VnReview
Hà Nội

"Tôi thực sự, thực sự tin rằng, mình sẽ chết nếu không có Facebook"

Những người Hàn Quốc được nhận làm con nuôi cảm thấy bị cô lập và cô đơn trong nhiều thập kỷ, trước khi Facebook mang họ đến với nhau.

Đó là một ngày vào tháng 9 ở Boston, những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt Sarah Gunn. Có thể là do trời nóng và cũng có thể là những mong chờ, cô không chắc lắm. Đứng đợi ở lối vào Castle Island lúc 11 giờ sáng, cô xoa lông mày và đảo mắt quét qua bãi đỗ xe tìm kiếm một người phụ nữ chỉ mới thấy trong ảnh, Diana Clark.

Sarah biết câu chuyện cuộc đời của Diana Clark. Cô biết rằng Diana (tên nhân vật đã được thay đổi) đã có một tuổi thơ phải vật lộn với danh tính, nơi cô thuộc về, và cả sức khỏe tâm thần. Đôi khi nỗi đau ập đến như từng cơn sóng khiến cô nghĩ rằng mình không thể tiếp tục sống nữa. Và Diana cũng thấu hiểu những điều này ở Sarah. Điều khiến mối quan hệ của họ trở nên mật thiết, theo nhiều cách nào đó, mỗi người đều thấy chính mình phản chiếu ở người kia

Cô độc tìm cộng đồng

Được nhận nuôi xuyên chủng tộc và xuyên quốc gia, Sarah và Diana, cả hai đều 36 tuổi, được sinh ra ở Hàn Quốc với cha mẹ là người Hàn Quốc. Nhưng lại lớn lên ở Hoa Kỳ cùng những người da trắng. Lớn lên trong sự cô lập về chủng tộc, phải cố hòa mình với những người da trắng xung quanh, cả hai đều lo lắng rằng có điều gì đó không ổn xảy ra với họ, nhưng không biết phải làm gì, dù chỉ là một chút để giải quyết vấn đề đó.

Trải qua thời thơ ấu ở hai phía đối diện của đất nước, Sarah ở vùng nông thôn Wyoming và Diana ở ngoại ô Boston, cả hai theo học ở các trường đại học khác nhau, thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau cũng như định cư ở các thành phố khác nhau. Họ chưa từng nghĩ vượt ra khỏi lằn ranh đó. Ngoại trừ một ngày nọ trên Facebook, họ bước qua lằn ranh và chính thông qua nền tảng đó, họ không chỉ tìm thấy nhau mà còn cả một cộng đồng được nhận nuôi khác.

Đột nhiên, họ có thể tiếp cận một mạng lưới toàn cầu của những người giống như mình để được cảm thông, thấu hiểu và hỗ trợ. Đây là điều đã giúp họ, cũng như nhiều người khác bắt đầu hiểu về bản thân và các vấn đề sức khỏe tâm thần luôn phủ bóng lên cuộc sống của họ.

Sarah Gunn, người là con nuôi Hàn Quốc, dành thời gian để kết nối với thiên nhiên

Trong thời gian dài, Sarah luôn tự nhủ bản thân không có "vấn đề về việc làm con nuôi", và nhìn bên ngoài, có vẻ là vậy. Nhưng sâu trong thâm tâm, cô biết có điều gì đó không ổn. Khi còn là một học sinh cuối cấp trung học, Sarah đã giành được một học bổng, tuy nhiên khi đến dự lễ trao giải, không ai trong số những người phụ nữ da trắng tham dự mong muốn có tên "Sarah Gunn" trong chương trình. Căn phòng lặng im ngoại trừ mẹ cô, người chào đón tất cả bằng niềm vui.

