VnReview
Hà Nội

Cuộc sống áp lực, nhiều thanh niên Trung Quốc chọn cách buông xuôi

Giới trẻ Trung Quốc đang tỏ ra chán chường trước một tương lai vô định khi phải đối mặt với áp lực công việc, tăng ca quá sức hay chi phí sinh hoạt cao. Thay vì nỗ lực làm việc để mua nhà, xe hơi hay thậm chí là kết hôn, họ buông bỏ để chọn cách "nằm yên, mặc kệ tất cả".

Từ nhân viên văn phòng ở các thành thị nhộn nhịp đến sinh viên đại học, một nhóm người trẻ tuổi Trung Quốc tỏ ra thờ ơ và đồng loạt đăng lên mạng xã hội để tuyên truyền thông điệp "Tang ping" (triết lý nằm phẳng).

Trên khắp cả nước, những chiếc áo phông in khẩu hiệu cổ vũ triết lý nằm phẳng đã trở thành mặt hàng bán chạy và khiến các cơ quan chức năng vào cuộc để trấn áp. Cùng với đó, họ bày tỏ lo ngại nền kinh tế và trật tự quốc gia sẽ phải đối mặt với một thách thức mới, khi mà người trẻ không còn nỗ lực lao động vì áp lực cuộc sống.

Áp lực cuộc sống khiến nhiều người trẻ buông bỏ

Triết lý nằm phẳng được cho là bắt nguồn từ một bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc, trong đó người đăng bài nói mình chỉ tiêu 200 nhân dân tệ mỗi tháng, ăn ngày 2 bữa và không làm việc trong 2 năm.

Thay vì đưa bản thân vào guồng quay kỳ vọng của gia đình hay chạy theo thành công của bạn bè, người này chọn cách nằm yên bởi "ngày càng thất vọng với văn hóa làm việc vắt kiệt sức của xã hội hiện đại". Cuối cùng, họ nhận ra đời sống ít ỏi đó lại khiến cải thiện về thể chất và tự do về tinh thần.

Tuy bài đăng gốc đã bị loại bỏ ngay sau đó, các bản sao vẫn lan truyền nhanh chóng trên Internet và làm dấy lên làn sóng cộng đồng. Các nội dung video đề cập đến triết lý nằm phẳng cũng thu hút hàng triệu lượt xem.

Jane Peng, một sinh viên đại học 19 tuổi ở Quảng Đông, cho biết: "Chủ đề đang được thảo luận sôi nổi trong giới sinh viên đại học. Chúng tôi dường như đã nhận ra và tìm thấy lối thoát mới".

Elaine Tang, nhân viên tại một công ty công nghệ có trụ sở ở Quảng Châu, cho biết cụm từ trên đã thu hút sự chú ý đặc biệt với giới trẻ Trung Quốc.

"Trong những năm qua, giá nhà tăng vọt, khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội ngày càng cao. Tầng lớp thượng lưu và giới quan chức nắm giữ tài sản ngày một nhiều, trong khi tầng lớp lao động như chúng tôi phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần nhưng vẫn không đủ tiền mua nhà hay sinh con", một phụ nữ giấu tên 35 tuổi, đã lập gia đình được 7 năm nhưng chưa có con, nói.

Hu Ai làm việc cho một công ty truyền thông chia sẻ, cô cảm thấy an ủi phần nào khi trào lưu đấu tranh "Tang ping" của giới trẻ nổi lên.

Trong dịp nghỉ lễ Lao động 1/5, khi đang bị kẹt xe cùng bố mẹ trên đường cao tốc, Ai nhận được cuộc điện thoại của sếp và người này yêu cầu "tôi đi đến ga tàu điện ngầm gần nhất để quay về làm việc gấp". Khi đó, Ai nhận ra văn hóa làm việc cực lực của Trung Quốc trở nên quá đáng.

