VnReview
Hà Nội

G7 chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền, yêu cầu điều tra nguồn gốc COVID-19

Các nhà lãnh đạo G7 gần đây đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về vụ việc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, kêu gọi Hồng Kông duy trì mức độ tự chủ cao và yêu cầu một cuộc điều tra kỹ càng và toàn diện về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Sau cuộc thảo luận hôm Chủ Nhật vừa qua, các nhà lãnh đạo G7 đã ban hành một thông cáo cuối cùng mang tính chỉ trích cao, đi sâu vào những vấn đề nhạy cảm nhất đối với Trung Quốc, bao gồm cả vụ việc liên quan đến eo biển Đài Loan.

Bên cạnh sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 và kết thúc Chiến tranh Lạnh, sự trở lại của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc hàng đầu thế giới được coi là một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Sự chuyển mình mạnh mẽ của Trung Quốc cũng khiến Mỹ không khỏi lo lắng. Theo đó, Tổng thống Joe Biden cho biết coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính và tuyên bố sẽ đối đầu với "sự lộng hành về kinh tế" của Trung Quốc và ngăn chặn các hành vi vi phạm nhân quyền.

Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Trung Quốc phối hợp điều tra nguồn gốc COVID-19

Người đại diện của G7 cho biết: "Trung Quốc cần tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là trong vụ việc liên quan đến người Tân Cương cũng như duy trì mức độ tự chủ cao cho Hồng Kông như những gì đã nêu trong Tuyên bố chung Trung-Anh. Chúng tôi cũng kêu gọi tiến hành nghiên cứu minh bạch trong thời gian sớm nhất về nguồn gốc COVID-19 giai đoạn 2 với sự dẫn dắt và giám sát của các chuyên gia WHO".

Động thái chỉ trích của G7 được cho là nhằm đáp trả những phát ngôn trước đó từ phía Trung Quốc, cho rằng thời đại mà một nhóm quốc gia quyết định số phận của cả thế giới đã 'qua lâu rồi'.

G7 cũng nhấn mạnh rằng họ coi trọng sự ổn định trên khu vực eo biển Đài Loan, khuyến khích giải quyết các vấn đề xuyên eo biển bằng biện pháp hòa bình: "Chúng tôi thực sự quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông (khu vực chứa eo biển Đài Loan) và phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng".

Nghi vấn cưỡng bức lao động tại Tân Cương

G7 cho biết họ lo ngại về tình trạng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng mặt trời và may mặc: "Chúng tôi lo ngại về việc sử dụng tất cả các hình thức lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả lao động cưỡng bức do nhà nước bảo trợ đối với các nhóm dễ bị tổn thương và thiểu số trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng mặt trời và may mặc".

Bắc Kinh đã nhiều lần chống lại những gì quốc gia này cho là nỗ lực của các cường quốc phương Tây nhằm kiềm hãm sự phát triển của quốc gia tỉ dân, họ cho rằng nhiều cường quốc lớn vẫn bị mắc kẹt bởi tư duy đế quốc lỗi thời sau nhiều năm hạ bệ Trung Quốc.

Các chuyên gia và các nhóm nhân quyền của Liên Hợp Quốc ước tính hơn một triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong những năm gần đây trong các trại ở Tân Cương.

Phía Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc cưỡng bức lao động hoặc lạm dụng. Ban đầu họ phủ nhận sự tồn tại của các trại này, sau đó cho biết đó chỉ là các trung tâm đào tạo nghề và được xây dựng để chống lại chủ nghĩa cực đoan. Vào cuối năm 2019, Trung Quốc cho biết tất cả những người trong các trại đều đã hoàn thành việc đào tạo.;                 

Yen Kim (Theo Reuters)

Chủ đề khác