã thành lập một công ty ở khu tự trị Nội Mông (phía bắc Trung Quốc), nơi từng chào đón các doanh nghiệp đến để tận dụng lượng điện dồi dào được sản xuất ra.

Tuy nhiên, vào năm ngoái, cơ quan chức năng Trung Quốc đã cảnh báo Nội Mông vì đã bỏ qua các mục tiêu giảm tiêu thụ điện. Do đó, mới đây, khu vực này đã quyết định hạn chế lại một số ngành sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm cả các mỏ khai thác tiền điện tử như của Li.

Li cho biết: 'Sự việc diễn ra quá đột ngột, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tìm kiếm một địa điểm mới'. Các cơ sở khai thác Bitcoin ở Trung Quốc hiện đang tự hỏi có phải thời gian của họ ở trong nước đã hết hay không.

Một cơ sở khai thác Bitcoin gần một nhà máy thủy điện ở Tứ Xuyên, Trung Quốc

Những người du mục năng lượng

Giống như nhiều loại tiền tệ dựa trên blockchain khác, Bitcoin được phân cấp, nghĩa là không có ngân hàng hoặc quốc gia nào kiểm soát. Thay vào đó, các thợ đào sử dụng sức mạnh của việc tính toán để xác minh các giao dịch. Vào năm 2013, Li đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh của mình trong ngành này. Anh quyết định bỏ cuộc sống ổn định, dành một tháng lương để mua máy tính để bắt đầu khai thác Bitcoin. Li cho rằng đó là cách bản thân theo đuổi 'tự do tài chính'.

Vào thời điểm đó, Li không phải là người duy nhất theo đuổi Bitcoin ở Trung Quốc. Với vị thế là một trung tâm sản xuất điện tử, việc sở hữu các thiết bị máy tính là điều rất dễ dàng ở quốc gia này. Thời điểm đó, các cơ quan chức năng địa phương ở Trung Quốc cũng khuyến khích việc thu hút các ngành được coi là 'công nghệ cao'. Những điều này biến Trung Quốc trở thành quốc gia thống trị về tiền điện tử như ngày nay.

Trong những năm qua, Li cho biết mình đã chứng kiến thị trường Bitcoin tăng giá và biến nhiều người trở thành triệu phú và cũng biết nhiều người sụp đổ vì đồng tiền điện tử này. Điều hối tiếc nhất của anh là bán Bitcoin ở thời điểm nó có giá thấp hơn giờ rất nhiều.

Thị trường Bitcoin ở Trung Quốc cũng rất cạnh tranh và biến những người khai thác ở đây bước vào cuộc chạy đua 'vũ trang' với việc mua vào những thiết bị máy tính mới nhất, tiên tiến nhất và cũng cực kỳ tốn điện. May mắn cho họ là giá Bitcoin tăng mạnh trong năm nay. Vào năm 2013, Li bắt đầu đào Bitcoin và giá trị của nó khi đó là 13,30 USD/đồng. Đến nay, giá của nó đã tăng lên vài chục nghìn USD/đồng và lợi nhuận là rất lớn.

Tuy nhiên, việc này khiến cho môi trường bị ảnh hưởng rất nhiều. Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications cho rằng ngành công nghiệp khai thác Bitcoin của Trung Quốc đang trên đà chịu trách nhiệm cho 130 triệu tấn khí thải carbon vào năm 2024, vượt quá tổng lượng khí thải nhà kính của Cộng hòa Séc.

Liu Fei, Giám đốc điều hành của Bixin Mining, một trong những công ty khai thác tiền điện tử lớn nhất Trung Quốc, cho biết: 'Nhũng người du mục luôn tìm kiếm những nơi có nước và cỏ còn chúng tôi tìm kiếm nơi có nguồn cung cấp điện rẻ và ổn định'. Các công ty khai thác tiền điện tử Trung Quốc thường đến những nơi giàu tiềm năng thủy điện vào mùa hè và đến các tỉnh phía Bắc như Tân Cương và Nội Mông, nơi giàu nhiệt điện than trong mùa khô. Thậm chí, các cơ sở đào Bitcoin của Trung Quốc còn tìm nhiều cách khác nhau để tiết kiệm điện. Năm ngoái, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã phát hiện ra một cơ sở đào Bitcoin được ngụy trang thành những ngôi mộ để trộm điện từ một công ty gần đó.