Một cuộc khảo sát trên Weibo, diễn ra từ ngày 28/5 – 3/6, cho thấy 61% trong số 241.000 người tham gia trả lời rằng họ muốn sống theo "triết lý nằm phẳng". Nền kinh tế Trung Quốc suy thoái do đại dịch Covid-19 và căng thẳng với Mỹ càng khiến nhiều người dễ tiếp thu lý tưởng mới hơn.

Phong trào này đã khiến giới chức trách Trung Quốc lo ngại vì tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế; và giấc mơ trẻ hóa dân số. Về lâu dài, trào lưu "nằm yên, mặc kệ tất cả" không chỉ ảnh hưởng đến sức tiêu dùng của thị trường, phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh.

Theo các nhà kinh tế học và hoạt động vì xã hội, điều này đã ăn sâu vào cổ tức nhân khẩu học của đất nước và đe dọa đến hệ thống phúc lợi xã hội. Trong vài tuần qua, những người nổi tiếng và truyền thông Trung Quốc, đại diện cho tiếng nói chính phủ, đã đăng các thông điệp, bài viết phản đối "triết lý nằm phẳng". Các nhóm thảo luận về chủ đề này cũng đều bị gỡ bỏ trên nhiều trang mạng xã hội.

"Trung Quốc đang giai đoạn quan trọng nhất trên sứ mệnh dài hơi nhằm trẻ hóa quốc gia. Những người trẻ tuổi là niềm hy vọng của đất nước. Hoàn cảnh cá nhân của họ cũng như hoàn cảnh đất nước này sẽ không cho phép họ nằm yên", bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhật báo nhân dân, cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc, viết.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc cổ súy cho triết lý sống nhàn rỗi là điều dễ hiểu. "Nếu làn sóng này trở nên phổ biến, nó sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng của giới trẻ về tăng trưởng thu nhập, tiêu dùng, kết hôn và sinh con", tiến sĩ Gavin Sin Hin Chiu, cựu phó giáo sư Đại học Thâm Quyến, nói.

Điều này gây bất lợi cho khả năng tránh bẫy thu nhập trung bình của Trung Quốc. Chiu mô tả phong trào "nằm yên, mặc kệ tất cả" là một hình thức phản kháng chống lại văn hóa lao động triệt để mà các nhà cầm quyền Trung Quốc đã thúc đẩy giai cấp công nhân kể từ khi bắt đầu thời kỳ cải cách và mở cửa đất nước cách đây 40 năm.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 10.000 USD vào năm 2019. Đây được xem là thành tựu phát triển mà nhiều quốc gia mong muốn do không thể chuyển từ sản xuất chi phí thấp sang các ngành công nghệ cao.

"Các quan chức và học giả địa phương lo ngại về hiện tượng nằm phẳng vì nó phản ánh sự phản kháng của giới trẻ đối với mô hình kinh tế và xã hội, cũng như sự nhầm lẫn của họ về quan điểm chính trị", Peng Peng, chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông cho biết.

Những tưởng trong bối cảnh nền kinh tế phát triển chậm do dịch bệnh và chiến tranh thương mại, mọi người đều phải học tập và làm việc chăm chỉ hơn trước. Song họ phải đối mặt với thu nhập giảm, nguy cơ thất nghiệp và chi phí sinh hoạt tăng.

Văn hóa làm việc "996" là một trong những tác nhân chính

Người trẻ làm việc trong môi trường công nghệ là những người đầu tiên hưởng ứng "triết lý nằm phẳng", vì họ đã thấu hiểu văn hóa "996", nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần. Thậm chí một số vùng còn áp dụng văn hóa "007", làm việc từ 0 giờ sáng đến 0 giờ tối xuyên suốt 7 ngày trong tuần.

Nhà sáng lập đế chế Alibaba, tỷ phú Jack Ma là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ văn hóa "996", cho rằng chỉ những ai "may mắn" mới làm việc 72 giờ một tuần. Tại Trung Quốc, việc thực thi luật lao động thiếu chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng làm việc quá sức một cách tràn lan. Những câu chuyện về người lao động chết trên bàn làm việc hay bị trầm cảm, kiệt sức không phải là hiếm.

