VnReview
Hà Nội

Lính Mỹ vô tình làm lộ bí mật vũ khí hạt nhân lên mạng internet

Lính Mỹ đóng quân tại nhiều căn cứ ở châu Âu mới đây đã vô tình làm lộ dữ liệu nhạy cảm liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của Mỹ vì sử dụng các ứng dụng flashcard (thẻ ghi chú) bảo mật kém để ghi nhớ những bí mật nói trên.

Cụ thể, hành vi bất cẩn của các binh sỹ này đã tiết lộ "không chỉ các căn cứ;lưu trữ vũ khí hạt nhân", mà có hai trường hợp còn làm lộ "chính xác những hầm ngầm có kho ‘phóng xạ' mà nhiều khả năng có chứa vũ khí hạt nhân" - theo Foeke Postma, một nhà nghiên cứu trong nhóm điều tra Bellingcat. Họ còn làm lộ hàng loạt dữ liệu khác, từ thông tin về các mã mật, mật khẩu, đến các bản vẽ bố trí hệ thống an ninh trong khu vực.

Điều đáng nói là, các binh sỹ Mỹ đã sử dụng các ứng dụng học tập khá phổ biến như Chegg, Cram, và Quizlet để lưu trữ những dữ liệu hết sức nhạy cảm về các căn cứ hạt nhân ở châu Âu, và rồi quên không thay đổi thiết lập của ứng dụng từ công khai sang riêng tư. Một số binh sỹ rõ ràng còn công khai cả username, "bao gồm cả tên đầy đủ của từng cá nhân đã tạo ra chúng", đồng thời còn dùng những bức ảnh từng được lưu trữ trên profile LinkedIn của họ - khiến việc truy dấu họ trở nên không thể dễ dàng hơn.

Hiện vẫn chưa rõ tại sao các binh sỹ lại làm những điều nói trên.

Postma khẳng định anh có thể xác định chắc chắn phần lớn thông tin này chỉ bằng cách tìm trên Google các từ và cụm từ viết tắt chính thức có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ. Sau khi tìm kiếm Google, anh phát hiện ra một bộ gồm 70 flashcard được chia sẻ công khai với tiêu đề "Study!", trong đó tiết lộ thông tin liên quan đến kho vũ khí hạt nhân ở Căn cứ Không quân Volkel, Hà Lan (một địa điểm đã được đồn đại từ lâu là một kho hạt nhân của Mỹ). Kinh hoàng hơn nữa, Postma khẳng định các lượt tìm kiếm nguồn mở tiếp sau đó còn giúp anh khám phá ra nhiều bộ flashcard khác, mà khi kết hợp cùng nhau sẽ tiết lộ "chi tiết về các kho ngầm tại tất cả các căn cứ khác ở châu Âu được cho là có chứa vũ khí hạt nhân".

Căn cứ Không quân Volkel ở Hà Lan

Một số bộ flashcard nêu chi tiết số lượng camera an ninh và vị trí của chúng tại nhiều căn cứ, thông tin trên các hệ thống cảm biến và radar, mã số định danh của các phù hiệu vào khu vực giới hạn (RAB) ở các căn cứ Incirlik, Volkel, và Aviano, cũng như các từ khoá bí mật và loại trang thiết bị mà các lực lượng phản ứng nhanh đang bảo vệ các căn cứ mang theo bên mình.

"Việc các binh sỹ tải lên và vô tình chia sẻ các thông tin bảo mật cho thấy một thất bại nặng nề về bảo mật" - Postma nói. "Vì những nguy hại tiềm tàng đến an ninh, Bellingcat đã liên hệ với NATO, Bộ tư lệnh Mỹ - châu Âu (EUCOM), Bộ quốc phòng Mỹ, và Bộ quốc phòng Hà Lan từ 4 tuần trước khi công bố sự việc này". Kể từ đó, các bộ flashcard liên quan đến vụ rò rỉ thông tin đã được thu hồi, Postma cho biết, dù rằng trang Motherboard tiết lộ một số bộ flashcard vẫn còn hiện diện trên Wayback Machine.

Nếu chính xác, sự kiện này có thể xem là một phiên bản tệ hại hơn nhiều lần sự cố Venmo của Joe Biden - một vụ việc mà Tổng thống Mỹ bằng cách nào đó đã bị lộ toàn bộ danh bạ trong ứng dụng thanh toán của ông, bao gồm cả các thành viên gia đình và bạn bè. Các viên chức chính phủ rõ ràng phải ý thức được rằng các ứng dụng dành cho dân thường không phù hợp để sử dụng trong môi trường chính phủ, vốn đòi hỏi bảo mật cao. Ít nhất thì, nếu họ muốn sử dụng chúng, trước hết cũng phải tìm hiểu các thiết lập quyền riêng tư của chúng chứ? Đặc biệt khi họ đang sử dụng chúng để lưu trữ thông tin về kho vũ khí chết người của Mỹ!

Minh.T.T (theo Gizmodo)

Chủ đề khác