VnReview
Hà Nội

Sự nổi tiếng giả tạo và sự thật đằng sau văn hóa truyền cảm hứng

"Fake famous" (tạm dịch: Sự nổi tiếng giả tạo) là một bộ phim tài liệu vừa ra mắt trên kênh HBO kể về hành trình tìm kiếm sự nổi tiếng trên mạng xã hội của ba nhân vật, từ việc mua người theo dõi cho đến thực hiện một buổi chụp ảnh trong bể bơi trẻ em.

Bộ phim tài liệu của HBO mở đầu bằng một khung cảnh có vẻ nên thơ: dưới nắng vàng, Los Angeles dường như đang rất hối hả, chúng ta nhìn thấy một loạt các thanh thiếu niên dường như rất vô lo, họ đang mải mê tạo dáng trước một bức tường màu hồng. Họ đưa điện thoại iPhone của mình cho bạn để chụp ảnh hoặc tự chỉnh góc mặt để chụp một tấm selfies. Nick Bilton, biên kịch kiêm đạo diễn của bộ phim, giải thích rằng: Họ đang tham gia vào một nghi thức thịnh hành thời đương đại.

Bilton cho rằng những người này đến L.A không phải để thoát khỏi sự hối hả của cuộc sống thường ngày, hay để thư giãn và "tận hưởng sự lung linh của Tinseltown". Đúng hơn là họ đến đây để tiếp tục theo đuổi sự vội vã. Bức tường màu hồng thật ra là của cửa hàng thời trang Paul Smith trên đại lộ Melrose, nhưng nó đã trở thành điểm đến nổi tiếng của khách du lịch. Đó là một bức tường trơn được sơn màu hồng rất bắt mắt, thu hút nhiều người đến tạo dáng và chụp ảnh với nó, rồi sau đó đăng tải trên Instagram. Bilton cho biết những người này muốn có nhiều "lượt thích để rồi có nhiều người theo dõi hơn, những con số như một loại tiền tệ của điều quan trọng nhất trên Trái Đất hiện nay – thứ mà dường như ai cũng bị ám ảnh bởi nó. Họ muốn được nổi tiếng".

Bộ phim tài liệu thú vị, nhưng cũng có phần kỳ lạ của Bilton đã đưa ra một bài kiểm tra dành riêng cho loại "nổi tiếng" này, bằng cách tiến hành một dự án mà anh gọi là "thực nghiệm xã hội" (Bilton hiện là phóng viên đặc biệt của tờ Vanity Fair chuyên về sự giao thoa giữa công nghệ và chính trị). Bilton đã mở một buổi tuyển chọn và đặt một câu hỏi cho các ứng viên rằng "Bạn có muốn được nổi tiếng không?" Và trong số hàng nghìn có câu trả lời "Có", Bilton đã chọn ra ba người với mục tiêu đưa họ trở thành những người truyền cảm hứng trên Instagram.

Đồng hành cùng Bilton trong đợt tuyển chọn còn có một nhóm các chuyên gia gồm đạo diễn, nhà tạo mẫu và chuyên viên tư vấn về truyền thông xã hội. "Đam mê của bạn là gì?", một trong số họ hỏi với tông giọng cứng rắn để biết rằng ứng viên có đang "nghiêm túc" hay không. Ba người được chọn là người thể hiện được sự nhiệt huyết khi tham gia kế hoạch của Bilton. Việc trở thành một người nổi tiếng trên Instagram có thể giúp bạn kiếm được hợp đồng cộng tác với các thương hiệu và những hợp đồng đó sẽ mang lại cho bạn sản phẩm và dịch vụ miễn phí, và đôi lúc có cả tiền.