Đầu năm 2021, công ty thương mại điện tử Pinduoduo đã có một phen rúng động khi hai nhân viên làm việc tại đây thiệt mạng do làm việc quá sức. Một công nhân gục xuống và đột tử sau khi làm việc tại văn phòng đến 1:30 sáng. Hai tuần sau, công ty tiếp tục hay tin một nhân viên tự tử. Tiếp sau đó, nội bộ công ty đã lan truyền thông tin việc phải lao động hơn 12 tiếng một ngày.

"Nhiều người làm việc chăm chỉ cả đời nhưng vẫn không mua được nhà. Có lẽ chúng ta nên từ bỏ mục tiêu này cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn", Frank Lin, một kỹ sư tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá nhất Trung Quốc, người ủng hộ "triết lý nằm phẳng", cho biết.

"Tốt nghiệp trường đại học hàng đầu không có nghĩa là có cơ hội mua nhà", Lin nói.

Đối với Hu, người trải qua quãng thời gian làm việc quá sức, "nằm yên, mặc kệ tất cả" giúp cô cảm thấy thoải mái hơn. "Tôi từng rất muốn đi mua sắm, tiêu tiền để giải stress. Nhưng giờ đây sống đơn giản, không làm việc quá giờ, nghỉ hai ngày trong tuần và có mức lương 4.000 nhân dân tệ một tháng là tốt rồi. Tôi không còn thiết tha nỗ lực gì nữa", Hu nói.

Qiu Weiliang, 31 tuổi hiện đang làm mẹ đơn thân cho biết, cô chọn theo đuổi lối sống "nằm phẳng" vào năm ngoái sau khi thất bại trong việc kinh doanh và hôn nhân. Hiện tài khoản ngân hàng của cô không còn nhiều "nhưng lại cảm thấy thoải mái hơn so với cuộc sống trước đây, thời điểm tôi chỉ ngủ bốn tiếng mỗi ngày vì bận rộn công việc, nuôi con và tốn thì giờ cãi vã", Qiu cho biết.

Mỗi tháng, Qiu thường chi từ 3.000 – 4.000 nhân dân tệ (từ 10 – 14 triệu đồng), chủ yếu cho các sự kiện như giải cứu chó mèo đi lạc. Qiu hiếm khi mua các sản phẩm điện tử và quần áo như trước, cũng không quan tâm đến việc cửa hàng nhỏ mà cô đang điều hành có thể kiếm được bao nhiêu.

Trả lời với Thời báo Hoàn Cầu, các nhà giáo và xã hội học cho biết thế hệ trẻ Trung Quốc, hầu hết có xuất thân từ gia đình một con, thường tự cho mình là trung tâm và nhạy cảm hơn trước những áp lực so với thế hệ trước. "Thay vì tuân theo những ‘đức tính' đấu tranh, chịu đựng và hy sinh để đối diện với căng thẳng cuộc sống, họ chọn cách trốn tránh tạm thời như một sự hỗ trợ và điều chỉnh", các chuyên gia phân tích.

"Cư dân mạng ủng hộ trào lưu nằm phẳng khiến tôi cảm thấy được an ủi. Nhiều người có chung quan điểm sống chậm để thoát khỏi áp lực công việc", Zhao Ziyin, 25 tuổi. - nhân viên phòng kế hoạch tiếp thị của một công ty bất động sản nổi tiếng ở Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc, trả lời báo chí.

Đối với Zhao, việc chia sẻ tinh thần "nằm yên" cùng những người bạn trên mạng xã hội là cách giúp cô bình tâm sau khi vượt qua khó khăn trong công việc. Cô chọn lối sống này sau khi cảm thấy quá sức với văn hóa làm việc "996" nhàm chán của công ty.

