VnReview
Hà Nội

Là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, người Hàn Quốc từ già đến trẻ vẫn không thấy hạnh phúc

Trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người dân Hàn Quốc có thứ hạng gần cuối trong bảng đánh giá mức độ hạnh phúc, theo số liệu từ Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI).

Theo bảng xếp hạng mức độ hạnh phúc được Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc công bố, Hàn Quốc được xếp hạng 35 trong tổng 37 nước thành viên OECD về mức độ hạnh phúc, chỉ xếp trên hai quốc gia Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiêu chí đánh giá dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như thu nhập bình quân đầu người (GDP), tuổi thọ trung bình, chế độ phúc lợi và tự do xã hội trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2020. Theo đó, Phần Lan giữ danh hiệu quốc gia hạnh phúc nhất thế giới liên tục trong nhiều năm, tiếp theo sau là Đan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland và Hà Lan.

Bên cạnh báo cáo hạnh phúc, các số liệu thống kê được KDI trích dẫn còn cho thấy người dân Hàn Quốc đang có cuộc sống khó khăn. OECD công bố người dân Hàn Quốc phải đang làm việc nhiều giờ hơn so với các quốc gia thành viên, vì quốc gia này xếp thứ hai sau Mexico về số giờ làm việc hàng năm trên đầu người.

Tính đến năm 2019, trung bình một người Hàn Quốc đã phải lao động 1.967 giờ mỗi năm, nhiều hơn 241 giờ so với số liệu trung bình của các nước OECD - 1.726 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, người Mexico phải giành ra 2.137 giờ mỗi năm để làm việc.

 

Bảng xếp hạng số giờ làm việc hàng năm của người lao động giữa các nước

Một người đàn ông 38 tuổi yêu cầu giấu tên đang làm việc trong ngành công nghệ thông tin ở thủ đô Seoul cho biết: "Tôi bắt đầu làm việc từ năm 26 tuổi. Khi đó tôi nghĩ nếu đi làm và kiếm tiền, mình sẽ có cuộc sống tốt hơn so với thời còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi sẽ không phải cạnh tranh khốc liệt với các bạn cùng lớp để có cơ hội vào được một trường đại học tốt.

Tuy nhiên 10 năm trôi qua, cuộc sống của tôi vẫn khó khăn như thể đang bị làm nô lệ. Kỳ nghỉ dài nhất mà tôi có trong hơn một thập kỷ qua chỉ vỏn vẹn 7 ngày. Tôi rất muốn được nghỉ phép dài hạn nhưng không thể vì đang là trụ cột gia đình".

Không riêng người trưởng thành, trẻ em Hàn Quốc không cảm thấy hạnh phúc. Báo cáo của UNICEF vào năm 2020 cho thấy trong tổng số 38 quốc gia, Hàn Quốc chỉ xếp hạng 34 về sức khỏe tinh thần của trẻ em, mặc cho thể chất và kỹ năng học tập đều được đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số diễn ra nhanh chóng. Theo KDI, số lượng người cao tuổi ở Hàn Quốc tăng 4,4% hàng năm từ 2011 đến 2020, cao hơn nhiều so với mức trung bình của khối OECD là 2,6%. Hơn nữa, có đến 43,4% người cao tuổi Hàn Quốc có cuộc sống khó khăn trong năm 2019, cao nhất trong các nước OECD với tỷ lệ trung bình 14,8%.

"Sau khi chồng tôi qua đời vào năm 2007, tôi tiếp tục công việc giáo viên tự do, hướng dẫn an toàn giao thông cho trẻ em. Lúc đó, thu nhập hàng tháng của tôi rơi vào khoảng 1,5 triệu won (tương đương 31 triệu đồng), tuy không đủ sống nhưng vẫn đủ trang trải", một phụ nữ 69 tuổi giấu tên sinh sống tại ở tỉnh Gyeonggi cho biết.

"Nhưng vào năm ngoái, tôi đã mất việc do dịch Covid-19 bùng phát. Hiện tại, tôi đang sử dụng số tiền tiết kiệm của mình và thi thoảng được con cái hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Tôi không biết có thể tiếp tục sống như thế này trong bao lâu, cũng như không thể chắc mình có thể làm việc trở lại sau khi đại dịch kết thúc. Cuộc sống của tôi như bị sa lầy trước nhiều khó khăn và khiến tôi trở nên chán nản", bà chia sẻ.

Park Myung-bae, giáo sư khoa sức khỏe và phúc lợi người cao tuổi tại Đại học Pai Chai, cho biết chính phủ nên tái cơ cấu hệ thống xã hội để giúp nhóm người cao tuổi không bị bỏ lại phía sau.

Ông nói: "Chính phủ nên thiết lập các hệ thống hoạt động hiệu quả hơn và giúp người dân nghỉ hưu trễ để độc lập tài chính lâu hơn khi về già. Chính phủ cũng nên tích cực khuyến khích người dân tham gia hệ thống lương hưu bổ sung do các tổ chức tư nhân vận hành bằng cách cung cấp cho họ những lợi ích về thuế và chuẩn bị cho tương lai".

Numbeo, một website chuyên thu thập dữ liệu về chi phí sinh hoạt toàn cầu, đã đưa ra phân tích tương tự cho thấy chất lượng cuộc sống của Hàn Quốc đứng thứ 42 trong số 83 quốc gia được khảo sát trong năm 2021. Thứ hạng của Hàn Quốc còn thấp hơn cả một số nước đang phát triển như Nam Phi.

Numbeo chấm điểm dựa trên chi phí sinh hoạt, sức mua, ô nhiễm, tỷ lệ tội phạm, khí hậu và chất lượng y tế. Đồng thời, hệ thống giao thông cũng là một trong yếu tố biểu thị chất lượng cuộc sống ở mỗi quốc gia. Theo Numbeo, Thụy Sĩ là quốc gia có chất lượng sống tốt nhất, tiếp theo sau là Đan Mạch, Hà Lan và Phần Lan.

Ngọc Diệp (Theo Korea Times)

Chủ đề khác