Đó là một câu chuyện mà Sarah kể ngày hôm nay với sự hài hước, nhưng đó cũng là khoảnh khắc cô nhận ra rằng mình thực tế không có mối liên hệ nào với lịch sử của gia đình nhận nuôi.;Không biết phải làm thế nào để xác định danh tính của mình, không biết phải làm gì. Sarah đã tìm đến mọi dạng tư vấn - hướng dẫn, tôn giáo, tâm lý - và không ai trong số đó thật sự hiểu cô. Khi 16 tuổi, cô bị chẩn đoán nhầm với chứng rối loạn lưỡng cực, ở tuổi đôi mươi, cô bắt đầu nghĩ đến chuyện tự tử.

Tổn thương và tự tử

Các chấn thương gắn liền với cơ thể, giống như một loại ký sinh trùng. Ngay cả khi những trải nghiệm gây ra nó xảy ra ở thời thơ ấu hoặc còn là trẻ sơ sinh, trước khi phát triển ngôn ngữ hoặc khả năng lưu nhớ hình ảnh, tổn thương đó vẫn kéo dài. Đây được xem là những ký ức cơ thể. Chúng mở rộng từ mối quan hệ cơ bản nhất của con người, với mẹ hoặc người nuôi dưỡng, ảnh hưởng đến cảm giác tự tiến lên phía trước.

Theo các chuyên gia, khi chấn thương này không được giải quyết, nó có thể dẫn đến hội chứng căng thẳng hậu sang chấn phức tạp (C-PTSD), bao gồm một loạt các triệu chứng như trầm cảm, lo lắng, thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh và cô đơn.

Một bức ảnh nhóm từ trại hè văn hóa Hàn Quốc mà Sarah đã tham dự khi còn bé ở Colorado

Trong chỉ số nghiên cứu chấn thương, chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về những người được nhận nuôi xuyên quốc gia và tác động tâm lý lâu dài của nó. Không phải tất cả tổ chức tâm thần đều công nhận chấn thương liên quan đến việc nhận con nuôi là một chẩn đoán hợp pháp. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2013 của Đại học Minnesota đối với 692 người Mỹ là con nuôi (hầu hết đến từ Hàn Quốc) và 540 người không phải, đã cho thấy nhiều chỉ số tổn thương mà việc nhận con nuôi xuyên chủng tộc có thể gây ra.

Những người được nhận ở tuổi vị thành niên có nhiều khả năng bộc lộ các rối loạn hành vi gây rối hơn so với bạn đồng trang lứa. Những rối loạn này bao gồm các vấn đề hung hăng, rối loạn kiểm soát xung động, khuynh hướng chống đối, thách thức, giảm chú ý, tăng động. Những người được nhận làm con nuôi ở tuổi vị thành niên cũng có nhiều nguy cơ mắc các bệnh tâm thần khác, vấn đề lạm dụng chất kích thích.

Tuy nhiên, phát hiện đáng kinh ngạc nhất liên quan đến tự sát. Nghiên cứu cho thấy, người được nhận làm con nuôi có nguy cơ tìm cách tự tử cao gấp 4 lần so với những người khác. Điều này được khẳng định bởi một báo cáo của Thụy Điển từ năm 2005, trong đó nói rằng trẻ nhận nuôi xuyên quốc gia ở Thụy Điển có khuynh hướng tự tử cao gấp 3-5 lần, so với dân số chung.

Những người được nhận làm con nuôi có thể tìm đến cái chết vì cô độc

Trong sự thiếu vắng chăm sóc và can thiệp lâm sàng hiệu quả, nghiên cứu đã cho thấy một yếu tố bảo vệ quan trọng đối với những người được nhận nuôi có nguy cơ tự tử. Đó là sự kết nối với cộng đồng. Nhưng đối với những con nuôi Hàn Quốc sống ở các khu vực đại đa số là người da trắng, việc tìm kiếm một cộng đồng như vậy đòi hỏi rất nhiều kỳ công hoặc may mắn.

Họ có thể gặp nhau tại các sự kiện trực tiếp do các hiệp hội tổ chức, ngoài ra họ có thể tham dự các trại văn hóa hàng năm, các chuyến du lịch quê hương và các hội nghị chuyên ngành. Nhưng những lựa chọn như vậy, bất chấp một số cơ hội tài trợ từ các cơ quan nhận con nuôi và chính phủ Hàn Quốc, thường rất tốn kém và nhiều người nhận làm con nuôi không hề biết chúng tồn tại ngay từ đầu.

