VnReview
Hà Nội

Nông dân Úc đau đầu tìm phương thức xử lý đại dịch chuột phá hoại

Sự phá hoại của lũ chuột mang đến sự tuyệt vọng cho người nông dân và giải pháp khả dĩ mang tên hóa chất cũng có thể chỉ là một "ly rượu độc".

Bệnh dịch chuột mới nhất của Úc đang tàn phá kinh tế và xã hội ở New South Wales, bang đông dân nhất của đất nước.

Đối với các nhà hoạt động vì động vật, chuột là những sinh vật nhỏ bé thông minh và thú vị, có quyền được sống; đối với những gia đình nông dân phải đối mặt với cảnh điêu tàn khi chứng kiến công sức vụ ​​mùa của mình biến mất dưới sự tấn công của loài gặm nhấm thì chuột là những kẻ xâm lược ngoài hành tinh sinh sản nhanh chóng, những kẻ để lại dấu vết tàn phá và dịch bệnh khi xuất hiện. Đối với những động vật ăn thịt bản địa như đại bàng, cú, rắn và goanna (thằn lằn;khổng lồ), số lượng chuột tăng đột biến mang đến cho chúng những bữa tiệc thịnh soạn nhưng lại kèm theo hiểm họa chết người.

Kể từ khi "gia nhập" Hạm đội 1 cùng với những người Anh định cư đầu tiên vào năm 1788, loài gặm nhấm nhỏ bé này đã tự khẳng định mình là một "loài xâm lấn xuất sắc", theo quan điểm của chuyên gia về chuột Bill Bateman, phó giáo sư tại Đại học Curtin của Tây Úc.

Với thức ăn và điều kiện thời tiết lý tưởng, chuột phát triển mạnh ở những vùng trồng ngũ cốc rộng lớn của Úc, giao phối xa với các loài bản địa để cuối cùng đạt đến số lượng bệnh dịch hiện đang tàn phá kinh tế và xã hội ở bang đông dân nhất của nước này, New South Wales.

Một chuyên gia về chuột, Steve Henry của cơ quan khoa học quốc gia CSIRO, tính toán bệnh dịch xảy đến ở Úc khoảng một lần trong một thập kỷ. Ông giải thích: "Chuột có thể sinh sản từ khoảng 6 tuần tuổi và có thể tái sinh sản từ 19 đến 21 ngày một lần. Một lứa của chúng có thể tới 10 con, và ngay khi có một lứa, chúng lại sinh sản". Mùa đông thường làm chậm hoạt động sinh sản, nhưng vẫn chưa ai rõ năm nay sẽ diễn biến như thế nào. Những trận dịch tồi tệ nhất trước năm 2021 là vào năm 1993-1994 và năm 1979.

Đối với những người nông dân tuyệt vọng tìm cách chống lại số lượng chuột quá đông, một cách ứng phó đó là sử dụng bromadiolone, một hóa chất gây tử vong mà một số nơi còn gọi là "bom napalm đối với chuột". Việc sử dụng nó như một loại mồi trên ngũ cốc đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về phương thức tốt nhất để xử lý đợt dịch hạch năm nay, khi mà các nhà môi trường học và học giả cho rằng các yếu tố gây hại của bromadiolone lấn át sự hiệu quả.

Một người nông dân cởi dây thừng giữ tấm bạt che phủ cỏ khô bị chuột phá hủy ở Gilgandra, New South Wales, vào ngày 31 tháng 5.

Bromadiolone là một loại thuốc diệt chuột chống đông máu siêu mạnh có thể gây tử vong chỉ sau một lần ăn phải. Nhưng nó cũng đem đến cái chết cho các loài động vật khác và gây ra rất nhiều mối lo ngại về sự an toàn trong chuỗi thực phẩm đến mức cơ quan quản lý độc lập về thuốc trừ loại gây hại của Úc - Cơ quan Thuốc trừ sâu và Thú y Úc (APVMA), đến nay vẫn chưa cho phép loại thuốc này được sử dụng rộng rãi.