Ba người tham gia gồm: Dominique, một nữ diễn viên đầy tham vọng đến từ Miami, cô hiện làm việc tại Lululemon trong khi chờ đợi một sự bức phá trong sự nghiệp; Wylie là trợ lý của một công ty bất động sản tại Beverly Hills, anh đang phải vật lộn với những khuôn mẫu về ngoại hình trong giới đồng tính tại L.A.; và Chris, một nhà thiết kế thời trang da màu đến từ Arizona, cũng là người tỏ ra tự tin nhất nhóm ( anh nói "Tôi thậm chí còn không nghĩ rằng mình muốn [được nổi tiếng], mà tôi xứng đáng có nó"). Đối với cả ba, trở thành người truyền cảm hứng không phải là mục đích cuối cùng trong sự nghiệp của họ, mà chỉ là một nấc thang tiến đến gần hơn thứ mà họ muốn: với Dominique và Chris, đó là sự nghiệp trong ngành công nghiệp điện ảnh và thời trang, còn với Wylie, đó là cảm giác được xã hội dễ dàng chấp nhận hơn. Nổi tiếng dường như là"một điều tốt, và ai cũng muốn nó, nếu đúng là vậy…", Wylie nói trong khi lái xe chạy quanh thị trấn làm vài việc vặt cho người sếp khó tính của mình.

Làm một công việc nhàn hạ không khó, nhưng "Fake Famous" chứng minh rằng làm một người truyền cảm hứng cũng có thể là một loại công việc tẻ nhạt. Trong một phân cảnh, Bilton đưa người xem đến hậu trường của một buổi chụp ảnh. Tại đây, Dominique và Wylie đang tham gia các hoạt động của giới thượng lưu 1% dân số như nhắm nháp rượu sâm-banh và ăn sô-cô-la bên cạnh hồ bơi khách sạn Four Seasons, hay đang thư giãn trên một chuyến bay quốc tế, hay được trị liệu spa rất xa hoa. Tuy nhiên, tất cả đều là giả tạo: các bức hình được chụp ở một vị trí duy nhất, bệ ngồi bồn cầu được đưa lên vờ làm khung cửa sổ máy bay, rượu sâm-banh thật ra chỉ là nước táo có ga, những viên sô-cô-la thực chất chỉ là những viên bơ được phủ bột ca-cao. Và bồn tắm spa với đầy cánh hoa hồng thật ra chỉ là chiếc bể bơi nhựa dành cho trẻ em.

Có một loại hoạt động DIY (do it yourself – tự tay làm) chung cho tất cả những việc này, với một sự quyết tâm, những người này sẽ có thể truyền cảm hứng ở một lĩnh vực nào đó. "Nhớ lấy, con là một cô gái Lulu!", mẹ của Dominique nhắc con gái mình vào đầu bộ phim, khi Dominique đang chia sẻ về công việc bán hàng của mình và, trên con đường trở thành một người nổi tiếng, Dominique được truyền cảm hứng từ chính câu chuyện của Lululemon và quyết định thực hiện một phiên bản riêng của mình bằng việc bán hàng online. Dominique muốn có một thương hiệu thời trang của riêng mình thay vì làm công cho người khác, và ở khía cạnh này, sẽ có người tự hỏi liệu chiến lược này có gì không đúng? Thay vì để các công ty khai thác giá trị thặng dư của bản thân mình thì cô có thể tự khai thác chúng. (Thông minh đấy cô gái!).

Nhưng thật đáng buồn là khi độ nổi tiếng của Dominique bắt đầu gia tăng – cô thậm chí nhận được nhiều buổi thử vai và hợp đồng diễn xuất hơn nhờ tài khoản Instagram – sự thành công đó dường như không phụ thuộc vào cá tính của cô, hay thậm chí là thiếu đi dấu ấn cá nhân. Dominique phát triển lượng người theo dõi bằng cách đăng tải những video "đập hộp" các sản phẩm được nhãn hàng gửi tặng như: máy xay sinh tố, thực phẩm bổ sung năng lượng, dép và có cả đồ chơi dành cho người lớn. Dominique "giống như một mẫu đất nặn đầy màu sắc vậy", Chris nói với Bilton. Giống như bức tường màu hồng ở Melrose, cô ấy bắt mắt nhưng vẫn đủ ngây thơ.