Sau đó, Facebook xuất hiện và phạm vi tiếp cận triệt để của nó đã thay đổi mọi thứ.

Mạng xã hội xuất hiện

Mười bốn năm trước khi Sarah và Diana gặp nhau lần đầu tại Castle Island, Doug Erling, một người được nhận làm con nuôi hiện đã 33 tuổi, đang ngồi bên máy tính của mình tại bang New Jersey để tạo nhóm Korean American Adoptees (KAA) (tạm dịch: Con nuôi Mỹ gốc Hàn). Nơi mà sau này sinh ra nhóm nhỏ đưa hai người phụ nữ trên đến với nhau.

Các thành viên đầu tiên của KAA là những người mà Doug quen biết mang tính cá nhân, sau đó họ lần lượt mời bạn bè tham gia, nhóm dần phát triển qua truyền miệng. Vì Facebook yêu cầu địa chỉ email .edu vào thời điểm đó, chủ yếu những ai đang học đại học mới có thể tiếp cận. Nhưng khi nền tảng mở cửa đến cộng đồng, những gì đã bắt đầu chỉ với vài chục sinh viên đã biến thành một vũ trụ của chính nó, vượt qua nhiều thế hệ, địa lý, chính trị, thậm chí cả ý kiến ​​trái chiều. Ngày nay, hơn 6.700 người thuộc KAA.

Dù lớn lên cùng như một người Mỹ, nhưng những người là con nuôi gốc Hàn vẫn cảm thấy lạc lõng (ảnh: The Nation)

Đối với nhiều người, những không gian được tạo nên bởi họ và cho họ - người được nhận nuôi - là một sự giải thoát hoàn toàn. Một thứ gì đó chỉ dành cho họ, thứ chưa từng được biết đến: được chấp nhận ngay lập tức, không cần phải giải thích hoặc biện minh cho chính mình, quyền tự do nói lên những cảm xúc phức tạp, đôi khi là những cảm xúc mâu thuẫn về việc được nhận làm con nuôi, công nhận những trải nghiệm của họ và những tương tác rất nguyên sơ của con người.

Đối với Sarah, người từ lâu đã tò mò về việc có bao nhiêu người khác giống như mình ở ngoài kia, cuộc sống của cô ấy đã thay đổi vào cái ngày gõ "những con nuôi Hàn Quốc" vào hộp tìm kiếm của Facebook và nhìn thấy kết quả. "Dường như việc tìm kiếm những thứ như vậy khá tự nhiên, nhưng vẫn rất ngạc nhiên và thú vị khi thấy chúng tồn tại. Thật là tệ khi bạn không nhận ra có nhiều người như vậy trong chúng ta", cô nhớ lại. Bỗng dưng, cô không còn cô đơn nữa. Một thế giới mới đã đã được mở ra.

"Bạn sẽ tiếp tục vào nửa đêm và sẽ có người thức dậy, tất cả sẽ cùng trò chuyện với nhau", cô nhớ lại những ngày đầu trong nhóm. Những người được nhận làm con nuôi sẽ dành hàng giờ tương ứng, chia sẻ những kỷ niệm và câu hỏi về trải nghiệm của họ, đồng thời thu nhặt và so sánh các câu trả lời.

Nó là chất xúc tác và sự tự do, gần như là phấn chấn. Nhiều người nhận thấy mình tiết lộ những chi tiết riêng tư nhất của cuộc sống của họ cho những người hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên, những người xa lạ này lại đem đến cảm giác như gia đình. Đối với một số người, những người bạn trên Internet này là những con nuôi Hàn Quốc đầu tiên họ từng gặp. Đó là lần đầu tiên họ tìm thấy sự cảm thông trong cảm giác cô lập.