Kể từ tháng 11 năm 2020, số lượng chuột đã tăng vọt do kết quả của vụ thu hoạch mùa xuân và mùa hè bội thu ở các khu vực trồng ngũ cốc của Úc. Trong 8 tháng qua, nông dân ở New South Wales và một số bang lân cận của Victoria và Queensland đã phải chứng kiến sinh kế của họ bị phá hủy bởi những "quân đoàn" chuột nhai ngấu nghiến cánh đồng lúa mì và các khu vực lưu trữ ngũ cốc, cắn xé các đường dây điện gây ra sự cố mất điện đối với máy móc và nhà cửa, và đôi khi còn cắn người khi họ ngủ trên giường.

Hiệp hội nông dân - NSW Farmers, ước tính dịch chuột sẽ cắt giảm hơn 1 tỷ đô la Úc giá trị nông sản vụ đông sắp tới của bang. Chỉ một mùa đông khắc nghiệt, lũ lụt diện rộng, hoặc nhiễm độc nặng mới có thể phá vỡ chu kỳ sinh sản của chuột.

Theo Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Nông thôn và các vùng hẻo lánh của Đại học Newcastle, thì những căng thẳng của cuộc sống trồng trọt đang đè nặng lên các cộng đồng nông thôn, với tỷ lệ tự tử trung bình cao hơn 50% so với các thành phố lớn.

Bầy chuột chạy nhốn nháo khi một người nông dân nâng tấm bạt phủ ngũ cốc dự trữ, tại Tottenham, New South Wales, vào ngày 19 tháng 5.

Khi mà nhiều hộ nông dân đã phải "quỳ gối" sau nhiều năm chống chọi với hạn hán, sau đó là cháy rừng, lũ lụt, đại dịch COVID-19 và bây giờ là bệnh dịch chuột, chính quyền bang New South Wales đã phải yêu cầu APVMA chấp thuận khẩn cấp để sử dụng bromadiolone. Điều đó đã làm dấy lên các cuộc phản đối từ các nhà hoạt động vì quyền động vật và sự không đồng thuận giữa đồng tình và không tán thành của cộng đồng khoa học.

Tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật People for the Ethical Treatment of Animals Australia, xem chuột là "cá thể thông minh, thú vị" cần một nơi sinh sống. Họ cho rằng chuột cảm thấy đau đớn và sợ hãi, tương tự như chó, mèo và những người nông dân. "Nếu chúng bị giết, thì càng không đau đớn càng tốt, chứ không phải là những chất độc gây thương tổn ruột, đem đến cái chết chậm chạp, đau đớn cho cho chuột hoặc các động vật khác có thể ăn phải chất độc hoặc những nạn nhân của chất độc", PETA cho biết.

Điều đó đã dẫn đến một phản ứng gay gắt từ Phó Thủ tướng Australia Michael McCormack, người lãnh đạo Đảng Quốc gia trong chính phủ liên bang. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình gần đây, McCormack đã tuyên bố: "Con chuột tốt duy nhất là con chuột chết". Ông nói rằng các tổ chức thậm chí phải xem xét lại việc tìm một nơi sinh sống cho chuột hoặc cứu chúng là điều nực cười. "Điều đó cực kỳ, cực kỳ ngớ ngẩn", ông nói thêm.

Nếu APVMA chấp thuận, 20 thị trấn ở New South Wales sẽ tổ chức các điểm xử lý ngũ cốc có bromadiolone, bộ trưởng nông nghiệp NSW Adam Marshall cho biết hóa chất này sẽ được sử dụng trong phạm vi cây trồng làm mồi. Nông dân sẽ nhận được chất độc miễn phí, nhưng hóa chất sẽ chỉ do nhân viên Dịch vụ Đất đai Địa phương xử lý để đảm bảo không có động vật hoang dã nào khác bị tổn hại.

Một nông dân trồng ngũ cốc xử lý những con chuột bị mắc bẫy trên khu đất của mình ở Gilgandra vào ngày 30 tháng 5.

Kể từ tháng 1, APVMA đã cho phép khẩn cấp sử dụng các phiên bản cường độ gấp đôi của chất độc thấp cấp hơn như là kẽm photphua dưới nhiều tên thương hiệu khác nhau như MouseOff, DeadMouse, SureFire và Last Supper.

APVMA cảnh báo rằng chất độc này vẫn độc đối với các loài động vật hoang dã, chim bản địa và rất độc đối với đời sống thủy sinh. "Các cánh đồng phải được giám sát chặt chẽ, tránh các loài không phải mục tiêu trong suốt giai đoạn trước khi bắt mồi", họ nói.