"Trước đây, tôi không dám nói ra sự bất mãn của mình và giấu kín trong lòng. Nhưng giờ, tôi đã tìm được lối thoát. Hơn nữa, tôi học được rằng làm việc chăm chỉ không có nghĩa là bạn phải tiến bộ theo từng giây từng phút. Nghỉ ngơi một thời gian ngắn sau khi làm việc vất vả có thể là một trong những cách tốt nhất để lấy lại năng lượng và tiếp tục bước đi", Zhao chia sẻ.

Áp lực trong mỗi gia đình

Bên cạnh vấn đề cạnh tranh trong môi trường làm việc, các bậc cha mẹ trẻ Trung Quốc cũng chịu áp lực cạnh tranh với nhau và ra sức thúc ép con mình học tập, cho rằng con mình có thể "thua thiệt ngay từ vạch xuất phát". Một số vị phụ huynh phân trần với Thời báo Hoàn cầu rằng họ cảm thấy áp lực khi con cái của bạn bè cùng lứa tỏ ra thông minh hơn.

Về phương diện học tiếng Anh, tiêu chuẩn thông minh và tài năng của các phụ huynh nơi đây là một đứa trẻ 6 tuổi có thể "đọc bản gốc tiếng Anh của bộ truyện Harry Potter", Li Stitian, một phụ huynh cho biết.

Li và chồng mình đã chi từ 40.000 – 50.000 nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 140 -180 triệu đồng) chỉ để đầu tư các buổi học thêm cho cô con gái 7 tuổi. Từ khi lên 3, con gái của Li đã được học tiếng Anh, toán, âm nhạc, mỹ thuật, piano, cờ vây và bơi lội. Cho đến nay, những lớp học đó đã lấy đi phần nào tuổi thơ của đứa bé. "Ngay cả bây giờ, con gái của tôi chỉ có thể nghỉ ngơi vào thứ Bảy, vì ngày Chủ Nhật của nó luôn chật kín lịch học các lớp phụ đạo", Li than thở.

Dưới áp lực ngày càng lớn từ việc nuôi dạy con đến trang trải cuộc sống, việc một bộ phận người trẻ cố gắng sống giản dị và bỏ lại những lâu âu cũng là điều dễ hiểu, các học giả Trung Quốc nhận định.

Những ý kiến phản đối làn sóng "nằm phẳng"

Tuy nhiên không phải ai cũng có suy nghĩ hưởng ứng làn sóng "nằm im, mặc kệ tất cả". Một số người cho rằng đó là một ý tưởng trung lưu và chỉ dành cho những ai có mức thu nhập nhất định. Yixiang Zhou, 27 tuổi, người làm việc trong lĩnh vực pháp lý ở Quảng Châu, cho biết: "Ý tưởng về việc nằm xả hơi thật nực cười đối với tôi".

"Tôi không thể làm vậy vì bố mẹ tôi ngày một già đi. Đến thời điểm nhất định, họ buộc phải nghỉ hưu thì ai sẽ là người giúp đỡ họ. Ai sẽ chi trả chi phí sinh hoạt và thăm khám sức khỏe nên tôi lãng phí tuổi trẻ để làm việc của mình?", Zhou nói với tờ Insider.

Li-li Fang, sinh viên đại học 21 tuổi, cho biết nghĩ đến việc "nằm phẳng" là dấu hiệu của một thái độ không tốt.

"Theo tôi thấy, "nằm im chỉ có thể được thực hiện bởi hai loại người: Những người đủ giàu để theo đuổi lối sống lười biếng, hoặc những người thất bại, không ngại nghèo mãi mãi", cô nói. "Đừng lười biếng hoặc không muốn làm việc với ý tưởng bất chấp những chuẩn mực xã hội đáng trân trọng này. Hãy tìm một công việc và ngừng ăn bám gia đình. Hãy làm cho bản thân trở nên hữu ích".

Ngọc Diệp (Theo SCMP)

Chủ đề khác