Nhưng quan trọng nhất đối với Sarah, nhóm Facebook là nơi mà bằng cách quan sát và trò chuyện với những người đồng cảnh ngộ khác, cô đã cảm thấy thoải mái để nói về việc được nhận làm con nuôi và sức khỏe tinh thần chính mình. "Theo một cách nào đó, chúng tôi đang giải mã vết thương lòng của chính mình. Bạn đang nhìn vào chính mình", cô nói. Đó là khi cô nhận ra, câu chuyện về những mất mát và bị bỏ rơi của mình có thể giúp giải thích cho những tranh đấu của bản thân với chứng trầm cảm và ý tưởng tự tử.

Nghĩ đến cái chết

Các trường hợp con nuôi khác cũng mô tả lại những lần thức tỉnh tương tự. Ở trường cấp hai, Emilee van Norden, năm nay 35 tuổi, thường bị chứng thở gấp. Cô không biết cách để nói rõ lý do tại sao chỉ vì cảm giác xấu hổ, khác biệt sẽ chỉ làm sâu sắc thêm sự nhục nhã. Một bác sĩ đã chẩn đoán nhầm cô mắc bệnh hen suyễn. Emilee van Norden đã được cho dùng ống hít và máy phun sương, tất nhiên không mang lại kết quả gì.

Cho đến khi bệnh hen suyễn của cô được chẩn đoán chính xác là những cơn hoảng loạn, cô được cho dùng thuốc chống lo âu. Nhưng Emilee van Norden tin rằng, điều duy nhất khiến cô cảm thấy tốt hơn là tự chữa trị. Cô ấy nghiện oxycodone, coke và heroin; rơi vào các mối quan hệ bị ngược đãi, lạm dụng thuốc và bị bắt. "Sự trống rỗng không bao giờ biến mất. Không thể trốn thoát. Tôi thực sự tự hỏi liệu nó có bao giờ dừng lại không, liệu có thể lấp đầy lỗ hổng đó không", cô nói.

Vào năm 2020, Emilee rơi vào trạng thái tồi tệ nhất. "Vấn đề ở đây là gì? Tôi chỉ không muốn tiếp tục như thế nữa" cô nhớ về những gì mình đã từng nghĩ. Đó là khi cô ấy tìm thấy các nhóm KAD (con nuôi) trên Facebook và bắt đầu đọc các bài đăng, hết bài này đến bài khác. Trong khi duyệt web, cô đã rất ngạc nhiên khi tình cờ thấy một tab có nhãn "cố vấn", nơi có hàng trăm người đang đề nghị được trò chuyện trực tiếp.

Trong số đó, Emilee tình cờ gặp được một người được nhận nuôi tên là Pamela, người có tiểu sử mang lại sự đồng cảm cho cô. Vì vậy, Emilee đã nhấp vào "bắt đầu cuộc trò chuyện" và khởi đầu cho những tin nhắn đầu tiên. Pamela trả lời trong vòng vài phút. "Tôi không biết phải làm sao để có thể vượt qua điều đó nếu không có cô ấy. Tôi như trong tình thế hết sức ngặt nghèo. Trò chuyện với Pamela có tác dụng trị liệu tốt hơn là nói chuyện với bác sĩ trị liệu của tôi".

Diana cũng phải vật lộn với nhu cầu được tư vấn. Khi còn bé, cô phải chịu đựng hội chứng giấc ngủ kinh hoàng, rối loạn lo lắng vì xa cách, thay đổi tâm trạng đột ngột. Nhưng các bác sĩ trị liệu mà cô gặp cho biết không tìm thấy bất cứ điều gì bất ổn. Những vấn đề chưa được giải quyết của Diana xuất hiện đầy ngột ngạt cùng với giai đoạn đầy cảm xúc trong những năm đầu đại học, khi cô tìm hiểu ý nghĩa của việc trở thành một người Mỹ gốc Á là gì. Ở tuổi đôi mươi, cô đã định tự tử.

Nhiều năm sau, Diana cho rằng mối quan hệ tạo dựng với những người được nhận nuôi khác thông qua Facebook đã cứu mạng cô. Diana nói: "Mạng xã hội đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho chúng tôi với tư cách là một người thuộc cộng đồng nhập cư. Tôi thực sự, thực sự tin rằng, mình sẽ chết nếu không có nó", cô nói.

