VnReview
Hà Nội

Hàng loạt đối tác của Apple loay hoay giữa cơn bão Covid-19 ở Ấn Độ, Đài loan và Đông Nam Á

Foxconn và nhiều đối tác sản xuất của Apple đang khẩn trương cho nhiều công nhân và nhân viên "hồi hương" trong bối cảnh lo ngại về dịch bệnh tại Ấn Độ ngày càng tăng cao.

Steven, một nhà quản lý; khu công nghiệp công nghệ Đài Loan đã trở lại Đài Bắc lần đầu tiên kể từ khi làm việc ở thành phố Bangalore, bang Karnataka, Ấn Độ hơn một năm rưỡi trước.

Tất nhiên nơi Steven đến vẫn còn Covid-19 và anh vẫn cần phải cách ly trước khi có thể làm việc như bình thường. Nhưng ít ra tình hình tại Đài Loan vẫn đang được kiểm soát tốt hơn so với Ấn Độ, nơi anh từng có thời gian làm việc.

Steven chia sẻ: "Tình hình ở Ấn Độ thực sự khiến tôi và nhiều nhà cung cấp công nghệ Đài Loan khác mất cảnh giác. Nó không giống như một năm trước khi chính phủ thực hiện các hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Lần này mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Nhiều nhà cung cấp mà tôi biết đã đưa nhân viên trở lại Đài Loan và tôi cũng đã nói với các đồng nghiệp của mình rằng hãy rời đi sớm. Tôi là người cuối cùng trong công ty quay trở lại Đài Loan".

Ấn Độ vẫn đang trong đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca tử vong trung bình hàng ngày đã vượt qua con số 4.000 ca/tuần, tính đến ngày 19/5, trong khi các ca nhiễm đã được xác nhận tăng từ khoảng 12.000 ca/ngày trong tháng Ba lên hơn 400.000/ngày trong tháng này.

Ngoài thiệt hại lớn về người, đại dịch cũng gây ra hỗn loạn cho các công ty Đài Loan muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước này với hy vọng xây dựng một các dây chuyền thay thế ở Trung Quốc.

Vào ngày 10/5, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã đưa ra thông điệp khuyến nghị công dân nước này rời khỏi Ấn Độ do tình hình COVID-19 ngày càng tồi tệ. Giống như công ty của Steven, nhiều hãng công nghệ Đài Loan đã quyết định hành động ngay lập tức.

Foxconn, công ty có các cơ sở sản xuất ở Ấn Độ cũng nằm trong số đó. Hãng đã điều động một máy bay phản lực Gulfstream để hồi hương khoảng 10 nhân viên Đài Loan từ Chennai cách đây vài tuần và cho biết sẽ cố gắng giúp nhiều nhân viên trở lại Đài Loan hoặc Trung Quốc theo yêu cầu.

Một nguồn tin tiết lộ: "Các giám đốc điều hành Foxconn đang họp bàn hàng ngày về tình hình dịch bệnh căng thẳng ở Ấn Độ".

Foxconn là một trong những nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn đầu tiên hưởng ứng sáng kiến ​​"Make In India" của Thủ tướng Narendra Modi vào năm 2015. Công ty có các nhà máy ở Andhra Pradesh và Tamil Nadu, đồng thời giúp các nhà sản xuất smartphone như Xiaomi sản xuất smartphone Android và TV thông minh cho thị trường địa phương. Nhà máy cũng giúp Apple, khách hàng lớn nhất của Foxconn có thể chuyển dây chuyền từ Trung Quốc sang sản xuất iPhone ở Ấn Độ.

Hiện tại quy mô sản xuất iPhone ở Ấn Độ vẫn còn tương đối nhỏ. Foxconn có thể nhanh chóng điều chỉnh năng lực sản xuất ở Trung Quốc, quốc gia đã kiểm soát được khá tốt đại dịch Covid-19 để bù đắp cho sản lượng thiếu hụt tại Ấn Độ.

Wistron, một nhà lắp ráp iPhone nhỏ hiện có cơ sở sản xuất ở Bangalore, trong khi Pegatron, nhà lắp ráp iPhone lớn nhất sau Foxconn đang xây dựng cơ sở sản xuất Ấn Độ đầu tiên ở Chennai và dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất một lượng nhỏ iPhone trước cuối năm nay. Theo Nikkei, Luxshare của Trung Quốc, một đối thủ mới nổi đã tham gia lắp ráp iPhone vào cuối năm ngoái để thách thức Foxconn hiện cũng đang xây dựng một nhà máy ở bang tương tự.

Ấn Độ đang trên đà trở thành trung tâm sản xuất iPhone lớn nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc nhờ được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong vài năm trở lại đây.

Nhưng sự gia tăng đột biến gần đây về các trường hợp Covid-19, cùng với đó là những thách thức khác như các quy định địa phương phức tạp và môi trường quản lý còn nhiều vấn đề đang làm nản lòng những tham vọng của nhiều hãng.

