VnReview
Hà Nội

Làn sóng tháo chạy của các thợ đào Bitcoin khỏi Trung Quốc

Trung Quốc từ lâu đã trở thành trung tâm khai thác Bitcoin trên toàn thế giới, khiến cho lượng điện năng mà nước này tiêu thụ vào mạng lưới tiền điện tử và các cỗ máy đào là rất lớn.

Theo Trung tâm Tài chính của Đại học Cambridge, tính đến tháng 4/2021, có hơn 65% trung tâm đào tiền ảo tập trung ở Trung Quốc. Nhưng sau khi chính phủ nước này nhấn mạnh lập trường "đàn áp các hành vi khai thác và giao dịch Bitcoin" vào hôm 21/5, hàng loạt thợ đào Bitcoin đã tìm cách tháo chạy khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới.

Robert Van Kirk, giám đốc điều hành chợ số Kaboomracks, cho biết các thợ đào Trung Quốc đang điên cuồng bán tháo thiết bị của họ, ngay cả khi chính quyền chỉ mới đe dọa chứ chưa ban hành quy định chính thức.

Nhiều dàn máy khai thác đã qua sử dụng đang được bán với giá rẻ, có khi thấp hơn 40% so với giá ban đầu. Nhà sản xuất Canaan của Trung Quốc cho biết giá máy đào đã giảm 20 - 30% giá trị từ đầu tháng 5, theo Reuters.

Van Kirk cho biết những người thanh lý máy đào có thể là vì họ sắp hết thời gian thuê các trung tâm khai thác tọa lạc tại một số khu vực ở Trung Quốc, nơi có ưu đãi về giá điện và cơ sở hạ tầng được tối ưu hóa. Cộng thêm với việc thông báo của chính phủ được đưa ra, họ đã quyết định bán chúng đi thay vì gia hạn tiếp hợp đồng.

Hiện tại, nhiều công ty khai thác đang có kế hoạch di dời trụ sở đi nơi khác. Một nguồn tin giấu tên cho biết nhiều thợ đào đang hoảng loạn vận chuyển máy móc sang nước láng giềng Kazakhstan ngay trong đêm. Còn những ai không kịp trở tay thì có ý định đóng cửa tạm thời trại khai thác rồi tiếp tục hoạt động kín đáo hơn.

Didar Bekbauov, người sáng lập công ty Xive có trụ sở tại Kazakhstan, chuyên giúp các thợ đào tìm kiếm nơi đặt máy và các hợp đồng năng lượng ở Trung Quốc cho biết suốt 2 tuần qua, ngày nào anh cũng nhận vô số cuộc gọi từ các công ty đào tiền mã hóa muốn chuyển đến Kazakhstan.

"Những người này chờ động thái chính thức từ chính quyền Trung Quốc và đang tìm kiếm phương án B phòng trường hợp bị cấm khai thác", Bekbauov nói.

Kazakhstan chiếm hơn 6% sản lượng khai thác toàn thế giới nhờ giá điện rẻ và khí hậu tương đối lạnh. Quốc gia này cũng giáp với Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Tân Cương, nơi diễn ra 1/3 hoạt động khai thác tiền ảo của Trung Quốc.

Bekbauov ước tính công suất hoạt động của các mỏ đào tại Kazakhstan có thể tăng gấp đôi trong thời gian tới, nhưng cũng có thể đây chỉ là điểm dừng chân tạm thời của các thợ đào trong lúc họ tìm cách xây dựng cơ sở khai thác tại những nơi như Bắc Mỹ.

Ngoài Bekbauov, Alex Brammer, phó chủ tịch công ty Luxor Tech ở Mỹ cũng nhận hàng loạt cuộc gọi từ các thợ đào Trung Quốc chỉ vài giờ sau khi Bắc Kinh đưa ra thông báo hôm 21/5. "Chúng tôi nhận được khá nhiều câu hỏi giống nhau dưới dạng câu ‘Ông có thể lắp đặt 20.000 máy đào trong 14 ngày không?' với giọng điệu vô cùng hốt hoảng", ông cho biết.

Ngoài ra, Brammer nhận định nhiều công ty khai thác sẽ rời Trung Quốc trong vòng 30 – 90 ngày tới.

Các doanh nhân ngoại quốc có thể sẽ là những người đầu tiên tháo chạy khỏi Trung Quốc. Van Kirk cho biết nhiều khách hàng của ông là người phương Tây sống tại Trung Quốc nhưng lại muốn tìm nơi khai thác mới ở Mỹ hoặc Canada.