Hòa nhập và xa lánh

Một trong những yếu tố lớn nhất khiến những người Hàn Quốc được nhận làm con nuôi xuyên quốc gia muốn tự tử, là liệu họ có quay lại Hàn Quốc hay không, liệu họ có tận mắt chứng khiến những góc cạnh khắc nghiệt của đất nước từng chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của họ hay không. Hàn Quốc ngày nay khác hẳn so với đất nước ở thời kỳ đỉnh cao của kỷ nguyên con nuôi, tuy nhiên, nhiều thông lệ cũ vẫn còn tồn tại.

Album ảnh gia đình của Sarah, với những bức ảnh của cô khi còn nhỏ

Theo một cuộc khảo sát do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc (KIHASA) thực hiện, hơn một nửa số người Hàn Quốc được nhận làm con nuôi cảm nhận thái độ của người Hàn Quốc bản xứ đối với họ là tiêu cực. Có khoảng 15% coi đó là "thù địch" hoặc "phân biệt đối xử". Một số người cho biết, họ đã bị từ chối công việc dạy tiếng Anh vì các nhà tuyển dụng không cho rằng họ giống người nói tiếng Anh bản ngữ. Những người khác lại nói, họ là mục tiêu của những nhận xét xúc phạm, những câu hỏi thiếu tế nhị, đôi khi thô lỗ. Họ gặp khó khăn khi kết bạn với người Hàn Quốc ở quê hương.

Ở xứ kim chi, nhận thức của cộng đồng về những người Hàn được nhận nuôi xuyên quốc gia đang được cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế. Nhiều người không biết về các vấn đề danh tính, những cuộc đấu tranh sức khỏe tâm thần mà những người được nhận nuôi có thể "mang theo" khi trở về nơi này.

Cách đây vài năm, vài phụ nữ Hàn Quốc trong một nhóm nghiên cứu tiếng Anh bắt đầu nghe về những người được nhận nuôi, khi trở về quê hương chỉ nhận được sự ghẻ lạnh. Họ quyết định làm điều gì đó để khiến những người này cảm thấy được chào đón. Họ không phải là nhân viên xã hội hay điều tra viên tư nhân được đào tạo, nhưng một trong những thành viên của họ, Kim Yu-kyeong, trước đây đã giúp một người được nhận nuôi tìm kiếm mẹ ruột. Cô đã tận mắt chứng kiến ​​những thách thức mà người trở về gặp phải.

Trước khi tìm kiếm, Yu-kyeong nói rằng cô, giống như hầu hết người Hàn Quốc, không biết gì về việc nhận con nuôi ở nước ngoài. "Tôi thấy chính phủ và xã hội của chúng ta thờ ơ với những người được nhận làm con nuôi đến mức nào", cô nói và coi đây là "cơ hội để đối mặt với mảng tối trong lịch sử Hàn Quốc". Với suy nghĩ này, Yu-kyeong và những người phụ nữ khác đã quyết định tạo lập một cộng đồng trực tuyến, kết nối với những con nuôi quốc tế, cả ở nước ngoài lẫn Hàn Quốc.

Mặc dù hai nền tảng Internet phổ biến nhất là Naver và Daum, nhưng những người phụ nữ biết rằng để tiếp cận các con nuôi quốc tế, họ cần sử dụng Facebook. Vì vậy, vào năm 2019, họ đã lập một nhóm riêng có tên "Banet", bắt nguồn từ tiếng Hàn chỉ quần áo trẻ sơ sinh và từ "bassinet". Chỉ với hơn 350 thành viên, tổ chức này tự mô tả mình là "một nhóm phụ nữ Hàn Quốc hỗ trợ và giúp đỡ những con nuôi gốc Hàn".

