VnReview
Hà Nội

Mệt mỏi với văn hóa 996, dân Trung Quốc đổ xô xem Friends để giải tỏa

Vào một buổi chiều cuối tháng 5, quán cà phê Central Perk nhanh chóng trở thành điểm nóng nhất ở thành phố Hàng Châu, miền đông Trung Quốc.

Mọi người bắt đầu đổ xô vào quán cà phê lúc 3 giờ chiều, chen chúc trên chiếc ghế sofa màu cam sang trọng, ngồi trên tay vịn và dựa cả vào quầy bar. Chẳng mấy chốc, những ai đến muộn chỉ còn có thể đứng.

Tất cả họ đều chìm đắm trong một nỗi ám ảnh chung: chương trình truyền hình Mỹ "Những người bạn" (Friends).

Gần 30 năm sau mùa đầu tiên, bộ phim sitcom Friends của Mỹ vẫn có một lượng người theo dõi khổng lồ trên khắp thế giới. Và ở Trung Quốc, niềm đam mê chương trình vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng triệu người hâm mộ.

Đối với nhiều thế hệ thanh niên Trung Quốc, lối sống thoải mái, thích uống cà phê của các nhân vật đã là một hình mẫu quyến rũ đáng khao khát - và là một lối thoát khỏi những thất vọng của lối làm việc "996" mệt mỏi và việc bị cha mẹ thúc ép, áp đặt. Bộ phim sitcom được khẳng định chắc chắn là phim truyền hình phổ biến nhất mọi thời đại của Trung Quốc.

Trên trang đánh giá Douban của Trung Quốc, "Friends" là bộ phim hài Mỹ được đánh giá cao nhất với điểm trung bình là 9,8 trên 10, cao hơn cả "Modern Family" (9,5), "The Big Bang Theory" (9,3) và "Sex and the City" (9,0).

Cuộc hội ngộ "Friends" là sự kiện được mong đợi nhiều, chứng kiến ​​cả sáu diễn viên chính lần đầu tiên tái hợp sau nhiều năm. Hầu hết các nền tảng phát trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc - bao gồm iQiyi, Tencent Video và Youku - đã mua bản quyền chương trình đặc biệt này. Vào ngày 27/5, khi nó đang được phát sóng, một hashtag liên quan đã nhận được hơn 1 tỷ lượt xem trên Weibo - ứng dụng xã hội giống Twitter của Trung Quốc.

Tại Hàng Châu, nhiều người dân địa phương đã nghỉ làm để tham dự bữa tiệc ngắm cảnh vào giữa buổi chiều tại Central Perk - một quán cà phê được bài trí copy theo bối cảnh trong phim Friends, nằm một góc yên tĩnh của trung tâm thành phố Hàng Châu. Khi các diễn viên xuất hiện, một số người hâm mộ đã khóc. Chủ quán cà phê, Du Xin, nói rằng ông ấy cũng đã rơi nước mắt.

"Tôi đã bị sốc", Du nói. "Không còn chỗ để ngồi. Hầu hết mọi người chỉ đứng, cười phá lên khi xem chương trình".

Đối với Du, "Friends" không chỉ là giải trí: Đó là toàn bộ triết lý sống. Lần đầu tiên anh bắt đầu say sưa xem bộ phim này là vào cuối những năm 2.000 sau một cuộc chia tay khó khăn. Sau đó, tình yêu của anh ấy dành cho chương trình đã "vượt quá tầm kiểm soát".

Lấy cảm hứng từ nhân vật Chandler Bing - người đã từ bỏ công việc nhàm chán, nhưng nặng nề tại một công ty đa quốc gia - Du quyết định từ bỏ sự nghiệp kỹ sư để theo đuổi ước mơ của mình. Anh đổ tiền vào xây dựng một quán cà phê bản sao như trong Friend tại Central Perk ở Bắc Kinh và bắt đầu tự gọi mình là Gunther - theo tên nhân viên pha chế say mê của chương trình.

Giờ đây, anh sở hữu quán cà phê "Friends" ở 5 siêu đô thị của Trung Quốc. Khi không điều hành công việc kinh doanh, Du thích đi chơi với vợ, người mà anh thích gọi là Rachel và cậu con trai nhỏ, Joey. Anh ấy đã dạy cậu bé một vài cụm từ tiếng Anh, bao gồm cả "how you doin'? "

Vị thế độc nhất của Friends ở Trung Quốc một phần là do tuổi thọ của nó. Khi Du bắt đầu học đại học vào đầu những năm 2.000, "Friends" đã rất nổi tiếng. Mặc dù bộ phim sitcom này chưa bao giờ được phát sóng trên truyền hình Trung Quốc, nhưng nó đã lan truyền như cháy rừng trên thị trường chợ đen, thông qua các băng ghi âm, DVD và các trang web chia sẻ tệp tin.

