VnReview
Hà Nội

Goyang: thành phố mèo nổi tiếng tại Hàn Quốc

Được biết đến với lễ hội hoa quốc tế thường niên, Goyang là một trong những thành phố vệ tinh lớn nhất của Seoul. Nhưng đã nhiều năm qua, chính quyền vẫn chưa tìm được nét đặc sắc để giúp thành phố một triệu dân này nổi bật so với những nơi khác.

Chính quyền địa phương Goyang đã mở nhiều tài khoản mạng xã hội, nhưng dường như chẳng ai quan tâm đến nội dung mà họ đăng tải. Phải có cách nào chứ?

"Sẽ thế nào nếu dùng một chú mèo để thể hiện đặc trưng của thành phố?" Một người hỏi theo kiểu đùa cợt trong một cuộc họp vào năm 2013, với lý do rằng tên của thành phố (Goyang) khá tương đồng với từ "mèo" trong tiếng Hàn Quốc (goyang-yi).

Choi Seo-young (ảnh đầu bài), một viên chức quan hệ công chúng đang phụ trách mảng truyền thông xã hội của thành phố, đề xuất thử nghiệm ý tưởng này trên trang Facebook "vắng tanh như chùa bà Đanh" của Goyang bằng hình ảnh một chú mèo cô vẽ ra trên giấy.

Từ trò đùa thành hiện thực

Tại Hàn Quốc, mèo từng bị xem là sinh vật gây phiền nhiễu, mang lại những điều không may. Nhưng Choi, một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của ban truyền thông, muốn cho chúng một cơ hội.

Tài khoản Facebook của Goyang có khoảng 2.000 người theo dõi vào thời điểm đó. Nhưng chỉ 24 giờ sau khi họ đổi avatar thành một chú mèo trên "Goyang-goyang-yi", người dùng mạng xã hội như phát rồ. Mascot này lập tức thành công vang dội, khi mà mọi người trong thành phố lẫn trên khắp cả nước đều muốn tương tác với chú mèo này.

Hiện nay, các nền tảng truyền thông xã hội của Goyang, bao gồm Facebook, đã có hơn nửa triệu người theo dõi. Hình ảnh của Goyang-goyang-yi thậm chí hiện diện ngay trong sảnh của toà thị chính.

Một poster hình mèo chào đón khách ghé thăm, và một bức tượng hình chú mèo đeo khẩu trang nhắc nhở mọi người đừng quên thực hiện biện pháp phòng dịch đơn giản này. Thậm chí còn có một "khu vực chụp ảnh" nơi khách có thể chụp hình cùng Goyang-goyang-yi nữa.

Người dân địa phương cũng thích thú với Goyang-goyang-yi.

"Trước đây, người Hàn Quốc từng nói rằng không nên nuôi mèo khi nhà có trẻ nhỏ, bởi mèo là lũ trộm cướp và quỷ dữ" - theo Kwon Ji-young, một nhân viên quán cafe và là công dân lâu năm của thành phố. "Nhưng đó là ngày xưa rồi, và hiện nay tôi thích lũ mèo hơn nhiều. Những công bố của thành phố cũng trở nên thân thiện hơn khi chúng được nói ra từ một chú mèo".

SIM điện thoại cũng in hình mèo Goyang-goyang-yi

"Thành phố này mang cảm giác nghiêm trọng và có phần buồn chán, nhưng điều đó đã thay đổi khi họ dùng hình ảnh một chú mèo" - Lee Yeong-sook, một chủ nhà hàng, đồng tình với ý kiến trên. "Khi thấy những thông điệp từ Goyang-goyang-yi, chúng làm tôi mỉm cười và tôi có thể nhớ chúng dễ dàng hơn"

Quyền lực loài mèo

Mèo là thế lực thống trị mạng xã hội, không chỉ ở châu Á mà cả phần còn lại của thế giới - hiển nhiên Hàn Quốc không phải ngoại lệ.

Heek, một chú mèo trắng muốt sinh sống trên đảo Jeju của Hàn Quốc, có hơn 190.000 người theo dõi trên Instagram. Chú mèo hoang này đã đổi đời kể từ khi tìm được "về nhà mới" cùng người chủ độc thân là công dân trên đảo, Lee Sina.