Một giám đốc điều hành của Holtek Semiconductor, nhà phát triển chip vi điều khiển Đài Loan có văn phòng tại Ấn Độ đã nhấn mạnh một số thách thức của thị trường này: "Môi trường đầu tư ở Ấn Độ vẫn là một mối quan tâm rất lớn, hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng của nước này vẫn còn tụt hậu, cộng với tình hình Covid-19 thực sự vẫn là một vấn đề đau đầu. Đây từng là một thị trường mà chúng tôi hy vọng sẽ tập trung và mở rộng nhưng sau một vài năm, chúng tôi cảm thấy rằng việc mở rộng ở đó không dễ dàng vì cơ sở hạ tầng ... Tôi sẽ đề nghị những người không có nhu cầu mở rộng kinh doanh ngay lập tức ở thị trường đó cần suy nghĩ lại nếu họ vẫn muốn đặt cược lớn vào Ấn Độ".

Giám đốc điều hành Holtek cho biết, hai trong số sáu nhân viên công ty tại văn phòng Ấn Độ đã bị nhiễm Covid-19 nhưng sau đó đã phục hồi. Tại Trung Quốc, công ty của ông có tới hàng trăm nhân viên và hàng ngàn nhà phân phối khác nhưng "không ai bị nhiễm virus".

Các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để nói liệu sự gián đoạn Covid-19 có ảnh hưởng đến kế hoạch dài hạn của các công ty hay không.

Eric Tseng, Giám đốc điều hành kiêm nhà phân tích chính của Isaiah Research cho biết: "Theo hiện trạng chuỗi cung ứng, tình trạng Covid-19 nghiêm trọng ở Ấn Độ có thể kéo dài hoặc trì hoãn kế hoạch mở rộng của một số công ty công nghệ. Tuy nhiên, rất nhiều công ty công nghệ đã lên kế hoạch đầu tư vào Ấn Độ theo mong muốn của khách hàng và thực hiện những kế hoạch đó cho mục đích chiến lược dài hạn. Nhưng tất cả các khoản đầu tư này đều cần được cân nhắc về địa chính trị và kinh tế".

Các dây chuyền ở Đài Loan và Đông Nam Á cũng đang gặp nguy?

Ngoài Ấn Độ, Việt Nam và Đài Loan cũng được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất công nghệ buộc phải chuyển một phần công suất khỏi Trung Quốc trong ba năm qua để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các công ty này bao gồm Foxconn, Pegatron, Wistron và các nhà sản xuất máy tính quan trọng của Google và MacBook như Quanta Computer và nhà sản xuất Apple Watch là Compal Electronics. Nhiều nhà sản xuất hợp đồng mới nổi của Trung Quốc chẳng hạn như Luxshare và GoerTek cũng đang tích cực xây dựng dây chuyền mới tại Việt Nam và Ấn Độ theo yêu cầu của Apple và các khách hàng khác.

Tuy nhiên, Việt Nam và Đài Loan cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng đột biến của các trường hợp nhiễm Covid-19 trở lại.

Chính quyền tỉnh Bắc Giang, một trong những trung tâm sản xuất công nghệ đang lên ở Việt Nam gần đây đã phải tạm dừng hoạt động tại 4 khu công nghiệp sau khi làn sóng nhiễm Covid-19 mới xuất hiện từ cuối tháng 4. Một số hãng gia công, lắp ráp như Foxconn, Luxshare Precision Industry và GoerTek đều có cơ sở sản xuất tại tỉnh này.

Foxconn xác nhận với tờNikkei Asia rằng, các nhà máy của họ ở Bắc Giang hiện đang phải tạm thời đóng cửa theo yêu cầu của chính quyền địa phương để kiểm soát dịch bệnh, trong khi các nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh lân cận vẫn mở.

Tại Đài Loan, các trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 cũng đang ngày càng tăng, từ một con số đã lên tới ba con số chỉ trong vài ngày. Số ca nhiễm mỗi ngày trong tuần vừa qua đã vượt qua con số 200 ca. Các hạn chế cấp độ 3 liên quan đến Covid-19 đã được mở rộng từ Đài Bắc và Tân Bắc ra toàn bộ hòn đảo. Điều này có nghĩa rằng, toàn bộ hành vi tụ tập trong nhà với hơn 5 người đều bị cấm và tụ tập ngoài trời trên 10 người sẽ bị cấm. Mới đây, chính phủ Đài Loan cũng đã ra lệnh yêu cầu các công ty trì hoãn các cuộc họp cổ đông tới ít nhất ngày 1/7 hoặc muộn hơn.

Nhà cung cấp ống kính máy ảnh chính cho iPhone là Largan Precision cũng đã ghi nhận một trường hợp dương tính tại trụ sở ở Đài Trung. Tuy nhiên công ty cho biết, trường hợp này không làm ảnh hưởng đến hoạt động thường nhật của công ty.

Dịch bệnh bùng phát tại Đài Loan xảy ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu chip và linh kiện chưa từng có. Trong khi đó, chuỗi cung ứng chất bán dẫn của hòn đảo này vẫn đóng vai trò rất quan trọng và không thể thay thế trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng.

Mặc dù vậy hòn đảo này đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay, thậm chí đã phải hứng chịu hai đợt mất điện quy mô lớn trong vòng chưa đầy một tuần. Nguyên nhân vì sự sự cố lưới điện và mức tiêu thụ điện tăng mạnh do thời tiết đang trở nên nóng hơn.

Tiến Thanh (Theo Nikkei)

Chủ đề khác