"Nếu bạn là một người ngoài 40 tuổi, bạn hẳn đã xem chương trình này," Du nói.

Không phải là chương trình nước ngoài duy nhất được phát, nhưng "Friends" ngay từ đầu đã có sức hút đặc biệt. Điều này một phần là do nó quá dễ hiểu, những câu chuyện cười có thể tiếp cận được ngay cả với những người chưa từng trải qua cuộc sống ở một quốc gia khác.

Wu Hui, giáo sư tại Đại học Truyền thông Trung Quốc, người chuyên nghiên cứu các chương trình truyền hình phương Tây, cho biết "Friends" quen thuộc với tất cả nhân loại. "Ngành công nghiệp truyền hình Mỹ đã sản xuất một chương trình thích ứng với các nền văn hóa nước ngoài".

Đối với nhiều người hâm mộ Trung Quốc ban đầu, "Friends" là những giới thiệu đầu tiên, hấp dẫn về cuộc sống ở Mỹ. Bộ phim dường như đến vào thời điểm hoàn hảo. Nó phù hợp với tâm trạng lạc quan, hướng ngoại ở Trung Quốc vào những năm 2.000, khi tầng lớp trung lưu mới nổi của đất nước này khao khát những ý tưởng và trải nghiệm mới.

Wu nói: "Nhiều người Trung Quốc bắt đầu đi du học ở nước ngoài theo chính sách "cải cách và mở cửa" của đất nước, quá trình tự do hóa kinh tế của Trung Quốc bắt đầu vào cuối những năm 70. Đồng thời, mọi người khao khát những thứ kỳ lạ như xe hơi phương Tây, quần áo kiểu phương Tây".

Màn hình TV đang phát lại đoạn phim "Friends: The Reunion" tại quán cà phê Central Perk, ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.

Friends cũng mang tính giáo dục. Đối với giới trẻ Trung Quốc, xem lại "Friends" là một cách tuyệt vời để tiếp thu tiếng lóng tiếng Anh. (Cho đến ngày nay, chương trình được sử dụng rộng rãi trong các giờ học tiếng Anh ở trường đại học và trung học Trung Quốc). Và tất nhiên, đó cũng là một nguồn cung cấp các bài học hữu ích trong các lĩnh vực khác.

Wu nói: "Vào thời điểm đó, các cuộc thảo luận về giới tính rất hiếm trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Friends đóng vai trò như một hướng dẫn giúp những người trẻ Trung Quốc vượt qua sự bối rối về các mối quan hệ, tuổi dậy thì và duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống".

Roger S. Christiansen, một trong những đạo diễn từng đoạt giải thưởng của "Friends", nói rằng ông rất ngạc nhiên về mức độ nổi tiếng của chương trình khi đến thăm Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2004. Khi làm thành viên ban giám khảo cùng với chín đạo diễn tên tuổi khác tại Liên hoan Truyền hình Thượng Hải, các phóng viên địa phương chỉ "nhăm nhăm" đặt câu hỏi cho ông, và toàn bộ câu hỏi đều là về Friends.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc tỏ ra ít thích thú hơn. Ngay từ rất sớm, người ta đã lo sợ rằng "Friends" sẽ làm hỏng giới trẻ Trung Quốc bằng cách tôn vinh chủ nghĩa cá nhân và thói lăng nhăng tình dục không hề nao núng. Năm 2004, đài truyền hình nhà nước Trung ương Trung Quốc đã bỏ kế hoạch phát sóng loạt phim này.

"Ban đầu chúng tôi nghĩ đây là một bộ phim về tình bạn, nhưng sau khi xem xét kỹ lưỡng chương trình, chúng tôi phát hiện ra mọi nơi đều bàn tán về tình dục", Qin Ming, phó giám đốc CCTV, nói với truyền thông địa phương vào thời điểm đó.

Nhưng theo thời gian, các cơ quan quản lý dần dần nới lỏng kiểm soát đối với việc nhập khẩu chương trình truyền hình nước ngoài. Đến năm 2010, một số chương trình của Mỹ bao gồm "2 Broke Girls" và "Desperate Housewives" đã có mặt trên các nền tảng video lớn của Trung Quốc.

