VnReview
Hà Nội

Cựu giám đốc Huawei bị xét xử ở Ba Lan với cáo buộc gián điệp cho Trung Quốc

Ngày 1/6, tòa án Ba Lan đã mở phiên xét xử hai bị cáo với cáo buộc gián điệp cho Trung Quốc. Trong đó bao gồm cựu giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan mang quốc tịch Trung Quốc và một chuyên gia an ninh mạng người Ba Lan.

Vào đầu phiên họp hôm thứ Ba tại thủ đô Ba Lan Warszawa, một công tố viên đã đề nghị phiên tòa nên được tổ chức riêng tư vì tính chất tuyệt mật của một số bằng chứng. Song, các luật sư bào chữa phản đối, cho rằng bản chất của các cáo buộc cần phải có quá trình tố tụng minh bạch.

Tại đây, hai bị cáo là Weijing Wang (Trung Quốc) và Piotr Durbajlo (Ba Lan) đều không nhận tội và mong muốn được xét xử công khai. Nhưng sau khi xem xét, hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán thông báo thủ tục tố tụng sẽ được xét xử kín với lý do lợi ích quốc gia. Vì thế, các nhà báo, phóng viên được yêu cầu rời khỏi phiên tòa.

Wang và Durbajlo đã bị chính quyền Ba Lan bắt giữ vào tháng 1/2019 với cáo buộc gián điệp cho Trung Quốc dưới vỏ bọc tìm kiếm các thỏa thuận kinh doanh cho công ty công nghệ Huawei. Hai người này bị bắt giữ trong bối cảnh chiến tranh địa chính trị căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề công nghệ và thương mại.

Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vận động các đồng minh châu Âu tẩy chay thiết bị mạng di động 5G của Huawei vì lo ngại chúng có thể bị Bắc Kinh sử dụng nhằm vào các hoạt động gián điệp và phá hoại an ninh mạng.

Theo nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza, bản cáo trạng được giữ kín một phần, và phần công khai cáo buộc Wang giữ vai trò nhân viên tình báo Trung Quốc. Từ năm 2011 – 2019, Wang đã tìm kiếm các hợp đồng cấp cao cho Huawei để giúp tập đoàn Trung Quốc can thiệp sâu hơn vào hệ thống dữ liệu của chính quyền các tiểu bang và địa phương ở Ba Lan.

Weijing Wang - cựu giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan

Cả hai đều phải đối mặt với cáo buộc hình sự tham gia hoạt động tình báo nước ngoài và đe dọa lợi ích của Ba Lan. Nếu bị kết tội, họ sẽ chịu mức án tối thiểu là ba năm tù giam. Về tiểu sử của Wang, anh từng học tập và làm việc cho Lãnh sự quán Trung Quốc ở Gdansk, Ba Lan trước khi về làm giám đốc cấp cao tại Huawei. Trong khi đó, Pole bị tình nghi giúp Wang thiết lập thông tin và cung cấp dữ liệu.

Phiên tòa dự kiến ​​kéo dài nhiều tháng và vẫn chưa có ngày đưa ra phán quyết cuối cùng. Cũng vì thế, Huawei chưa vội đưa ra động thái đáp trả trước những yêu cầu bình luận từ giới truyền thông. Công ty cũng nhiều lần phủ nhận các cáo buộc của Mỹ, nhưng kể từ khi cặp đôi trên bị bắt, vận may của Huawei ở châu Âu đã sụp đổ.

Các quốc gia như Anh, Thụy Điển lần lượt cấm các thiết bị của Huawei trong hoạt động quản lý hạ tầng mạng. Hay một số nước như Pháp tuyên bố rằng sẽ chuyển sang hợp tác với Nokia và Ericsson vì lý do bảo mật.

Trong khi đó, các nước Balkan đã ký một thỏa thuận "Mạng lưới sạch" do Mỹ dẫn đầu nhằm loại trừ các nhà cung cấp phần cứng Trung Quốc. Thiết bị của Huawei đã bị Mỹ ngăn chặn triệt để từ năm 2012 và cũng bị Úc, New Zealand và Nhật Bản xa lánh.

Ngọc Diệp (Theo Washington Post)

Chủ đề khác