Kim Yu-kyeong, người đứng đầu Banet

Trong nhóm riêng, Yu-kyeong và những phụ nữ Banet khác liên lạc với người được nhận làm con nuôi từ khắp nơi trên thế giới, hỗ trợ họ tìm kiếm gia đình ruột thịt của mình, kết nối họ với các cơ quan của chính phủ, cảnh sát, dịch tài liệu… Thông qua công việc của mình, nhóm đã có thể tìm ra tên thật của nhiều con nuôi (đôi khi bị đánh tráo hoặc giả mạo trong quá trình tiếp nhận con nuôi), dịch những bức thư của họ đến cha mẹ ruột bằng tiếng Hàn.

Trong nhóm Banet, những con nuôi cùng thảo luận về mong muốn và nỗi sợ. Những người phụ nữ lắng nghe sự đồng cảm khi các con nuôi chia sẻ câu chuyện của họ. Như là câu chuyện một người đàn ông dành nhiều năm quan sát những người thân ruột thịt của mình, chỉ với ước mong được chào đón. Những người khác viết về sự đoàn tụ với mẹ ruột, nhưng rồi được biết là không muốn tiếp tục giữ liên lạc. Trong khi một số thường bắt đầu quá trình tìm kiếm gia đình thất lạc với hy vọng tình yêu có thể thay đổi tất cả. Cuối cùng, lại chỉ là những người xa lạ gặp gỡ những người xa lạ.

Một trong những rào cản chính đối với người trở về là họ được nhìn nhận hợp pháp như người nước ngoài, mặc dù đang ở quốc gia nơi họ sinh ra. Chỉ một phần nhỏ hành động để đòi lại quốc tịch Hàn Quốc. Với số lượng thấp như vậy, khi đề nghị chính phủ hỗ trợ tái hòa nhập và quyền được biết gốc tích của họ, những con nuôi gốc Hàn bị lu mờ bởi phe ủng hộ ngành công nghiệp nhận con nuôi.

Yu-kyeong nói: "Chính phủ Hàn Quốc đã không nỗ lực làm việc để giúp đỡ những người được nhận làm con nuôi. Các cơ quan dịch vụ nhận con nuôi có nhiều tiền và quyền lực để kiểm soát chính trị gia, hơn các nhóm hoạt động vì con nuôi. Nếu hệ thống hoạt động tốt, những người được nhận nuôi sẽ không có lý do gì để yêu cầu chúng tôi giúp đỡ".

Trong bối cảnh không có một hệ thống hỗ trợ xã hội toàn diện, Banet sẽ làm những gì có thể. Mặc dù các con nuôi nói rằng không ai làm được nhiều điều cho họ hơn Banet, Yu-kyeong khẳng định công việc của cô ấy không có gì đặc biệt. "Những gì chúng tôi làm là những điều mà bất kỳ người bình thường nào cũng có thể làm được".

Một gia đình nhận con nuôi gốc Hàn

Con nuôi không có lựa chọn

Năm 2012, Sarah chuẩn bị đi du lịch Hàn Quốc lần đầu tiên. Cô sẽ gặp mẹ ruột của mình, người mà cô đã gặp một lần trước đây ở Oregon sau khi họ tìm thấy nhau thông qua công ty nhận con nuôi. Nhưng chắc chắn rằng lần hội ngộ này, diễn ra ở quê hương tổ tiên, sẽ mang lại cảm giác khác biệt. Viễn cảnh về nó thật choáng ngợp đối với Sarah. Vì vậy, cô xin lời khuyên từ những người đã trải qua chuyện tương tự.

Lời khuyên là hãy chắc chắn rằng đã sẵn sàng về mặt cảm xúc cho chuyến đi, bởi vì một khi đặt chân đến Hàn Quốc, theo một nghĩa nào đó sẽ là không thể quay đầu được nữa. Vì vậy, Sarah đã có một buổi gặp gỡ với bác sĩ trị liệu của mình, thu dọn hành lý và tạm biệt gia đình. Sau đó, lên máy bay và chuẩn bị tinh thần cho những gì sắp đến.