Một góc quán cà phê Central Perk, quán cà phê được mô phỏng giống quán trong phim Friends

Gần đây hơn, "Lý thuyết vụ nổ lớn" (The Big Bang Theory) đã trở thành một hit lớn ở Trung Quốc, các nhân vật lập dị gây ấn tượng với các sinh viên đại học địa phương. Tuy nhiên, "Friends" vẫn là một sitcom yêu thích của người hâm mộ. Vào năm 2012, tám năm sau khi mùa cuối cùng kết thúc, các video của chương trình đã nhận được 420 triệu lượt xem trên các trang web phát trực tuyến của Trung Quốc. Khi nền tảng video Sohu loại bỏ loạt phim này vào năm 2018, với lý do "vấn đề bản quyền" không xác định, người dùng mạng xã hội đã vận động để Sohu khôi phục video. Hashtag bắt đầu bằng # "Friends offline đã được xem hàng triệu lần trên trang tiểu blog Weibo.

Thậm chí ngày nay, giới trẻ Trung Quốc xem "Friends" qua lăng kính về những thất vọng của họ với cuộc sống ở Trung Quốc. Một khách hàng tại quán cà phê ở Central Perk nói rằng cô ấy chủ yếu xem "Friends" để thoát khỏi công việc căng thẳng trong lĩnh vực tài chính.

"Tôi thường xem nó sau một ngày dài mệt mỏi tại nơi làm việc", cô gái 28 tuổi nói. "Chương trình luôn mời chúng tôi đến một nơi vui vẻ, nơi không có văn hóa làm việc 996 (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần)".

"Tôi thích chương trình này vì nó dạy các cô gái trẻ theo đuổi tình yêu đích thực, không bị ràng buộc bởi… những cân nhắc về vật chất vốn được một số gia đình truyền thống Trung Quốc nhấn mạnh", một khách hàng khác, họ Wang, 22 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông cho biết thêm.

Đối với Du, chìa khóa tạo nên sức hút của chương trình là thông điệp mang tính lý tưởng của nó. Anh ấy dự định sẽ bắt đầu cho con trai Joey xem "Friends" khi nó bắt đầu học tiểu học. Mười năm trước, nội dung khiêu dâm của bộ phim hài có thể khiến anh ngại ngùng, nhưng ngày nay chủ đề đó dường như đã bình thường hóa.

"Nó cho chúng ta biết tình bạn thực sự có giá trị như thế nào và tầm quan trọng để theo đuổi ước mơ của mình", anh nói. "Các đạo đức và giá trị trong chương trình nên được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác".

Tuy nhiên, trong tương lai, chủ sở hữu Central Perk cho rằng tầm ảnh hưởng của chương trình này ở Trung Quốc cuối cùng sẽ suy yếu. Trước "Friends: The Reunion", một số nền tảng phát trực tuyến của Trung Quốc đã thông báo sẽ mua lại quyền đối với toàn bộ loạt phim, nhưng Du nói rằng hầu hết mọi người ngày nay thích xem các clip trên Douyin, TikTok ở Trung Quốc.

Du nói: "Thế hệ millennial Trung Quốc bị thu hút bởi những video ngắn với tiết tấu nhanh và cực kỳ phấn khích. "Các chương trình của Mỹ giống như những cuốn tiểu thuyết cổ điển dài tập. Chúng không làm bạn cười mỗi giây, nhưng sẽ kể cho bạn một câu chuyện thực sự kích thích tư duy".

Một số người cũng dự đoán rằng các chương trình truyền hình của Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Một nhà nghiên cứu văn hóa đại chúng tại một trường đại học có trụ sở ở Thượng Hải, từ chối nêu tên do tính nhạy cảm của chủ đề, chỉ ra rằng các chương trình nước ngoài đã bị ảnh hưởng trước các vấn đề chính trị. Mặc dù "Friends" nổi tiếng phi chính trị, chương trình phát sóng về cuộc hội ngộ ​​ở Trung Quốc đã gây ra tranh cãi.

Nhà nghiên cứu nói: "Các sản phẩm văn hóa là thứ dễ bị xóa sổ nhất".

Du rất thất vọng, nhưng anh không để nó làm hỏng kế hoạch của mình. Anh ấy vừa kết thúc cả một tuần bằng những bữa tiệc xem "Friends: The Reunion" hàng ngày.

Du Xin và vợ, "Rachel," chụp ảnh tại quán cà phê Central Perk, ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang.

Du nói: "Điều hành chuỗi quán cà phê không phải là một công việc kinh doanh của tôi, mà là một cỗ máy dệt ước mơ". Mọi người cần một nơi để họ có thể cởi bỏ áo giáp sau giờ làm việc và giải phóng những tổn thương của mình.

Huyền Trần

Chủ đề khác