Chú mèo Heek

Ngôi sao mèo này không cần làm gì nhiều để thu hút sự chú ý từ người hâm mộ. Những bức ảnh chú ta đang nằm ườn trên bàn, đi trên các bờ tường, hay ngắm nhìn thế giới một cách lơ đễnh nhận được hàng nghìn lượt yêu thích. Lee đã xuất bản một cuốn sách về Heek vào năm 2017 và lọt top 100 cuốn sách bán chạy nhất Hàn Quốc trong suốt 2 tuần liền tại nhà sách trực tuyến Yes24 của nước này.

Sự phổ biến của loài mèo thời gian gần đây thường xuất phát từ lối sống hiện đại và số lượng người độc thân ngày một gia tăng tại Hàn Quốc. Mèo vốn ít cần quan tâm và chăm sóc hơn chó. Nhiều người nói rằng khi xem video về mèo, họ có cảm giác đang được chữa lành trong tâm hồn.

Park Jung-yoon, một bác sỹ thú y nổi tiếng ở Hàn Quốc, tin rằng sự phổ biến ngày càng tăng của loài mèo có nguồn gốc từ một thay đổi trong xã hội Hàn Quốc.

"Mọi người từng thích chó vì sự trung thành vô điều kiện, đặc tính động vật sống theo bầy đàn, và sự tuân lệnh tuyệt đối của chúng, tương tự như điều mà xã hội Hàn Quốc từng có lúc kỳ vọng ở công dân của mình. Nhưng ngày nay, mọi người có xu hướng đi theo chủ nghĩa cá nhân hơn, và bản tính độc lập của loài mèo, cùng với hình ảnh như một kẻ xa lạ của chúng, ngày càng lôi cuốn người ta hơn"

Park Jung-yoon đang khám cho một chú mèo

Những người nuôi mèo ở Hàn Quốc thường tự nhận mình như "con sen", một từ miêu tả khá đúng mối quan hệ giữa chủ nhân và mèo của họ.

Một khảo sát thực hiện bởi Seoul Metropolitan Government vào năm 2019 cho thấy mèo thường được chọn nuôi bởi những người sống đơn độc. Một khảo sát khác vào tháng trước cho thấy những hộ chỉ có một người chiếm hơn 30% tổng số hộ gia đình trên toàn quốc.

Sự phổ biến của loài mèo trong những hộ độc thân thậm chí còn dẫn đến sự xuất hiện của những thiết kế nhà đặc biệt.

Pet Heim là một công ty thiết kế nhà chuyên phục vụ những người nuôi thú cưng. Video quảng cáo của công ty này miêu tả một chú mèo Ba Tư xanh yêu cầu, "Ê sen, chú tìm thấy nhà cho tụi mình chưa?" và tiếp theo đó là màn giới thiệu một căn hộ được trang bị cửa đi dành riêng cho mèo, tháp cho mèo leo trèo, buồng tắm đặc biệt cho mèo, và nhiều thứ khác.

Mới chỉ một thập kỷ trước thôi, mèo nhìn chung không phải là loài vật được yêu thích tại Hàn Quốc. Mèo hoang, bị gọi là "mèo ăn cướp" vì thói quen lục lọi túi rác để tìm thức ăn thừa bên trong, được xem là loài mang trên mình vi khuẩn mất vệ sinh.

"Thậm chí 10 năm trước, mọi người vẫn nghĩ mèo chỉ giỏi bắt chuột" - theo Park Sang-wook, biên tập của Yaong-yi, tờ báo đầu tiên chuyên về mèo tại hàn Quốc.

"Mèo thường bị xích trong các cửa hàng hay nhà hàng vì mục đích đó. Rõ ràng đang có sự thay đổi. Tôi đã phỏng vấn nhiều người từng sợ mèo cho đến 3 - 4 năm về trước, nhưng kể từ đó xã hội đã nhìn nhận loài mèo dưới góc độ khác, nhiều người cho biết họ bắt đầu thích mèo hơn".

Nếu không được nuôi để bắt chuột, thì chẳng có lý do gì người ta phải giữ mèo trong nhà, do đó nhiều chú mèo phải sống lang thang ngoài đường. Mèo vốn dĩ là loài được sinh ra, lớn lên, và tồn tại dựa vào việc lục lọi túi rác con người để bên ngoài nhà họ, và chết đi khi già hoặc đau ốm ngoài đường.

Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi rõ rệt. Park cho biết số lượng những cuộc triển lãm về thú cưng vào năm 2016 là dưới 10, nhưng đã tăng gấp 4 hoặc 5 lần vào năm 2017 và 2018.

"Nhiều công ty từng chuyên về tổ chức tiệc cưới hoặc sự kiện cho trẻ em nay đã chuyển sang sự kiện cho thú cưng" - Park nói.