Bilton cho biết hầu hết những người truyền cảm hứng, thậm chí là cả những người cực kỳ thành công như Kim Karrdashian, đã thúc đẩy quá trình leo lên đỉnh kim tự tháp mang tên "truyền thông xã hội" bằng cách mua lượt theo dõi để tăng lượng tương tác của họ. Bilton giải thích rằng vì lợi ích của các công ty truyền thông xã hội và các nhà đầu tư phố Wall nên họ đã "nhắm mắt làm ngơ" chiêu trò này khi những xấp tiền hàng trăm đô-la được phe phẩy trên màn hình, vì điều đó đồng nghĩa với việc số tiền thu về sẽ tăng cao. Không có gì quá bất ngờ cả, nhưng để người xem không phải thất vọng, "Fake Famous" đã quyết định dẫn dắt ba người họ đi đến đỉnh danh vọng. Bilton cũng nhấn mạnh rằng các công ty lớn có thể truy cập vào các "phần mềm kỳ diệu" để xác thực lượng người theo dõi của người truyền cảm hứng.

Cũng theo cách vận hành của thị trường này, Bilton đã mua hàng nghìn lượt theo dõi, lượt thích và lượt tương tác cho những "bông hoa chớm nở" của mình. Bilton đã thực hiện điều này ngay từ giai đoạn đầu, và bỏ qua giai đoạn phát triển lượng người theo dõi cơ bản của cả ba người. Điều này hoàn toàn phù hợp với luận điểm của Bilton rằng: những người truyền cảm hứng hầu như là giả tạo, vậy thì cần gì phải tạo ra một lượng người theo dõi cơ bản dựa trên lượng tương tác thật? Và vì chiến lược này dường như đã thành công với nhiều trường hợp, nên không mấy bất ngờ khi sự nổi tiếng ngày càng tăng của Dominique, Wylie và Chris, mặc dù không có thật, có thể mang lại những giá trị thật - như người theo dõi thật, sản phẩm thật, những thẻ tập gym thật, kỳ nghỉ thật và thậm chí là cả những lời mời cộng tác thật - dù bộ phim thể hiện đây là những kết quả ngoài mong đợi. "Một số điều đã xảy ra mà chúng tôi không hề dự đoán được", Bilton nói, về Dominique một số nhãn hàng "bắt đầu tìm đến cô ấy". Một lúc sau, anh nói thêm "Sau đó, không biết từ đâu, Dom nhận được một tin nhắn riêng trên Instagram với lời mời tham gia một chuyến đi dành cho những người truyền cảm hứng V.I.P và được tài trợ toàn bộ chi phí".

Mặc dù cả ba người tham gia đều đã gia tăng độ nổi tiếng một cách đáng kể, nhưng Chris và Wyne cho rằng họ không phù hợp để nổi tiếng trên Instagram theo cách như vậy. Wylie cho biết anh ấy không thật sự thoải mái khi sống một cuộc sống giả tạo được tung hô bởi các phần mềm lập trình sẵn, còn Chris thì từ chối sử dụng hình ảnh của một người truyền cảm hứng mà Bilton và nhóm đã tạo ra cho anh. "Tôi không thể tin được rằng sẽ có người thật sự đặt hàng những thứ này", Chris thốt lên khi được đưa đến một chiếc máy bay tư nhân giả được thuê để chụp ảnh "sống ảo" trên mạng xã hội. "Tôi cảm thấy nó không phù hợp với mình. Tôi chỉ muốn được thể hiện cá tính của mình", Chris nói.

