VnReview
Hà Nội

Vì sao bài phát biểu năm 2005 của Steve Jobs tại Stanford lại bất hủ

Mùa bế giảng ở Mỹ đã bắt đầu. Các diễn giả nổi tiếng sẽ sử dụng sự thông thái của họ, nỗ lực truyền đạt cảm hứng sống và làm việc cho các sinh viên sắp tốt nghiệp.

Nhưng dù thế nào, không phải tất cả các bài phát biểu đều như nhau. Một số sẽ bị lãng quên ngay lập tức, trong khi một số khác khác cực kỳ gây chú ý. Nhưng mà, ít có bài diễn thuyết nào lại đạt được vị thế như bài phát biểu của Steve Jobs tại trường Đại học Stanford vào năm 2005.

Đó là một bài phát biểu hiếm hoi đã trường tồn trong hơn 15 năm qua, đạt gần 40 triệu lượt xem trên YouTube. Đây là bài phát biểu được xem nhiều nhất mọi thời đại - không phải là không có lý do chính đáng.

Steve Job như một biểu tượng trong kinh doanh và văn hóa, người đồng sáng lập Apple là một nhân vật của công chúng nhưng vẫn bí ẩn; hấp dẫn đúng như các sản phẩm mới mà ông từng công bố tại các sự kiện ra mắt. Quan điểm độc đáo của Jobs, con mắt thẩm mỹ của ông trong từng phát minh, được cho là cửa ngõ dẫn đến thành công của Apple: đó là công nghệ khoác trong chiếc áo cái đẹp. Nhưng cũng giống như các sản phẩm của Apple, đằng sau vẻ ngoài bóng bẩy luôn ẩn chứa các hoạt động bất ngờ bên trong, không hề dễ dàng để hiểu được con người Steve Jobs.

Khi ông nói, mọi người lắng nghe. Nhưng hiếm khi Jobs chia sẻ về bản thân một cách trần trụi như ông đã làm với các sinh viên tốt nghiệp vào ngày tháng 6/2005 ở California.

"Tôi đã ở gần cái chết nhất"

Bài phát biểu của Jobs tiếp nối ba câu chuyện trong cuộc đời ông. Thứ nhất, ông kể một giai thoại về việc bỏ học đại học; thứ hai, về những bài học mà ông đã học được từ việc bị Apple sa thải vào năm 1985; và cuối cùng là những suy tư của ông về cái chết.

Nếu hai câu chuyện đầu tiên gần gũi và dễ hiểu, để bạn cảm thấy tin tưởng và tìm ra những gì bạn yêu thích, thì câu chuyện thứ ba sâu sắc hơn. Năm 2005, căn bệnh ung thư của Jobs đang trong giai đoạn theo dõi sau cuộc phẫu thuật thành công. "Đây là lần tôi đối mặt cận kề nhất với cái chết, tôi hy vọng sẽ không còn lần đối mặt nào trong vài thập kỷ nữa", ông nói.

Căn bệnh cùng với lần đối mặt tử thần khiến Jobs tập trung mạnh mẽ hơn vào các mục tiêu cuộc sống. Trong bài phát biểu của mình, Jobs đã chia sẻ những đức tính tốt đẹp của cái chết, thậm chí mô tả cái chết "rất có thể là phát minh tốt nhất duy nhất của sự sống".

"Luôn ghi nhớ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất mà để tôi tránh được cái bẫy suy nghĩ rằng vẫn có thứ gì đó để mất", ông nói với các sinh viên tốt nghiệp.

"Thời gian của bạn là có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc sống của người khác ... Hãy can đảm làm theo trái tim và trực giác của bạn. Bằng cách nào đó, trái tim biết bạn thực sự muốn trở thành gì".

Ngày đó Steve Jobs không phải là tỷ phú công nghệ; ông chỉ đơn giản là một người đã cảm thấy sự kìm kẹp của tử thần và ông tự do hành động. Ông đã nói chuyện với các sinh viên, những người sắp bắt tay vào thực hiện những hành động đầu tiên của họ.

Carmine Gallo, một nhà huấn luyện và tác giả truyền thông, cho biết: "Bài diễn thuyết gần giống như Jobs đang đưa ra lời khuyên cho thế hệ doanh nhân tiếp theo".

Jobs đã không bao giờ có thêm những thập kỷ như vậy, ông qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2011 ở tuổi 56.

Tháng trước, bà góa phụ của Jobs, nữ doanh nhân Laurene Powell Jobs, đã có bài phát biểu khai giảng trước các sinh viên tại Đại học Pennsylvania. Bà nhớ lại kỷ niệm về người chồng quá cố của mình và bài phát biểu năm 2005 của ông, mang thêm một nguồn sống cho những người tham dự. "Một trong những khía cạnh đẹp nhất của cuộc sống là hòa nhập những người bạn yêu thương và đã mất vào con người của bạn. Chúng ta nhìn thấy nhiều hơn - và chúng ta hiểu nhiều hơn - để rồi chúng ta yêu nhiều hơn", bà nói.

"Steve từng nói: 'Công việc sẽ chiếm một phần lớn cuộc đời bạn, cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin đó là công việc tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm được công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm. Nếu bạn chưa tìm thấy - hãy tiếp tục tìm".

"Hãy để những lời của Jobs hướng dẫn các bạn như chúng đã hướng dẫn tôi. Cách duy nhất để làm được công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm. Và trong khi bạn đang làm ... hãy yêu người cả những người mà bạn đã vì họ làm việc - và yêu chính bản thân bạn khi bạn đang làm".

Powell Jobs biết bài phát biểu tại Stanford có ý nghĩa như thế nào đối với người chồng quá cố của bà. Vào buổi sáng hôm diễn thuyết, "Tôi gần như chưa bao giờ thấy Jobs lo lắng như vậy", bà nói với các tác giả của cuốn sách "Trở thành Steve Jobs năm 2015".

Truyền lại cảm hứng về bài phát biểu cũng là một lời nhắc nhở kịp thời về hiệu quả của nó, cũng như một tri ân với người đàn ông đằng sau bài phát biểu đó, người mà, không quá khác biệt so với phần còn lại của chúng ta.

Hoàng Lan;(theo CNN)

Chủ đề khác