Xu Peng, giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Tongji cho biết: Thực tế rằng bất cứ ai tận dụng được năng lượng rẻ thì đều có khả năng khai thác Bitcoin. Bitcoin về cơ bản là một loại tiền năng lượng'. Hơn nữa, định giá quá cao của Bitcoin hiện nay phản ánh chi phí khai thác của nó, bao gồm cả năng lượng. Liu Fei cho biết: 'Bitcoin giống như vàng, nó hiếm bởi việc khai thác rất khó và tốn kém'.

Biểu đồ về các cụm khai thác Bitcoin ở Trung Quốc

Đến gần đây, khi Trung Quốc siết chặt các chính sách về năng lượng thì việc khai thác Bitcoin bắt đầu gặp khó khăn tại đây. Các cơ sở khai thác đang loay hoay với việc làm sao để tiếp tục khai thác đồng tiền này.

Tiến thoái lưỡng nan

Các nhà đầu tư vào cơ sở đào Bitcoin ở Trung Quốc cho SixthTone biết rằng các chính sách ở Nội Mông về năng lượng có thể sẽ được một số địa phương khác học theo. Có thể, tiếp theo Tân Cương - nơi chiếm 1/3 hoạt động khai thác Bitcoin thế giới sẽ siết chặt chính sách về năng lượng.

Cách đây chưa lâu, cơ quan chức năng Trung Quốc đã cho các cơ sở đào Bitcoin thấy về những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Tân Cương nằm trong số 7 khu vực cấp tỉnh bị khiển trách vì không kiểm soát được mức tiêu thụ năng lượng trong quý đầu 1 năm 2021. Trung Quốc đang kêu gọi các tỉnh phải 'kiên quyết loại bỏ các dự án không đạt tiêu chuẩn, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ra nhiều khí thải'. Về cơ bản, đây là cảnh báo tương tự với của Nội Mông vào năm ngoái.

Wu Jihan, một doanh nhân trong lĩnh vực Bitcoin và là đồng sáng lập của tập đoàn Bitmain cho biết các cơ sở đào Bitcoin phải bắt đầu sử dụng năng lượng sạch. Trong khi đó, nhiều cơ sở đào Bitcoin đang hy vọng sẽ có thể chuyển cơ sở của mình xuống 2 tỉnh phía tây nam giàu tiềm năng thủy điện là Tứ Xuyên và Vân Nam. Một số người còn cho rằng Tứ Xuyên là tỉnh có chính sách thân thiện nhất với việc đào Bitcoin ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các cơ sở đào Bitcoin ở Tứ Xuyên cũng đang được giám sát chặt chẽ vì các yếu tố năng lượng. Một nỗi lo khác là giá điện tại tỉnh này đang ngày càng tăng. Liu, Giám đốc điều hành của Bixin Mining cho biết: 'Năm ngoái, giá điện ở đây rất rẻ nhưng năm nay thì tăng lên nhiều do quá nhiều đơn vị đầu tư khai thác Bitcoin'. Liu cũng cho biết rằng chi phí điện gia tăng và những bất ổn về chính sách đang khiến các hoạt động khai thác Bitcoin ở Trung Quốc có xu hướng giảm. Nhiều nhà đầu tư ở đây đang để mắt đến việc chuyển cơ sở sang Bắc Mỹ, Trung Á và Đông Âu.

Tuy nhiên, việc chuyển cơ sở sang các nước khác hiện nay cũng không dễ bởi các chính sách năng lượng ở nhiều nơi cũng khá khắt khe. Li cho biết anh sẽ chuyển ngay cơ sở đến Tứ Xuyên nhưng không chắc điều gì sẽ xảy ra khi giá điện ngày càng cao và các chính sách ưu đãi của tỉnh này sẽ hết nạn vào cuối năm sau. Hơn nữa, vào mùa khô nguồn điện ở tỉnh này cũng không phải dồi dào.

Li cho biết: 'Tôi cho rằng mùa mưa năm nay là cơ hội tốt cuối cùng của các cơ sở đào Bitcoin ở Trung Quốc. Sau đó, sẽ có nhiều bất ổn do chính sách quản lý năng lượng. Chúng tôi đang tìm kiếm các cơ sở khai thác ở nước ngoài và tìm kiếm một môi trường với chính sách ổn định hơn'.

Nguyễn Dương Theo Sixthtone

Chủ đề khác