Không phải ai cũng có thể làm được công việc truyền cảm hứng, nhưng những ý kiến của Chris đã thể hiện được giới hạn trong chiến lược của Bilton. Với kinh nghiệm xã hội của mình, Bilton dường như cố gắng tạo ra một khuôn mẫu có thể áp dụng với mọi trường hợp muốn trở thành người truyền cảm hứng. Một loại hình quá-lớn-để-thất-bại là vỏ bọc bằng phong cách sống sang trọng, là bộ khuôn mà Dominique đã áp dụng rất tốt, trong khi Chris và Wylie lại gặp nhiều khó khăn. Hana Hussein, một nhà quản lý truyền thông xã hội, giải thích trong bộ phim rằng có rất nhiều loại truyền cảm hứng. "Chúng ta có người truyền cảm hứng về thời trang, phong cách sống, thiết kế nhà và nội thất, hay truyền cảm hứng về sức khỏe, thể chất", cô nói. Tất nhiên là còn rất nhiều lĩnh vực khác có thể truyền cảm hứng như: văn học, về tin đồn trong giới "celeb", thời trang cho những người quá khổ, hình xăm… Một kế hoạch phù hợp với phong cách riêng của Chris và Wylie, nhằm tạo ra một người truyền cảm hứng từ con số không với một khuôn mẫu chân thực và cụ thể hơn, chắc chắn sẽ khó thực hiện nhưng cũng sẽ hấp dẫn hơn nhiều.

Trong bộ phim tài liệu "Fake Famous" của Bilton còn rất nhiều bí mật được bật mí đằng sau dự án "thực nghiệm xã hội". Việc định hình lại từng cá nhân thành một phiên bản mới với nhiều kỹ năng và mang tính thương mại hơn khiến tôi gợi nhớ một số chương trình truyền hình, không chỉ riêng "America's Next Top Model", với sự thay đổi về ngoại hình và các buổi chụp ảnh. Và vì vậy dường như có một sự thay đổi khi "Fake Famous" công khai vạch trần sự nổi tiếng trên mạng xã hội và những gì nó đang làm với nền văn hóa của chúng ta. Những người truyền cảm hứng "không khiến bạn cảm thấy bản thân mình tốt hơn", Bilton nói vào cuối bộ phim tài liệu. "Tất cả các mô hình truyền cảm hứng đều khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn". Tuyên bố này được đưa ra sau một đoạn phim đáng lo ngại về việc những đứa trẻ mặc đồ hiệu của nhà thiết kế nổi tiếng và tạo dáng trên Instagram, dường như đây là điềm báo về một tương lai sắp đến. Tất cả chỉ từ một dự án biến một người bình thường thành một người truyền cảm hứng.

Và tôi mơ hồ hiểu điều đó. Đây là một ngành kinh doanh còn nhiều điểm khó hiểu mà tôi cũng không nắm được hết. Là một người thường chia sẻ về cuộc sống lẫn công việc trên mạng, tôi nhận thức được xu hướng đăng tải nội dung trên Instagram và Twitter của mình, và cả sự tham lam của bản thân với mạng xã hội mà tôi nghĩ rằng nó có thể mang lại cho tôi điều gì đó. Ngay cả khi xem bộ phim, tôi không thể không mở Instagram của mình lên xem tấm hình cuối cùng mình đăng có bao nhiều lượt thích, mặc dù tôi biết con số đó chẳng bao giờ là đủ cả.

Dominique cũng vậy, cô cũng cảm thấy băn khoăn. "Nó quá giả tạo và hào nhoáng", cô nói ở đoạn cuối bộ phim khi nhận xét về những người truyền cảm hứng đăng tải về cuộc sống lung linh của họ, ngay cả khi đại dịch đang bùng phát, "nhưng tôi nghĩ rằng tôi cũng đứng trên con thuyền đó, vì mọi người nghĩ tôi cũng là một người truyền cảm hứng". Cô nói với Bilton rằng trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh và phong trào Black Lives Matter đã khiến cô nghĩ rằng mình muốn sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra sự khác biệt. Một video gần đây của cô đã trở nên nổi tiếng; trong đó, cô đã trải nghiệm thử một thiết bị vệ sinh được gửi qua bưu điện và cô đã bối rối đến hài hước khi sử dụng các tính năng của nó. "Có rất nhiều người nói với tôi rằng ‘Thật hài hước, tôi cười không ngớt'", cô nói. "Nếu tôi có thể mang điều đó đến với nhiều người hơn, tôi nghĩ nó sẽ rất tuyệt vời".

Minh Bảo;(Theo The New Yorker)

Chủ đề khác