Theo quan điểm của Phó Chủ tịch Nông dân NSW Xavier Martin, thời gian không ngừng trôi và nếu không có nỗ lực vào tháng Sáu này, bệnh dịch chuột có khả năng tồn tại trong hai năm. Ông nói: "Mỗi ngày chúng ta trì hoãn thực hiện các hành động hiệu quả để kiểm soát lũ chuột, sẽ làm tăng thiệt hại kinh tế và khả năng chúng ta sẽ phải tiếp tục chiến đấu với chúng vào dịp Giáng sinh".

Tiến sĩ Ian Musgrave, một giảng viên cao cấp của khoa y tại Đại học Adelaide, cho biết quy mô không giới hạn của bệnh dịch cho thấy bẫy và phương pháp tiếp cận không gây tử vong sẽ "không có hy vọng" đối với việc kiểm soát số lượng chuột. Ông nói rằng cả kẽm phosphide và bromadiolone đều độc hại đối với con người, nhưng với các quy trình xử lý an toàn được khuyến nghị, "người nông dân sẽ có rủi ro không đáng kể".

Chuột ở vùng Darling Downs của Queensland. Ảnh: Grant Singleton.

Tiến sĩ Peter Brown, người đứng đầu nhóm quản lý loài gặm nhấm tại CSIRO Health & Biosecurity, cho biết bromadiolone là chất chống đông máu thế hệ thứ hai có hiệu lực cao và hoạt động trong một lần ăn phải. "Vì có sự trì hoãn trong việc khởi phát các triệu chứng, loài gặm nhấm không thể liên kết giữa việc ăn phải thuốc diệt chuột với việc bị bệnh. Chúng thường chết từ ba đến bảy ngày sau khi ăn phải bả".

Theo Hiệp hội Hoàng gia về Ngăn chặn Sự tàn ác đối với Động vật Australia, xác của một loài gặm nhấm bị nhiễm độc có "nguy cơ đáng kể" nếu bị các loài động vật khác, bao gồm cả động vật hoang dã bản địa ăn. Một nghiên cứu gần đây của Úc cho thấy rằng hơn 70% cú boobook đã chết và hấp hối được lấy mẫu cho thấy chúng đã tiếp xúc với thuốc chống đông máu loài gặm nhấm.

Khả năng gây chết người của Bromadiolone đối với các động vật khác và có thể là cả con người đã khiến một nhóm các học giả nổi tiếng về động vật hoang dã tuyên bố đây là một "ý tưởng tồi" và cảnh báo về mối nguy hiểm đối với con người khi ăn phải động vật hoặc sản phẩm động vật bị nhiễm độc.

Họ cho biết: "Mặc dù bromadiolone tiêu diệt chuột hiệu quả, nó cũng ngấm ngầm đi vào chuỗi thức ăn để đầu độc những kẻ săn mồi ăn thịt chuột và các loài khác. Những kẻ săn mồi này, từ đại bàng đuôi nêm đến goanna đang tranh nhau thưởng thức bữa tiệc mồi dồi dào của chúng".

Các nhà khoa học cho biết con người có nguy cơ bị phơi nhiễm khi ăn trứng đẻ ra từ gà ăn phải chuột nhiễm độc hoặc trực tiếp hơn từ việc ăn các động vật khác có thể đã ăn phải chuột nhiễm độc.

"Sử dụng kẽm phosphide cường độ gấp đôi có thể ít gây ra ngộ độc thứ cấp hơn, nhưng đó là khi được sử dụng rất cẩn thận", họ cho biết, đồng thời lưu ý rằng dịch chuột là một chu kỳ thường xuyên ở Úc. "Thuốc diệt loài gặm nhấm thế hệ thứ hai sẽ chỉ tiêu diệt và làm suy yếu các quần thể động vật ăn thịt mà chúng ta cần đến để giúp chống lại đợt dịch tiếp theo".

Bateman của Đại học Curtin nói rằng mặc dù thuốc diệt chuột có thể giữ vai trò của mình, nhưng việc bảo vệ tuyến đầu chống lại bệnh dịch chuột phụ thuộc vào việc duy trì môi trường sống trên đất nông nghiệp hỗ trợ các động vật ăn thịt tự nhiên như chim săn mồi, động vật ăn thịt bản địa, rắn và thằn lằn lớn.

Giang Vu (theo Nikkei)

Chủ đề khác