Bên cạnh Bắc Mỹ, Bắc Âu hay Mỹ Latin cũng được xem là vùng đất tiềm năng để khai thác tiền mã hóa. Nhiều người muốn chuyển đến một nơi ổn định về mặt chính trị, quyền sở hữu được đề cao, có khuôn khổ pháp lý vững chắc và hoàn thiện. Trong số đó, Mỹ, quốc gia khai thác Bitcoin lớn thứ hai thế giới, được xem là điểm đến hấp dẫn.

Lý thuyết là vậy nhưng thực tế không đơn giản. Họ sẽ phải chuyển hàng chục nghìn cỗ máy từ Trung Quốc sang Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch toàn cầu gây ra sự thiếu hụt container vận chuyển, chưa kể căng thẳng Mỹ - Trung sẽ khiến những công ty đang tìm cách di chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ chịu mức thuế đến 25%.

Ngay cả khi vận chuyển thành công, việc thiết lập cơ sở cũng sẽ mất một thời gian dài. Brammer ước tính thời gian để xây dựng một trại khai thác Bitcoin tiêu tốn từ 12 - 24 tháng. "Một số thợ đào Trung Quốc muốn mua điện công suất 500 megawatt, nhưng các cơ sở điện và trang trại khai thác của Mỹ phải từ chối vì không thể đáp ứng", Brammer cho biết.

Edward Evenson, giám đốc phát triển kinh doanh của công ty Braiins, tỏ ra lạc quan hơn. Theo ông, hầu hết các công ty lớn sẽ dễ dàng di chuyển máy móc sang địa điểm mới, còn những công ty nhỏ không có tài nguyên hoặc quan hệ sẽ phải thanh lý bớt. Trên thực tế, hầu hết các thợ đào chưa vội di tản mà đang chờ động thái tiếp theo chính phủ.

Ian Wittkopp, phó chủ tịch của công ty Sino Global Capital cho biết: "Các thợ đào Trung Quốc có khả năng chấp nhận rủi ro cao hơn thợ đào phương Tây. Họ từng trải qua những cú sốc pháp lý tương tự. Chi phí vận chuyển máy móc sẽ đắt đỏ nên đa số thường đợi có thêm tin tức rõ ràng rồi mới bắt đầu hành động".;

Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc giáng đòn vào Bitcoin. "Bất cứ khi nào giá Bitcoin tăng và có cơn sốt đầu cơ quanh đồng mã hóa này, chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra thông báo. Họ đã làm vậy từ năm 2013", Evenson cho biết.

Lần này có thể khác, vì Phó thủ tướng Lưu Hạc đích thân đưa ra thông báo cũng đồng nghĩa với việc chính phủ có kế hoạch hành động quyết đoán hơn. Trước đó, chính quyền Nội Mông đã đề xuất cấm khai thác Bitcoin và các quan chức ở Tứ Xuyên cũng đang định nối gót.

Hoạt động đào Bitcoin làm gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu

Chưa kể, mức độ đầu tư vào Bitcoin ngày càng tăng. Evenson cho rằng một khi đã đầu tư nhiều vốn như vậy vào một dự án, không ai muốn tiếp tục đối mặt với tình trạng bấp bênh hiện tại, thế nên các thợ đào sẽ tìm đến một môi trường ổn định hơn để hoạt động.

Hiện tại, khó có thể nói trước được sự thay đổi của Bitcoin ở Trung Quốc. Nếu nước này thi hành chính sách đàn áp một cách quyết liệt, mạng lưới khai thác Bitcoin trên thế giới sẽ bị phân tán đi khắp nơi. Tuy nhiên, điều này cũng xoa dịu mối lo của nhiều tín đồ tiền điện tử vì họ cho rằng sự tập trung quá mức của các thợ đảo ở một quốc gia độc tài như Trung Quốc có thể khiến đồng tiền ảo gặp nguy hại.

Một kết quả bất ngờ khác cho thấy tác động tiêu cực của Bitcoin đối với môi trường sống của chúng ta. Nội hoạt động khai thác tiền ảo đã tiêu thụ lượng điện năng ngang bằng so với một quốc gia như Hà Lan. Trong khi Đại học Cambridge ước tính rằng chỉ 39% hoạt động khai thác được cung cấp bởi năng lượng tái tạo, và phần còn lại sử dụng năng lượng hóa thạch và thải ra lượng lớn khí thải carbon.

Sự chuyển dịch từ Trung Quốc sang Bắc Mỹ, nơi mà câu hỏi về tác động của Bitcoin đối với môi trường đã trở thành ưu tiên hàng đầu, cùng với việc Trung Quốc đàn áp hoạt động khai thác ở các khu vực sử dụng than có thể nghịch lý với mục tiêu làm cho việc khai thác trở nên xanh hơn.

Ngọc Diệp (Theo Wired)

Chủ đề khác