Sarah và mẹ ruột của cô đã dành khoảng 10 ngày kỳ lạ để đi du lịch khắp Hàn Quốc, nhìn thấy những ngôi mộ chôn cất cũ, những ngôi nhà hanok, cung điện và đền thờ, hít thở hương thơm của hoa sen, cảm nhận ánh nắng mặt trời chiếu vào mặt họ trên bờ biển. Theo một số cách, đó giống như một sự giải tỏa nhẹ dịu.

Khi chuyến đi với mẹ ruột của cô gần kết thúc, Sarah biết vẫn còn một việc cô cần phải làm: đến trung tâm nhận con nuôi. Sarah muốn được xem lại hồ sơ cũ về mình. Cô không chắc liệu việc lướt qua tập tài liệu đã hoen mờ có giúp mang lại chút bình yên nào trong tâm hồn hay không, nhưng dù sao, cô cũng cần phải làm điều đó.

Ở Hàn Quốc, tồn tại một ngành công nghiệp nhận con nuôi (ảnh: Hyphen)

Họ đã đi vào một ngày thứ Sáu ẩm ướt của tháng 7. Một nhân viên hướng dẫn họ ngồi đợi. Giữa những âm thanh sột soạt của giấy tờ, tiếng bút nguệch ngoạc và tiếng xì xào của nhân viên, một cánh cửa mở ra và 3 người bước vào. Một người phụ nữ có vẻ ngoài trẻ như thiếu nữ đang ở cùng mẹ và con trai, một đứa bé mới chập chững biết đi.

Người phụ nữ lớn tuổi được đưa cho một số giấy tờ để ký, trong khi con gái bà thất vọng đứng bên cạnh, cơ thể mềm nhũn và đôi mắt trống rỗng vô hồn. Khi một nhân viên bước vào để đưa cậu bé đi, người phụ nữ không đứng đó để nhìn. Nhưng Sarah đã làm, và cô ấy hoảng sợ. Khi cổ họng Sarah khép lại, cậu bé bắt đầu rên lên một tiếng đau khổ không thể nhầm lẫn được. Sau đó, cậu bé mất hút dần.

Sarah đã dành thời gian còn lại trong ngày tự nhốt mình trong căn hộ của mình để khóc. Cô ấy không nói chuyện với bố mẹ nuôi của mình, không nói chuyện với mẹ ruột. Trong khoảnh khắc đó, cô ước mình được giãi bày với một chuyên gia trị liệu, nhưng cô không biết phải bắt đầu tìm một bác sĩ trị liệu bằng cách nào và ở đâu. Vì vậy, cô chỉ đơn giản ngồi đó, đông cứng trong không gian, thổn thức.

Tất nhiên, những gì Sarah nhận ra ở cậu bé chính là trải nghiệm của chính cô. Sự bất lực mà những người được nhận nuôi cảm thấy khi bị chia cắt khỏi gia đình ruột thịt khi còn quá nhỏ, cũng không khác mấy sự bất lực trải qua khi trở về Hàn Quốc lúc trưởng thành. Đó là cảm giác xấu hổ, không thể phát âm tên tiếng Hàn, hoặc đọc và viết tiểu sử của chính bản thân.

Điều đáng buồn, cho dù họ cố gắng giành lại thế nào chăng nữa, sẽ không bao giờ được coi là  một người Hàn Quốc "thực thụ". Con nuôi luôn là đứa trẻ sơ sinh, bị mắc kẹt trong khoảng không thời gian đó dù đã trưởng thành.

Hôm nay, Sarah đang ở Seattle để khởi động một dự án kinh doanh kính mắt cho người châu Á. Còn Diana, người phụ nữ mà cô gặp trong ngày rạng rỡ hôm đó ở Boston, đang học tiếng Hàn ở Seoul. Ở cách nhau 16 giờ đồng hồ và bận rộn, cả hai không còn nói chuyện với nhau thường xuyên như trước. Tuy nhiên, chỉ cần biết người còn lại đang ở ngoài kia, chỉ cần một tin nhắn hoặc bình luận trên Facebook đã là đủ đối với họ.

Giang Vu (theo Rest Of World)

Chủ đề khác