Tỉ lệ sinh sản của Hàn Quốc thuộc nhóm thấp nhất thế giới, đạt 0,84 vào năm 2020. Trong khi đó, theo OECD, con số này ở Mỹ là 1,73 và Nhật là 1,42.

Có nhiều cửa hàng bán sản phẩm cho mèo mọc lên giống như những cửa hàng bán đồ lưu niệm về các ngôi sao K-drama và K-pop.

"Mèo ngày nay như người nổi tiếng vậy" - Park nói.

Một chủ shop cafe tại Seoul, Noh Hee-jeong nói rằng cô và chú mèo Eve của mình sống cùng nhau bởi cả hai có nhiều nét tương đồng trong tính cách.

"Tôi nghe từ nhiều người rằng mình trông cứng rắn và mạnh mẽ, nhưng bên trong tôi thực ra dễ xúc động và tôi nghĩ Eve cũng như tôi" - cô nói.

Kể từ khi Eve chuyển về sống với cô, Noh Hee-jeong cùng những chủ nhà hàng và quán cafe khác bắt đầu quan tâm đến lũ mèo xung quanh. Họ cho mèo hoang ăn và thường gặp gỡ để quyết định nên làm gì khi phát hiện có mèo bị ốm.

Cô đã mở một chiến dịch gọi là "Chúng ta không vô tri"; để tìm cách thay đổi luật Hàn Quốc, vốn vẫn xem thú cưng như món đồ sở hữu, khiến việc xử lý những kẻ lạm dụng thú cưng trở nên rất khó khăn.

Không phải ai cũng yêu mèo

Sự phổ biến của loài mèo đã dẫn đến nhiều người chọn mèo làm thú cưng, và số lượng mèo hoang cũng tăng cao khi một số quyết định bỏ rơi người bạn đồng hành mới của họ. Nhiều chú mèo hoang sau đó trở thành nạn nhân bị lạm dụng, hoặc bị ốm, và rồi bị đưa vào trại động vật. RAY, hoạt động từ nâm 2018, là một trong nhiều trại động vật mới mở dành cho mèo tại Seoul.

"Các loài động vật có thể sinh tồn trong hệ sinh thái của riêng chúng, nhưng trước sự thay đổi nhanh chóng như hiện nay, chúng cần chúng ta giúp. Đã đến lúc con người chăm sóc động vật" - theo Kim Eun-hee, nhà sáng lập RAY.

Cơ quan cách ly động vật và thực vật từng mở một dự án vào năm 2016 nhằm bắt hết mèo hoang, triệt sản chúng, rồi thả chúng về lại nơi trú cũ - tất cả đều dùng quỹ từ chính phủ.

Tuy nhiên, chứng đó là chưa đủ, và nhiều trại động vật đã vượt quá khả năng tiếp nhận. RAY không phải là ngoại lệ khi có khoảng 90 chú mèo đang được nuôi dưỡng trong một toà nhà nhỏ 2 tầng ở phía bắc của Seoul. Kim hi vọng cô có thể chuyển sang một cơ sở lớn hơn, nơi có đủ điều kiện để RAY phát triển hơn nữa nhằm giải cứu thêm nhiều mèo hơn.

Nhiều người yêu mèo nói những biện pháp bảo vệ hơn nữa thú cưng và mèo hoang chắc chắn là rất cần thiết, nhưng không ai có thể chối bỏ rằng hình ảnh của loài mèo đã tiến triển rất mạnh mẽ.

Viên chức Choi của thành phố Goyang nhớ lại rằng cô "chưa bao giờ mơ một chú mèo sẽ trở thành nhân vật chính thức của thành phố bởi những ấn tượng không tốt về mèo trước đây". Và suy nghĩ đó vẫn còn tồn tại chưa đầy 10 năm về trước.

Hàn Quốc nổi tiếng là một xã hội phát triển với tốc độ cao - nhưng kể cả khi xét theo những tiêu chuẩn đó, sự trỗi dậy của loài mèo vẫn gây ngạc nhiên lớn. Từ "những tên trộm bẩn thỉu ngoài đường phố" đến những chú thú cưng được chăm sóc chu đáo và ngôi sao mạng xã hội, loài mèo ở Hàn Quốc có lẽ đang trải qua những thay đổi thậm chí còn nhanh hơn cả bản thân quốc gia này!

Minh.T.T (theo CNN)

Chủ đề khác